main billboard

“Ông McCain là một người tranh đấu cho người Việt rất, rất, rất nhiều luôn,” bà N. Lê, một chủ tiệm làm móng và là một cử tri của Đảng Cộng hòa, cho biết. “Ông mất đi là mất đi tiếng nói cho người Việt mình ở khắp nơi.”


john mcCain VOA 1
Linh cữu TNS John McCain được quàn tại tòa nhà Quốc hội bang Arizona

Nhiều người Việt ở Mỹ cảm thấy mất mát trước sự ra đi của Thượng nghị sỹ John McCain và bày tỏ lòng biết ơn đối với ông vì nhờ ông mà hàng trăm ngàn người Việt mới được nước Mỹ đón nhận.

Một số người Việt hiện đã là công dân Mỹ còn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với một chính trị gia lão thành mặc dù thuộc Đảng Cộng hòa nhưng đã vượt lên trên phạm vi của đảng phái để đặt ‘lợi ích quốc gia lên trên hết’ mặc dù cũng có người không đồng ý với lập trường của ông tại Quốc hội trên một số vấn đề.

Sau khi ông John McCain, một gương mặt rất quen thuộc với Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt ở Mỹ, qua đời ở Arizona ở tuổi 81, VOA đã tìm hiểu phản ứng của một số người Việt hiện đang sinh sống ở tiểu bang Virginia.

Đa số những người mà VOA hỏi thăm đều nhắc đến món nợ ân tình của người Việt đối với ông McCain qua những chương trình như HO (Humanitarian Operation) tức Chiến dịch Nhân đạo, chương trình định cư dành cho con lai và chương trình ODP (Orderly Departure Program) tức Chương trình Ra đi Trật tự, mà nhờ đó hàng trăm ngàn người tù chính trị và con lai tại Việt Nam được đến Mỹ tị nạn, tạo lập cuộc sống mới.

“Ông McCain là một người tranh đấu cho người Việt rất, rất, rất nhiều luôn,” bà N. Lê, một chủ tiệm làm móng và là một cử tri của Đảng Cộng hòa, cho biết. “Ông mất đi là mất đi tiếng nói cho người Việt mình ở khắp nơi.”

Bà Lê nhắc lại việc ông McCain đã có những ý kiến giúp cho cộng đồng người Việt ở các trại tị nạn và những đề xuất của ông trước Quốc hội về chương trình HO.

“Mặc dù ông ấy chịu sự tù tội trong nhà tù cộng sản nhưng vẫn giữ lòng tin và yêu người Việt Nam của mình,” bà nói và cho biết bà đã khóc khi biết tin ông McCain qua đời.

“Cô rất buồn,” bà nói với VOA, “vì đã mất đi một người yêu dân Việt Nam mình cũng như yêu Tổ quốc Hoa Kỳ.”

Bà cho biết khi ông McCain ra tranh cử Tổng thống hồi năm 2008, bà đã đi đến những điểm bỏ phiếu để vận động, kêu gọi các cử tri gốc Việt bầu cho liên danh McCain-Palin và bà ‘rất tiếc’ khi cuối cùng ông McCain thua trước ứng viên Dân chủ Barack Obama.
Tù binh đến thượng khách: Những khoảnh khắc khó quên của John McCain ở VN
Photo Gallery:
Tù binh đến thượng khách: Những khoảnh khắc khó quên của John McCain ở VN

Cũng có ý kiến giống như bà Lê, ông Tâm Trương, 71 tuổi, sống tại Toronto, Canada, và đến Mỹ để thăm người thân, nói người Việt ở hải ngoại ‘nợ ông McCain một cái ơn’.

“Những người bị Việt Cộng đối xử tệ nhất thì ông McCain đã mở lòng cho mấy trăm ngàn người qua đây,” ông Trương nói.

Tuy nhiên, ông cũng nói là ông không đồng tình với việc ông McCain thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ giữa Washington với Hà Nội vì theo lời ông ‘Mỹ phải chống cộng sản đến cùng’ chứ ‘không nên giao thiệp’.

Cô T. L. Phan, 34 tuổi, hiện đang ở thủ đô Washington D.C., cho biết cô sẽ hòa vào dòng người đi viếng cố Thượng nghị sỹ khi ông được quàn tại Điện Capitol ở thủ đô vào thứ Sáu ngày 31/8 và nhắc lại những ơn nghĩa của ông McCain đối với cộng đồng người Việt như các chương trình HO, ODP cũng như giúp cho các nhân vật bất đồng chính kiến từ Việt Nam sang Mỹ mà mới đây nhất là trường hợp của nhạc sỹ Việt Khang.

Tuy nhiên, cô không đồng tình việc ông McCain đã bỏ phiếu chặn các dự luật nhân quyền cho Việt Nam ở Thượng viện.

“Phần đông người Việt ở Mỹ luôn tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam,” cô cho biết. “Khi ông McCain chống lại dự luật đó rất nhiều người không đồng ý.”

