“Câu lạc bộ có được như ngày hôm nay là do từ những đóng góp, nỗ lực của toàn anh chị em, đã sống hết lòng với nhau, giúp đỡ, hướng dẫn nhau cùng đi sâu vào nghệ thuật nhiếp ảnh...



nhiepanh sondoong
Phút khai mạc của buổi triển lãm với đội lân Kim Giám Hộ chúc mừng Câu Lạc Bộ Nhiếp Ảnh Gia. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Một cuộc triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật của Câu Lạc Bộ Nhiếp Ảnh Gia (Nhiep Anh Gia Photography Club) được tổ chức vào sáng Thứ Bảy, 17 Tháng Mười Hai, tại hội trường nhật báo Việt Báo, Westminster, với một đề tài khá lạ tai, đó là “Triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật Sơn Đoòng Việt Nam.”

Nhiếp ảnh gia Hồ Đăng, cố vấn sáng lập câu lạc bộ, cho biết: “Đây là tên gọi một hang động kỳ thú tại tỉnh Quảng Bình, chỉ mới được khám phá trong vài năm gần đây. Nhiếp ảnh gia Châu Phạm của câu lạc bộ là người đã lặn lội về thăm và chụp được một số hình ảnh. Hôm nay trong buổi triển lãm này, ông đem ra trình bày năm bức.”

Ngay sau đó, nhiếp ảnh gia Châu Phạm đến cho chúng tôi thăm hỏi về cái hang động kỳ thú này.

Trong câu chuyện, ông cho biết ông được biết đến hang động này là do đọc được trên Internet về hoạt động của một tổ chức thám hiểm người Anh do ông Howard Limbent dẫn đầu. Vào năm 2009, đoàn thám hiểm này nghe tin tại tỉnh Quảng Bình có một hang động kỳ bí, ít người dám xâm nhập. Đoàn lập tức đã tới Quảng Bình dò hỏi mãi mới được biết một người dân ở gần vùng núi Quảng Bình tên Hồ Khanh lần đầu tiên thấy được hang động này, nhưng không dám vào vì quanh năm sương mù bao phủ, trước cửa động đầy bí hiểm.

Phái đoàn thám hiểm vội nhờ ngay anh dẫn đường và sau gần một ngày leo núi, họ phát giác được một hang động rất lớn so với những hang động trên thế giới. Đoàn thám hiểm tiến hành ngay cuộc thám sát, đặt những bước chân đầu tiên vào hang động này và thấy rằng đó là một hang động thiên nhiên chưa có bàn tay con người chăm chút đến.

Sau đó, phái đoàn định lấy tên anh Hồ Khanh để làm tên gọi hang động này, nhưng anh từ chối nên đoàn đã lấy tên một bản làng gần đó là bản Sơn Đoòng của người dân vùng núi Quảng Bình làm tên gọi cho hang động chưa có tên này.

Kể từ ngày đó đến nay đã được tám năm và mới đây qua những tin tức được phổ biến trên Internet, đoàn thám hiểm người Anh tổ chức một cuộc viếng thăm hang động Sơn Đoòng có nhận các cá nhân khắp nơi tháp tùng cùng đoàn, sở phí đóng góp là $3,000. Nhiếp ảnh gia Châu Phạm nộp đon xin gia nhập và được chấp thuận.

Nhiếp ảnh gia Châu Phạm kể: “Đến Quảng Bình, đoàn chúng tôi có tất cả là 10 người thám hiểm chính thức theo quy định của đoàn. Nhưng con số người phục vụ có đến 30 người nữa, nên đoàn có tất cả là 40 người. Sau một ngày rưỡi chèo đèo lội suối vất vả gian nan thì đến một lúc không còn thấy con suối đâu nữa. Đoàn thám hiểm chia nhau sục sạo tìm thì chợt thấy cửa động. Cả một cái vòm lớn hình cong như nửa trái trám mờ mịt hơi sương. Đi vào trong thì thấy cả một thiên nhiên kỳ thú hiện ra trước mắt.”

