main billboard

Phải coi bé như người thân của mình, chứ không phải chăm bé để kiếm tiền mà thôi. Vẫn biết cuộc sống là chủ yếu nhưng không có tình yêu trẻ thì khó mà chăm bé được.”


WESTMINSTER (NV) - Con còn quá nhỏ, biết gửi nơi đâu; con chưa đến tuổi đi học, nơi nào nhận; con đang đi học, chỗ nào nhận đón đưa... Nhà ít người, cùng gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến không ít cha mẹ đau đầu tìm nơi gửi trẻ, và nghề này ra đời, tồn tại một cách âm thầm nhưng bền bỉ trong lòng cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Little Saigon qua nhiều năm.

giutre 1Cô Thảo và những đứa trẻ. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Nhu cầu và thu nhập

Nếu theo dõi mục rao vặt và quảng cáo trên các tờ báo địa phương tại Little Saigon, có thể thấy nhu cầu gởi và giữ trẻ em là rất lớn. Chỉ tính riêng trên nhật báo Người Việt, mỗi ngày và trong suốt năm, ngày nào cũng có trên dưới 20 mẩu quảng cáo của những người nhận giữ trẻ.

Về giá cả, theo tìm hiểu của chúng tôi, tùy lứa tuổi của trẻ mà người giữ trẻ sẽ lấy tiền mỗi mức khác nhau. Một ngày giữ 8 tiếng, người giữ trẻ sẽ lấy khoảng $30 với trẻ còn mặc tã, trẻ lớn hơn chút nữa thì $20, một số ít trẻ lớn hơn nữa thì $10.

Tính mức trung bình $20 thì một người giữ khoảng 3-5 trẻ trong một tháng (năm ngày/tuần) cũng nhận được $1,200-2,000. Công việc này tuy có cực, nhưng sẽ không cực như làm việc trong nhà hàng chỉ với mức $9-10 một tiếng và phải đi sớm về trễ.

Và để giữ trẻ, người trông trẻ phải học lấy giấy phép trong ba tháng với các chuyên đề như cấp cứu, giữ vệ sinh thực phẩm, giữ an toàn sức khỏe cho trẻ... Nghề này thường được phụ nữ lớn tuổi chọn và một vài người mới từ Việt Nam sang đang tìm một nghề lấy ngắn nuôi dài.

“Nghề giữ trẻ, nghe đơn giản nhưng đã làm rồi mới biết, nếu không có tính kiên nhẫn, trách nhiệm, kỹ lưỡng, chịu khó... và nhất là yêu con nít thì khó mà tồn tại được, dù biết rằng đồng tiền rất cần cho cuộc sống.” Cô Hai, nhà góc đường Bolsa và Hope, với 25 năm giữ trẻ, nói về công việc của mình.

Cơ duyên đến với nghề

Sang Mỹ khi gần 35 tuổi, vào những năm đầu của thập niên 90, cùng lúc đó cô Hai mang bầu đứa con trai út. Cũng như bao người khác, cô nhận cắt chỉ quần áo, nhận may đồ gia công để sống cho gia đình năm, sáu miệng ăn và trang trải chi phí sinh hoạt.

Cô nhớ lại: “Cùng thời với tôi thì ai cũng có con nhỏ, làm thì cực mà con thì nheo nhóc nhưng không có nơi giữ trẻ. Mọi người thấy tôi mới sinh con lại làm lụng cực quá nên nói: ‘Bà nghỉ may đi, trông con cho tụi tui, mỗi ngày tụi tui góp tiền gửi cho bà chăm tụi nó cũng như trả công cho bà luôn.’

“Tôi cũng suy nghĩ dữ lắm, phần thì sợ làm không được thì mất việc (cắt chỉ, may gia công), phần thì con nít mỗi đứa một tính không biết có giữ nổi không. Rồi mọi người động viên quá nên tôi cũng liều. May là mấy đứa nhỏ đều trạc tuổi mấy đứa con tôi, nên giữ cũng dễ. Thế là tôi khỏi cắt chỉ mà ở nhà giữ trẻ luôn cho đến giờ.”

Còn chị Thảo, nhà ở góc đường Bolsa và Bushard, mới giữ trẻ hơn nửa năm nay nhưng theo chị thì “trước đây tôi chỉ đưa đón học sinh, gần đây chị tôi mới từ Việt Nam sang lại có con nhỏ, chưa biết lái xe, đi làm nhà hàng thì trả công cũng không được xứng đáng, ăn uống qua loa, phải đứng nhiều, rồi phải đi sớm về trễ, mà chị cũng lớn tuổi. Rồi đi làm thì phải gửi con, phải tốn tiền. Cộng lại hai chị em tôi thì trong nhà có bốn đứa bé. Thế là tôi nghĩ, tại sao mình không nhận giữ trẻ, vừa chăm con mình, vừa được ở nhà, lại vừa kiếm được tiền.”

