main billboard

“… Cộng đồng hải ngoại khấn thầm ... 41 năm quốc dân còn ghi. Mong cho mau chóng ... Tự do, dân chủ, nước Nam được nhờ...”


GARDEN GROVE, California (NV) – Tối Thứ Bảy 20 Tháng Hai, Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Bưởi – Chu Văn An Nam California tổ chức một buổi tiệc Tất Niên mừng Xuân Bính Thân 2016 tại nhà hàng Seafood Place, Garden Grove. Đây là một buổi hội ngộ đầy nghĩa trọng sư, tình đồng môn và lòng yêu nước.


buoi chuvanan 11
Hội Trưởng Nguyễn Địch Hà đọc diễn văn khai mạc. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Đoàn Trọng Thiên, tốt nghiệp trường trung học Chu Văn An năm 1965, cư dân Newport Beach, cười tươi và nói: “Bao nhiêu năm nay, năm nào tôi cũng đến tham dự. Gặp thầy cũ, gặp bạn cũ, điều này tôi không bao giờ chán hết.”

Bà Lê Thu Cúc, cư dân Fountain Valley, cùng đến với chồng. Bà nói: “Tôi là cựu nữ sinh Trương Vương và vẫn tiếp xúc với các anh bên Chu Văn An thường xuyên.”

Đúng 7 giờ tối, căn phòng chật người, đang vang vang thân mật tiếng chào hỏi nhanh chóng nhường chỗ cho tiếng chiêng, tiếng trống thiêng liêng; và bài văn tế cụ Chu Văn An bắt đầu với giọng đọc truyền cảm của ông Nguyễn Mạnh Hiền A:

“… Than ôi, ngẫm nhân sinh phước phần may rủi
Sao đọa đày, buồn tủi dân đen?...”

Bài văn tế này do các đồng môn trong hội cùng viết đã thể hiện được nỗi trăn trở đối với đồng bào trong nước, đúng với tinh thần và khí tiết của chí sĩ Chu Văn An thuở xưa và “Thất Trảm Sớ” của ông.

buoi chuvanan 12

Không khí trang nghiêm trong phần đọc văn tế cụ Chu Văn An. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Trong cử tọa, có sự hiện diện của cựu hội trưởng là Nha Sĩ Phạm Đình Tuân, cựu giáo sư Chu Văn An Hà Tường Cát, ông Đoàn Thanh Liêm, một người chuyên đấu tranh cho nhân quyền tại Hoa Kỳ, và nhiều nhân vật quan trọng khác.

Ngoài các cựu giáo sư và cựu học sinh Chu Văn An, cử tọa gồm rất đông các thân hữu khác từ hội đoàn khác như Bà Triệu, Quốc Học Đồng Khánh, Quảng Trị, Nguyễn Hoàng và Nguyễn Bá Tòng. Ngoài ra còn có nhiều gương mặt thuộc các hội ái hữu của cựu Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và Không Quân.

Trong diễn văn khai mạc, ông Nguyễn Địch Hà, hội trưởng, kêu gọi mọi người không nên quên thân phận của đồng bào trong nước và xin dành một phút để cầu nguyện cho một nước Việt Nam tươi sáng hơn trong năm nay, năm Bính Thân.

Ông nói: “Cầu nguyện là khởi xuất một hành động, và chỉ có hành động mới đem lại hiệu quả mong muốn. Hãy viết ngang trời ba chữ Chu Văn An.”

Sau đó là phần giới thiệu cuốn sách mới của cựu Giáo Sư Vũ Ngọc Ánh mang tựa đề “Câu Chuyện Âm Nhạc,” một cuốn sách do ông dùi mài, gọt đẽo trong suốt 60 năm trời. Tác giả nói: “Xin quí vị hãy đọc cuốn sách này để thấy yêu âm nhạc hơn.”

Trong phần văn nghệ, khi ban chấp hành hợp ca bài “Chu Văn An Hành Khúc,” không ai bảo ai, mọi người cùng im phắc lắng nghe sự hùng hồn và niềm hãnh diện của từng người trong từng câu ca.

buoi chuvanan 13

Hợp ca "Ly Rượu Mừng" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Hợp ca “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương, một nhạc phẩm không thể thiếu trong mọi chương trình văn nghệ Xuân, đã thành công trong tinh thần “cây nhà, lá vườn” khi hai người điều hợp chương trình Vũ Quốc Phong và Phạm Gia Đại thân mật mời gọi các giọng ca nữ lên giúp cho tiết mục này được toàn vẹn hơn.

Quả thật, dù không hề tập dượt với nhau mà các giọng ca hòa quyện với nhau một cách rất nhịp nhàng và ấm áp.

Bà Vũ Kim Bích, cư dân Garden Grove, chia sẻ: “Tôi từng đóng góp trong ban văn nghệ của hội này. Phải nói hội Chu văn An là một trong vài hội đoàn có tổ chức rất chặt chẽ, có lớp, có lang, có đầu, có cuối. Tôi rất thích, và muốn đóng góp hoài. Chỉ có hai năm nay là tôi bận quá nên không tham dự được.”

Ông Ngô Thụy Vũ, ra trường năm 1968, nói: “Vì ở Westminster nên gần như năm nào, nếu không đi đâu xa, tôi đều có mặt, trước để gặp gỡ bạn bè, sau là coi văn nghệ.”

“Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An Nam California của chúng tôi được thành lập từ năm 1989, tính tới nay đã là 36 năm rồi,” ông Nguyễn Địch Hà cho hay.

Không khí nhộn nhịp âm thanh chợt chùng xuống khi ban tổ chức nhắc lại một mất mát lớn lao của cộng đồng năm 2015 khi cựu Giáo Sư Lưu Trung Khảo. Cử tọa trầm buồn nhìn những hình ảnh mà vị giáo sư để lại ba tháng trước khi từ trần hôm Thứ Ba, 22 Tháng Mười Hai, 2015.

Theo truyền thống của hội, mỗi năm, các cựu giáo sư cùng các cựu học sinh Chu Văn An gặp nhau trong một bữa tiệc thân mật để hàn huyên tâm sự.

“Nhưng những năm gần đây, chúng tôi có những buổi hội thảo về tình hình đất nước, như để gióng lên tiếng trống kêu gọi mọi người hãy sánh vai giữ nước trước hiểm họa mất Trường Sa, Hoàng Sa,” ông Hà nói.

Ông Nguyễn Đức Khoát, cựu hội trưởng, nói về truyền thống bất khuất của học sinh Chu Văn An: “Năm 1908, người Pháp thành lập trường với tên chính thức là 'Lycée du Protectorat' (Trung Học Bảo Hộ) nhăm mục đích đào tạo tay sai cho họ. Nhưng các học sinh tại đây cứ gọi tên trường là 'Bưởi' để nêu cao tinh thần chống Pháp.”

“Mãi đến năm 1945, trường được chính phủ Trần Trọng Kim đặt tên Việt Nam là Quốc Lập Trung Học Hiệu Chu Văn An,” ông tiếp.

Trên đường ra bãi đậu xe, còn có người nhắc lại với nhau về mấy câu cuối trong bài văn tế đầu chương trình:

“… Cộng đồng hải ngoại khấn thầm
41 năm quốc dân còn ghi. Mong cho mau chóng
Tự do, dân chủ, nước Nam được nhờ...”