“Những nhà thám hiểm người Anh giải thích đây là cửa động từng bị sập và đã tạo ra những cảnh kỳ thú này mà chúng tôi đã chụp được năm tấm hình được triển lãm hôm nay. Chúng tôi cắm trại và tiếp tục vào sâu hơn thì thấy những thạch nhũ long lanh đủ mầu sắc phản chiếu ánh mặt trời soi xuống từ một lỗ hổng trên cao mà đoàn thám hiểm người Anh cũng chưa tìm thấy trên mặt đất quanh vùng. Ánh sáng này là cả một khối ánh sáng hình trụ rất lạ mắt, tôi chưa từng được nhìn thấy luồng ánh sáng nào như vậy. Hang động này rất rộng và sâu nhưng đoàn thám hiểm chưa đi được hết, chắc còn nhiều cảnh kỳ thú nữa,” nhiếp ảnh gia kể tiếp.

nhiepanh sondoong1
Ban điều hành Câu Lạc Bộ Nhiếp Ảnh Gia. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Qua năm bức ảnh, tác giả ghi nhận được năm cảnh sắc khác nhau trong đó có một ngọn đồi tròn rất đẹp. Đỉnh đồi là một mặt bằng, có một thám hiểm viên ngồi trên đó mặt ngẩng lên nhìn vòm động như một chứng tích “chinh phục” của con người trước thiên nhiên.

Trở lại với cuộc triển lãm, ông Hồ Đăng cho biết câu lạc bộ được thành lập từ Tháng Ba, 2012, gồm những nhiếp ảnh gia tài tử, nên hoạt động chưa mạnh lắm. Ông ví như ánh đèn pin mà ông đang cầm trên tay. Nhưng nay sau gần năm năm hoạt động, câu lạc bộ thu hút được nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và do từ niềm ham mê nghệ thuật và tinh thần tương thân tương trợ, câu lạc bộ trở thành một nơi tỏa sáng như ánh đèn pha chiếu rực rỡ nghệ thuật nhiếp ảnh của các nhiếp ảnh gia.

Đó là do sự đóng góp tích cực của các anh chị em trong câu lạc bộ, đặc biệt là hai nhiếp ảnh gia Đốc Nguyễn, đương kim chủ tịch câu lạc bộ, và nhiếp ảnh gia Châu Phạm, người hết lòng hướng dẫn anh chị em qua những chuyến đi “dã ngoại” săn hình, chọn cảnh.

Ông Đốc Nguyễn cũng khiêm nhường khi phát biểu: “Câu lạc bộ có được như ngày hôm nay là do từ những đóng góp, nỗ lực của toàn anh chị em, đã sống hết lòng với nhau, giúp đỡ, hướng dẫn nhau cùng đi sâu vào nghệ thuật nhiếp ảnh để mang đến cho đời niềm vui thú, sự hiểu biết về cảnh, về người quanh ta. Mỗi cá nhân đã là một độ sáng và đã cùng nhau làm tăng độ sáng của câu lạc bộ.”

Tham dự vào cuộc triển lãm có gần 30 nhiếp ảnh gia trong số hơn 250 thành viên câu lạc bộ.

Mục đích chính của câu lạc bộ, theo ông Hồ Đăng, là để tạo dịp cho anh chị em nhiếp ảnh gia có được những chuyến đi “săn hình” có tổ chức chu đáo và cũng là nơi để họ không còn sống riêng tư trong tháp ngà nghệ thuật mà chan hòa với nhau trong ánh sáng nghệ thuật nhiếp ảnh.

Nữ nhiếp ảnh gia Julie Như Loan Hoàng, tác giả một bức ảnh nghệ thuật về thiên nhiên rất độc đáo, cho biết: “Em cầm máy ảnh từ năm 2011, cũng qua một vài lớp nhiếp ảnh và tự học nhưng từ ngày gia nhập câu lạc bộ, em không chỉ tìm thấy không khí gia đình mà còn là nơi hướng dẫn cho em đi tới nghệ thuật nhiếp ảnh vững chắc hơn và sáng tạo hơn.”