main billboard

“Chúng tôi nghĩ nếu giữ trong nhà thì chỉ có thể làm đẹp thêm cho căn nhà riêng của mình, nhưng nếu tặng Viện Việt Học thì nhiều đồng hương có dịp biết đến và chia sẻ những nét văn hóa với người dân tộc. .."


WESTMINSTER (NV) – Buổi lễ giới thiệu, phát hành phong bao mừng tuổi Xuân Giáp Ngọ 2014 và tiếp nhận cồng chiêng của dân tộc thiểu số miền cao nguyên Trung phần diễn ra từ 2 giờ đến 5 giờ chiều Chủ Nhật tại Viện Việt Học, Westminster, California.

Gần một trăm người tham dự, đa số là người cao niên và một số phụ huynh có con em theo học các lớp Việt ngữ căn bản hay võ Bình Định do Viện tổ chức.

vienviethoc 1Ông Nguyễn Đình Hiếu (đứng giữa), người trao tặng cồng chiêng cho Viện Việt Học. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Chúng tôi rất lấy làm khích lệ và hôm nay hân hoan giới thiệu phong bao mừng tuổi Xuân Giáp Ngọ 2014. Quý vị có thể mua ủng hộ các phong bao với sắc thái văn hóa Việt Nam, được phát hành năm thứ hai và mong quý vị và đồng hương khắp nơi hưởng ứng và dùng trong dịp Tết sắp tới,” ông Nguyễn Minh Lân, đại diện Việt Việt Học, chào mừng và kêu gọi.

Sau bài hát “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” của Nguyễn Đức Quang, do ban hợp ca Viện Việt Học hát chung cùng khán giả, là phần tiếp nhận cồng chiêng, do ông bà Nguyễn Đình Hiếu và Doãn Cẩm Liên trao tặng Viện Việt Học. Buổi lễ được tổ chức trọng thể, gợi trí tò mò và khiến nhiều người xúc động khi ban tổ chức kêu gọi mọi người tham gia cùng hát theo lời của bài hát “Một mẹ trăm con” được chiếu trên màn ảnh lớn.

Các em nhỏ trong trang phục cổ truyền của người dân tộc, cầm chiêng đồng đi từ bên ngoài lên sân khấu. Bảy em cầm chiêng đứng bên trái, các em nhỏ hơn, đứng bên phải sân khấu.

Ông Nguyễn Quang Phú, thân hữu của Viện Việt Học, mặc trang phục người dân tộc, đứng bên phải. Ông nói theo giọng người miền cao nguyên, lơ lớ nhưng cũng đủ để mọi người hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa cồng chiêng từ đâu ra.

vienviethoc 2Ông Nguyễn Quang Phú cùng hai em đem chiếc cồng đặt trên bàn. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)


Chuyện kể rằng tiếng cồng chiêng là chiếc cầu nối kết giữa con người với thần linh.

“Ngày xưa có một đàn voi to từ trên rừng về buôn phá phách rẫy, phá nơi ăn chốn ở của dân. Con trai trong buôn lấy cung tên ra bắn nhưng đàn voi không hề hấn gì. Cuồi cùng dân làng quỳ xuống cầu xin ông Trời,” ông Phú kể.

“Rồi dân làng thấy những đống đất nổi lên. Dân làng ra xem rồi gõ chiêng. Voi dừng lại nghe nhưng sau đó, dân làng đồng loạt gõ chiêng gây âm thanh vang dội khiến đàn voi bỏ chạy. Từ đấy, dân làng nhà nào cũng có một cái chiêng và là một vật linh thiêng trong nhà,” ông Phú kể thêm.

Ông cho biết khi trẻ sinh ra, gia đình dùng chiêng làm “lễ mở tai”. Trong sinh hoạt hàng ngày, chiêng được dùng khi làm rẫy, gieo hạt, cầu cho Trời mưa thuận, gió hòa. Khi trai gái lớn lên, quen nhau cũng dùng chiêng trong đám cưới. Khi có nhà mới, đám tang, có khách quý đến chơi, tiếng chiêng cũng không thể thiếu.

“Trong ngất ngây của hương vị rượu cần. Trong ngất ngây của tiếng cồng chiêng, xin kính tặng Viện Việt Học bộ cồng chiêng!” ông Phú nói.

Sau đó ông Phú giới thiệu ông Nguyễn Đình Hiếu, vị mạnh thường quân có nhã ý tặng cho Viện.

vienviethoc 3Người mua ủng hộ phong bao mừng tuổi. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)


“Chúng tôi nghĩ nếu giữ trong nhà thì chỉ có thể làm đẹp thêm cho căn nhà riêng của mình, nhưng nếu tặng Viện Việt Học thì nhiều đồng hương có dịp biết đến và chia sẻ những nét văn hóa với người dân tộc. Nhờ đó, phong phú hóa thêm văn hóa Việt của chúng ta, giúp thế hệ con cháu của chúng ta cũng được biết đến và học hỏi,” ông Hiếu tâm sự.

