‘Đây là cách chúng tôi kể chuyện ở Việt Nam; kể với rất nhiều nước mắt!’”


vokich saigon
Sân khấu vở Saigon (Hình: Festival d'Avignon)

AVIGNON, Pháp (NV) – Một vở kịch đặt khung cảnh trong một tiệm ăn Việt Nam trình diễn trong đại hội kịch lớn nhất thế giới tổ chức tại Pháp đã được khán giả đứng lên nồng nhiệt vỗ tay đêm này qua đêm khác, nước mắt ràn rụa.

Bản tin của hãng thông tấn AFP cho biết vở kịch “Saigon” của Caroline Guiela Nguyễn giúp khán giả hiểu được về những hy sinh và khổ cực của người di dân Việt Nam, với số phận của họ từ lâu nay không được nhắc tới ở cả Mỹ và Pháp. Gia đình bà Nguyễn đã rời Sài Gòn năm 1956, sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam.

Dù chỉ trình diễn ở Lễ Hội Avignon (Festival d’Avignon), một thành phố nhỏ ở miền Nam nước Pháp, vở kịch dài gần 4 giờ đồng hồ về câu chuyện một gia đình qua nhiều thế hệ, đã khiến các nhà phê bình phải rút khăn lau nước mắt và ngợi khen nồng nhiệt.

“Không có vở kịch nào như vở này,” theo Le Monde tờ báo uy tín nhất nước Pháp. Họ so sánh vở kịch với cuốn phim Hồng Kông “Tưởng như là Tình yêu – In the Mood for Love” của đạo diễn Wong Kar-wai, năm 2001, nay đã thành một tác phẩm điện ảnh cổ điển.

“Vở kịch chấm dứt với câu nói, ‘Đây là cách chúng tôi kể chuyện ở Việt Nam; kể với rất nhiều nước mắt!’” Quả vậy, báo Le Monde viết thêm, “chúng tôi yêu những giọt nước mắt này, mà từ lâu nay các sân khấu Pháp không có nữa.”

Vở kịch “Saigon” kể chuyện những người Việt Nam xa xứ, bị giằng co giữa nước Pháp và quê hương của họ sau khi chế độ thuộc địa của Pháp sụp đổ năm 1954.

Nhân vật là những người Việt quốc tịch Pháp, qua Pháp năm 1956, và những cảm nghĩ mất mát của họ khi quay lại, chừng 40 năm sau đó. Khi Caroline Guiela Nguyễn và mẹ trở về Sài Gòn năm 1996, bà mẹ đã làm cho mấy người bán trái cây bật cười vì bà nói những câu tiếng Việt không ai còn nói nữa! Bà mẹ lai Việt Nam với Ấn Độ, còn cha cô là một người Pháp “pieds noirs” sanh ở Bắc Phi.

Caroline Guiela Nguyễn đã đi Việt Nam nhiều lần trong hai năm để thu thập tài liệu, cô không nói tiếng Việt. Cô cho AFP biết rằng câu chuyện của gia đình cô “chỉ là điểm khởi đầu” của vở kịch, ngoài ra đều là hư cấu gom từ những cảnh đời cô sưu tập được. (V.Giang)