main billboard

“Chúng em muốn nâng cao ý thức về sức khỏe cho cộng đồng Việt mình, để ý đến bệnh của mình, đừng để bị bệnh rồi mới chữa trị.


hoicho yte vaspa 1
Các sinh viên Hội VAPSA cùng Hòa Thượng Thích Viên Huy trong ngày Hội Chợ Y Tế Cộng Đồng tại chùa Điều Ngự. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Hội Chợ Sức Khỏe Cộng Đồng do Hội Sinh Viên Dược Sĩ Việt Nam-VAPSA (Vietnamese-American Pharmacy Student Association), thuộc Đại Học USC tổ chức tại chùa Điều Ngự ngày Thứ Bảy, 10 Tháng Mười Một, được sự hưởng ứng của cộng đồng, đa số là những vị cao niên, những người thường hay thăm chừng tình trạng sức khỏe của mình.

Chín giờ sáng, bắt đầu một ngày rất đẹp, với những phòng khám được chuẩn bị thật chu đáo, các sinh viên, các dược sĩ, bác sĩ bắt tay vào việc.

Các sinh viên tất bật trong việc giúp điền đơn, hướng dẫn vào các bàn khám cụ thể với các dịch vụ như: Thử đường trong máu, đo huyết áp, đo độ loãng xương, chích ngừa cảm cúm, đo mỡ trong người.

Các vị cao niên đến khám bệnh được các sinh viên theo sát bên để giúp phiên dịch giúp mọi người hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình, cùng những lời khuyên của các bác sĩ, dược sĩ về hướng điều trị sắp tới, nếu có thể.

hoicho yte vaspa 2
Có nhiều nam giới đến đo độ loãng xương trong ngày Hội Chợ Y Tế Cộng Đồng do Hội VAPSA tổ chức tại chùa Điều Ngự. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hai sinh viên Yến Lưu, năm thứ 2 và sinh viên Nancy Nguyễn, đồng trưởng ban tổ chức ngày hội chợ y tế, tất bật trong việc giúp điền đơn, và hướng dẫn các người đến với hội chợ.

Em Yến Lưu cho biết, “Chúng em muốn nâng cao ý thức về sức khỏe cho cộng đồng Việt mình, để ý đến bệnh của mình, đừng để bị bệnh rồi mới chữa trị. Những bệnh tiểu đường, loãng xương, cao máu, cao mỡ, tuy chưa thấy nguy hiểm trước mắt nhưng khi đi khám qua những hội chợ y tế như thế này, mới biết mình bị bệnh, phải chữa trị nhiều năm. Phòng ngừa trước là tốt nhất. Thường cộng đồng Việt đến khám là thấy đa số bị đường trong máu rất cao, do ăn cơm và chất ngọt nhiều. Em mong muốn sau khi ra trường sẽ giúp lại các đàn em mình trong việc cứu giúp người như thế này, đó cũng là ý nguyện của em, đó cũng là hạnh bố thí của người Phật tử.”

Sinh viên Sandy Thái, cũng thuộc ban tổ chức, cho biết một năm có hai lần hội chợ y tế như thế này, một vào Mùa Xuân tổ chức tại Hội Tết Sinh Viên ở OC Fair, một vào Mùa Thu, thường luân chuyển nhiều địa điểm khác nhau.

Ông Hoàng Nguyễn, cư dân Westminster, lần đầu tiên e dè khi đến đo độ loãng xương.

“Thường thì chỉ có phụ nữ mới để ý đến việc đo độ loãng xương, nhưng tôi thấy trong người sao đau xương sống, cúi người xong là không sao thẳng lại được. Sợ lắm, không biết có bị gì hay không. Mặc dù mới xuất hiện chừng vài tuần nay thôi, còn đi đứng được, nhưng phải đi khám, có lời khuyên của bác sĩ và các dược sĩ vẫn chắc ăn hơn,” ông Hoàng cho biết.

Cùng đi chung với ông Hoàng, ông Linh Quang Phạm cho biết “Tui cũng không để ý lắm, nhưng buổi sáng hôm vừa rồi, thức dậy đứng xuống đất tự nhiên hai chân tôi như tê hẳn đi, đứng không nổi phải ngồi lên giường ngay lập tức. Tui ở cùng xóm với ông bạn này, nhờ ổng còn lái xe được, rủ tui đi liền. Cầu Trời đừng bị gì hết, sợ quá!”

hoicho yte vaspa 3
Từ phải, Dược Sĩ Adamczyk Margaret (thứ hai), sinh viên Sandy Nguyễn, và sinh viên Yến Lưu, hai đồng tổ chức Hội Chợ Y Tế Cộng Đồng, và các sinh viên trong ngày hội chợ do Hội Sinh Viên Dược Sĩ Việt Nam-VAPSA (Vietnamese-American Pharmacy Student Association), thuộc Đại Học USC tổ chức. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tại khu vực đo độ rỗng xương, Michelle Tạ, sinh viên năm thứ 4, cho biết: “Em rất vui khi tham dự các hội chợ y tế, vì được giúp cho cộng đồng, nhất là khi mình đến với cộng đồng Việt, tuy em đã đi nhiều hội chợ y tế cộng đồng của người Mễ, Hàn, Trung Quốc, nhưng với cộng đồng Việt, em thích nhất, vì được nói tiếng mẹ đẻ của mình, cảm thấy gần gũi nhiều hơn, thấy như mình đang ở trong một gia đình, với ông bà cha mẹ đang cần mình giúp đỡ nhiều hơn. Đa số người Việt đi khám thuờng trên 60 tuổi trở lên, với nhiều bệnh, cũng uống thuốc và đi bác sĩ, nhưng thường không để ý đến bệnh của mình, khi lượng đường trong máu tăng lên mà không biết, đó là vấn đề mà các sinh viên dược phải hết sức chú ý và khuyến cáo người bệnh.”

Em cho biết thêm: “Đàn ông tuy ít đi khám loãng xương, nhưng cũng nên để ý uống thêm calcium hoặc ăn những món như cá hồi, hoặc ra ngoài trời nhiều hơn, tập thể dục mỗi ngày ít nhất 30 phút, đó là thói quen tốt nên giữ, nếu không muốn bị loãng xương. Nhiều khi chỉ cần ho mạnh thôi, hoặc cúi người xuống rồi bị té gãy xương, hoặc đã bị té rồi thì phải coi chừng. Khi 30 tuổi nếu có tập thể dục thường xuyên về già đỡ bị loãng xương hơn. Thường về già không thấy gì, nhưng bị té gãy xương rồi mới biết bị loãng xương!”

Ông Mai Nguyễn bị stroke nhẹ từ Tháng Mười Hai năm rồi, phải đi xe đẩy đến khám. Ông cho biết bệnh đỡ hơn nhiều lắm rồi, chỉ đến để khám đường trong máu thôi.

“Tôi không biết chuyện gì xảy ra, buổi sáng thức dậy thấy hai chân cứng ngắt, không nhúc nhích gì được, may mà có bà nhà tôi ở nhà, kêu cấp cứu kịp thời. Nhờ có các hội chợ y tế cộng đồng như thế này, mấy ông bà già như chúng tôi đỡ lắm, dù sao được các chuyên viên y tế ở đây cùng các em sinh viên lo hết mình, chúng tôi cần một lời khuyên thôi, cũng thấy an ủi và tự tin hơn,” ông Mai nói.

Cùng tham dự hội chợ với các sinh viên còn có cô Diệu Quyên, người thường xuyên có mặt trong các sinh hoạt cộng đồng. Cô đến từ sớm theo yêu cầu nhờ giúp đỡ của Hội VAPSA, thuộc truờng USC. Cô cho biết: “Về phương diện truyền thông, chúng tôi hết sức giúp các em sinh viên, có dịp thực hành những bài học của mình, đồng thời giúp cho cộng đồng trong việc giữ gìn sức khỏe. Tôi có thử qua hết các giai đoạn tìm bệnh, các em làm việc mỗi nơi rất chu đáo, mong rằng đồng hương tham gia đông hơn nữa, nhất là tại chùa Điều Ngự, với sự giúp đở hết mình của Hòa Thượng Thích Viên Lý và Hòa Thượng Thích Viên Huy.”

Tuy gần hết giờ khám, có nhiều đồng hương đến trễ, nhưng các em sinh viên cùng các dược sĩ vẫn nhiệt tình làm việc, đưa ra những lời khuyên trong việc bảo vệ sức khỏe mọi người. (Văn Lan)