main billboard

Trung quân, ái quốc, một lòng thờ Vua, yêu Nuớc, Cụ đã để nợ nuớc trên tình nhà, tận tụy phục vụ bốn đời Vua...


nhanvat lehuubai

Kính thưa quý Vị,
Kính thưa quý Bạn,

Cùng với vinh dự được nói chuyện với quý Vị và các Bạn tại Giáo Xứ Việt Nam ở giữa lòng thủ đô Paris này, tôi còn được cái duyên thật là hiếm hoi sống lại dù chỉ trong một buổi chiều, những ngày mới lớn lên trong khung cảnh êm đềm, mộng và thơ, của thành phố Huế, thủ đô của nuớc ta duới thời Pháp thuộc.

Quả thật là một cái duyên hiếm hoi vì bẵng đi hơn nửa thế kỷ, lúc mới lên muời, tôi đã thấy trên bàn thờ của nhà tôi tấm hình đóng khung đặt trang trọng ở chính giữa, hình của Cụ Quận, Ba tôi bảo như vậy, Cụ Quận tức Quận Công Nguyễn Hữu Bài. Cụ đội chiếc mũ lông trắng hình uốn cong, bận Âu phục đen, mang huy chương, thắt lưng lớn, mang gươm, quần có nẹp thẳng dài, trông thật oai vệ dù nét mặt Cụ nghiêm trang mà hiền hòa. Đấy là lễ phục của Hiệp Sĩ Tòa Thánh, một danh dự mà Đức Giáo Hoàng đã ban cho Cụ. Cha tôi kính yêu đến mức tôn thờ Cụ vì những lý do mà còn bé, tôi không biết đến nhưng còn nhớ mãi một chuyện dễ hiểu, không thể quên : làm việc ở bộ Lại duới quyền của Cụ, có một lần Cha tôi đã không « phát lương » cho Cụ và « muợn » tạm luong của Cụ để thanh toán một món nợ riêng mà đã khất nhiều lần với chủ nợ, cha tôi không thể khất được nữa ! Cụ nhân từ bỏ qua và cố nhiên cha tôi đã xoay xở để « phát lương » rất trể cho Cụ.

Vụ này sẽ khó hiểu vì một chức quan nhỏ làm sao dám có hành vi như vậy đối với một vị Tể Tuớng đầu Triều nếu tôi không nhắc thêm rằng ông Nội tôi là một lương y đã săn sóc cho Cụ cũng như cho Cụ Ngô Đinh Khả và các vị khác trong Triều.

Mối tương quan này bẵng đi ba, bốn thập niên cho đến một buổi chiều tháng 9 năm 1959, tại Dinh Độc Lập, Sài Gòn, khi các Dân Biểu Quốc Hội mới đắc cử của pháp nhiệm 2 đến chào Tổng Thống Ngô Đinh Diệm thì tôi là nguời đầu tiên được tiếp và Tổng Thống nhắc lại ngay chuyện xua, ông nội tôi làm thầy thuốc cho các vị vừa kể và hỏi thăm quê quán của tôi. Thân phụ tôi tiếp tục làm việc ở bộ Lại duới quyền của Thuợng Thư Ngô Đinh Diệm và các vị Thuợng Thư khác cho đến ngày tàn của chế độ Nam Triều và tiếp theo, cho đến ngày Việt Minh nắm chính quyền.

Ở Cố Đô Huế, Thần Kinh của nuớc Việt Nam duới triều đại Nhà Nguyễn, ít ai không biết đến danh tiếng của hai nhân vật lịch sử Ngô Đinh Khả, Nguyễn Hữu Bài và dân chúng đã truyền tụng như một ca dao :

Đày Vua không Khả,
Đào mả không Bài

Hai gia đinh lại là thông gia, Tổng Đốc Ngô Đinh Khôi, truởng nam của cụ Ngô Đinh Khả là con rể của cụ Nguyễn Hữu Bài chưa kể, theo « lời đồn trong dân chúng », hai gia đinh lại suýt thành thông gia thêm một lần nữa, suýt thôi vì hai nguời trẻ đã chọn hai con đuờng đặc biệt : chàng, Ngô Đinh Diệm, hy sinh cả cuộc đời cho quốc gia dân tộc ; nàng, Nguyễn thị Tài, khấn trọn đời cho Thiên Chúa trong Tu viện kín Carmel bên bờ sông Huong…

Hôm nay, chúng ta nói đến một trong hai vị, Cụ Nguyễn Hữu Bài. Cụ là ai vậy ?

nhanvat lehuubai trieudinh
Phủ phụ chánh triều vua Duy Tân. Từ trái sang phải: Tôn Thất Hân (thượng thư bộ hình), Nguyễn Hữu Bài (thượng thư bộ lại), Huỳnh Côn (thượng thư bộ lễ), Hoàng thân Nguyễn Phúc Miên Lịch, Lê Trinh (thượng thư bộ công), Cao Xuân Dục (thượng thư bộ học)

