main billboard

Khoái là bởi vì nó lạ, nó ngộ và nó vui trong cuộc sống của người bình dân.

Đến Austin-Texas, người ta có nhiều nơi để thăm thú, vui chơi, bởi đây không chỉ là thủ phủ mà còn là thành phố lớn thứ 4 của tiểu bang Texas và lớn thứ 16 trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, trong những nơi từng đặt chân đến, tôi lại cảm thấy khoái chí nhất là được dẫn đi mua đồ ở Goodwill Outlet và đi mua hải sản, rau cải, thịt rừng ngay sau giờ tan lễ ngày Chủ Nhật trong khu đậu xe của nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Khoái là bởi vì nó lạ, nó ngộ và nó vui trong cuộc sống của người bình dân.

Đi tuyển đồ ở... Goodwill Outlet

Nhiều người sẽ nói ngay “Ủa, bên Calif. không có Goodwill sao mà phải sang tận đó đi Goodwill?”

Hehehe, Goodwill ở đâu mà chẳng có nhưng mà đi mua đồ ở cái “Goodwill outlet super store” thì nó khác, nó lạ lạ.

Chỉ cần nghe đến chữ “Goodwill” là người ta nghĩ ngay đến nơi chuyên bán đồ rẻ, đồ cũ, đủ thứ nhãn hiệu, mà hầu hết là được “mang cho Goodwill” vì chủ nhân không còn dùng đến với hàng ngàn lẻ một tỉ lý do.

austin goodwillQuần áo tại Goodwill Outlet Store ở Austin, Texas cứ cân ký với giá $1.39/lb. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Tuy nhiên, thông thường đi mua sắm ở Goodwill thì cũng như đi mua sắm ở những nơi khác thôi. Tức nó ra dáng của một cửa hàng buôn bán đàng hoàng. Chỉ khác là... giá rẻ vì đồ đạc hầu hết đã qua sử dụng.

Đằng này, theo chân người bạn vào Goodwill Outlet Store, nơi mà người ta gọi một cách dí dỏm là “Tổng kho Long Bình”, thì mọi thứ hoàn toàn khác hẳn.

Không có những chiếc quần tấm áo được treo lên giá, xếp trên kệ tươm tất. Không có những chồng đĩa, chồng chén chất cao theo hàng theo lối. Không có khu vực bán đồ chơi con nít, bán tranh nghệ thuật, bán sách truyện, bán đồ thủ công mỹ nghệ. Cũng chẳng có nơi chưng bày riêng những chiếc bình pha lê, những chiếc vòng đeo cổ, những chiếc túi xách tay hay những đôi giày, đôi dép.

Không có gì hết. Mà chỉ là những chiếc “mâm” lớn to đùng hình chữ nhật được đặt trên khung có bánh xe đẩy và người ta đổ vào đó hầm bà lằng thứ cũ có, mới có, sứt tay gãy gọng, vỡ mẻ, bể nát cũng có.

Từ trong kho, nhân viên cửa hàng đẩy những chiếc mâm khổng lồ này ra, trên có phủ một tấm vải cũ mèm, dơ dơ. Họ đẩy ra, để dọc theo từng dãy.

austin goodwill 2Khách hàng đứng chờ khi nào các tấm vải trên những khay hàng được mở ra thì ùa vào lựa chọn tại Goodwill Outlet Store ở Austin, Texas. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Người mua “chuyên nghiệp” đứng chờ hết ở một đầu của các mâm hàng, trông dáng vẻ rất thản nhiên nhưng cũng rất lành nghề. Có người đeo trước cổ một cái bị to đùng. Có người mang khẩu trang. Có người mang bao tay. Có người cầm cái cây. Nhìn ai tự động bơ bơ đi vô, bước đến giở tấm vải lên thì biết là người mới lần đầu đến mua hàng ở đây nên “chưa biết luật.” Người bảo vệ sẽ nhắc ngay: “Không được sờ vào!”

Sau khi nhắm chừng đã đủ, thì nhân viên của tiệm sẽ mở hết các tấm vải ra, để lộ những thứ họ chất trong đó. Và sau cái phẩy tay ra hiệu của một nhân viên Goodwill Outlet, những người khách đang đứng chờ đợi lập tức hối hả bước vào, nhanh như chạy, nhưng không xô lấn, giành giựt.

Tay họ lựa lựa, hốt hốt, bốc bốc, lẹ làng, thoăn thoắt, chứ không đủng đa đủng đĩnh như tôi.

Thấy tôi cầm chiếc bình uống nước còn rất mới nhãn hiệu Starbucks mà không có cái nắp, bạn tôi nói, “Cứ lấy đi. Tìm nắp sau.”

Rồi nó truyền tiếp kinh nghiệm đầu tiên, “Cái nào thấy được thì cứ thảy lên xe, rồi từ từ chọn lại sau, chứ đứng săm soi thì chẳng còn gì mua.”

