main billboard

Từ đó, tôi bắt đầu biết đến niềm vui Giáng Sinh.


giangsinh nhatho hamlong
Ðêm Giáng Sinh ở nhà thờ Hàm Long, Hà Nội. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Tôi theo gia đình “dinh tê” về Hà Nội cuối năm 1949. Khi ấy trong tâm trí của tôi, một thiếu niên chưa học hết bậc tiểu học và lại từ vùng đất “hậu phương” chưa bao giờ có một ngày lễ tôn giáo, nên chưa có một hình ảnh nào về ngày Giáng Sinh. Nhưng năm ấy tôi đã được biết đến. Ðó là mùa Noel đầu tiên trong đời.

Ðược tiếp nhận vào lớp Nhất trường tiểu học Hàng Kèn. Lớp Nhất A của tôi có thầy giáo Dũng phụ trách. Tôi không biết thầy Dũng có phải là người có đạo không nhưng vào ngày 24 Tháng Mười Hai, 1949, thầy đã giảng cho chúng tôi nghe về sự tích Giáng Sinh của Chúa Cứu Thế. Tan học, một đứa bạn rủ tôi đi “xem lễ” nửa đêm ở nhà thờ lớn Hà Nội. Rồi về nhà nó ăn “Réveillon.” Nghe những danh từ lạ tai kích thích sự tò mò trong tôi, tôi nhận lời.

Tôi về xin phép gia đình. Ông anh của tôi nói: “Mày đâu có đạo mà đi. Ở nhà đi coi xi nê với chị Quỳnh.” Chị Quỳnh là chị lớn của chúng tôi.

Hậm hực vì không được làm theo ý mình, tôi miễn cưỡng đi ra phố (phố Huế) cùng với anh chị tôi. Phố xá Hà Nội thời ấy về đêm thường vắng vẻ, nhưng tối hôm đó hình như có nhiều người hơn và xe cộ cũng đông hơn. Khi chúng tôi vừa đến ngã tư phố Huế-Hàm Long thì gặp một nhóm lính Lê Dương của Pháp, chắc vừa ở trong một quán rượu ra. Họ ca hát om sòm, dàn hàng ngang nghênh ngang đi trên hè phố. Gặp chúng tôi, ba người lính cao to chặn ngay trước mặt chị Quỳnh. Anh tôi vội sấn lên trước, chặn bước chân của một người đang dang tay ra tính ôm lấy chị tôi. Hắn khựng lại, xổ ra một tràng tiếng Pháp. Anh tôi cũng không vừa to tiếng đáp lại (anh tôi đang học ở Lyceé Albert Sarraut). Thế là cả nhóm năm người lính Pháp ồ lên cười đùa rồi ngoắc tay bỏ đi. Lúc ấy chúng tôi mới để ý thấy đường phố đầy những toán lính Pháp đang dạo phố. Chúng tôi vội quay trở về tránh những rủi ro của một thành phố chưa được an ninh cho lắm.

Cho đến bây giờ, tôi còn nhớ dáng vẻ anh hùng của anh tôi khi đối diện với người lính Pháp mà anh tôi chỉ đứng đến ngực người đó. Chỉ một cái tát tai, tôi chắc anh tôi sẽ ngã xuống ngay. Nhưng điều gì đã làm anh tôi can đảm thế. Ít ngày sau anh tôi kể: “Tao phải bảo vệ cho con Quỳnh. Nó bảo con gái Hà Nội là của chúng nó.” Và anh tôi đã trả lời: “Các anh là lính viễn chinh của nước Pháp văn minh từng có cuộc cách mạng tự do, công bình, bác ái, anh có biết điều đó không?” Chỉ có thế mà họ bỏ đi.

Gần đến cửa nhà thì thằng bạn tôi tới đón đi xem lễ nửa đêm. Tội vội lủi nhanh đi với nó. Trên chiếc xe đạp Peugeot cũ nó đạp phăng phăng chẳng mấy chốc đã đến phố Hàng Khay, quẹo phải vào đường Hàng Trống rồi bẻ vào phố Nhà Thờ. Vừa đến đầu đường, chúng tôi phải dắt xe đi bộ vì người đông chật một khoảng trống trước nhà thờ lớn. Quanh nhà thờ la liệt đèn chăng hoa kết. Một băng rôn dài rộng chăng ngang trên cửa chính với hàng chữ Vinh Danh Chúa Cả Trên Trời, Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm.” Trong nhà thờ đông chật người. Tận cuối nhà thờ, dưới chân Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá, các vị linh mục trong những bộ áo choàng trắng ngà viền đỏ đang làm lễ. Thằng bạn tôi nói: “Ðến 12 giờ đêm Chúa sinh ra đời mới là lễ chính, mình ra ngoài đợi.”

Ở ngoài không khí có vẻ vui hơn. Một số đứng gần cửa nhà thờ cũng đang khoanh tay, miệng đọc kinh lẩm nhẩm. Số đông hơn thì luôn chuyển dịch khiến đám đông trước cửa nhà thờ trở nên sinh động.

Khi tiếng chuông nhà thờ đổ hồi, thằng bạn tôi vội kéo tôi vào trong nhà thờ, nhưng lúc này thì trong nhà thờ không còn một chỗ len chân nữa, đành đứng ngoài “xem lễ.” Những tiếng hát của ca đoàn nhà thờ vang vọng từ trong nhà thờ ra làm cho không khí trang nghiêm hẳn lên.

