main billboard

“Năm nay chúng tôi muốn các thầy cô nhận thức rõ hơn một nhiệm vụ cao cả là giảng dạy lại cho học sinh về truyền thống yêu nước và lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam."

vietngu tunghiep 1
Thầy cô tham dự Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ thứ 28. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

GARDEN GROVE, California (NV) – Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ thứ 28 dành cho các thầy cô giáo dạy Việt ngữ, do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California tổ chức, tiếp tục sang ngày thứ hai, từ 7 giờ sáng Thứ Bảy, 30 Tháng Bảy, tại đại học Coastline Community College, Garden Grove, sau lễ khai mạc tối Thứ Sáu, với chủ đề “Truyền Thống Yêu Nước và Chống Ngoại Xâm của Dân Tộc Việt Nam.”

“Năm nay chúng tôi may mắn được ban giám đốc Coastline Community College bảo trợ địa điểm nên về tài chánh ban đại diện chúng tôi dễ thở hơn các năm trước rất nhiều. Thêm vào đó, địa điểm lại rất thuận tiện, bãi đậu xe rộng rãi rất tốt cho các khóa sinh,” thầy Vũ Hoàng, trưởng ban tổ chức, nói với nhật báo Người Việt.

Ông Nguyễn Văn Khoa, một trong những người phụ trách nội dung chương trình, cho biết: “Năm nay chúng tôi muốn các thầy cô nhận thức rõ hơn một nhiệm vụ cao cả là giảng dạy lại cho học sinh về truyền thống yêu nước và lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Yêu nước không phải là một cảm xúc nhất thời mà là một truyền thống và là một đặc tính thiêng liêng luôn luân lưu trong dòng máu dân tộc Việt từ ngàn xưa.”

Do đó, mở đầu khóa tu nghiệp là buổi hội thảo.

Tất cả các khóa sinh đều vào phòng tham dự hội thảo do cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, điều hợp. Chủ tọa đoàn gồm Giáo Sư Trần Ngọc Dụng, Bác Sĩ Nguyễn Anh Hoàng, và thầy Vũ Hoàng.

Các lớp học chia ra làm 25 lớp. Năm lớp buổi sáng, gồm tập làm văn (cô Lê Gia Thuận), thực hành đặt câu (thầy Trần Chấn Trí), văn phạm tiếng Việt (cô Trần Minh Tâm), sử dụng bộ sách tiếng Việt của ban đại diện trong gia đình (thầy Đăng Ngọc Sinh) và những phương pháp tạo hứng thú học Việt ngữ theo từng lớp tuổi (cô Dianne Thúy Trịnh). Sau đó là nghỉ trưa.

vietngu tunghiep 2
Quang cảnh một lớp học Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ thứ 28. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Tiếp theo là 10 lớp kèm phần văn nghệ do chính các thầy cô đóng góp, gồm các lớp dạy Việt ngữ bằng âm nhạc (nhạc sĩ Hồng Trang), tiếng Việt dạy bằng hội họa (thầy Đặng Ngọc Sinh), tiếng Việt truyền thống và hiện tại (thầy Trần Chấn Trí), dạy tiếng Việt trong gia đình (cô Đặng Hương và cô Đào Thanh Hà), phương pháp dạy giảng văn (thầy Văn Tường), tìm hiểu bản sắc văn hóa Việt (thầy Trần Ngọc Dụng), âm và chữ (thầy Trần Chấn Trí), văn chương bình dân Việt Nam (hai nghệ sĩ Trần Lãng Minh và Nga Mi, và thầy Nguyễn Văn Khoa), vai trò gia đình trong văn hóa Việt (cô Phạm Thị Huê).

“Từ 6 giờ 30 chiều sẽ là đêm văn hóa truyền thống tại nhà hàng Seafood Place với ‘Giải Giọng Ca Chì,’ vì thầy cô đa số dùng bút chì để dạy các em,” cô Diệu Quyên pha trò.

Chương trình văn nghệ này là một trong những sinh hoạt hào hứng trong lịch sử các khóa tu nghiệp sư phạm.

Ban tổ chức cho biết có khoảng 157 khóa sinh ghi danh khóa tu nghiệp.

