main billboard

"Đời sống ngày nay tục hóa rất nhiều. Làm thế nào để giáo hội đưa Phúc Âm vào đời sống môi trường mới....Sự thực thì không phải người ta mất đức tin, mà chỉ là người ta sống niềm tin theo kiểu khác. Để có thể đưa Phúc Âm đến họ, giáo hội cũng phải thay đổi cách thức và nội dung giảng dạy.


ANAHEIM, California (NV) - Một sinh hoạt lớn nhất Hoa Kỳ của đạo Công Giáo, Đại Hội Giáo Lý Công Giáo Los Angeles, vừa diễn ra từ Thứ Năm, 12 Tháng Ba đến hết Chủ Nhật, 15 Tháng Ba, tại Anaheim Convention Center. Cùng các sắc dân khác, giáo dân gốc Việt khắp nơi cũng đổ về. “See”- "Nhìn Thấy" là chủ đề của đại hội năm nay.
daihoi giaoly cg los 1
Một vài bạn trẻ chụp hình kỷ niệm với tượng thánh.
(Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Từ cộng đoàn Đức Mẹ La Vang ở giáo phận Los Angeles đến, buổi sáng, cô Lê Thị Hoàng Liên đến dự chương trình đại hội, đến tối, cô ở nhờ nhà một người em ở Orange County để sáng sớm hôm sau lại tiếp tục chương trình ngày tiếp theo. Cô vào đạo khi lập gia đình với một người Công Giáo. Gần 15 năm qua, cô không bỏ lỡ đợt đại hội nào. Cô Hoàng Liên chỉ là một trong hàng chục ngàn người tham gia đại hội.

Không chỉ giáo dân, người tham gia đại hội còn là các linh mục, nữ tư, giáo lý viên, ca viên... đến để nâng cao kiến thức và niềm tin Công Giáo.

Không chỉ người Việt, không thể kể hết các sắc tộc trên thế giới cùng có mặt tại đại hội này. Giữa đám đông hàng ngàn người có lúc chật kín hết các hành lang, người ta có thể thấy trang phục của người dân khắp các châu lục, trong đó có các tà áo dài Việt.


Khởi đầu từ năm 1968, với sự bảo trợ của Văn Phòng Giáo Lý Tổng Giáo Phận Los Angeles, đại hội được tổ chức mỗi năm một lần. Khách tham dự là những người daihoi giaoly cg los 2quan tâm đến Giáo Hội Công Giáo, bất kể tín ngưỡng và xuất xứ.

Một buổi hội thảo bằng Việt Ngữ. Năm nay đại hội có khoảng 300 buổi hội thảo, trong đó có 8 buổi bằng tiếng Việt. (Hình:Dân Huỳnh/Người Việt)

Chương trình bắt đầu vào Thứ Năm, và chính thức diễn ra từ Thứ Sáu tới Chủ Nhật với nhiều hoạt động khác nhau, từ hàng trăm buổi hội thảo do các thuyết trình viên khắp thế giới phụ trách, các thánh lễ của nhiều văn hóa, gian triển lãm trưng bày sách và sản phẩm cho người Công Giáo, đến các tiết mục văn nghệ được trình diễn công phu.


Đại hội và giáo dân Việt

Dọc lối đi vào các phòng hội thảo, tượng Đức Mẹ La Vang của giáo dân Việt Nam, trong tà áo dài, được đặt bên cạnh tượng Đức Mẹ của giáo dân các sắc dân khác, trong trang phục người thổ dân, Mayan, Philippines, Triều Tiên, Trung Hoa, Nam Mỹ…

daihoi giaoly cg los 3Một phụ nữ Nam Mỹ xem tranh tại một gian trưng bày. (Hình:Dân Huỳnh/Người Việt)

Sự tham dự của người Việt Nam tại Hoa Kỳ trong  Đại Hội Giáo Lý Công Giáo Los Angeles bắt đầu khoảng 20 năm trước đây, theo lời ông Daniel Dyke, người giúp tổ chức chương trình Việt ngữ đầu tiên trong lịch sử đại hội. Người ta quen gọi ông Dyke, một cựu quân nhân Mỹ tại Việt Nam và hiện là một giáo sư thần học, bằng cái tên Việt Nam của ông, "Vân."