Chị cho biết đường vào nghề giữ trẻ của mình khá là ngẫu nhiên. Hai vợ chồng chị mới sang Mỹ được gần hai năm nay, cũng làm nhiều nghề như sửa nhà, sửa ống nước, bán thức ăn food-to-go... “Rồi bạn bè, người quen từ Việt Nam sang chơi nên nhờ đón ở sân bay, chở đi chỗ này chỗ kia. Tôi mới nghĩ, vậy là có nhu cầu. Sau đó có người hỏi có nhận đưa đón du học sinh không, vì các em mới qua nên chưa biết đường, chưa có bằng lái, vậy là chúng tôi nhận luôn,” chị Thảo kể.

Chị kể tiếp: “Ðưa đón riết quen nên tôi bắt đầu có nhiều mối, người này chỉ người kia và hỏi có đưa đón học sinh đi học hằng ngày không. Tôi mới thấy nhu cầu của cộng đồng mình rất lớn, thế là nhận, vì dù gì tôi cũng phải đưa con mình đi học. Chưa kể, làm công việc này tôi sắp xếp được thời gian, do hai vợ chồng còn đi học college. Ðiều thú vị là các trường học lệch giờ nhau nên hai vợ chồng ‘chạy’ được. Người nào lo tuyến nào, cụm nào, phân giờ ra. Ðưa các bé tới trường thì chúng tôi cũng đi học, thời gian rảnh để chờ chiều đón các bé thì chúng tôi học bài, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn...”

“Những đứa bé đi học về sớm, phụ huynh lại bận đang làm việc, mà nhà thì không có người chăm bé nên tôi chở bé về nhà mình. Cộng với nhà có con nhỏ nên tôi nghĩ tiếp đến việc nhận giữ trẻ. Vậy là đi học để lấy giấy phép. Rồi cũng người này giới thiệu người kia mà hiện giờ tôi giữ khoảng 10 bé cả ngày, từ ba tuổi trở lên cho đến 12 tuổi,” chị Thảo cho biết.

Với kinh nghiệm 10 năm giữ trẻ, cô Thanh, nhà ở góc đường Chapman và West, cho biết thời gian đầu qua Mỹ cô làm nhà hàng nhưng thời gian làm đến 12-13 tiếng một ngày và kéo dài đến tận khuya, cô không kham nổi. “Lúc đó tôi cũng gần 50 tuổi rồi, ở Việt Nam làm giáo viên mầm non cũng cực, qua đây làm nhà hàng cũng cực, mỗi nghề có một cái cực khác nhau nhưng sức khỏe thì có hạn. Rồi tôi nghỉ ở nhà giữ cháu, rồi người thân cũng nhờ giữ cháu giùm, và người này chỉ người kia, tôi lại trở về nghề giáo ở xứ này,” cô Thanh vui vẻ nói.


giutre 2Trẻ đang chơi đồ chơi và được phép chơi iPad, chơi game. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Một ngày của cô giữ trẻ

Cô Thanh nhận giữ trẻ từ hai tháng tuổi trở lên cho đến tuổi đi học, cô cho biết: “Từ 7 giờ sáng tôi nhận giữ bé đến 4-5 giờ chiều. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đón trễ thì tôi cũng giữ giúp, nhưng trễ nhất cũng 6 giờ chiều thôi. Không kéo dài thời gian người chăm nhiều quá, một ngày 8-10 tiếng là dài lắm rồi. Vì buổi chiều tôi cũng có nhiều công việc nhà, và nhất là giữ sức khỏe để chăm bé được tốt hơn.”

Theo cô, quan trọng khi nuôi trẻ còn quá nhỏ là phải nói chuyện nhiều với bé, biết đề phòng bé đau ốm, bệnh tật; cho bé ăn đúng giờ, ngủ đúng giờ, tắm rửa thay tã sạch sẽ để bé không bị hăm.

Hằng tuần cô nghỉ vào Thứ Bảy, Chủ Nhật nhưng phụ huynh quá bận thì cô có thể giữ thêm Thứ Bảy. “Nhưng cũng thỉnh thoảng thôi, vì tôi muốn cha mẹ gần gũi với bé nhiều hơn. Trong khả năng của mình, tôi chỉ giữ tối đa ba bé một ngày, vì giữ ít thì thời gian chăm sóc bé mới tốt hơn, mà như thế tôi cũng đủ sống,” cô Thanh cười cho biết.