Tan lễ, tôi cùng thằng bạn trở về nhà nó để ăn “Réveillon.” Nó có giải thích cho tôi biết về bữa ăn này của người có đạo và những món ăn đặc biệt. Không khí nhà nó vui như Tết, già trẻ lớn bé có mặt đầy đủ và có lẽ tôi là người khách duy nhất của gia đình nên mẹ nó đã săn sóc bữa ăn cho tôi rất chu đáo.

Từ đó, tôi bắt đầu biết đến niềm vui Giáng Sinh.

Cho đến sau ngày di cư vào Sài Gòn, cũng vào dịp mùa Giáng Sinh, không khí ở đây náo nhiệt hơn Hà Nội rất nhiều. Người sửa soạn lễ Giáng Sinh, không phải chỉ là người có đạo mà nhiều nhà bên “lương” cũng rộn rã đón mừng Giáng Sinh, cũng trang trí cây Noel trong nhà, cũng đèn hoa trước cửa, với bóng dáng ông già Noel lớn nhỏ. Có điều, những nhà nào có treo đèn ngôi sao trước nhà mình thì đích thực là nhà ấy có đạo. Ðiều thứ hai là thiệp Giáng Sinh được bán đầy phố phường. Hình như ai nấy đều có mua một vài thiệp để chúc mừng bà con bạn hữu nhân dịp Giáng Sinh và Tết Tây. Tục lệ này nay đã giảm hẳn và thường thay bằng những email, nó máy móc và không còn vẻ trân trọng nữa.

Ðặc biệt là sau ngày chính biến 1 Tháng Mười Một, 1963, thì mùa Giáng Sinh đã chan hòa vào khắp giới trẻ. Lý do thứ nhất là chính quyền “Cách Mạng” đã hủy bỏ lệnh cấm khiêu vũ của Ðệ I Cộng Hòa. Lý do thứ hai là phong trào nhạc Giáng Sinh. Và lý do thứ ba là trên thế giới, lễ Giáng Sinh không còn là lễ của đạo Thiên Chúa mà là thời gian vui chơi vào dịp cuối năm, đánh dấu một năm lao tâm khổ trí làm ăn buôn bán, học hành.

Nhưng trong ba lý do này, có lẽ lý do thứ hai mới là chính. Ðó là phong trào ca hát nhạc Giáng Sinh của giới ca nhạc sĩ miền Nam Việt Nam. Có thể nói không một nhạc sĩ sáng tác nhạc nào lại không có một tác phẩm về Giáng Sinh. Phong trào này đã được quần chúng hóa. Nó không còn là những giai điệu trang nghiêm “Ồ ê” vang vang trong nhà thờ mà nó là tiếng nói của người dân Việt đang phải đối mặt với chiến tranh, với khổ đau, mất mát hay của những tâm tư tuổi trẻ “Con quỳ lạy Chúa trên trời, xin cho con lấy được người con yêu.” Cho dù là “lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ở trên cao…”

Có thể nói trong tâm tư của người Việt vào thời gian ấy, Giáng Sinh đã được các nhạc sĩ tài hoa sáng tác thành những ca khúc mà cho đến tận ngày nay, đã hơn nửa thế kỷ qua, nó vẫn sống mãi vào mỗi mùa Giáng Sinh cả ở trong nước dưới chế độ Cộng Sản cũng như tại khắp nơi hải ngoại có người Việt định cư. Chứng cớ là các DVD, CD Giáng Sinh năm nào cũng bán được rất chạy.

Có điều bây giờ, nhạc Giáng Sinh của thời chinh chiến trước 1975 được tuổi trẻ trong nước biến cải thể điệu. Nó ồn ào hơn, mạnh mẽ hơn khi thể hiện không bằng những điệu Blue, Boston, Bolero như trước mà bằng những nhip điệu Hip-Hop, Techno…

Ðiều này cũng dễ hiểu, vì nhạc Giáng Sinh trước 1975 nó là lòng người, là tâm tình tuổi trẻ trong thời chinh chiến mà nay thì tuổi trẻ không có được những băn khoăn, lo lắng chiến tranh, nhưng vẫn còn day dứt với cuộc sống chênh vênh không ngày mai mà giới nhạc sĩ trong nước không sáng tác được, chỉ loanh quanh trong những tình cảm giả tạo. Nên những tình cảm với “Mùa Hoa Tuyết,” với “Hai Mùa Noel,” với “Dư Âm Mùa Giáng Sinh,” sẽ mãi mãi vẫn còn với các thế hệ người Việt cả trong và ngoài nước cho dù có đổi thể điệu.

Năm nay là năm thứ 23 tôi được đón Giáng Sinh ở Little Saigon, California, Hoa Kỳ. Từ đầu Tháng Mười Hai, nhạc Giáng Sinh xưa lại vang vang trong những ngôi chợ của người Việt và trong nhiều hàng ăn. Lắng nghe nó vẫn khơi dậy những mùa Giáng Sinh cũ trong tôi, nhưng những nôn nao rạo rực không như ngày còn trẻ. Ðêm Giáng Sinh vẫn dạo quanh phố phường và một vài nhà thờ của cộng đồng Thiên Chúa Giáo, nhưng không tìm đâu thấy cảnh náo động người và xe như ở Sài Gòn, quê hương của tôi, mà chỉ là cái lạnh đêm Ðông trên các con phố mà cảnh sát đã cảnh báo về người say rượu lái xe, cùng là những buổi tan lễ nửa đêm mà các con chiên vội vã lên xe ra về.

Thẫn thờ tôi lại thấy da diết nhớ những Giáng Sinh xưa.