main billboard

“Tạo cơ hội để quý thầy cô và các anh chị em cựu sinh viên thuộc Ðại Học Huế có dịp gặp lại nhau, hàn huyên một thời đã xa từ hơn 40 năm trước. Ðồng thời cũng là để thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo.”



WESTMINSTER (NV) - Trưa Chủ Nhật, 2 Tháng Tám, tại nhà hàng Grand Garden, Wesrminster, hàng trăm nam nữ cựu sinh viên Ðại Học Huế tề tựu tham dự cuộc họp mặt “Thân Hữu Ðại Học Huế.”

Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang, trưởng ban tổ chức, nhấn mạnh đến mục đích của buổi hội ngộ này: “Tạo cơ hội để quý thầy cô và các anh chị em cựu sinh viên thuộc Ðại Học Huế có dịp gặp lại nhau, hàn huyên một thời đã xa từ hơn 40 năm trước. Ðồng thời cũng là để thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo.”


daihoc hue 3Toàn ban tổ chức trao tặng Giáo Sư Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu bó hoa Ân Tình Nghĩa Thầy Trò. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Một slide show được trình chiếu với lời giới thiệu, diễn giải tường tận của Bác Sĩ Võ Văn Cầu về lịch sử thành hình Ðại Học Huế, công lao của vị viện trưởng đầu tiên, Linh Mục Cao Văn Luận, và thành quả giáo dục của Ðại Học Huế trong sự phát triển của đất nước.

Bác Sĩ Cầu đã rất nhiệt tình trong việc diễn giải và nhắc lại lịch sử của Ðại Học Huế từ ngày đầu tiên khi các học sinh, giáo chức và người dân Huế tha thiết yêu cầu Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cho thành lập Ðại Học Huế nhân khi tổng thống ra thăm Huế lần đầu tiên sau khi chấp chánh.

Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, Ðại Học Huế thành hình và phát triển nhanh chóng, mở được hầu hết các phân khoa của bậc đại học. Ðó là nhờ công lao của Linh Mục Cao Văn Luận, của các giáo sư Bùi Tường Huân, Gunther Krainick, Raimund Discher, Alois Alterkoster, Lê Trọng Vinh và Nguyễn Nhuận.

Phát biểu tại buổi hội ngộ, Giáo Sư Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu xúc động nói: “Chúng ta thường có hai tình thương không thể dứt được là gia đình và quê hương xứ sở. Nay với chúng ta, còn phải thêm một tình thương thứ ba nữa, đó là ân nghĩa thầy trò, tình thương bạn đồng môn. Tôi đã đi nhiều nơi, không thấy nơi nào có được tình nghĩa thầy trò như người Việt chúng ta...”

Cả phòng tiệc vang rền lên tiếng vỗ tay.

daihoc hue 4Các cựu sinh viên Ðại Học Huế mừng vui gặp gỡ ai cũng muốn có một tấm hình kỷ niệm. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Phần diễn văn kế tiếp là của Giáo Sư Nguyễn Văn Châu từ Texas qua mà theo trưởng ban tổ chức, là diễn văn chính. Giáo Sư Châu đặt vấn đề rằng “chúng ta phải rút tỉa kinh nghiệm sự hình thành mau chóng lớn mạnh của Ðại Học Huế mà xác định lại vị trí của Ðại Học Huế trong công cuộc xây dựng đất nước.”

Giáo sư nêu ra một số điểm tiên phong của Ðại Học Huế trong công cuộc phát huy nền giáo dục và văn hóa của đất nước trong thời gian trước năm 1975. Ðầu tiên, Ðại Học Huế đi tiên phong trong việc dùng Việt ngữ để giảng dạy. Môn Tân Ðại Số được giảng dạy đầu tiên trong chương trình Cử Nhân Toán. Trường kiểu mẫu đầu tiên được thành lập. Chương trình Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng nhằm hội nhập giữa kỹ thuật và khoa học căn bản để đào tạo những chuyên viên Tạo Tác, Thủy Lợi và Sinh Hóa. Môn Con Người và Môi Trường Sống được giảng dạy đầu tiên trên bậc đại học. Chương trình Cao Học Thống Kê và Nhân Khẩu Học được thiết lập... Kết quả là các sinh viên ra trường đã góp khả năng hữu dụng của mình trong nhiều lãnh vực nâng cao, phát triển đời sống con người, để lại nhiều thành tích về văn hóa.

Buổi gặp gỡ của Thân Hữu Ðại Học Huế cũng thu hút rất đông quan khách và đồng hương. Chúng tôi nhận thấy có Luật Sư Lâm Lễ Trinh, Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, Giáo Sư Phạm Cao Dương, Giáo Sư Cao Văn Hở và 19 thầy cô trong Ban Giảng Huấn của Ðại Học Huế như Giáo Sư Lê Bảo Xuyến hay từ xa về như Giáo Sư Lê Ðình Cai, Phùng Văn Hạnh, Bửu Hoan. Theo ban tổ chức cho biết nhiều vị vì sức khỏe và ở xa không về được cũng hăng hái liên lạc về chúc mừng như các Phó Viện Trưởng Giáo Sư Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Trường, Hồ Ðình Chữ bên Văn Khoa và Trần Văn Sơn bên Luật Khoa.

Quí độc giả muốn liên lạc với Hội Thân Hữu Ðại Học Huế có thể gọi (949) 756-1226, email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..