Cũng nhận trẻ từ 7 giờ sáng và tối đa đến 6 giờ chiều, trẻ ở độ tuổi nào cô Hai cũng giữ được. Nhưng gần đây cô có hai cháu ngoại độ hai tuổi nên trẻ cùng lứa tuổi này cô dễ chăm sóc hơn, vì “cho mấy đứa nó có bạn, mình cũng dễ trông chừng hơn.”

Theo cô Hai, độ tuổi này trẻ rất thích nói nên phải cố gắng hiểu những gì trẻ muốn và kích thích trẻ thoải mái diễn đạt. Ngoài ra, độ tuổi này trẻ rất hiếu động nên phải quan sát kỹ từng cử chỉ của trẻ và không để trẻ chạy té nguy hiểm.

Một ngày của chị Thảo bắt đầu từ 6 giờ 30, tuy nhiên vẫn có một số ngày chị phải dậy từ 5 giờ 30 vì phải đón học sinh đi tập thể thao sớm.

“Thường thì 7 giờ là tụi mình đến từng nhà để đón trẻ đi học, sau đó hai vợ chồng đến trường luôn. Còn ở nhà nhận trẻ từ ba tuổi trở lên (trẻ đã bỏ tã) thì bà chị sẽ lo. Tụi mình học xong về nhà thì 2 giờ 30 chiều bắt đầu đi đón các bé cho đến 4 giờ chiều. Quan trọng của việc đón đưa là phải đúng giờ, bởi vì những trẻ học mẫu giáo mình phải vô ký tên; còn mấy bé cấp một thì đón ngay cổng, cô giáo thấy mặt mới cho bé ra; riêng các bé cấp ba thì chỉ cần nhận diện nhau,” chị Thảo cho biết.

Tuy nhiên, vì phụ huynh thường làm rất nhiều nghề như y tá, nails... nên có những trẻ cha mẹ đón trễ thì chị phải lo thêm phần ăn tối và tắm rửa cho trẻ, để 8-9 giờ tối phụ huynh đến đón về.

“Tội cho bé, mà cũng cực cho mình, và cực cho cả phụ huynh. Nhưng vì mưu sinh cả thôi. Có ai muốn con mình lăn lóc như vậy đâu,” chị chia sẻ.

Huấn luyện như... quân đội

Theo chị Thảo, cũng giống như hai đứa con tám tuổi và ba tuổi của mình, chị cũng tập cho các bé khác thói quen như: rửa tay trước khi ăn, ngủ dậy đi vệ sinh, tự đánh răng, biết dọn dẹp khi chơi hay học bài xong...

Chị nói: “Từ ba tuổi trở lên phải tập cho bé tự lập. Chẳng hạn việc dùng giấy khi đi vệ sinh, vì ở trường cô giáo cũng không làm giùm mà bé phải tự làm. Hay tự mặc quần áo, rồi tự ăn chứ không chờ đút...”

Chị cho biết: “12 giờ các bé ăn cơm, đến 1 giờ thì đi ngủ. Ði ngủ có bé dậy sớm, có bé dậy trễ nhưng 3 giờ thì phải dậy hết. Bé nào dậy sớm thì đọc sách hoặc đi chung quanh. Khi ngủ dậy hết rồi thì uống sữa, ăn kem, ăn snack, làm bài tập về nhà (đối với các bé đã đi học) hay ra hiên ngồi chơi với nhau. Tôi không nhận trách nhiệm coi việc làm bài tập về nhà nhưng hướng dẫn các bé tự học và tự kiểm tra nhau. Sau giờ tự học thì các bé vẽ vời, chơi đất sét, chơi trò chơi... Thời tiết đẹp thì ra vườn chơi, thời tiết xấu thì cho xem phim. Cuối cùng thì cho các bé ăn tối.”

“Ðối với những trẻ là con của cha đơn thân hay mẹ đơn thân thì tôi luôn thấy những đứa trẻ này khôn trước tuổi, già dặn hơn. Hôm nào nhìn thấy trẻ hay cáu gắt, hay có một vấn đề gì đó thì tôi biết trẻ có tâm sự và thấy cần phải chia sẻ ngay để trẻ không giữ trong lòng, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý.”

