Nhà hóa học Nguyễn Kim Mai Thi, đồng thời là nghiên cứu sinh tiến sĩ người Đức gốc Việt, vừa giành giải nhất trong vòng thi Falling Walls Lab được tổ chức tại Cologne - Đức, và sau đó giành giải ba tại vòng chung kết ở Berlin.

Cuộc thi này là cơ hội để các sinh viên, nghiên cứu sinh, doanh nhân trẻ tham gia đệ trình các sáng kiến hoặc những khám phá có thể ứng dụng trong tương lai. Những ý tưởng tốt nhất sẽ được chọn vào chung kết và các ứng viên sẽ có ba phút để trình bày ý tưởng trước hội đồng giám khảo, bao gồm các cá nhân nối tiếng trong lĩnh vực khoa học và kinh tế. Ý tưởng của chị Mai Thi trong cuộc thi này là tổng hợp một thiết bị sử dụng công nghệ nano để đưa thuốc vào bên trong tế bào của bệnh nhân bị ung thư, nhưng không làm ảnh hưởng tới các tế bào khỏe mạnh khác. VOA ban Việt Ngữ đã có cơ hội trò chuyện vài phút với chị cho chuyên mục Câu chuyện phụ nữ tuần này.

Trước khi tiếp xúc với Mai Thi, ắt hẳn sẽ có nhiều người hình dung một nhà hóa học luôn cặm cụi làm việc trong phòng thí nghiệm và ít tiếp xúc với thế giới xung quanh. Tuy nhiên quan niệm về nhà khoa học vừa nhắc tới này dường như không còn đúng với tất cả mọi người nữa, nhất là đối với Mai Thi, một nhà hóa học thích nhảy Hiphop. Mặc dù luôn nỗ lực hết sức làm việc trong phòng thí nghiệm và đạt được thành công lớn trong cuộc thi Falling Walls Lab vừa rồi, nhưng theo Mai Thi, làm khoa học đòi hỏi phải sáng tạo, nếu suốt ngày chỉ biết làm việc thì khó mà có thể sáng tạo được. Chính vì vậy, sau khi rời phòng thí nghiệm, hoạt động mà Mai Thi chọn để thư giãn hàng ngày đó chính là chơi piano và nhảy Hiphop. Xin mời quý vị cùng theo dõi cuộc phỏng vấn mà cô gái thú vị này đã dành cho VOA Việt Ngữ.

maithi 1Mai Thi thuyết trình về ý tưởng của mình tại cuộc thi Falling Walls Lab.

VOA: Một lần nữa chúc mừng bạn đã chiến thắng tại giải ở Cologne và sau đó là ở Berlin. Vậy bạn đã nảy ra ý tưởng giúp bạn chiến thắng đó là khi nào và như thế nào?

Mai Thi: Thực ra đó là công trình nghiên cứu khi mình học vài tháng ở MIT, Boston. Lúc đó mình làm thí nghiệm nghiên cứu với một cộng sự. Ông ấy vừa được phong hàm phó giáo sư ở trường Philadelphia Temple University. Ông ấy vốn là một kỹ sư y sinh, còn mình là một nhà hóa học. Ông ấy là người đã có những ý tưởng về khả năng ứng dụng y sinh còn mình thì tham gia vào công trình với những kiến thức về hóa học. Đây chính là dự án mà mình đã nói tới tại cuộc thi ở Berlin.

VOA: Bạn học được điều gì từ lần làm nghiên cứu này?

Mai Thi: Như mình đã nói với bạn lúc trước, khi mà mình mới bắt đầu cuộc nghiên cứu này, đó là lần đầu tiên mình làm một công trình nghiên cứu thực sự. Dĩ nhiên là mình có được hướng dẫn cách làm việc trong phòng thí nghiệm sao cho đúng, nhưng
mà trước đó mình chưa có tự tay làm thí nghiệm bao giờ. Cuối cùng thì ở Boston mình cũng cơ hội làm nghiên cứu thật sự lần đầu tiên. Mình nhớ là trước đó, khi đã gần tới lúc chương trình thạc sĩ kết thúc rồi, lúc nào mình cũng nghĩ là mình sắp lấy bằng thạc sĩ rồi mà mình chưa bao giờ dám tưởng tượng sẽ tự tiến maithi 2hành làm một công trình nghiên cứu vì thực sự mình chưa bao giờ làm nghiên cứu một mình cả, làm sao mà mình có thể làm được đây. Nhưng mà sau đó thì mình đã có một công trình nghiên cứu thử nghiệm rất tuyệt vời, có rất nhiều người giúp đỡ mình, hướng dẫn mình làm việc, và mình đã học được rất nhiều điều từ họ. Ví dụ như là làm cách nào để nghĩ ra được một ý tưởng nào đó, hay làm thế nào để sáng tạo, làm việc một cách có hệ thống, hay là tiếp cận vấn đề. Mình càng làm nhiều thì mình càng học hỏi được nhiều điều. Đến khi chương trình thạc sĩ của mình kết thúc thì mình cảm thấy tự tin hơn rất nhiều và mình cảm thấy sẵn sàng tiếp tục chương trình tiến sĩ. Lúc đó thì mình đã nghĩ, bây giờ thì mình có thể hoàn toàn tự làm nghiên cứu được rồi. Thực sự thì mình đã học được rất nhiều điều khi mình ở Boston.

