main billboard

Đêm nay chúng ta cùng gặp nhau ở đây, qua âm nhạc hãy cùng nhau quay về quê hương để nhớ lại những nét thanh bình qua thời gian và không gian ngày cũ.”


WESTMINTER, California (NV) - “Quê hương giờ đã nghìn trùng xa cách hơn 40 năm trước. Tình quê hương là một cái gì thiêng liêng nhất, nó ẩn chứa trong nỗi lòng mỗi người Việt xa quê. Đêm nay chúng ta cùng gặp nhau ở đây, qua âm nhạc hãy cùng nhau quay về quê hương để nhớ lại những nét thanh bình qua thời gian và không gian ngày cũ.”

vienviethoc 21
Từ trái, Thanh Mai, Lâm Dung, và Ngọc Quỳnh, trong liên khúc ba miền. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đó là lời mở đầu trong chương trình nhạc thính phòng trong Tháng Ba với chủ đề “Đường Về Quê Hương” tại Viện Việt Học, Westmister, vào lúc 7 giờ 30 chiều Thứ Bảy, 13 Tháng Ba, với đông đảo thính giả tham dự.

Thính phòng Viện Việt Học bao gồm những người yêu âm nhạc, những tâm hồn lắng đọng, muốn tìm lại những gì của thời gian, mà hơn 40 năm rồi vẫn canh cánh bên lòng một nỗi nhớ quê nhà.

Chương trình được Ngọc Quỳnh và Lâm Dung sắp đặt thật công phu, với 22 tiết mục gồm đơn ca, tứ ca, múa, với sự trình diễn của dàn ca sĩ hùng hậu, qua phần âm nhạc của nhạc sĩ Tô Minh Hùng.

Ba MC Thanh Mai, Ngọc Quỳnh và Bùi Khanh, thật duyên dáng và tươi trẻ trong phần giới thiệu các nhạc phẩm đã làm khán thính giả thích thú hiểu rõ thêm về các nhạc phẩm trình bày.

Để góp phần trong chi phí sinh hoạt, xen kẽ trong phần âm nhạc là phần bán các tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh, với các hình ảnh thật quen thuộc và thân thương trong đời sống quanh ta, đó là các loại cây trái sau vườn nhà như ớt, ổi, mận, hoa quỳnh, hoa dâm bụt, trái khổ qua,... do nhiếp ảnh gia Bùi Khanh thực hiện, với màu sắc và kỹ thuật in ấn khổ lớn, lồng trong khung thật đẹp, được trân trọng đón chào của các thính giả: nhạc sĩ Võ Tá Hân, Bác Sĩ Chu Minh Cường, chị Từ Ngọc Lệ, chị Phương Lan, Giáo Sư UCLA Monte Ung, cố vấn Hội Ái Hữu Phan Thiết-Bình Thuận.

vienviethoc 22
Bán tranh nghệ thuật gây quỹ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Mở đầu chương trình là nhạc phẩm “Bóng Người Đi,” sáng tác Văn Phụng, qua tam ca Hồng Tước, Lâm Dung, và Xuân Thanh. Nhạc phẩm này nói về sự chia ly của cặp tình nhân, đã dẹp tình riêng để chàng lo nợ nước. Bài hát tuy nói về sự chia ly, nhưng lại có một nhịp điệu vui tươi, hứa hẹn một kết cục đẹp khi cặp tình nhân chia xa sẽ hội ngộ tương phùng.

Tiếp theo, các nhạc phẩm “Quê Mẹ,” sáng tác Thu Hồ, “Dưới Giàn Hoa Cũ,” sáng tác Tuấn Khanh, và “Làng Tôi,” sáng tác Chung Quân, qua ba giọng ca Trần Kim Yến, Duy Khang, và Thy Hậu đã đưa người nghe về những nỗi nhớ mong da diết về quê mẹ, nơi có ngôi làng quê với cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam, với bao mái tranh san sát kề nhau, với bóng tre ru mấy hàng cau... nhưng với lý tưởng quyết ra đi chiến đấu cho ngày trở về sum họp dưới mái nhà, mà người em gái dưới giàn hoa cũ vẫn mong chờ ngày gặp lại.

Dải đất Việt Nam hình cong như S, từ Ải Nam Quan đến tận mũi Cà Mau nối liền Bắc Trung Nam, với niềm tự hào gìn giữ quê hương qua nhạc phẩm “Bên Bờ Đại Dương,” sáng tác Hoàng Trọng và Hồ Đình Phương, với tiếng hát Thanh Mai khiến người nghe xao xuyến cả tâm hồn khi nhớ về quê cũ.

Nếu tâm tình của người trai sương gió, đi mãi trên đường đấu tranh cho đất nước yên vui, được thể hiện qua giọng nam trầm và khỏe của Bùi Khanh qua nhạc phẩm “Anh Đi Về Đâu,” sáng tác Hoàng Nguyên, thì Thi Nhung lại rất tha thiết qua nhạc phẩm “Tình Quê Hương” của Đan Thọ.

“Chùa Hương,” sáng tác Hoàng Quý, qua phần trình bày của vũ đoàn Mây Ngọc, với phần đạo diễn của Võ Doãn Châu, qua tiếng hát Ngọc Vân, đã thay đổi không khí với vũ điệu thật bay bướm, các dải lụa xanh phất phơ như dòng nước reo vui khi thuyền đi viếng cảnh chùa, một hoạt cảnh được dàn dựng rất công phu.

Từ “Nỗi Lòng Người Đi,” sáng tác Anh Bằng, “Hướng Về Hà Nội,” sáng tác Hoàng Dương, đến “Giấc Mơ Hồi Hương,” sáng tác Vũ Thành, các ca sĩ Duy Tân, Khắc Hiền, và Hồng Tước đã đưa người nghe về thời kỳ năm 1954, khi đất nước phân ly đến khi mơ về Hà Nội trong nỗi nhớ thương da diết, và trong dòng nhạc sang trọng trữ tình khi mơ trở về quê cũ một ngày quê hương nắng ấm thanh bình.

vienviethoc 23
Ban vũ Mây Ngọc với vũ khúc “Chùa Hương.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Một tiết mục thật trữ tình, âm điệu ba miền Bắc Trung Nam, “Liên Khúc Nước Việt Mến Yêu,” được trình bày qua ba tiếng hát Thanh Mai, Ngọc Quỳnh, và Lâm Dung, với hình ảnh ba cô gái trong trang phục ba miền đã đem lại thích thú với âm điệu miền Bắc bài “Non Nước Hữu Tình,” “Lý Ngựa Ô,” của miền Trung, và “Hành Trình Trên Đất Phù Sa” với âm điệu đậm chất dân dã miền Nam.

Người chiến sĩ đã bỏ thây ngoài trận địa để bảo vệ cho quê hương, có người đã nằm xuống không ai biết họ tên, ngàn đời biết ơn người “Chiến Sĩ Vô Danh,” một sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy, để tưởng nhớ những người anh hùng Việt Nam, qua tiếng hát trầm hùng của Bùi Khanh đã làm cả thính phòng bồi hồi cảm xúc.

Đêm càng về khuya, lúc sôi nổi rộn ràng, lúc thì sâu lắng, lúc nhẹ nhàng tình tứ qua các nhạc phẩm “Vẫn Còn Mùa Xuân Cho Em” (Diệu Hương), “Trở Về” (Châu Kỳ), “Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang” (Vũ Đức Sao Biển), “Ngày Về” (Hoàng Giác), “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” (Tuấn Khanh), “Nắng Chiều” (Lê Trọng Nguyễn), “Về Đây Anh” (Nguyễn Hiền), “Một Mai Giã Từ Vũ Khí” (Trịnh Lâm Ngân), “Tình Ca” (Phạm Duy) qua các tiếng hát Trần Kim Yến, Duy Khang, Thi Nhung, Ngọc Vân, Thạch Thảo, Kim Phượng, Xuân Thanh, Thy Hậu, Khắc Hiền, và Ngọc Quỳnh.

Đên nhạc thính phòng “Đường Về Quê Hương” của Viện Việt Học cũng đến lúc khép lại với nhạc phẩm “Bức Họa Đồng Quê,” sáng tác Văn Phụng, qua tiếng hát Duy Tân và Lâm Dung, cả thính phòng vỗ tay cùng hòa nhịp trong âm điệu thật vui tươi.

Tất cả các anh chị em nghệ sĩ đều ra chào thính giả và hẹn tái ngộ.

Đây là chương trình trong Tháng Ba, mà đêm nhạc thính phòng là một trong những sinh hoạt thường xuyên của Viện Việt Học.

Nhân đây, Giáo Sư Nguyễn Minh Lân, phụ trách Viện Việt Học, cũng thông báo chương trình sinh hoạt Tháng Tư của viện sẽ có đêm nhạc thính phòng với chủ đề “Những Nẻo Đường Việt Nam” tổ chức ngày Thứ Bảy, 9 Tháng Tư, từ 7giờ 30 đến 10 giờ 30.

Trong đêm nhạc, CLB Văn Nghệ Viện Việt Học, CLB Sinh Viên Học Sinh, Ban Hợp Xướng Viện Việt Học, và thân hữu sẽ cùng cất tiếng hát để khơi lại mạch sống ngầm âm ỉ của người xưa, gầm lên, gột bỏ, chuyển hóa thành người Việt Nam mới, với tư duy thời đại, cùng nhân loại sống, ngợi ca và xây đắp tình thương hòa bình.