Thân thế, sự nghiệp và phong cách

Thân thế

- Cụ Bài thuộc một dòng họ nổi danh trong lịch sử : NGUYỄN TRÃI (1380-1442), đại công thần của Vua Lê Thái Tổ mà các thế hệ Nguyễn Hữu là hậu duệ, nguyên quán ở Thanh Hóa :
- đời thứ 9, Nguyễn Triều Văn (Triều Văn Hầu-Triều Lê) theo Chúa Nguyễn vào Thuận Hóa năm 1609 và định cư tại Kim Sen, tỉnh Quảng Bình,
- đời thứ 14, Nguyễn Hữu Hiệp (Hiệp Tài Hầu, 1806) định cư tại Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, theo đạo Công Giáo,
- đời thứ 15, Nguyễn Hữu Quỳnh (1768-1840) tử đạo, Hiển Thánh năm 1988,
- đời thứ 16, Nguyễn Hữu Đai, nội tổ của cụ Nguyễn hữu Bài, lập nghiệp tại làng Cao Xá, phủ Vinh Linh, tỉnh Quảng Trị,
- đời thứ 17, Nguyễn Hữu Các, thân phụ,
- đời thứ 18, Nguyễn Hữu Bài, thành hôn với Anna Nguyễn thị Diệm sinh hạ được sáu con, trong số có Nguyễn thị Giang, hiền nội của Tổng Đốc Ngô Đinh Khôi và Nguyễn Hữu thị Tài, Mẹ Dòng Kín Carmel Huế (1907-1995).

Sự nghiệp và phong cách

- Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài sinh ngày 28-9-1863 tại Vĩnh linh, Quảng trị, thân sinh mất sớm, lên 10 tuổi đã được mẹ xin linh muc Gioan Châu bảo trợ vào Tiểu chủng viện An Ninh. Chủng sinh xuất sắc và đạo đức, được Đức Giám Mục Caspar (Lộc) gửi sang học Chủng viện Pénang ở Mã Lai. Sau 10 năm học, Cụ về quê hương tham gia việc nuớc.

Khởi sự, năm 1884, Cụ được bổ dụng làm Thừa phái (Thư Ký bây giờ, chức vụ thấp nhất, cửu phẩm trong một hệ thống phẩm hàm đến cao nhất là nhất phẩm, mỗi phẩm gồm hai bậc, chánh và tùng, ví dụ : tùng cửu, chánh cửu, tùng nhất, chánh nhất) tùng sự tại Nha Thương Bạc ở kinh đô Huế, nằm ngay trên bờ sông Hương, nơi tiếp đón các nhân vật và phái đoàn ngoại quốc, bên kia bờ là các cơ sở của Pháp hành chánh, quân sự… Sau này, Thương bạc trở thành một nhà hóng mát công cộng, lúc nhỏ, tôi hay đến chơi và từ đấy xuống bơi ở sông Hương. Đầu năm 1946, tôi chứng kiến Võ nguyên Giáp té xỉu ở nhà này trong lúc nói chuyện với dân chúng. Qua năm 1947, Ty Thông Tin của chính quyền quốc gia đến đây chiếu phim chống Cộng và đọc tin tức cho đồng bào.

- Nhờ giỏi tiếng Pháp, một giá trị dặc biệt hiếm hoi vào buổi giao thời ấy (ngày 6-6-1884 Hiệp uớc bảo hộ được ký kết giữa Nguyễn văn Tuờng và Patenôtre duới thời vua Kiến Phuớc, 12 tuổi), Cụ được trọng dụng.

- Năm 1886, Cụ được Triều đinh cử đi cùng với các nhà chức trách Pháp phân định biên giới Việt Nam - Trung Hoa ở Bắc Kỳ.

- Năm 1887, Cụ đi quân thứ đánh giặc thổ phỉ ở miền Thượng Du Bắc Kỳ (Đường Cảnh Tùng, quan nhà Thanh đóng ở Sơn Tây, Từ Diên Húc đóng ở Bắc ninh, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc) được Lại Bộ Thuợng Thư Nguyễn Trọng Hợp Khâm Sai Đại Thần ở Bắc kỳ lúc bấy giờ đặc biệt khen ngợi «tài đức, thâm trầm nhung khí khái, sâu sắc, hoà nhã… ».

- Năm 1897, Vua Thành Thái công du Sài Gòn, Cụ được tháp tùng làm Ngự Tiền Thông Sự.

- Năm 1898, Cụ được bổ làm Bố Chánh (tam phẩm, coi việc tài chánh thuế khóa) tỉnh Thanh Hóa.

