“Mọi thứ có thể giới hạn trong phạm vi quốc gia, hoặc trong phạm vi văn hóa từng vùng, nhưng tình yêu thương của con cái đối với mẹ, đối với cha dường như đã vượt biên giới quốc gia, vượt biên giới của vùng miền nên càng ngày lễ Vu Lan càng phổ biến rất rộng,”


daile vulan 1
Đại Lễ Vu Lan tại chùa Quan Âm Orange County, Garden Grove. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

GARDEN GROVE, California (NV) – “Vu Lan dường như không còn là lễ riêng của đạo Phật nữa, mà Vu Lan trở thành lễ mang văn hóa Việt Nam. Bởi vì, dù cộng đồng người Việt chúng ta có mặt ở đây hơn 40 năm rồi, nhưng từ khi còn tị nạn ở đảo và cho đến khi qua Mỹ sau đó, ngày lễ Vu Lan không ai quên cả, đến nay thì được phổ biến rất rộng.”

Đó là lời Hòa Thượng Thích Phước Tịnh, thuộc tu viện Lộc Uyển, Escondido, giảng giải trong Đại Lễ Vu Lan Phật Lịch 2560 do chùa Quan Âm Orange County tổ chức tại hội trường Garden Grove Elks Club, Garden Grove, hôm Chủ Nhật, 7 Tháng Tám.

Chương trình Đại Lễ Vu Lan nơi đây bắt đầu khá đúng giờ bằng buổi pháp thoại do Hòa Thượng Thích Phước Tịnh thuyết pháp. Trong suốt hơn một giờ đồng hồ thuyết pháp, mặc dù có ghế ngồi nhưng vị hòa thượng chỉ đứng. Và hơn hết, lối nói chuyện cuốn hút của vị chân tu này đã khiến mọi ánh mắt nhìn về, cùng nhiều tiếng vỗ tay đồng tình của người tham dự sau khi nghe được những lời pháp thoại tâm đắc.

Vị hòa thượng nhớ lại: “Trước năm 1967, lễ Vu Lan chỉ đơn thuần là những buổi lễ tụng kinh, cầu siêu, và các thầy giảng giải Phật pháp liên hệ đến tình mẫu tử để biết ơn các đấng sinh thành, hoặc tổ tiên ông bà đã quá cố. Thế nhưng, từ sau năm 1975 kèm theo bên trong lễ Vu Lan là lễ bông hồng cài áo để nhớ ơn các bậc sinh thành. Cho đến ngày nay, lễ Vu Lan rất giàu có về sắc thái văn hóa.”

“Trong văn hóa Việt Nam như thi, ca, nhạc, họa, tại sao nói đến tình mẹ nhiều hơn tình ca. Họ coi thường người cha? Thưa không! Trong mỗi bà mẹ đều có ông cha, trong mỗi ông cha đều có bà mẹ. Ví thử, ai mà ít phước, cha mất trước rồi thì mẹ vừa là mẹ vừa là cha. Nếu mẹ lỡ mất sớm thì cha vừa là cha vừa là mẹ. Nhưng nếu cha mẹ vẫn còn thì vai trò trong xã hội tự phân công là cha mặt trời, mẹ mặt trăng. Nếu không có mặt trời thì mặt trăng không sáng. Do vậy, nói đến mẹ là nói đến cha,” hòa thượng giảng giải.

Hòa thượng mong ước: “Dường như trong đời sống chúng ta, sự gần gũi, chia sẻ được, thổ lộ được thì dễ gần mẹ hơn gần cha, bởi vì cha thì nghiêm, mẹ thì từ. Đây là văn hóa nhân loại, Mỹ cũng thế, Việt cũng thế. Tôi nghĩ trong vài ba thập niên tới, lễ Vu Lan cũng quan trọng như lễ Mother’s Day của Mỹ vậy, bởi vì nó mang ý nghĩa vượt ngoài phạm vi tôn giáo, đó là ý nghĩa của ngày nhớ ơn mẹ.”

“Mọi thứ có thể giới hạn trong phạm vi quốc gia, hoặc trong phạm vi văn hóa từng vùng, nhưng tình yêu thương của con cái đối với mẹ, đối với cha dường như đã vượt biên giới quốc gia, vượt biên giới của vùng miền nên càng ngày lễ Vu Lan càng phổ biến rất rộng,” hòa thượng nói thêm.

Sau bài pháp thoại, các em nhỏ thuộc gia đình Phật tử đến từng chỗ ngồi của Phật tử và đồng hương đủ mọi giới, mọi lứa tuổi, nhiều người trong sắc áo lam, áo nâu sồng, hoặc áo dài, áo vest để cài lên ngực áo những bông hoa hồng đỏ, hoặc trắng. Chỉ nhìn vào hai màu sắc đó, người ta có thể bày tỏ được sự vui mừng với những ai đang còn có mẹ có cha, hay cảm thông với nỗi đau mất mẹ hoặc mất cha, trong đời mình.

Trước khi đại lễ chính thức được cử hành, Hòa Thượng Thích Nhật Minh, viện chủ chùa Hương Tích, Santa Ana, thay mặt chư tôn đức tăng ni ban đạo từ.

