main billboard

Từ năm 2000 khi Gianna Trần đoạt giải này, đến nay cô vẫn là người Việt duy nhất trong danh sách tổng cộng gần 70 "người hùng thầm lặng” của lịch sử California Wellness Foundation.


OAKLAND, California (NV) - Đổi ngành học từ kế toán qua xã hội, Gianna Trần làm việc với trẻ phạm pháp trên hai thập niên nay tại trung tâm East Bay Asian Youth Center thuộc Oakland, thành phố có tỉ lệ tội phạm cao nhất tiểu bang California theo số liệu thống kê của FBI. Cô cũng là người Việt đầu tiên từng được tổ chức California Wellness Foundation vinh danh "người hùng thầm lặng."

gianna tran 1Gianna Trần trước danh sách các "người hùng thầm lặng" của California Wellness Foundation. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Giải thưởng "người hùng thầm lặng"- Unsung Hero – dành cho những gương mặt có nhiều đóng góp nhất trong việc giúp thiếu niên tránh xa đường phạm pháp, giảm tệ nạn xã hội. Mỗi năm California Wellness Foundation chọn ra ba người để trao danh hiệu trên và số tiền $25,000 cho các chương trình xã hội họ đang thực hiện.

Từ năm 2000 khi Gianna Trần đoạt giải này, đến nay cô vẫn là người Việt duy nhất trong danh sách tổng cộng gần 70 "người hùng thầm lặng” của lịch sử California Wellness Foundation. Ngoài giải thưởng trên, Gianna từng được nhiều giải thưởng khác, như California Peace Prize hay San Francisco Fellowship of Eureka Communities.

Chúng tôi ghé thăm trung tâm East Bay Asian Youth Center một trưa, khi các tình nguyện viên đã túa ra các trường trung học gần đó để dạy thêm cho các em sau giờ học. Trung tâm nằm đối diện những khu nhà bên cạnh đường rày xe lửa, với những bức tường lớp lớp hình và chữ "graffiti" chồng chéo nhau. Cũng rất gần đó là đại lộ International đông đúc với nhiều hàng quán, các tiệm ăn Việt Nam cũng như các khách sạn loại rẻ tiền của Oakland…

Cô Gianna chào đón nhóm phóng viên. Cười tươi, gương mặt cô vẫn toát lên một nét gì đó rất cứng rắn, nghiêm nghị. Cô cho biết:

“Ở Bắc California thì người Việt tập trung nhiều ở San Jose, nơi có thu nhập cao hơn, số người tốt nghiệp trung học cũng cao hơn. Những năm gần đây thì cộng đồng ở Sacramento cũng bắt đầu bành trướng. Riêng Oakland có lẽ là nơi cần sự giúp đỡ nhiều nhất, vì hoàn cảnh ở xã hội ở đây khó khăn hơn nhiều.”

Cô dẫn dụ “một bài học”: “Một lần chúng tôi có các sự kiện giúp phụ huynh tìm hiểu về cách hướng dẫn con vào đại học. Người Việt ở Oakland không biết gì nhiều, mình trình bày gì họ cũng đón nhận nồng nhiệt. Sau hôm đó thì chúng tôi  xin ngân quỹ để tổ chức một buổi tương tự cho người Việt ở San Jose. Thế là mình ngỡ ra rằng mình nói gì ra thì người ta cũng biết hết rồi. Họ biết để cần vào đại học thì có gì rồi. Họ muốn biết là làm sao để vào đại học giỏi như Stanford, UC Berkeley. Mình có thể thấy được là Oakland họ cần những điều rất căn bản…”

“Oakland thì kinh tế không khá bằng San Jose, người Việt ở đây cũng nghèo hơn người Việt ở San Jose, trình độ học vấn trung bình cũng thấp hơn, theo thống kê. Có thể vì thành phố không có nhiều công việc người dân, lại có nhiều tệ nạn xã hội và tiền thuế thì cao. Học khu cũng không bằng học khu San Jose. Thành phố muốn làm thêm chương trình hay giải quyết các tệ nạn thì phải đánh thuế cao hơn. Nó là một vòng lẩn quẩn. Đâm ra người dân không muốn ở đây, lại đi luôn.”