Ông Vân kể bằng tiếng Việt trôi chảy: "Ở Nam California, cộng đồng người Công Giáo Việt Nam rất lớn và mạnh. Có rất nhiều cộng đoàn, thánh lễ, sinh hoạt bằng tiếng Việt. Với người di dân, không chỉ người Việt mà những sắc dân khác nữa, như người Triều Tiên, hay người Ý trước đây, tôn giáo giúp họ đến với nhau và tạo một sự đoàn kết. Nhu cầu, sự lớn mạnh, và tầm quan trọng của cộng đoàn các sắc tộc di dân khiến cho giới lãnh đạo Công Giáo Hoa Kỳ thấy được sự quan trọng của họ và mở các chương trình bằng ngôn ngữ của họ."


daihoi giaoly cg los 4Bên trong khán đài chính. (Hình:Dân Huỳnh/Người Việt)

Hầu hết các buổi hội thảo và thuyết giảng là bằng tiếng Anh, còn lại là các buổi tiếng Tây Ban Nha và tám buổi tiếng Việt. Năm nay, các buổi thảo bằng Việt Ngữ bao gồm các diễn giả như Giám Mục Hoàng Văn Đạt, Linh Mục Nguyễn Khắc Hy, Linh Mục Nguyễn Việt Hưng, Linh Mục Việt Peter Hồ, Linh Mục Trực Nguyễn, Tiến Sĩ Lê Xuân Hy, và ca trường Paul Nguyễn.

Linh Mục Nguyễn Khắc Hy, từ Texas đến dự đại hội, chia sẻ: "Là một linh mục, tôi có nhiệm vụ truyền bá đức tin và Phúc Âm cho người khác. Tôi đến để hướng dẫn các anh chị giáo lý viên. Đời sống tinh thần là quan trọng. Là một giáo sư, với tôi, vấn đề giáo dục cũng rất quan trọng. Tôi muốn truyền đạt khả năng và kiến thức của mình cho các giảng viên giáo lý."

"Đời sống ngày nay tục hóa rất nhiều. Làm thế nào để giáo hội đưa Phúc Âm vào đời sống môi trường mới. Từ cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, con người dường như bắt đầu mất đức tin. Sự thực thì không phải người ta mất đức tin, mà chỉ là người ta sống niềm tin theo kiểu khác. Để có thể đưa Phúc Âm đến họ, giáo hội cũng phải thay đổi cách thức và nội dung giảng dạy. Giảng viên giáo lý rất quan trọng, nếu không muốn nói là cần thiết, căn bản cho đời sống đức tin..."


"Đến hẹn lại về"

daihoi giaoly cg los 5Đùa giỡn sau khi hoàn thành tiết mục văn nghệ của sắc dân mình đại diện. (Hình:Dân Huỳnh/Người Việt)

Mỗi năm đến ngày đại hội, người Công Giáo từ bốn phương lại tiến về Nam California để dự đại hội. Với những người mà phóng viên nhật báo Người Việt có dịp trò chuyện, Đại Hội Giáo Lý Công Giáo không chỉ là một khóa học kéo dài ba ngày.

Linh Mục Nguyễn Khắc Hy nhận xét: "Qua các lần tham dự, tôi thấy cộng đồng người Việt tham dự đông, đều đặn. Họ bỏ thời gian, công sức và tiền bạc để đi. Người Việt Nam nói chung và giới trẻ nói riêng tham gia mỗi lúc một đông. Các em thế hệ thứ hai cũng tham dự chung các hội thảo tiếng Việt. Người Việt cũng tham dự các hội thảo khác để học hỏi thêm."

Cô Hoàng Liên nói: "Ở đây có rất nhiều người có chuyên môn không chỉ về đạo, mà còn về tâm lý học, giới trẻ, họ tụ họp về đây để mở các hội thảo cho mọi người học hỏi. Chỉ cần đến đây thôi là có thể gặp mấy trăm hội thảo để mình học. Trong ba ngày, dự các hội thảo, riết rồi mọi người giống như một gia đình nhỏ vậy. Rất vui. Thích nhất là thấy các cha, các sơ, cũng giống như mình, đều là 'học sinh' hết."

Ông Vân chia sẻ: "Tôi đến đây tham dự vì tôi quen vai trò phục vụ của mình tại đây. Khi lần đầu tiên có chương trình Việt ngữ ở đại hội, vai trò của tôi khi đó còn quan trọng. Lúc đó, mọi người tứ tán, chưa nắm rõ các khu vực, một số người bị trở ngại ngôn ngữ để có thể hỏi thẳng ban tổ chức, khi đó họ cứ tìm tôi. Tôi đóng vai trò là người nối ban tổ chức với nhóm Việt ngữ. Tôi chịu trách nhiệm và giúp đỡ họ khi cần. Bây giờ thì tôi chỉ như 'đến hẹn lại về.' Họ đã quen với tôi. Họ nói họ nhớ tôi khi tôi không có mặt. Nên tôi tiếp tục tham dự mỗi năm."