Hòa thượng nói: “Mỗi độ lá vàng rơi báo hiệu mùa Thu buồn man mác. Thật vậy, ai trong chúng ta có khi tưởng nhớ đến hai đấng sinh thành dù còn hiện hữu hay quá vãng, chúng ta không khỏi chạnh lòng thương nhớ những ký ức của tuổi ấu thơ quấn quýt bên cha mẹ, những câu ca dao thường được mẹ ru khi ngủ. Chẳng hạn như: ‘À ơi! Gió mùa Thu mẹ ru con ngủ/Năm canh dài thức đủ năm canh’ hay ‘Còn cha còn mẹ thì hơn/Mất cha mất mẹ như đờn đứt dây/Mất cha mất cả cuộc đời/Mất mẹ mất cả bầu trời tình thương’…”

“Khi nghe lại những vầng thơ, câu ca dao trên chúng ta không khỏi chạnh lòng thương nhớ về hai đấng sinh thành là người đã tạo tác cho chúng ta tấm hình hài ngày nay, nuôi nấng dạy dỗ cho chúng ta có sự nghiệp to lớn, cũng như trở thành những công dân tốt hữu ích cho xã hội. Mặc dù ngày hôm nay cha mẹ của chúng ta đã trở về miền miên viễn, hình hài đã hòa nhập vào cát bụi. Để tưởng nhớ đến hai đấng sinh thành dù còn hiện hữu hay quá vãng, bây giờ chúng ta phải hành xử như thế nào để không hỗ thẹn dòng giống tổ tiên và chất liệu gene trong dòng máu chúng ta lúc nào cũng tinh anh, trong sáng,” hòa thượng tiếp lời.

Vị hòa thượng đúc kết: “Ngày hôm nay mùa Vu Lan còn gọi là mùa báo hiếu đấng sinh thành, và qua những câu ca dao, bài hát như ‘Bông Hồng Cài Áo,’ hay ‘Ơn Nghĩa Sinh Thành,’ hoặc ‘Uống Nước Nhớ Nguồn’… chúng ta không khỏi bùi ngùi và cảm xúc. Chúng ta hãy lắng đọng tâm tư để nghĩ đến hai thần tượng ấy, hai nguồn suối bất tận đã chảy cuồn cuộn trong bản thể của chúng ta. Nhắc nhở chúng ta phải biết tri ân, báo ân hai kỳ quan của vũ trụ hiện hữu này. Ngoài ra chúng ta phải biết ơn tất cả chúng sanh trong cõi luân hồi như lời Đức Phật đã dạy.”

Trước khi dứt lời, hòa thượng nhắn nhủ: “Chúng ta có sự sống ngày hôm nay khó có thể báo đáp trọn vẹn công ơn sinh thành của cha mẹ. Vì vậy, người Phật tử chúng ta phải thực hiện những điều Đức Phật đã dạy: Hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật, đạo hiếu là đạo Phật.”

daile vulan 2
Các em thiếu nhi cài hoa hồng lên ngực người tham dự. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Chia sẻ trong chương trình Đại Lễ Vu Lan, đạo hữu Lê Minh Triều, trưởng ban tổ chức, nhấn mạnh đến công lao sinh thành dưỡng dục của các bậc cha mẹ, và nói: “Chúng tôi theo gương ngài đại hiếu Mục Kiền Liên xin nguyện làm người con hiếu thảo hầu mong đền đáp công ơn cha mẹ sinh thành, hướng dẫn các con duy trì truyền thống hiếu hạnh để xứng đáng là người Phật tử chân chính. Nguyện cầu mười phương chư Phật, chư thánh hiền tăng cửu huyền thất tổ, hương linh quá cố, cha mẹ nhiều đời thoát khỏi vô minh, sớm vãng sanh về lạc quốc. Cha mẹ còn ở tại thế được phước thọ vô biên, vạn sự kiết tường, sở cầu như ý.”

Còn đạo hữu Minh Đức Đặng Quốc Khánh cho biết: “Tháng Bảy mưa ngâu bắt đầu, tín hiệu báo tin Vu Lan mùa hiếu hạnh, mùa báo ân đại hiếu phụ mẫu đã trở về trong lòng người con Phật. Lễ Vu Lan được truyền lại từ ngàn xưa, và trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam ở trong nước cũng như tại hải ngoại. Đức Phật đã để lại cho hậu thế một tấm gương sáng cao cả, tuyệt vời về lòng hiếu thảo, để các Phật tử đời sau noi gương. Đó là đức Tôn giả Mục Kiền Liên, một biểu tượng đại hiếu của người con mọi thời đại. Do đó lễ Vu Lan ngày nay không còn là một di sản riêng biệt của người Phật tử, mà trở thành một bổn phận thiêng liêng, một nghĩa vụ cao cả của mọi người con trên thế gian, không phân biệt tôn giáo, màu da và sắc tộc.”

Phật tử Hân Phùng, cư dân Garden Grove, tâm sự: “Mẹ tôi đang bị bệnh ở Việt Nam, tôi mới sang đây vài năm nay thôi nên hồ sơ chưa làm kịp. Hôm nay, được nghe lời thầy giảng, được nghe những bài hát về mẹ, và được gắn bông hồng trên ngực áo mà nước mắt tôi rơi. Tôi cầu mong tôi mẹ tôi còn đủ sức khỏe để mẹ sang ở cùng tôi, chỉ có như vậy thôi chứ không dám ước mong gì thêm.”

Phật tử Thu Đoàn, cư dân Garden Grove, chia sẻ: “Hôm nay tôi cùng mẹ dẫn theo con nhỏ của tôi để trước hết cho cháu sống trong không khí rất Việt Nam, sau là để cháu hiểu về văn hóa và thương mến mọi người. Nhưng nói gì thì nói, chính mình phải làm gương, mình hiếu thảo với cha mẹ, ông bà thì con mình sẽ học được điều đó từ mình, phải không?”