Cô cho biết nhiều người Việt vẫn tiếp tục ở Oakland từ ngày sang Mỹ vì đã quen, cũng có “đôi khi ngoài ý muốn, không phải ai cũng có bà con ở nơi khác hay có tiền mua vé máy bay đi các nơi để xem nên ở nơi nào.”

gianna tran 2Một phòng làm việc bên trong  East Bay Asian Youth Center. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Riêng bản thân Gianna đến Oakland những năm 80, nhiều người trong gia đình cô chuyển đến vùng khác sống nhưng cô vẫn ở đây và làm việc cho East Bay Asian Youth Center.

Cô cho biết thêm về công việc tại trung tâm: “Mình phục vụ vừa học sinh trong tù ra khám, vừa học sinh bình thường. Mình đi thăm đứa bé trong tù, thấy nhà tù đẹp gấp 10 lần trường học. Tù không có sự tự do thôi chứ có cơm ba bữa, có phòng tập thể dục, khách có phòng đợi. Tù con nít và người lớn cũng tương tự, nhưng con nít được học, tập thể thao, nói chuyện với tâm lý viên. Mình thấy trường đứa bé, thấy bàn ghế thì cũ kỹ, sơn thì tróc ra, cửa sổ thì lung lay, gió lạnh, hiệu trưởng kêu gọi sửa chữa mà không có tiền. Gia đình đứa bé thì cha mẹ đi làm từ sáng đến tối không nói chuyện với con, nhà thì ở khu không tốt, súng nổ ban ngày, xe cảnh sát hú còi ban đêm. Tụi nó lớn lên không hy vọng vào tương lai, đại học là quá xa vời. Một năm trung tâm tổ chức bốn chuyến đi thăm các trường đại học gần đây các 30 phút thôi, nhưng tụi nó chưa bao giờ được đi.”

Về thiếu niên phạm pháp, cô giải thích: “Chúng tôi bảo đảm cho các em vào tù ra khám được học hành, khi các em ra tòa thì đi cùng các em, trước mặt quan tòa làm chứng là các em có đi học hay không. Nhiều cha mẹ các em không hiểu một chút gì về hệ thống ở đây, nên khi ra tòa, phó thác cho luật sư, mà nhiều khi luật sư không thực sự quan tâm. Khi cha mẹ được tòa hỏi, nếu nói là con tôi vô tội thì có cơ hội kháng cáo, nhưng cha mẹ Việt Nam nhiều khi phó thác, nói là quan tòa muốn sao cũng được... Vậy thì thiệt cho các em. Chúng tôi cũng hướng dẫn cho các phụ huynh, nói là có tội thì mới nhận còn không có tội thì nói không…”

“Bên ngoài các em có cướp của giết người đi nữa thì bên trong vẫn là con nít. Nhớ một lần, chúng tôi tổ chức đi trại ở Lake Tahoe. Đi ra ngoài tuyết, các em bắt đầu sợ y chang như con nít. Một khi về lại thiên nhiên, các em lại là con nít lại.”

“Những đứa trẻ phạm pháp thường có vấn đề từ bé, bị bỏ bê hoặc ngược đãi.” Cô Gianna ví dụ một em trai 13 tuổi gốc Việt có cha mẹ mê bài bạc, một hôm em mang súng của anh ra tiệm cà phê và vô tình nổ súng bắn chết một nạn nhân…

Trả lời cho câu hỏi vì sao chọn làm việc cho East Bay Asian Youth Center, cô Gianna Trần, cười, kể: "Hồi đó ba mẹ nói học cái ngành gì ra tiền, đừng để uổng công đi vượt biên rồi ở đảo. Ban đầu thì tôi và em gái học kế toán, nhưng tôi thấy không hợp, nên chuyển ngành. Đến giờ thì tôi có bằng cao hơn em nhưng lương thấp hơn nhiều. Nhưng ngành này mới đúng là ngành của tôi. Ngày xưa mình đi tị nạn không có đồng xu cắc bạc nào nhưng cũng được đi học đến nơi đến chốn, thì mình giúp các em cũng được như vậy. "