main billboard

“Đây là một công việc có ý nghĩa lớn lao nên tôi rất vui khi thấy tháng nào cũng có sự hiện diện của đông đảo đồng bào. Họ cho chúng tôi niềm khích lệ lớn lao,”


WESTMINSTER, California (NV) – Lễ chào cờ hàng tháng đầu tiên trong năm 2016, vẫn do Ủy Ban Chào Cờ Đầu Tháng tổ chức, diễn ra tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, vào lúc 12 giờ trưa Chủ Nhật, 3 Tháng Giêng.

Trong không khí se lạnh của ngày mùa Đông, ngoài những cựu chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong trong quân phục đủ sắc màu còn có sự tham dự của một số đông cư dân gốc Việt thuộc mọi lứa tuổi. Mỗi người có lý do riêng để có mặt hôm nay.


chaoco hangthang 1
Đồng bào nghiêm trang dự lễ chào cờ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Cựu Đại Tá Phạm Văn Thuần, chủ tịch Ủy Ban Chào Cờ Đầu Tháng, nhắc lại truyền thống này: “Lễ chào cờ này bắt đầu từ Tháng Năm, ngay sau khi Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ này hoàn tất năm 2003. Và từ đó đến nay, tháng nào cũng có lễ, trừ Tháng Bảy và Tháng Tám năm ngoái là không vì tượng đài cần sửa chữa.”

“Đây là một công việc có ý nghĩa lớn lao nên tôi rất vui khi thấy tháng nào cũng có sự hiện diện của đông đảo đồng bào. Họ cho chúng tôi niềm khích lệ lớn lao,” ông nói.

Phần đông, đồng bào đến tham dự buổi lễ hôm nay là những người trực tiếp tham gia cuộc chiến chống Cộng Sản trước đây hoặc những người có thân nhân đã phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Trong bộ quân phục chỉnh tề, ông Quang Lê, cư dân Westminster, cười thân thiện và nói: “Tôi đến đây để được chào lá cờ mà bao nhiêu người đã đổ xương máu để bảo vệ.”

Ông nhấn mạnh rằng ông không thuộc hội đoàn nào cả mà chỉ muốn tỏ lòng trung thành với Hải, Lục, Không Quân trước ngày mất nước mà thôi. Ước ao của ông thật đơn giản mà khó khan.

Ông chia sẻ: “Tôi mong rằng mọi người, khi đến đây hàng tháng ý thức là mình nên xóa bỏ mọi hiềm khích cá nhân thì mới đứng bên nhau như là một tập thể của cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Không thích thì tìm cách giải quyết sự khác biệt chứ không chụp mũ nhau. Lịch sử đã sang trang, mình nên để nó qua đi.”

Bà Lưu Thị Bích, 78 tuổi, sống ở Garden Grove, có lý do rất cụ thể để đến đây.

Bà nói: “Hai em trai tôi là Lưu Thanh Nghị và Lưu Thanh Bình đã tử trận, một người năm 1969, một người năm 1972. Đến đây, tôi như đi thăm hai cậu và đồng đội.”

“Trong lúc cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam ngày càng khốc liệt, người ta tìm mọi cách để không phải đi lính thì chính tôi là người khuyến khích hai em nên cầm súng để bảo vệ non song,” bà nói tiếp.

“Không hận sao được, gia đình tôi bỏ là bỏ xã ở Phú Thọ (miền Bắc Việt Nam) để chạy vào Sài Gòn mà ‘bọn nó’ còn đuổi theo chúng tôi. Không chống lại thì hèn quá,” bà Bích nghiêm giọng.

chaoco hangthang 2
Mọi người hướng về Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Bà Nguyễn Kim Cúc, cư dân Stanton, nắm chặt tay đứa con gái 32 tuổi và nói: “Con gái tôi là Trần Kim Chi. Tôi đến đây là để thắp nén nhang cho một vị anh hùng trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã cứu sống nó. Tôi vượt biên năm con tôi mới một tuổi, chẳng may gặp hải tặc. Chúng định làm nhục tôi thì ông cựu binh sĩ này, không ai biết tên, đã đẩy chúng nó ra. Rồi nó lấy bá súng đánh vào mặt ông cho đến nát hết rồi mới đẩy ông xuống biển.”

Mắt bà nhòa lệ. Bà ngẹn ngào cố nói: “Rồi chẳng nói chẳng rằng, nó xô tôi ngã ngửa rồi kéo đi hết. Con tôi còn sống đến giờ này là nhờ ông lính ấy. Cháu hiện có ba đứa con và đi dạy ở tiểu bang Texas. Vì cứu mẹ con tôi, ông ấy bị chết đuối. ”

Ông Hoàng Đức Hậu, ở Santa Ana, cũng có lý do của mình. Ông kể: “Trước đây tôi thuộc Liên Đoàn Năm Công Binh Kiến Tạo. Tôi đến đây trước là để tưởng nhớ những anh hùng, những chiến sĩ đã bỏ mình vì công cuộc chống Cộng. Sau là để gặp gỡ lại bạn bè cùng quân ngũ.”

Bà Võ Ngọc Hoa, ở Irvine, lại có lý do khác. Bà đến đây là vì muốn tưởng nhớ em trai là Nguyễn Hồng Sang, trước là trung úy Thiết Giáp bị mất tích năm 1972 tại Pleiku. Nhưng một phần là vì chính bà đã giúp ông Frank G. Fry, người khởi xướng việc xây đài tưởng niệm này.

“Vợ chồng tôi đã thay phiên nhau mà ra đây ngủ suốt 53 đêm, từ 7 giờ tối tới 6 giờ sáng. Lúc đó có tám hội đoàn luân phiên cử người ra đây canh gác đài vì ai cũng sợ bọn Cộng Sản phá hoại. Bây giờ, vợ chồng tôi đến dự lễ hàng tháng để vui khi thấy công sức mình có ý nghĩa,” bà nói.

Trong nhóm cựu chiến binh người Mỹ hiện diện có ông Steve Cooper, trước là Thủy Quân Lục Chiến, tham chiến tại Việt Nam từ năm 1967 đến 1969. Ông cho hay rằng ông thường đến đây dự lễ chào cờ để gặp bạn bè cũng từng chiến đấu tại Việt Nam và để tiếp xúc với các cựu chiến binh gốc Việt để nhớ lại một quá khứ đấu tranh cho tự do.

“Phải mất một thời gian rất lâu, tôi mới dám hồi tưởng lại giai đoạn dữ dội ấy. Rồi thì khi tôi dám chấp nhận mọi sự hãi hùng, tôi mới thấy tâm hồn mình yên ổn,” ông Cooper nói.

Nhìn mọi người thăm hỏi nhau sau buổi lễ, ông kết luận: “Tôi nghĩ họ đến đây để tìm sự thanh thản trong một quá khứ khốc liệt.”