main billboard

Úc là nơi có khoảng 250.000 người Việt sinh sống nhưng với người Việt Nam ở những nơi khác, kể cả ở Việt Nam, đó vẫn là một đất nước khá xa lạ.

australiaMột lần, một người cháu của tôi ở Mỹ hỏi tôi: “Ở Úc, người ta nói tiếng gì hả bác?” Mà không phải chỉ người Việt Nam. Một sinh viên của tôi, người Úc, sau khi tốt nghiệp, sang Mỹ làm việc một năm; về, anh kể: một số đồng nghiệp của anh, người Mỹ, ngạc nhiên hỏi: “Mày học tiếng Anh từ bao giờ mà nói tiếng Anh giỏi quá vậy?”.

Nhân dịp chính phủ Úc vừa công bố kết quả cuộc điều tra dân số toàn quốc được thực hiện vào năm 2011, tôi nghĩ cũng nên giới thiệu với bạn đọc xa gần ít nét về quê hương thứ hai của 250.000 đồng bào người Việt.

Úc, Australia, xuất phát từ từ australis trong tiếng Latin, nghĩa là phía nam. Trước, người Tây phương xem Úc như một vùng đất vô danh ở phía nam (Terra Australis Incognita); sau, từ đầu thế kỷ 19, khi người Anh phát hiện ra Úc, họ mới bỏ chữ “vô danh” ấy đi, chỉ còn lại vùng đất phương nam (Terra Australis); và, cuối cùng, nó thành Australia.

Úc, thật ra, là cả một lục địa. Với diện tích 7.617.930 cây số vuông, đó là lục địa nhỏ nhất trên thế giới. Nhưng nếu xem nó chỉ là một hòn đảo thì đó lại là hòn đảo lớn nhất trên thế giới. Các nhà nghiên cứu thường gọi Úc là một lục địa – đảo (island continent). Với tư cách một nước, Úc có diện tích lớn đứng hàng thứ sáu, chỉ sau Nga (16.995.800 cây số vuông), Trung Quốc (9.326.410 cây số vuông), Mỹ (9.161.923 cây số vuông), Canada (9.093.507 cây số vuông) và Brazil (8.514.215 cây số vuông).

Dân số Úc, tính vào cuối tháng 3 năm 2012, có 22.596.500 người. Ở Úc có sáu tiểu bang và hai vùng lãnh thổ. Dân số ở từng nơi như sau:

New South Wales     7 272.800
Victoria     5 603.100
Queensland     4 537.700
South Australia     1 650.600
Western Australia     2 410.600
Tasmania     512.100
Northern Territory     233.300
Australian Capital Territory     373.100
Australia (tổng cộng)     22 596.500

Mật độ dân cư trung bình trên mỗi cây số vuông, như vậy, là 2.9. Nhìn chung, Úc là nơi có mật độ dân cư thấp đứng hàng thứ hai trên thế giới (chỉ trên Mông Cổ và Western Sahara: cả hai đều có 2 người/km2). (Trong bảng xếp hạng mật độ dân số, Việt Nam được xếp vào hạng thứ 36, nơi có 268 người/km2.)

Tuy nhiên, phần lớn người Úc sinh sống ngoài rìa lục địa (chính giữa là sa mạc, khí hậu oi bức, hiếm khi có mưa, rất ít người ở; có nơi, như ở Northern Territory chỉ có 0.2 người/km2) nên mật độ dân số ở các thành phố cũng khá cao. Ví dụ, ở Canberra, thủ đô Úc, mật độ dân số vào năm 2008 là 147 người/cây số vuông. Ở Sydney, thành phố lớn nhất nước Úc, mật độ dân số, ở miền đông, lên đến 8.800 người/km2; ở miền tây, 7.900 người/km2, tức là cao hơn cả Paris (3.550 người/km2), London (5.100) và Los Angeles (2.750).

Nhìn vào các yếu tố vừa nhắc, chúng ta thấy ngay Úc có khá nhiều nghịch lý:

Thứ nhất, đất rộng nhưng người thì ít.

Thứ hai, trên diện tích mênh mông như vậy, người Úc lại thích sống chen chúc vào nhau trong các thành phố lớn khiến, một, mức độ đô thị hóa ở Úc rất cao (khoảng 90% dân số sống ở thành phố); và hai, mật độ dân cư trong các thành phố ấy cũng thuộc loại cao nhất thế giới.
Thứ ba, tuy dân số ít (đứng hàng thứ 52 trên thế giới), nhưng kinh tế của Úc lại khá mạnh (được xếp hàng thứ 13 trên thế giới, tính theo chỉ số GDP); chỉ số phát triển con người (human development index) lại càng cao (đứng hàng thứ 2 trên tổng số 187 quốc gia được tính trên thế giới; chỉ sau Đan Mạch).