Hèn chi có những người vừa loáng mắt, trên tay họ đã ôm nguyên đống quần áo. Họ lựa nhanh như chớp. Có người thì trên xe chỉ chất các loại ly “mug,” có vẻ như họ sưu tầm món này. Có người thì chỉ lựa khung hình và những thứ đồ trang trí bằng sắt, bằng nhôm, hay bằng sứ. Có những chiếc shopping cart nhìn vào thì thấy đủ thứ loại, như xe của tụi tôi, bởi thấy cái gì lạ lạ, mới mới, được được cũng thả vô. Mấy đứa nhóc đi theo thì đứng lựa đồ chơi.

austin goodwill 3Hàng thủy tinh, sành sứ không cần biết lớn nhỏ, cứ 5 món được bán với giá $1 tại Goodwill Outlet Store ở Austin, Texas. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Tôi gom một đống chén đĩa Made in Japan, USA và Italy còn khá mới. Vài chiếc bình bông bằng pha lê không có vết trầy xước. Một chiếc hộp còn nguyên xi bao bì trong ngoài đựng cái đồ hấp trứng nhỏ nhỏ xinh xinh của Nhật.

Có những hộp để chơi ráp hình còn nguyên tem, chưa bóc.

Lại có cả những thứ hộp bể, những con búp bê mất đầu, những chiếc giày không gót.

Và đến lúc mới hiểu tại sao có người mang khẩu trang, bao tay, hay cầm cái cây. Bởi vì nó cũng hơi có mùi (nếu mũi mình thính). Bởi vì mình có thể bị đứt tay vì những thứ bị bể. Nên có cái cây trong tay để khều khều đồ lên coi cũng có cái lý của nó!

Nói chung là nếu nói mình đang đi lụm rác thì cũng không có gì là quá đáng! Có người lúc mới vào cũng chỉ đưa mắt ngó, mặt nhăn nhăn, chắp tay sau đít. Nhưng dạo vài vòng, thấy ai cũng bốc cái này, lựa cái kia thì cũng nhào vô bới tìm lúc nào chẳng hay. Đúng là cái gì cũng có cái thú của nó. Cũ người mới ta.

Đồ sành sứ thủy tinh thì không cần biết lớn bé, cứ 5 món $1. Quần áo vải vóc thì $1.39 một pound. Những món hàng lớn như cái ghế mát-sa thì... $5. Cái lò nướng bánh mì cũng $5. Ai muốn mua thì mua. Nó có “works” không là chuyện khác, hehehe.

Cả đống đồ chén bát ly tách tôi và đứa bạn lụm được, 50 món, trả hết $10.

Bạn tôi nói, “Họ mới lên giá. Hôm trước $1 đến 7 món.”

Những người chuyên nghiệp lựa xong rồi thì lại ra đứng một góc chờ những khay hàng mới. Cũng trong dáng vẻ bất cần, thản nhiên.

“Tổng kho Long Bình” này cách chợ Mỹ Thành, nơi có thể xem như trung tâm của người Việt tại Austin, khoảng 17 dặm nằm về phía đông nam. Phần lớn người đến đây mua hàng là người Hispanic. Nghe đồn là họ mua về để mang ra chợ trời hay đưa qua Mễ bán. Có vẻ giống như kiểu dân Việt mình ngày xưa mua bán đồ “sida” vậy đó. Dân da trắng như Mỹ, dân da vàng như Việt, Tàu, đến đây chỉ chiếm phần thiểu số.

Bạn tôi cho biết thêm một chi tiết, “Nếu để ý sẽ thấy có những người họ vào đây chỉ để mở mấy cái bóp, mấy cái giỏ, mấy cái ví,... xem coi chủ nhân có bỏ quên thứ gì trong đó hay không!”

Ở Calif chắc chắn cũng phải có những cái Goodwill Outlet như thế. Để đi tìm và đi đến thử xem sao.

Đến đi mua cá ở bãi đậu xe nhà thờ

Trước khi tôi bay qua Austin, một anh đồng nghiệp gợi ý: qua đó nhớ đến xem cái “chợ trời” bán nông sản rau cải trong parking của nhà thờ La Vang. Nghe nói họ bày ra bán, đến lúc vào lễ, thì họ để con chó ở lại canh, và ai mua hàng thì bỏ tiền vào cái túi đeo trước cổ con chó!

Wow, nghe ngộ hén. Vậy thì phải ghé coi cho biết.

Thế nhưng đến nơi mới hay chỗ mà đồng nghiệp đề cập là ở Houston, không phải ở Austin. Dù vậy, lúc mon men thử đến nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nằm trên đường Yager Lane thì cũng chứng kiến một cảnh mua bán hấp dẫn, mà khi kể ra thì một người dân địa phương ở đó cả 20 năm bảo “Ủa, mới nghe!”

austin banhaisanXe bán thịt rừng tại khu parking nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Austin, Texas, sau giờ tan lễ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Austin trông rất khang trang, mới mẻ. Hơn 8 giờ 30 sáng, tôi và đứa bạn đi lòng vòng quanh nhà thờ, vào khu parking để xem “cái chợ chồm hổm” nó ra làm sao. Nhưng mà hỏng thấy gì hết!