Ông Hiếu nói ý định tặng cồng chiêng cho Viện Việt Học cũng rất là ngẫu nhiên.

“Tôi qua Mỹ ngày 19 Tháng Bảy năm 2013. Hai tháng sau đó, kiện hàng gởi cồng chiêng bằng tàu mới  nhận được. Tôi dạy lớp Việt ngữ tại Viện Việt Học. Nhờ thế mới có ngày hôm nay,” người con rể của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nói.

“Căn nguyên mà tôi có bộ cồng chiêng là vì tôi tham gia công tác xã hội nhiều năm cho hội VN Help ở Mỹ, bảo trợ xây trường học cho các em nhỏ tại 'sóc' Minh Rồng, huyện Minh Lâm, tỉnh Lâm Đồng gần Bảo Lộc, một làng nhỏ vài trăm gia đình. Tôi qua Mỹ quá bất ngờ, không kịp chia tay với người dân của sóc này. Khi biết tôi đã đến Mỹ rồi, họ liên lạc với nhà tôi để gởi tặng cho tôi,” ông Hiếu giải thích.

“Họ bỏ cồng chiêng vào bao bố. Đóng thùng và gởi vào Sài Gòn. Vợ tôi gởi theo đường thủy sang Mỹ cho tôi. May nhờ thế chứ đi máy bay thì không được phép đem ra khỏi nước Việt Nam vì chính quyền cấm,” ông Hiếu kể.

vienviethoc 4Ban hợp ca Viện Việt Học trong bài “Một mẹ trăm con”. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)


Sau đó, từng em đứng bên trái cùng cầm cồng chiêng với một em đứng bên phải, để chiếc cồng chiêng trên bàn dựng sát tường sân khấu. Cứ thế cho đến chiếc cồng thứ bảy là sau cùng.

Mọi người ra phía sau mua ủng hộ các phong bao mừng tuổi. Mọi người tuy thích hình dạng và cách thiết kế, có người nói phải chi làm to hơn cho vừa cỡ tiền bỏ vào thì hay quá.

Trước đó, nhà văn Bùi Bích Hà nói đôi lời tâm tình, dù không trực tiếp làm việc với ban tổ chức nhưng bà tình nguyện quảng bá giới thiệu đồng hương mua phong vienviethoc 5bao mừng tuổi. Chương trình được xen kẽ với những màn hợp ca, như “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương do ban hợp ca của Viện Việt Học trình diễn; các màn đơn ca, như “Bài ca Tết cho em” và “Thư cho em” do Andy Lê trình diễn với đầy cảm xúc; hay “Anh cho em mùa Xuân” do Tịnh Trang trình bày.

Võ Sư Minh Nguyễn (phía trước) và các võ sinh trên sân khấu biểu diễn võ Bình Định. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Chị Kim Thoa hát giọng miền Nam thật truyền cảm qua bài “Điệu buồn phương Nam”; chị Ái Liên với bài “Huế Thương” với chiếc nón bài thơ và tà áo dài tím lãng mạn; chị Ái Phương qua bài dân ca Bắc Ninh, “Bèo dạt mây trôi”, trong trang phục chiếc áo tứ thân, đầu chít khăn mỏ quạ của miền Bắc.

Đặc biệt, cô Kim Ngân, trưởng ban văn nghệ câu lạc bộ Viện Việt Học, cùng các em học sinh học Việt ngữ, như Lily, Katie, Tường Vy, Sharon và David Phạm đã làm mọi người cảm động qua bài hợp ca “Bài ca tuổi trẻ” với lời nhạc đầy ý nghĩa lưu lại trong lòng khán giả, qua tiếng vỗ tay theo khi các em trình bày.

Một phần sinh hoạt của Viện Việt Học, ngoài lớp tiếng Việt căn bản, Võ Sư Minh Nguyễn, người phụ trách lớp võ Bình Định từ 10-12 sáng Thứ Bảy tại Viện, cùng các võ sinh biểu diễn các thế tấn, như trung bình tấn, chảo mã tấn và múa các bài quyền ngũ hành. Võ sinh Thảo Nhi, 7 tuổi, là võ sinh nhỏ nhất được mọi người đặc biệt theo dõi. Điều thích thú nhất là khi Võ Sư Minh trong trang phục người dân tộc, được khán giả nói là hơi “sexy” khi anh đi chân trần, cùng ban hợp ca hát bài “Một mẹ trăm con”.