Theo cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên, năm nay các môn học phong phú hơn, với 30 đề tài, được tám thầy cô phụ trách, như các thầy cô Trần Mỹ Duyệt, Trần Chấn Trí, Phạm Quốc Bảo, Đặng Ngọc Sinh, Văn Tường, Hồng Trang, Nguyễn Thị Huê, và Lê Gia Thuận.

“Thêm vào đó còn có các cô giáo trẻ, mới đến sinh hoạt với ban đại diện, gồm cô Quỳnh Trang, cô Đặng Hương, cô Dianne Thúy Trịnh, và cô Trần Minh Tâm. Ngoài ra, thành phần giảng huấn còn có Giáo Sư Trần Huy Bích, Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang, Giáo Sư nguyễn Song Thuận, Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng và cá nhân Diệu Quyên,” vị chủ tịch hội đồng quản trị nói.

Cô Diệu Quyên cho biết năm nay cô phụ trách lớp sư phạm căn bản với thầy Văn Tường, và phương pháp điều hành lớp học với cô Quỳnh Trang.

Một trong những lớp có đông khóa sinh là “Những phương pháp tạo hứng thú học Việt ngữ theo từng lớp tuổi,” do cô Dianne Thúy Trịnh phụ trách, có mục đích đem lại ích lợi thực tiễn cho các khóa sinh.

“Tôi rất chú trọng đến các em ‘quậy’ vì nếu thuyết phục được các em này, thầy cô sẽ có được những phụ tá đắc lực,” cô Dianne nói.

vietngu tunghiep 3
Khóa sinh nhận tài liệu trước khi học. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Khóa sinh Nguyễn Xuân Thức, 59 tuổi, thuộc Trường Việt Ngữ Cộng Đoàn Costa Mesa, cho biết: “Tuy tham dự lần đầu, tôi học được cách dạy khen thưởng. Cách này là theo lối dạy của Mỹ, rất khác với người Việt mình. Tuy nhiên cần lưu ý đến luật lệ của từng trường.”

“Sau khi con cái đã lớn, tôi nghĩ cần dấn thân giúp đỡ cộng đồng, vì con cháu mình khi lớn lên, chúng nó sẽ phải sống trong cộng đồng đó,” ông Thức nói thêm.

Cô Vũ Quỳnh Trâm, hiện là cô giáo dạy trong Học Khu Westminster, chia sẻ: “Tôi tham dự khóa tu nghiệp lần đầu vào năm 1996, tính đến nay là bốn lần rồi. Tôi sẽ học lớp ‘Cách đặt câu’ do thầy Trần Chấn Trí phụ trách.

Cô Hương Đặng, hiện là cô giáo dạy chương trình song ngữ Anh-Việt tại trường Mỹ, kêu gọi: “Phụ huynh nên nói tiếng Việt với con cháu ở nhà và cho các em tham gia các sinh hoạt cộng đồng.”

Cô Trần Phong Thu, khóa sinh từ trường Việt Ngữ Hồng Bàng, cho biết năm nay trường gởi hai thầy cô đi tu nghiệp.

Thầy Khanh Lê của trường Việt Ngữ Tam Biên chia sẻ: “Nhiều lớp học rất ích lợi, dù không phải cho người đi dạy tiếng Việt.”

Nhóm thầy cô tham dự đông nhất, khoảng 20 thầy cô, thuộc trường Việt Ngữ Thánh Linh, do Soeur Trần Thị Nữ hướng dẫn.

Các khóa sinh nhận chứng chỉ mãn khóa vào trưa Chủ Nhật, 31 Tháng Bảy, sau khi hoàn tất các lớp học vào buổi sáng, như tìm hiểu giới từ trong tiếng Việt (cô Trần Minh Tâm), sự phong phú của tiếng Việt và tìm hiểu từ Việt gốc Hán (Giáo Sư Trần Ngọc Dụng), từ vựng tiếng Việt (cô Đặng Thơ Thơ), phương pháp dạy Văn Sử Địa (thầy Văn Tường), lịch sử nước Việt (nhà văn Phạm Quốc Bảo), địa lý nước Việt (thầy Đặng Ngọc Sinh), Trống Đồng của Đại Tộc Việt (Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang), hội thảo các trung tâm trưởng, và so sánh ba nền giáo dục và nguồn gốc tiếng Việt (Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng).