main billboard

Một sĩ quan truyền tin của Thủy Quân Lục Chiến kể, là sau khi liên lạc với Trung Tá Tùng qua sóng vô tuyến, thì nghe một tiếng nổ rất lớn, từ đó vĩnh viễn mất liên lạc.


SÀI GÒN (NV) - Chúng tôi gặp bà quả phụ Ðỗ Hữu Tùng vào một ngày Tháng Tư nóng điên người, khi bà vừa về thăm quê ngoài Ðà Nẵng trở vô Sài Gòn.

Bà quả phụ Ðỗ Hữu Tùng, tên thật là Nguyễn Thị Bích Liên, năm nay tính tuổi ta đã 77. Cuộc sống khó khăn, trải bao nhọc nhằn, chồng mất, một mình sau 1975 nuôi hai con nhỏ, nhiều năm nay bà phải điều trị chứng cao áp huyết, và mới đây lại có triệu chứng của bệnh Parkinson. Chúng tôi nhận ra điều này khi nhận thấy, lúc xúc động, tay bà rung rung từng đợt, giọng nói nhòe đi.

dohuutung 1
Bà quả phụ Ðỗ Hữu Tùng, 77 tuổi, bên những kỷ vật của chồng. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Ký ức Tháng Ba trở lại, chầm chậm như một đoạn phim tài liệu được chiếu nhiều lần, bà kể với chúng tôi giống như đã nằm lòng, mà không cần phải nói là bà đã nghe những chiến hữu của ông Tùng kể lại. Bà kể, như thể một nhân chứng đứng ngay trên bãi biển đó, nhìn thấy mọi việc và nghe lại được giọng nói thân quen của chồng.

10:30 phút sáng ngày 29 Tháng Ba, 1975, căn cứ Non Nước, bán đảo Sơn Trà, cửa biển Ðà Nẵng tràn ngập những sắc lính VNCH chờ tàu Hải Quân bốc đi, trong chiến dịch bỏ ngỏ vùng II. Pháo binh Cộng Sản bắt đầu tăng cường bắn phá dọc bờ biển.

Hai giờ chiều, hai chiếc tàu Hải Quân xuất hiện ngoài khơi. Một chiếc chạy vô bờ, nhưng còn cách bờ khoảng 500 mét thì bị pháo kích dữ dội...

Lúc đó Trung Tá Ðỗ Hữu Tùng đi cùng với vị chỉ huy là Lữ Ðoàn Trưởng Nguyễn Xuân Phúc, là bạn đồng khóa 16, Võ Bị Ðà Lạt. Hai vị lệnh cho thuộc cấp, ai bơi được ra hai tàu đậu ngoài khơi thì bơi. Còn hai vị dự định quay lại Ðà Nẵng, và sẽ tìm cách ra ngoài hạm đội bằng trực thăng.

dohuutung 2
Hình ảnh cố Trung Tá Ðỗ Hữu Tùng, nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 6 TQLC, dưới cờ chiến thắng tại cổ thành Quảng Trị, 1972. (Hình: Gia đình cung cấp)


Khi chúng tôi hỏi, lúc ông Tùng rút quân về tới Ðà Nẵng thì bà có được gặp ông? Bà quả phụ cho biết: “Ðơn vị của anh Tùng từ Quảng Trị rút về Huế, rồi từ Huế rút về Ðà Nẵng. Tổn thất nhiều sĩ quan nên công việc chỉ huy đơn vị của anh Tùng rất bận rộn, không thể về gặp vợ con. Anh chỉ kịp nhờ một người cháu cùng đơn vị, nhắn với bà là 'cuộc chiến lúc này đang rất khó khăn, mà anh biết là anh không thể chung sống với Cộng Sản. Vậy nên em ráng sống để sau này nuôi con.”

Khi hai ông Tùng và Phúc rời khỏi bờ biển thì hầu như không có nhân chứng nào đưa ra được hình ảnh tiếp theo một cách chi tiết và xác đáng. Một sĩ quan truyền tin của Thủy Quân Lục Chiến kể, là sau khi liên lạc với Trung Tá Tùng qua sóng vô tuyến, thì nghe một tiếng nổ rất lớn, từ đó vĩnh viễn mất liên lạc. Lại có nhân chứng nói, đã thấy hai vị chỉ huy lên trực thăng, nhưng bay chưa xa thì trúng phải đạn phòng không của Cộng Sản ngay trên bầu trời Ðà Nẵng.

Hàng năm, gia đình bà quả phụ Ðỗ Hữu Tùng lấy ngày 29 Tháng Ba, ngày Ðà Nẵng thất thủ, làm ngày giỗ ông.

dohuutung 3
Kỷ vật là những lá thư và đồ trận của Trung Tá Ðỗ Hữu Tùng. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Nuôi con những ngày gian khó

Sau khi bị mất ngôi nhà ở Sài Gòn, bà quả phụ Ðỗ Hữu Tùng đưa hai con về Ðà Nẵng.

Lúc đó, người con trai lớn - Ðỗ Hữu Nguyên Vũ, sinh năm 1969, mới được 6 tuổi. Và cô gái út, Ðỗ Tuyết Liên, sanh năm 1974, mới vừa được mấy tháng.

Bà quả phụ mới ngoài 35, từng tốt nghiệp trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia, trong ngạch đã lên mức thượng hạng. Từng làm việc ở bệnh viện Từ Dũ, nhưng về Ðà Nẵng bà kiếm sống bằng nghề đan dây thừng bằng sợi nilông. Vì lúc đó, nhiều vùng ở Ðà Nẵng còn xài nước giếng quay tay, nên dây thừng là mặt hàng bán được.