Suốt cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong suốt gần một thập niên vừa qua, Úc là quốc gia ổn định nhất: tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức khoảng 5%, tốc độ phát triển trung bình trong suốt cả 21 năm vừa qua là trên 3% (cao nhất trong tất cả các nước phát triển).

Thứ tư, kinh tế của nước Úc khá cao nhưng đời sống của dân chúng thì cũng khá chật vật. Theo sự xếp hạng của Economist Intelligence Unit vào đầu năm 2012, hai thành phố lớn nhất của Úc, Sydney và Melbourne đều nằm trong danh sách các thành phố đắt đỏ nhất thế giới (Sydney hạng 7 và Melbourne hạng 8), chỉ sau Zurich (Thụy Sĩ), Tokyo (Nhật), Geneva (Thụy Sĩ), Osaka Kobe (Nhật), Oslo (Na Uy) và Paris (Pháp). Trong vòng 10 năm qua, giá một ổ bánh mì ở Sydney tăng gần gấp đôi, giá xăng tăng gấp ba, và giá gạo tăng gấp bốn lần. Vật giá ở Sydney, nói chung, cao hơn ở thành phố New York 50% (cách đây 10 năm, nó chỉ bằng 25% ở New York!) Các thành phố lớn khác ở Úc, tuy không đắt đỏ bằng Sydney và Melbourne nhưng cũng nằm ở những hạng rất cao trên thế giới, ví dụ, Perth: thứ 12, Brisbane: thứ 13; và Adelaide: 17.

Tiền điện các gia đình Úc trả hàng tháng trong năm 2011 cao hơn hẳn ở Nhật, Cộng đồng Âu châu, Mỹ và Canada. Ở Úc, giá điện mỗi tiểu bang mỗi khác. Ở tiểu bang Nam Úc, giá mỗi kilowatt điện là 28.6 cents, mắc hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Đan Mạch (31.4 cents) và Đức (28.7 cents). Đứng ngay sau Nam Úc là các tiểu bang New South Wales (thứ 4), Victoria (thứ 5) và Tây Úc (thứ 6):


Các nhu yếu phẩm khác cũng vậy. Úc trồng thật nhiều chuối nhưng giá chuối ở Úc lại mắc hơn ở New Zealand, Anh, Pháp, Mỹ và ngay cả Đức, nơi không hề có kỹ nghệ trồng chuối. Giá một chiếc Mercedes loại sang ở Úc là 360.000 đô la trong khi cũng chiếc xe ấy, ở Anh chỉ có 110.000 đô la. Với số tiền mua một căn hộ (apartment) nhỏ ở Sydney hay Melbourne, người ta có thể mua một ngôi nhà khang trang ở Berlin, Houston hay Barcelona. Giá một cuốn Harry Potter (tập 7) bìa mềm ở Úc là 21.95 đô la; ở Canada chỉ có 6.95 đô la.

Điều may mắn, như một đền bù cho chuyện đặt đỏ ấy, là, theo cuộc điều tra về sự sinh động toàn cầu (Global Liveability Survey) cũng do Economist Intelligence Unit thực hiện, trong số 10 thành phố được xem là sinh động nhất thế giới (most liveable cities), có đến bốn thành phố thuộc nước Úc:

1. Melbourne, Úc.
2. Vienna, Áo.
3. Vancouver, Canada.
4. Toronto, Canada.
5. Calgary, Canada.
5. (đồng hạng) Adelaide, Úc.
7. Sydney, Úc.ac
8. Helsinki, Phần Lan.
9. Perth, Úc.
10. Auckland, New Zealand.

Bảng xếp hạng được dựa trên cơ sở đối chiếu 140 thành phố trên thế giới theo 30 tiêu chuẩn thuộc năm hạng mục: sự ổn định (về chính trị và xã hội), sức khỏe, văn hóa và môi trường, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Điểm được cho từ 1 đến 100. Melbourne đạt số điểm gần như tuyệt đối: 97.5.

Bạn đọc có thể thắc mắc: Tại sao những thành phố lớn và đầy những nơi giải trí thú vị như New York, Paris hay London…không có trong bảng danh sách trên? Ban tổ chức trả lời: Những thành phố ấy lớn thì có lớn, vui thì có vui, nhưng lại rất khó khăn trong vấn đề di chuyển và đặc biệt, thiếu an toàn!