main billboard

“Người Pháp có câu 'xa mặt cách lòng,' nhưng với chúng tôi thì tuy xa mặt nhưng chúng tôi không cách lòng.


WESTMINSTER, California (NV) - Trưa Thứ Bảy, 18 Tháng Sáu, tại nhà hàng Seafood World, Westminster, các cựu Sinh Viên Sĩ Quan khóa 16 Thủ Đức đã có một cuộc hội ngộ.

k16 thuduc 11
Ông Nguyễn Xuân Hùng chào mừng mọi người. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Trong phút “điểm danh quân số,” ban tổ chức đã than là “con số anh em Khóa 16 có mặt hôm nay sao lèo tèo” nhưng không vì thế mà không khí cuộc hội ngộ giảm đi tình nghĩa.

Hơn 10 bàn tiệc, rộn ràng là những tiếng nói, tiếng cười. Nhìn ra là những khuôn mặt rất thân quen trong sinh hoạt cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn và Hội HO Cứu Trợ TPB & Quả Phụ VNCH, niên trưởng Lê Bá Khiếu, Vũ Trọng Mục, Nguyễn Trọng Thu, Hồ Đắc Huân...những anh em tích cực trong sinh hoạt cộng đồng như Nguyễn Huy Hiền, Vũ Đình Trung, nữ tình báo Nguyễn Thanh Thủy v.v...

Một cái nhìn chung, có thể đoán rằng, Khóa 16 Thủ Đức hình như có nhiều người ra sinh hoạt trong cộng đồng nhiều nhất so với các khóa khác.

Cựu SVSQ Nguyễn Xuân Hùng, hội trưởng, trong niềm vui hội ngộ, ngỏ lời chào mừng anh em đồng khóa và quan khách tham dự mà theo ông, “Người Pháp có câu 'xa mặt cách lòng,' nhưng với chúng tôi thì tuy xa mặt nhưng chúng tôi không cách lòng. Đó là lý do mà một số anh em ở mãi miền Đông Bắc Hoa Kỳ như anh chị Nguyễn Khoa Bình cũng về họp mặt khóa.”

Ca sĩ Ngọc Minh, người được gọi một cách thân thiết là “người yêu của lính” trong thời gian khói lửa chiến chinh, cho đến nay, vẫn còn là “người em gái hậu phương” trìu mến với các cựu SVSQ Thủ Đức.

Ngọc Minh đã đến với anh em Khóa 16, cống hiến giọng ca trong hai ca khúc, mà một trong hai ca khúc đó là tù khúc “Hai Hàng Cây So Đũa” thơ Nguyên Huy, nhạc Trọng Minh, hai người tù khi ở trong trại tù Xuân Lộc Z.30 A Long Khánh đã sáng tác, để diễn tả cái tâm trạng vợ con phải “ra đi tìm sống, trùng dương thật mênh mông, bờ tự do vẫy gọi, đời anh rồi vắng không, vắng không...”

Trọng tâm của buổi hội ngộ là để anh em lại có dịp hàn huyên tâm sự, chuyện cũ chuyện mới. Hội trưởng Nguyễn Xuân Hùng nhắc nhở: “Xin các anh lên kể lại những buồn vui của đời mình, những sĩ quan của VNCH mà Cộng Sản ghép cho một cái xú danh là 'sĩ quan ngụy.' Chúng tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta là một cuốn hồi ký ắp đầy những kỷ niệm chua xót...”

k16 thuduc 12
Quang cảnh buổi họp mặt cựu sinh viên sĩ quan Khóa Thủ Đức. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Và ông khởi đầu bằng một câu chuyện sau khi ra khỏi tù, về đến nhà thấy nhà cửa tan hoang, vợ con nheo nhóc không thể tưởng tượng ra được. Lòng tràn đầy đau thương khi nghĩ bao nhiêu năm vợ con mình phải khốn khổ, nay mình về được dù sức đã tàn lực cũng kiệt, nhưng cũng ráng tìm một công việc gì cứu cho gia đình vợ con bớt khốn khổ. Nhưng tìm không ra việc vì có dĩ vãng là “sĩ quan cải tạo” nên bị bọn cán lớn cán nhỏ hoạnh họe đủ điều mà vẫn không xin được việc làm. Những điều họ hoạnh họe thật là nực cười, họ không cho “sĩ quan ngụy” được gọi Hồ Chí Minh là bác, cũng không được gọi là cụ, là bất cứ danh từ gì, cuối cùng đành thầm nhủ thỉ gọi là “thằng” vậy.

Người thứ nhì lên kể chuyện là ông Nguyễn Khoa Bình, em cố Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam.

Ông Bình bị đưa ra Bắc mà theo lời chính quyền Cộng Sản lúc đó là “để các anh có điều kiện học tập cải tạo mà mau chóng về với gia đình.” Ai ngờ đâu điều kiện để học tập là rừng thiêng nước độc, lao động khổ sai, đói khát vật vờ, đời sống như thú vật...

Ông Bình ở trại Hoàng Liên Sơn, và theo lời kể, khi về, đời sống rất khổ cả về tinh thần lẫn vật chất. Ông phải đạp xích lô để kiếm sống, nhưng bị bắt phải thi lấy bằng lái xích lô thì mới cho đạp. Mà bằng xích lô thì lấy đâu ra, trường nào dạy, Chẳng qua chỉ là muốn làm khó dễ cho những sĩ quan của chế độ cũ mà Cộng Sản bất lực không thể cải tạo được.

Kế tiếp, ông Lê Nghiêm Kính, tức nhà văn Huy Phương, thuộc ban tổ chức, kể một câu chuyện về tình báo dí dỏm, như những bài viết Tạp Ghi của ông trên các báo ở hải ngoại.

Chuyện kể của những cựu sinh viên sĩ quan Thủ Đức có thể là của người này mà cũng là của người kia vì cuộc sống của anh em ở trong tù cải tạo và sau khi ra khỏi tù cải tạo đều như cá chậu chim lồng, cùng thở chung một luồng hơi độc Cộng Sản nên nếu có khác chăng chỉ là tiểu tiết, còn về đại thể thì y chang như nhau. Do đó, mục kể chuyện mình đã được nhiều người tham dự và những người khác thì chú tâm theo dõi như đang ôn lại những tháng ngày tăm tối đã qua.

Cuộc hội ngộ kéo dài tới 2 giờ chiều mới tạm kết thúc trong lưu luyến.