Về bữa ăn của trẻ, chị Thảo nói: “Theo thỏa thuận, con mình ăn gì thì các bé ăn nấy, miễn sao no thôi. Thỉnh thoảng tôi cũng mua pizza hay gà rán để các bé thay đổi khẩu vị. Cũng có một vài cha mẹ kỹ tính, muốn theo thực đơn của họ nên họ mang theo thức ăn. Chẳng hạn uống sữa riêng, mang thêm trái cây, hoặc những gì bé thích.” Cô Hai cũng cho biết: “Thức ăn thì không thiếu, quan trọng là trẻ có dễ ăn không, cha mẹ có thoải mái cho ăn không. Nếu bé chỉ biết ăn vài thứ, kén ăn thì cha mẹ phải mang theo đồ ăn riêng của bé.”

Trách nhiệm, kiên nhẫn và yêu con nít!

Chia sẻ về việc giữ trẻ, chị Thảo nói: “Vừa trông con, vừa đi học nên nhận giữ trẻ cũng tiện mà kiếm được tiền để lo cho cuộc sống. Tự làm chủ với chính mình thì thoải mái hơn. Ðương nhiên làm nghề gì cũng có cái cực của nó. Giữ con nít phải có trách nhiệm, ví dụ cha mẹ dặn đứa này ăn cái này, đứa này không uống cái kia, đứa kia không ăn đậu được, hoặc đứa nọ phải làm bài tập về nhà, đứa nọ ngủ trưa ít nên tập cho ngủ nhiều hơn... Mình phải chú ý để chăm sóc trẻ được tốt hơn.”

Chị tâm sự: “Cái khó nhất khi quản lý là kiên nhẫn, phải yêu con nít. Không yêu con nít thì khi nghe tiếng ồn, tiếng chạy của bé sẽ dễ bực mình. Không yêu thì mình thờ ơ với trẻ, không kiên nhẫn thì mình sẽ hay la, trẻ làm gì cũng la. Bởi vậy, tôi lấy phương châm yêu trẻ như yêu con mình, vì có thương yêu, kiên nhẫn thì chuyện gì cũng xong hết.”

Ðối với những trẻ sơ sinh, khi nhận giữ cô Thanh luôn hỏi cha mẹ bé là bé ăn uống thế nào, ngủ thế nào, những thức ăn nào thích hợp với bé. “Cho dù nuôi dạy theo ý mình thì cũng phải hỏi cha mẹ bé là mấy giờ cho bé ăn, uống sữa. Sau đó mình điều chỉnh dần để bé thích hợp với tất cả các bé mà mình chăm cùng lúc,” cô Thanh nói.

Rồi cô nói tiếp: “Niềm vui nhất khi chăm bé là thấy bé khỏe mạnh, bé vui vẻ. Mình cũng có niềm vui là khi nghe bé bi bo, bé cười, bé nói hay lắm. Phải coi bé như người thân của mình, chứ không phải chăm bé để kiếm tiền mà thôi. Vẫn biết cuộc sống là chủ yếu nhưng không có tình yêu trẻ thì khó mà chăm bé được.”

Cô Hai thì cho rằng, giữ trẻ cần biết cách sơ cấp cứu, biết hô hấp. “Thấy bé có triệu chứng cảm, nóng sốt, ho, sổ mũi... thì mình cũng biết để sơ cứu nhưng nếu thấy nặng thì nói với cha mẹ cho đi bác sĩ. Những bé đang chơi rồi lừ đừ ngồi im một chỗ là phải để mắt tới ngay. Trong nhà tôi không trồng các cây như cà chua, trạng nguyên, hoa hồng... vì đây là cây có gai, có chất gây dị ứng, chất độc gây nguy hiểm cho bé,” cô nói.

Ngoài ra, chị Thảo cũng kể thêm: “Con tôi ba tuổi vừa đi học, lúc họp phụ huynh cô giáo dặn gia đình phải nói tiếng Việt ở nhà vì hai ngôn ngữ là lợi thế và quan trọng sau này cho trẻ. Cô giáo nhấn mạnh và dùng 'have to', 'must' chứ không dùng 'should'.

Cô giáo bảo, đừng nghĩ nói tiếng Anh ở nhà để cho giỏi tiếng Anh, bởi vì ở trường là trẻ sẽ được nói tiếng Anh và giỏi tiếng Anh rồi. Và như vậy, tiếng Việt sẽ mai một. Ngay đứa con lớn tám tuổi của tôi, từ khi tôi nhận giữ trẻ thì cháu cũng đỡ quên tiếng Việt. Trước đây học ở trường chỉ nói tiếng Anh, về đọc sách và làm bài tập đều tiếng Anh nên khi tôi nói chuyện với cháu, cháu dễ lúng túng.”