main billboard

...thành phố Pleiku là nơi chôn nhau cắt rốn của những cô gái “má đỏ, môi hồng” với khai sinh ở Xã Hội Thương, Hội Phú.

lientruong pleiku 21
Cựu học sinh Pleiku đồng ca “Một Mẹ Trăm Con.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

STANTON, California (NV) – Ðại Hội Liên Trường Pleiku kỳ 7 năm 2016 vừa được tổ chức tại nhà hàng China Feast, Stanton, vào tối Thứ Bảy, 17 Tháng Chín.

Buổi hội ngộ thắm đượm tình thầy trò, tình đồng môn, bằng hữu của Liên Trường Pleiku chào đón các giáo sư và cựu học sinh các trường trung học tỉnh Pleiku và thân hữu về tham dự.

Sau nghi thức khai mạc, hai MC Ngọc Liên và Nguyễn Viết Quy giới thiệu các giáo sư và các bạn từ xa như Canada, Việt Nam, Nebraska, Minnesota, Washington, Colorado, Texas, Nevada, và Florida. Có những vị giáo sư từ xa không đến dự được cũng gọi điện thoại tới và gởi thư chúc mừng đại hội.

Không quản ngại đường xa và sức khỏe, đến tham dự đại hội lần này còn có các vị giáo sư như Trần Ðình Thành, Bùi Mỹ Dung, Hồng Lan, và Phan Thị Lưu.

Bà Tuyết Nga, trưởng ban tổ chức, phát biểu: “Trong thời gian chuẩn bị cho đại hội kỳ 7 này, vì có mục đích là độc lập và tự lập, quả là một thời gian cấp bách và thách thức cho ban tổ chức. Nhất là việc hoàn thành đặc san Liên Trường Pleiku, nhiều lúc gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng bằng kinh nghiệm, cố gắng để hoàn thành trách nhiệm của người yêu chính nghĩa và văn chương, cùng với sự góp sức của tất cả các bạn liên trường, đặc san Liên Trường mới được ra mắt trong ngày đại hội hôm nay.”

“Xin cảm ơn tất cả bạn bè đã giúp sức rất nhiều cho ngày đại hội, được gặp lại thầy cô, bè bạn thắm tình đồng môn trong tình đoàn kết, hợp tác và ủng hộ, sẽ mang lại sức mạnh cho Liên Trường Pleiku mội ngày một vững mạnh trên con đường phục vụ, cho lợi ích cho cựu học sinh liên trường hải ngoại,” bà chia sẻ tiếp.

Toàn ban chấp hành liên trường trong nhiệm kỳ vừa qua cũng được mời lên chào quan khách.

Cô Bùi Mỹ Dung, cựu giáo sư trường trung học Pleiku, vị giáo sư khả kính từng là chuyên viên giáo dục, cùng các bạn đồng nghiệp chăm lo, mở mang kiến thức cho các thế hệ học sinh các trường trung học tại thành phố này, được mời lên phát biểu cảm tưởng.

lientruong pleiku 22
Thắp nến tưởng niệm người đã khuất. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bà cho biết thành phố Pleiku là nơi chôn nhau cắt rốn của những cô gái “má đỏ, môi hồng” với khai sinh ở Xã Hội Thương, Hội Phú. Thành phố thân yêu như thế mà nay đã ngàn trùng xa cách làm sao không nhớ không thương. Ðể tìm cảm giác thương yêu ấy nên mỗi lần liên trường Pleiku họp mặt là bà và chồng luôn tham gia tích cực, đến để tay bắt mặt mừng, chúc sức khỏe các bạn đồng môn, chúc sự trưởng thành của các cô cậu học sinh ngày xưa mà cô đã góp một bàn tay gầy dựng.

Chị Nguyễn Thị Hương, cựu học sinh trung học Pleiku, cho biết được sự khuyến khích của các vị giáo sư, chị cùng các bạn đã đứng ra xây dựng và thành lập một mái trường nhỏ Pleiku tại hải ngoại này, và Hội Liên Trường Pleiku được hình thành từ đó và lớn mạnh cho đến ngày hôm nay. Chị cầu mong đại hội kỳ 8 sắp tới sẽ đông vui hơn nữa.

Một hình ảnh thật cảm động khi các vị giáo sư được học trò tặng hoa chúc mừng ngày hội ngộ, sau đó tất cả các anh chị em học sinh đồng môn Liên Trường Pleiku cùng chụp hình lưu niệm với thầy cô, trong tiếng gọi mời tíu tít và những nụ cười rạng rỡ trên môi.

Trong dịp này, đặc san Hội Cựu Học Sinh Liên Trường Pleiku và Thân Hữu cũng được phát hành với chủ đề “Trường Xưa Kỷ Niệm” để mừng đại hội kỳ 7 Tháng Chín, 2016 tại Orange County, California, được in ấn trang nhã, gần 300 trang, với nhiều bài vở trong tình cảm sâu đậm nơi mái trường thời trung học.

Chị Hương cũng được tín nhiệm và bầu chọn tiếp tục giữ chức vụ hội trưởng cho nhiệm kỳ 2016-2018 với số phiếu bầu cao nhất, và các thành viên trong ban chấp hành sẽ được bầu và thông báo sau.

Phẫn văn nghệ được mở màn với tiết mục hợp ca “Liên Trường Pleiku Hành Khúc,” tiếp theo là vũ đoàn OC với màn múa trong nhạc phẩm “Một Mẹ Trăm Con,” sáng tác Phạm Duy. Tiếp theo sau là màn đấu giá tặng phẩm và trình diễn những nhạc phẩm khác, kết thúc là phần dạ vũ.

Pleiku, một thành phố cao nguyên với sương mù và cây xanh “trời thấp thật buồn,” một “phố núi cao” thật dễ thương với những cô gái “má đỏ môi hồng” và những con đường góc phố, nhỏ đến mức “đi dăm phút đã về chốn cũ” như những vần thơ của thi sĩ Vũ Hữu Ðịnh mô tả và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài “Còn Chút Gì Ðể Nhớ” rất nổi tiếng.

Pleiku cũng được mệnh danh là mái nhà của cao nguyên, cột sống của căn nhà Việt Nam, vì địa thế quan trọng ấy mà Quân Ðoàn 2 QLVNCH đã đặt bản doanh tại đây, trấn giữ một vùng lãnh thổ có diện tích rộng lớn và địa hình phức tạp, kéo dài từ các tỉnh Kontum, Pleiku,… cho đến tận đặc khu Cam Ranh.

Hội Liên Trường Pleiku gồm các trường trung học ngày xưa như Pleiku, Pleime, Thánh Phao Lồ, Minh Ðức, Bồ Ðề, Phạm Hồng Thái, Tuyên Ðức, Nông Lâm Súc, và mỗi dịp đại hội là những lần hội ngộ biết bao nhiêu là thân thương, thắm đượm nghĩa thầy trò và tình đồng môn.