VOA: Về mặt lý thuyết thì ý tưởng của bạn không quá khó hiểu, nhưng để áp dụng lý thuyết đó vào thực tế thì nó khó như thế nào?

Mai Thi: Thực sự là rất khó. Riêng trong vấn đề chữa ung thư bằng phương pháp nano cũng đã có rất nhiều phương pháp nghiên cứu rồi. Không thể nói chỉ có một phương pháp đúng khi nghiên cứu ung thư bởi vì có rất nhiều dạng ung thư phải không nào. Đối với mình, một nhà hóa học, với kiến thức của mình về hóa, trước tiên là mình vẫn còn phải học nhiều điều lắm. Nhưng kể cả nếu mình đã biết rất nhiều về hóa rồi, thì cũng không giúp ích cho mình nhiều lắm về việc nghiên cứu ung thư bởi vì đây là một vấn đề nghiên cứu yêu cầu hiểu biết rộng về nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ, mình sẽ phải tìm lời khuyên hay làm việc với một nhà sinh học, người có kiến thức về cơ thể con người, các tế bào … Nói tóm lại, điều đầu tiên mình phải xác định là đây sẽ phải là cuộc nghiên cứu có sự tham gia của nhiều nhà khoa học từ các lĩnh vực khác nhau. Điều thứ hai bạn sẽ phải tiến hành một loạt các thí nghiệm như ở trong lọ thủy tinh, trên các tế bào trong phòng thí nghiệm, và trên chuột trước khi mà bạn có thể đem nó ứng dụng ở con người và đưa nó trở thành một phương pháp điều trị chính thức. Nói ngắn gọn, thực sự rất khó. Nhưng mà bản thân mình nghĩ thì sẽ có rất nhiều điều xảy ra trong một vài năm tới hoặc trong thập kỉ tới. Mình rất lạc quan về điều đó.

VOA: Phương pháp này có thể áp dụng cho tất cả các dạng ung thư không?

Mai Thi: Mình và cộng sự hi vọng tìm được một cách để chế tạo ra một dụng cụ chuyên chở thuốc chung cho tất cả các loại thuốc chữa ung thư. Hiện tại chúng mình vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu của cuộc nghiên cứu, nhưng điểm mạnh trong ý tưởng này nếu kết quả thử nghiệm thành công là chất liệu đó sẽ chuyên chở được hết tất cả các loại thuốc. Và dĩ nhiên là điều này sẽ rất tuyệt vời rồi!

VOA: Giả sử phương pháp này thành công và được áp dụng trong tương lai, phương pháp điều trị này có tốn kém không? Liệu tất cả các bệnh nhân trên khắp thế giới, đặc biệt những bệnh nhân sống ở những nước nghèo, kém phát triển hoặc đang phát triển, họ có thể được tiếp cận với phương pháp này không?

maithi hiphopMai Thi: Điều quan trọng để phân biệt sự khác nhau giữa thuốc chế tạo bằng công nghệ nano và vật liệu chuyên chở thuốc là ở hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất đó là việc điều chế thuốc chữa bệnh ung thư thì chúng mình không có nghiên cứu điều này. Còn khía cạnh thứ hai là cách làm thế nào để đưa thuốc vào trong cơ thể. Dĩ nhiên việc điều chế thuốc rất quan trọng nhưng hiện tại thì việc này còn khá bị động cho nên hiện giờ rất khó trả lời câu hỏi này của bạn. Còn về vật liệu mà chúng mình tổng hợp để chuyên chở thuốc thì lại không đắt và cũng không quá phức tạp để tổng hợp. Như vậy có thể nói, mặc dù trí tưởng tượng của mình có thể là hơi phong phú, nhưng mình nghĩ là các bệnh nhân đều có thể có cơ hội sử dụng thiết bị này. Nhưng cần phải lưu ý rằng, vật liệu này không phải là liệu pháp chữa ung thư mà chỉ là một thiết bị đưa thuốc vào trong cơ thể mà thôi.

Mai Thi (đứng đầu) cùng nhóm nhảy Hiphop tại một cuộc biểu diễn nhảy Hiphop ở trường MIT, Boston

VOA: Trong quá trình nghiên cứu, ắt hẳn bạn có gặp phải không ít khó khăn hay thử thách. Bạn có thể chia sẻ một vài khó khăn hay một câu chuyện thú vị nào đó không?


Mai Thi: Một lẽ dĩ nhiên là bạn luôn phải nỗ lực hết sức trong quá trình nghiên cứu. Nhưng điều quan trọng nhất cho bản thân đó là đừng làm quá sức. Mình thấy điều quan trọng nhất đó là phải tham vọng và sẵn sàng nỗ lực hết sức cho một dự án nào đó. Tuy nhiên, với nhiều nhà khoa học, mình nghĩ thách thức lớn nhất là biết khi nào cần phải nghỉ ngơi, thư giãn. Làm khoa học đòi hỏi bạn phải sáng tạo, nếu bạn suốt ngày chỉ biết có làm việc thì khó mà có thể sáng tạo được. Bạn không thể cứ lao vào công việc liên tục, năm này qua năm khác, bạn sẽ không thể đạt được kết quả tốt nhất. Đây là điều mà bạn cũng phải chú ý tới. Bản thân mình cũng vậy. Hiện tại cho dù mình đang theo học chương trình tiến sĩ nhưng mình luôn cố gắng dành chút thời gian chơi thể thao, làm những gì mình thích, và điều này giúp mình làm việc hiệu quả hơn cho ngày hôm sau.

VOA: Bạn có nhắc mấy lần tới việc thư giãn, nghỉ ngơi, hay làm cái gì đó cho vui, vậy sở thích của bạn là gì? Bạn thường làm gì để xả stress?

Mai Thi: Khi mình còn đi học hồi nhỏ, mình học chơi piano, violin, mình chơi trong dàn nhạc giao hưởng. Nhưng mà khi đi học thì mình không thể mang đàn theo được, cho nên sau đó mình bắt đầu chuyển sang nhảy “tab dancing” (dậm chân xuống sàn để tạo ra giai điệu) cho tới tận năm 2009. Khi ở Boston, mình bắt đầu biết đến nhảy Hiphop và bây giờ thì mình còn dạy nhảy Hiphop ở trường Aachen, trường hiện tại mình theo học tiến sĩ. Và thực sự nhảy rất vui! Sau khi trở về từ Boston và bắt đầu học tiến sĩ ở Aachen, mình cũng mang theo đàn piano vì mình nghĩ là mình cần phải tập chơi piano lại thôi. Quan trọng nữa là vì mình đã bắt đầu với âm nhạc, nhảy từ khi còn rất nhỏ rồi, cho nên tới giờ, mình không thể chịu được việc đi làm về và không làm gì nữa cả.

Bình thường mình về nhà chỉ kịp vớ tạm lấy cái gì đó để ăn, lấy đồ và lại ra khỏi nhà ngay. Thực sự thì mình không cảm thấy stress. Khi mình đi dạy Hiphop, mình cảm thấy rất vui. Đôi lúc trước khi đi dạy, mình cảm thấy kiệt sức, chỉ muốn về nhà đi ngủ hoặc xem tivi, nhưng sau khi dạy thì mình luôn thấy rất vui, cảm thấy khá hơn rất nhiều.

VOA: Lúc nãy bạn có nói tới việc về nhà và chỉ kịp vớ tạm lấy cái gì đó để ăn, cho nên mình vừa có một câu hỏi mới chỉ vụt qua trong đầu thôi. Bạn có thích đồ ăn Việt Nam không?

Mai Thi: Ôi có, mình rất yêu món ăn Việt! Ở Đức không có nhiều nơi hay nhà hàng bán đồ ăn Việt thực sự bởi vì phần lớn đồ ăn đã được điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị người Đức, cho nên khi nào mình muốn ăn món ăn Việt thì mình phải về nhà ăn đồ ăn do bố mẹ mình nấu. Khi mình ở Mỹ, mình cũng đi ăn đồ ăn Việt nhiều lắm vì ở Mỹ phục vụ rất nhiều.

VOA: Có khi nào bạn nghĩ tới việc về Việt Nam để thưởng thức những món ăn Việt đậm chất Việt không?

Mai Thi: Có. Mình mới chỉ về Việt Nam duy nhất một lần năm mình 12 tuổi. Từ lần đó đến giờ, gia đình mình vẫn chưa sắp xếp được thời gian để cùng về. Nhưng mình đang lên kế hoạch về Việt Nam vào khoảng tầm này năm sau, vào mùa đông, vì lần trước mình về vào mùa hè và lúc đó thì trời rất nóng. Nói chung mình rất muốn về và hi vọng trong khoảng vài tuần mình về, mình có thể cải thiện vốn Tiếng Việt của mình một chút. Bình thường mình vẫn nói chuyện với bố mẹ mình bằng Tiếng Việt nhưng mình chỉ có thể đọc được một chút vì nó không quá khó, nhưng viết thì mình chưa học được.

VOA: Xin cám ơn Mai Thi rất nhiều đã dành thời gian trò chuyện với VOA. Chúc bạn thành công trong cuộc sống nói chung, và mong rằng bạn và các cộng sự sẽ sớm thành công với nghiên cứu của mình.