main billboard

... cải lương mang tính đặc thù của Việt Nam, hay nói khác đi, đó là một nghệ thuật của bản địa, và vì có tính bản địa, cho nên nó chuyên chở sự gần gũi, cái vui, cái buồn được phát nguồn từ Nam Kỳ Lục Tỉnh, mà ngày xưa còn gọi là đất Ðàng Trong.

gioto vanlang 1
Hai nghệ sĩ Vũ Luân (trái) và Xuân Mỹ, trong trích đoạn “Ngọc Kỳ Lân.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – “Chỉ còn một năm nữa thôi, chúng ta sẽ kỷ niệm một thế kỷ; một trăm năm sự ra đời của ngành cải lương. Với sự duy trì lâu dài này, cải lương không chỉ là một nghệ thuật đặc sắc, mà còn là nét văn hóa cổ truyền của dân tộc, và chỉ có Việt Nam mới có cải lương mà thôi.”

Lời của MC Phạm Khanh trong buổi khai mạc Giỗ Tổ Ngành Sân Khấu do đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang tổ chức vào tối Thứ Sáu, 16 Tháng Chín, tại Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley.

Ông Khanh nói thêm, “Hôm nay, quý vị cùng với chúng tôi, gồm những soạn giả, các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ… tề tựu nơi đây để cùng dâng nén hương tạ ơn tổ nghiệp, đồng thời, chúng ta cũng tự hào là đã gìn giữ và phát triển ngành cổ nhạc cải lương cho đến bây giờ.”

Sau nghi thức khai mạc, hai soạn giả Yên Lang và Trần Văn Hương, Giáo Sư Trần Văn Chi, nghệ sĩ Phượng Liên, nhà báo Thanh Huy, và bà Thúy Uyển cùng niệm hương trước bàn thờ tổ nghiệp. Rồi sau đó, các ca nghệ sĩ cũng tuần từ đến thắp hương khấn vái.

Cô Mai Chân, trưởng Ðoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang ngỏ lời chào mừng và cám ơn mọi người đến tham dự, và xin đồng hương hãy song hành cùng với ban tổ chức; các ca nghệ sĩ đi nốt đoạn đường dài còn dang dở trong công cuộc gìn giữ nền văn hóa cổ truyền của dân tộc qua bộ môn cải lương, mà thầy tổ đã trao lại cho họ.

gioto vanlang 2
Nghi thức khai mạc. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Nhằm mục đích xây dựng nền tảng đạo đức, mà triết lý căn bản của Phật Giáo đã rèn luyện chúng sanh về những thiện ác và nghiệp báo của con người qua thuyết luân hồi, chúng ta đã nhìn thấy qua những tấn tuồng trên sân khấu. Ðó là nghệ thuật cải lương, trong ý nghĩa sâu sắc, còn vọng cổ cải lương thì còn tiếng nói, văn hóa và tinh thần dân tộc Việt Nam,” Cô Mai Chân nói.

Ðể chứng minh cải lương luôn gắn liền với nền văn hóa của dân tộc Việt, Giáo Sư Trần Văn Chi cho biết, cải lương mang tính đặc thù của Việt Nam, hay nói khác đi, đó là một nghệ thuật của bản địa, và vì có tính bản địa, cho nên nó chuyên chở sự gần gũi, cái vui, cái buồn được phát nguồn từ Nam Kỳ Lục Tỉnh, mà ngày xưa còn gọi là đất Ðàng Trong.

Lúc bấy giờ, cư dân miền Bắc, có một số bỏ quê hương ra đi, thì họ mang theo tâm trạng của những người xa xứ. Khi vào miền Nam, cũng vì cưu mang những nỗi buồn xa xứ đó, họ thường hát hò những điệu hát của miền Bắc. Vì thế, từ lúc bấy giờ cho đến hôm nay, trong cải lương có ba làn điệu, gồm điệu Bắc, điệu Nam và điệu nhạc lễ. Ba nền điệu này tạo ra những bài bản chánh của cải lương. Ðiệu Bắc thì rộn ràng, có tiếng trống và bộ gõ,… còn nhạc lễ thì nghe có vẻ nghiêm túc hơn, nhưng khi vào trong Nam, thì nó mang thêm tính chất u hoài vì chuyên chở thêm nỗi buồn của những người xa xứ.

Những người dân di cư vào Nam, phần nhiều là các dân từ Thanh-Nghệ Tĩnh và ngũ Quảng, họ thấy miền Nam ruộng đồng bát ngát, và đi đến đâu cũng thấy chim cá đầy đàn, mà trong câu ca dao có nói, “Tới đây xứ sở lạ lùng/Con chim kêu cũng sợ, nghe cá vẫy vùng cũng lo.”

Và cũng vì nỗi nhớ quê hương, nên họ đã làm ra những điệu hát hò, kết hợp với những điệu hò hát của miền Nam, qua hình ảnh của những cô gái chèo ghe thường hò những bài ca dao lục bát,… tất cả những điệu hát hò ấy trở nên những bài ca cổ nhạc. Cho nên trong những làn điệu cổ nhạc Việt Nam thường mang những tâm trạng buồn, và mang tính bản địa để nói lên nỗi buồn của những người xa xứ.

gioto vanlang 3
Giáo Sư Trần Văn Chi (bìa trái), cô Mai Chân (giữa) và soạn giả Yên Lang. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Soạn giả lão thành Yên Lang, người cha đẻ của rất nhiều tuồng cải lương có giá trị, và đã chiếm lĩnh sự ái mộ của hàng triệu con tim của khán giả trên rất nhiều sân khấu cải lương ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ông chia sẻ với mọi người về sự ràng buộc giữa soạn giả và các nghệ sĩ của sân khấu cải lương.

Theo soạn giả, cải lương là một nghệ thuật tổng hợp, gồm kịch bản, đạo diễn, diễn viên, có âm thanh, có ánh sáng, có rạp hát,… và âm nhạc, không chỉ có cổ nhạc mà còn có cả tân nhạc. Nếu tách rời một trong những yếu tố đó, thì cải lương không thể nào dựng thành một vở diễn được.

“Kịch bản là tiền đề của sân khấu, diễn viên và yếu tố trọng tâm, do đó, sự ràng buộc giữa soạn giả và diễn viên và những bộ phận khác phải có, và bắt buộc phải có. Trong đó, quan trọng vô cùng là các nhạc sĩ cổ nhạc, vì nếu thiếu dàn cổ nhạc thì các diễn viên không biết làm sao phải ca hát được. Vì thế, thực hiện được một vở tuồng cải lương trên sân khấu hoàn chỉnh, thì phải tốn rất nhiều công phu để biên soạn và tập luyện.” Soạn giả Yên Lang nói.

Một chương trình văn nghệ khá đặc biệt gồm những tiết mục cải lương, ca cổ và tân nhạc, do các ca nghệ sĩ có tiếng tăm và tuổi nghề trên sân khấu trình diễn, như Ngọc Huyền, Hà Như Thủy, Minh Hùng, Bình Trang, Thành Ðạt, Huỳnh Bảo Sơn, Thanh Hiệp, Quốc Hải, Hữu Thọ, Thanh Vũ, Quốc Nam, Yến Linh, Thanh Hiền, Sáu Linh…