Hỏi một chị đang đứng trông con chạy chơi trước thánh đường, “Ở đây nghe nói có người ta mang rau cải thịt thà đến bán phải không chị?” - “Ơ, không biết nữa. Nhưng mà nếu có thì phải ở bên kia kìa.”

“Bên kia” tức là phía tòa nhà bên kia đường, là nhà thờ cũ.

Thế là đi qua. Thấy có một khu nhà như “căn-tin” trước có căng bảng “Hôm nay có phở”. Chắc không phải rồi.

Lại thấy có một bác gái đang đứng ngó ngó như trông chờ ai đó. Tiến dần lại thì thấy cạnh đó có một chiếc bàn gỗ cũ kỹ, trên có để cái cân đồng hồ. “Cũng ra dáng chợ.” Tôi nghĩ trong đầu.

Nhỏ bạn hỏi, “Bác ơi, nghe nói ở đây có bán rau cải gì đó phải không bác?” - “Ờ, tui cũng đang chờ mua cá nè!” Bà bác trả lời.

Vậy là đúng rồi.

Ủa, vậy ai bán vậy bác?

Bà bác cười hiền lành, “Tôi cũng mới tới đây lần đầu. Con gái tôi hôm nay bận nó nói tôi ra đây mua cá. Chắc là người ta còn đi lễ nên chưa ra bán.”

Rồi bà bác chỉ lên chiếc xe truck đậu bên cạnh, “Thấy có bầu bí, thịt gì kìa. Còn cá chắc là trong xe kia.”

Tụi tôi đứng chờ cùng bác gái, thỉnh thoảng lại có vài người - có vẻ như rành rọt lắm - bước tới ngó vào mấy chiếc xe rồi nói bâng quơ, “Có thịt rừng nè. Nhưng mà hôm nay rau cải không có nhiều rồi.”

Hơn 9 giờ một tí, chắc là tan lễ nhà thờ, mọi người bắt đầu túa ra và đổ dồn về hướng chúng tôi đang đứng.

Chủ nhân của 3 chiếc xe truck, xe van đậu cạnh nhau, cũng là những con chiên vừa lễ xong, ăn mặc rất đẹp, lịch sự, mở cốp xe và khiêng những thùng “cooler” to đùng xuống, mở nắp.

Wow, nào cá, nào mực, nào tôm, nào hào, nào thịt... được bày ra trước mắt mọi người. Khách và chủ dường như chẳng xa lạ.

Người mua cứ lựa từng bịt tôm, bịt cá đã được đông lạnh, hỏi giá và “xỉa” tiền.

Người bán bỏ bịch ni-lông và lấy tiền.

austin banhaisan 2Tấp nập, nhộn nhịp cảnh mua bán hải sản ngay tại khu vực đậu xe trong khuôn viên nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Austin, Texas sau giờ tan lễ sáng Chủ Nhật. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Tấp nập. Ồn ào. Kẻ bán người mua. Không khác gì ngoài chợ (mà đây cũng là chợ mà!). Có điều chẳng có ai trả giá hết. Nghe nói người bán đi lấy hàng ngoài biển cách đó chừng 3 tiếng lái xe. Tôm cá mực vừa đánh bắt lên, người ta cho ngay vào đóng gói. Giá cả nới hơn ngoài chợ một chút, lại không có thuế. Người bán bảo cũng kiếm thêm chút lời chứ không nhiều.

Các mặt hàng hải sản ở cái “chợ đứng” này (vì ai cũng đứng để mua lẫn bán, chứ không ngồi nên đâu có gọi là “chồm hổm” được, hehehe) cũng đa dạng lắm. Thử đếm sơ sơ qua thì tôm có 2 loại, loại lớn “size 15” (tức 15 con nặng 1 pound) thì cứ $30 một bịch 5 lbs. Loại nhỏ nhỏ hơn thì chỉ $15/5 lbs. Cá thì nào là "cá đù" trắng, "cá đù" mỡ (chắc là "cá lù đù" mà họ nói cho nhanh gọn lẹ nên chỉ còn 2 chữ như vậy á), cá một nắng ướp muối ớt, cá thu ảo, cá hồng, cá ngộ, cá đầu, à không, đầu cá. Rồi mực, rồi hào được gỡ ra cho vào từng hộp. Nhiều quá, tôi không nhớ giá! Lại thấy có tôm khô nhìn màu đỏ cam rất đẹp. Có những gói thịt heo rừng được tẩm ướp sẵn. Có cả những cái đùi heo rừng được “thui” qua rồi...

Với những ai mua bầu, bí, mướp, khổ qua... thì mang tới cân rồi trả tiền. Cũng không biết mắc rẻ thế nào.

“Chợ đứng” này diễn ra chưa đầy 30 phút là xong. Người đi lễ mua xong đồ về nấu bữa ăn cuối tuần. Người bán cũng thu dọn, chất các coolers lên xe, ra về.

Khu parking trở lại im ắng. Chúa vẫn ở trên cao. Các Thánh Tử Đạo cũng ở trên cao. Con chiên thì ở dưới đất và phải lo cho bao tử của mình.