Sau mấy năm, bà quyết định quay trở lại Sài Gòn. Nơi mà trước 1975, bà không chỉ làm cho bệnh viện, mà còn đem đơn thuốc tới mấy lab của pharmacy, lấy thuốc đem đi bán. Công việc bán thuốc Tây ngày trước giúp cho bà có tiền xây nhà ở Sài Gòn. Chứ thực sự lương của ông Tùng, dù là lương sĩ quan cũng chẳng thể nào xây được nhà.

dohuutung 4
Những lá thư cố Trung Tá Ðỗ Hữu Tùng viết cho vợ từ Mỹ vào năm 1965. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Những năm khó khăn sau 1975, nhờ buôn bán mỹ phẩm tại khu chợ Trương Minh Giảng, bà tình cờ gặp lại “một người em” trong lực lượng Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) đi tù cải tạo về. Qua người này, bà được biết, trận đánh cuối cùng của TQLC tại Ðà Nẵng là chiều tối 29 Tháng Ba. Khi không ra được tàu Hải Quân, một đơn vị TQLC rút về tu viện Sơn Trà (Ðà Nẵng) lập tuyến phòng ngự. Sau trận giao tranh ác liệt vào lúc chiều tối, đơn vị này rút đi, nhưng có một sĩ quan và một người lính đã dùng lựu đạn tự sát và được người của tu viện chôn cất đàng hoàng.

Năm 1985 (hay 1986), bà lại tất tả cùng người con trai lớn trở ra Ðà Nẵng. Ðến tu viện, bà xin được hốt cốt của hai người lính TQLC, để nhận diện hài cốt chồng. Nhưng hai bộ hài cốt, một thì quá cao, một thì quá thấp, đều không thể là của ông Tùng. Bà đem hai bộ hài cốt về cải táng ở Gò Cà, vì không biết danh tánh, nên bà chỉ ghi trên mộ dòng chữ: “Hai chiến hữu của anh Ðỗ Hữu Tùng.” Sau đó bà có báo tin cho bà Thiếu Tá Hoàng, vì ông Hoàng là chiến hữu cùng binh chủng. Bà Hoàng có đi nhận diện, nhưng qua hàm răng và chiều cao của hai bộ hài cốt, kết luận đó không phải là ông Tùng.

Bà Tùng quyết định bỏ việc bán mỹ phẩm, và xin quay trở lại làm việc cho bệnh viện, vì bà muốn con có một lý lịch “tốt” hơn, trong một xã hội còn nhiều kỳ thị, thời của “học tài, thi lý lịch.”

dohuutung 5
Hình ảnh đôi vợ chồng trẻ Ðỗ Hữu Tùng và Nguyễn Thị Bích Liên (tên thời con gái của bà Ðỗ Hữu Tùng) hình chụp năm 1966. (Hình: Gia đình cung cấp)


Ngày đi làm vất vả. Ðêm về bà kèm cặp cho con học hành. Khi các con đã yên giấc, bà đem quần áo ra may gia công kiếm thêm tiền chợ. Cho đến khi mệt quá bà mới thiếp đi. Nhiều đêm bà thấy ông Tùng trở về, tình cảm vợ chồng không hề xa cách, vì trong thâm tâm bà chưa bao giờ nghĩ rằng chồng đã chết.

Khi còn ở căn gác trọ đường Ký Con, có lần bà thấy ông Tùng lái xe Jeep bận đồ trận trở về, bà nói với hai con: “Ba con về kìa, hai đứa ra đón ba đi con!” Người con trai lớn là Vũ, ngơ ngác “con có thấy ai đâu?” Bà giật mình, lúc đó mới biết mình đang nằm mơ.


Kỷ niệm vẫn đong đầy


Bà rất vui khi nhắc lại thời còn học đệ thất Phan Châu Trinh với ông Tùng. Lúc đó, ông Tùng có biệt danh là “chuột nhắt” vì “nhỏ con nhưng mà lanh lắm.” Ông Tùng nhà nghèo nhưng học giỏi, viết chữ đẹp, lại giỏi văn. Bà đem khoe một va-ly những bức thư ông Tùng viết cho bà. Trong đó có những thư từ mặt trận Quảng Trị, có thư ông Tùng đi tu nghiệp bên Mỹ gởi về...

dohuutung 6
Bà quả phụ Ðỗ Hữu Tùng, con gái Ðỗ Tuyết Liên và cháu ngoại. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Bà cũng còn nhớ ngày được mời dự tiệc ăn mừng chiến thắng Cổ Thành Quảng Trị năm 1972 với tướng Lân. Trong trận này, ông Tùng từ thiếu tá tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 6, được vinh thăng trung tá lên nắm lữ đoàn. Bà được một nhà báo mời phỏng vấn, nhưng... trốn biệt. Sau đó giới truyền thông đưa tin là phu nhân của Trung Tá Ðỗ Hữu Tùng còn rất trẻ, mới có 23 tuổi, kỳ thực năm đó bà đã... 32.

Ðiều mà hiện nay bà Tùng rất tự hào là hai người con đều tốt nghiệp đại học và đã có gia đình.

Người con lớn, Ðỗ Hữu Nguyên Vũ làm trong ngành ngân hàng. Cô con gái út, Ðỗ Tuyết Liên, trước kia làm cho hãng Philips. Sau khi có gia đình, là một kỹ sư nước ngoài, cô theo chồng sang sinh sống ở Singapore.

Tháng Tư này, Tuyết Liên về đưa mẹ qua Singapore chơi. Nếu sức khỏe của mẹ tốt, cô mong mẹ sẽ sống cùng cô và cháu ngoại, một cách lâu dài tại đảo quốc Sư Tử này.