Về phần mình, cô nói cô ủng hộ phát triển quan hệ Mỹ-Việt nhưng phải đi kèm những đòi hỏi Việt Nam tôn trọng nhân quyền.

Cô Phan, một cử tri độc lập, còn nói cô tôn trọng ông McCain ở chỗ dù là đảng viên Cộng hòa nhưng ông vẫn lên tiếng phản đối những gì ‘mà ông thấy trong Đảng ông làm không đúng’ chẳng hạn như ông đã lên tiếng chỉ trích những chính sách của Tổng thống Donald Trump.

“Ông ấy đặt quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi đảng phái,” cô Phan nói.

Về hiềm khích giữa ông McCain và Tổng thống Trump, cô Phan nói cô ‘không đứng về phía ai’ nhưng theo lời cô thì những người làm đến chức lớn thì ‘cho dù không đồng ý kiến với nhau những cũng phải dành cho nhau sự tôn trọng và lịch sự’.

Theo cô thì cho dù ông McCain từng bị bắt làm tù binh ở Hà Nội, thì cô vẫn xem ông là ‘anh hùng nước Mỹ’ vì ‘mặc dù ông sinh ra trong gia đình khá giả nhưng vẫn tình nguyện đi chiến đấu cho nước Mỹ và ông đã chiến đấu cho chính nghĩa, cho lẽ phải.’

Cũng là một cử tri độc lập như cô Phan, ông N. H., 49 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin đang sống ở bang Virginia, đề cao việc ông McCain là người dám đi ngược lại những quy tắc trong Đảng Cộng hòa của ông để ủng hộ cho những gì mà ông cho là đúng.

“Ông ấy cho mình là người Cộng hòa truyền thống, nhưng trong vấn đề di trú, ông ấy không ủng hộ việc triệt để hạn chế di dân,” ông H. dẫn chứng.

Một dẫn chứng khác mà ông H. đưa ra là việc ông McCain hồi năm 2017 đã bỏ lá phiếu quyết định chống lại việc rút lại đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare. Lá phiếu của ông McCain đã khiến Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa đã không thể bãi bỏ Obamacare như mong muốn.

“Nhờ ông mà Obamacare vẫn sống và giúp đỡ cho rất nhiều người nghèo của nước Mỹ trong đó có người nghèo trong cộng đồng Việt Nam,” ông nói.

Vốn là một Phật tử, ông H. cho rằng ông McCain là người có thiện duyên khi ra đi vào đúng ngày rằm tháng Bảy.

Ông H. nói ông khâm phục ông McCain ở chỗ ‘dù trải qua bao nhiêu khó khăn vẫn đứng dậy như một cái cây đứng thẳng giữa trời’.

“Ông ấy trước sau như một, không thay đổi quan điểm,” ông H. nói. “Cho dù ông ấy bị cầm tù ở Việt Nam nhưng khi về lại Mỹ ông ấy vẫn yêu quý người Việt Nam và đóng góp cho quan hệ giữa hai nước.”

Từng đến nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội và chứng kiến điều kiện giam cầm ở đó, kỹ sư H. phản bác quan điểm của ông Trump cho rằng ông McCain ‘không xứng đáng được xem là anh hùng vì bị bắt làm tù binh’.

“Ông Trump có quan điểm riêng của ông ấy, nhưng ông ấy đã đến Hỏa Lò chưa?”, ông H. nói. “Một người gần 50 năm trước bị bắn rơi máy bay, sống sót khi máy bay rơi, sống sót trong tù tội để trở về thì đối với tôi người đó là anh hùng.”

Một cử tri độc lập khác là anh John Phạm, một doanh nhân ở Virginia, nhấn mạnh vào tính ‘maverick’ nơi ông McCain, tức có tư tưởng độc lập và không tuân theo lề lối của Đảng, là điều mà ông cảm thấy khâm phục nhất.

“Ông ấy nghĩ thoáng chứ không hướng hẳn về Cộng hòa. Những chính sách mà ông là không đặt nặng hết về bên hữu,” ông Phạm nói và cho rằng ông McCain đã ‘đặt quốc gia lên trên hết’.

Một điều nữa ở ông McCain mà ông Phạm đánh giá cao là việc ông quan tâm thúc đẩy dân chủ ở những quốc gia theo đường lối độc tài, chẳng hạn như ở Ukraine, nơi ông McCain không muốn phụ thuộc quá nhiều vào Nga nữa.

Cộng đồng người Việt ở khắp nơi ở Mỹ, có người đi theo đoàn thể có người tự đi theo tính cách cá nhân, từ các tiểu bang xa từ ngày 29/8 đổ về Phoenix, thủ phủ bang Arizona, ở Bờ Tây và thủ đô Washington D.C ở Bờ Đông nước Mỹ để viếng linh cữu Thượng nghị sỹ John McCain trước khi ông được côn cất tại trường cũ, Học viện Hải quân ở Annapolis, bang Maryland.