Chúng tôi hướng dẫn các động tác của phái Hồng Gia, môn Càn Khôn Thập Linh của thầy Hằng Trường, môn Khí Công của thầy Thích Trung Đạo, và học múa gậy theo phương pháp của cụ Mai Bắc Đẩu,”

caonien khicong 1
Cụ Vũ Quang Điện (giữa), 88 tuổi, tập gậy dưỡng sinh. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Từ hơn mười năm nay, một số người cao niên gốc Việt thường tụ họp từ 6 giờ sáng để theo học lớp tập thể dục khí công tại phòng sinh hoạt của khu Summerset mobile home ở Westminster. Đặc biệt hơn nữa là các vị cao niên tình nguyện đứng ra tự hướng dẫn lớp học, không kể tuổi già.

“Đa số chúng tôi từng học qua lớp Hồng Gia Thể Dục Dưỡng Sinh, tự đứng ra để chỉ bảo lẫn nhau cho tiện, vì hầu hết những người tham gia đều ở trong khu này. Chúng tôi hướng dẫn các động tác của phái Hồng Gia, môn Càn Khôn Thập Linh của thầy Hằng Trường, môn Khí Công của thầy Thích Trung Đạo, và học múa gậy theo phương pháp của cụ Mai Bắc Đẩu,” cụ Vũ Quang Điện, 88 tuổi, nói với nhật báo Người Việt.

caonien khicong 2
Các học viên tập các động tác theo phái Hồng Gia. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Cụ Điện, phụ trách lớp học ngày Thứ Tư, được mọi người gọi là thầy hiệu trưởng, trước là cựu quân nhân Hải Quân VNCH phục vụ tại Trung Tâm Tiếp Liệu, vợ là trưởng nữ của vị tướng chỉ huy trưởng Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, cho biết: “Chúng tôi quan niệm sức khỏe là ưu tiên một. Tôi tập Hồng Gia được hai năm. Những gì thích hợp với người già thì mình tập.”

Cụ cho biết trước đây có cụ Tư, 96 tuổi, là trưởng lão, cũng từng hướng dẫn lớp với hai vị sáng lập ra lớp thể dục tại khu Sommerset là Võ Sư Nguyễn Quang Đạt dạy Bát Đoạn Cẩm và thầy Phạm Minh San dạy Càn Khôn Thập Linh. Nay cụ Tư đã già yếu nên cụ Điện và một số người khác cùng tham gia hướng dẫn lớp. Cụ Tư trước dạy thể dục trong khu Del Amo mobile home.

Cụ giới thiệu ông Nguyễn Văn Huệ, 73 tuổi, phụ trách hướng dẫn hai ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy.

caonien khicong 3
Bà Nguyệt Trần (hàng đầu), 75 tuổi, tập gậy dưỡng sinh. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Ông Huệ trước năm 1975 là sĩ quan Hải Quân, cho biết về lớp ông hướng dẫn: “Chúng tôi bắt đầu lớp học bằng các khởi động gồm đứng, nằm, ngồi của Hồng Gia trong 45 phút. Phần này cần kiên nhẫn lắm. Sau đó là 30 phút khí công của thầy Trung Đạo. Phần cuối là học 20 phút gậy dưỡng sinh phương pháp của cụ Mai Bắc Đẩu do ông Tôn Thất Luyến phụ trách khoảng một năm nay.”

Ông Huệ cho biết khi thầy Thích Trung Đạo từ tiểu bang Washington qua Orange County chữa bệnh, bà Nguyệt Trần, vợ ông Nguyễn Công Hiến, hai người lập ra lớp học này, mời thầy hướng dẫn. Không những thế, ông bà Hiến còn là người tạo sự gắn bó, sinh hoạt, chia sẻ kinh ngiệm sống cùng các vị cao niên trong lớp.

“Chúng tôi quay video khi thầy dạy, để dành làm tài liệu tự học và hướng dẫn lớp học cho đến nay,” ông Huệ nói.

Ông cho biết có một thời gian chỉ có cụ Điện, bà Nguyệt, ông Phiệt và cá nhân ông Huệ là những người tình nguyện hướng dẫn lớp học. Ông cũng nhắc đến cụ Trương Công Tuất, cư dân Irvine, được mệnh danh là “Anh hùng xa lộ” vì cụ sáng nào cũng lái xe đến lớp lúc 6 giờ 15 sáng, bất kể trời mưa hay nắng. Ông nói cụ cũng là “Thạc sĩ đếm” rất quan trọng vì khi tập phải có người phụ trách đếm mỗi động tác bao nhiêu lần.

Võ Sư Đạt từng mở lớp Dưỡng Sinh Thức Pháp trong khu Del Amo mobile home, cho biết Bát Đoạn Cẩm là môn khí công, vì đòi hỏi theo dõi thần, ý và động tác cùng một lúc.

Bà Nguyệt năm nay 75 tuổi, nhưng dáng vẻ như chưa đến 60, cho biết lớp học mới ăn mừng 10 năm thành lập.

“Trung bình lớp có khoảng 32 người. Chúng tôi đóng nguyệt liễm $10/người để lấy tiền trà, cà phê buổi sáng, và trả tiền dọn dẹp sạch sẽ phòng tập. Chúng tôi có những sinh hoạt chung. Tôi làm thủ quỹ sáu năm. Nay là chị Thanh Hoàng,” bà chia sẻ.

caonien khicong 4
Ông Tôn Thất Luyến (phải), 68 tuổi, hướng dẫn lớp gậy dưỡng sinh. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Về kinh nghiệm cá nhân, bà không ngần ngại cho biết: “Tôi thấy tập luyện mang lại kết quả rất tốt. Tập đều, sau thì thấy như ghiền. Tôi đã tập ba tháng mà không tập thì không chịu được. Ông xã tôi tốt nghiệp khóa 15 Võ Bị Đà Lạt nên tôi cũng kỷ luật như lính. Cứ 6 giờ 30 sáng là phải đi tập. Về nhà thấy sảng khoái cả ngày.”

“Trước kia tôi bị đau đầu gối. Cứ tập mà hết đau luôn. Chị Thúy xưa cũng không nhúc nhích, bây giờ năng động hơn. Bà Vân bị đau lưng, nay thì đến lớp đều đặn,” bà kể.

Một người khác, ông Đặng Trần Hoa, trên 70 tuổi, lúc nào cũng vui tính, cười hề hề, luôn là người đầu tiên đến lớp mỗi sáng.

“Tập vui lắm, vừa tán gẫu với bạn bè, vừa vận động, có thêm sức khỏe,” ông Hoa nói.

Bà Nguyệt cười, góp ý: “Có nhúc nhích là được!” (Linh Nguyễn)