- Năm 1899, Thị Lang Bộ Lại (tức bộ Nội Vụ - Ministère de l’ Intérieur bây giờ nhưng rất ít quyền, chỉ coi việc bổ báo các quan chức chính phủ Nam triều mà thôi…) và Thương Tá Viện Cơ Mật ở Huế (tam phẩm).

- Thiết tuởng cần nhấn mạnh rằng theo hiệp uớc bảo hộ 1884, Pháp chỉ bảo vệ nuớc ta chống lại ngoại xâm, đảm nhận việc ngoại giao thay cho ta còn việc nội trị thuộc thẩm quyền của chính phủ nuớc ta nghĩa là của Triều Đình và tất cả hệ thống chính quyền của nuớc ta ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Nam Kỳ đã bị Pháp chiếm làm thuộc địa (Colonie cochinchinoise) do hai hiệp uớc cuỡng bức nhượng ba tỉnh, rồi sáu tỉnh Nam Kỳ năm 1862 và 1874. (Truờng Chasseloup-Laubat thành lập năm này và truờng Taberd năm sau, 1875). Thế nhưng, Pháp đã không tôn trọng hiệp uớc bảo hộ 1884 và lần lần xen lấn vào việc nội trị, chiếm đoạt thêm quyền hạn của chính phủ Nam triều ta như chúng ta sẽ thấy trong sự chống đối và phản kháng của ba danh nhân Ngô Đinh Khả, Nguyễn Hữu Bài và Ngô Đinh Diệm.

- Năm 1902, Cụ lên chức Tham tri Bộ Hình (tức bộ Tư Pháp—Ministère de la Justice nhung thẩm quyền thu hẹp trong việc xét xử nguời Việt mà thôi và đối với quan chức tư pháp của Nam Triều), nhị phẩm, và đi sứ qua Pháp. Các chức vụ Tham Tri, Thị Lang, Tá Lý là « đường quan » trên «thuộc quan » và « thuộc viên »…

- Năm 1908, Cụ được vinh thăng Thuợng Thư (tùng nhất phẩm) Bộ Công (tức bộ Công Chánh bây giờ – Ministère des Travaux Publics et de l’Équipement, hạn chế trong việc coi sóc, tu bổ, xây cất các cơ sở thuộc chính phủ Nam triều…) duới triều Vua Duy Tân (1907-1916).

- Một sự cố quan trọng xảy ra trong năm 1908 này : Khâm Sứ Mahé hành động như một thổ phỉ, lấy tuợng vàng trên tháp Pháp Duyên chùa Thiên Mụ, đòi khai quật mộ Vua Tự Đức để lấy vàng bạc châu báu. Cụ Nguyễn Hữu Bài đã chống đối quyết liệt hành động thô bạo này và thái độ của Cụ đã được dân chúng ca ngợi và truyền tụng :

« Đày Vua không Khả,
  Đào mả không Bài »

- Truớc đấy một năm, 1907, Thuợng Thư Ngô Đinh Khả, thân phụ của Tổng Thống Ngô Đinh Diệm, đã phản đối việc lưu đày Vua Thành Thái, 28 tuổi, sang đảo La Réunion.

- Năm 1916, Vua Duy Tân, mới 16 tuổi, con Vua Thành Thái, cũng bị thực dân Pháp đày sang đảo La Réunion, cùng ở với cha. Phản đối lan rộng ở các đô thị và truờng Đại Học Hà Nội phải tạm đóng cửa.

- Ba vua, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, cùng bị lưu đày vì đã có hành động chống chính sách thực dân của Pháp, hai vị Thuợng Thư đã bất kể hậu quả, chống đối công khai các hành vi bất xứng của Pháp. Sự đề kháng này đã được dân chúng trong nuớc từ Bắc chí Nam thán phục và ca ngợi qua nhiều thế hệ. Nhà cách mạng lớn Phan Bội Châu bị an trí ở Huế cũng như cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà ái quốc nổi danh đồng thời, đã không tiếc lời bày tỏ lòng kính phục hai vị Thuợng Thư này.

- Dù phải khuất phục truớc bạo lực cuờng quyền của guồng máy thống trị, cũng có những vua, quan của nuớc ta, bằng cách này hay cách khác và cách nào cũng kèm theo những hiểm nguy cho chính mình, chống đối những hành vi hay những mưu toan thắt chặc thêm cái vòng xiết cổ Triều Đinh nuớc ta.

- Hoàng thân Bửu Đảo, con Vua Đồng Khánh, lên ngôi lấy đế hiệu Khải Định, thay thế Vua Duy Tân.

- Năm 1917, tân Vương cảm phục tài đức của Cụ Nguyễn Hữu Bài, phong cho Cụ tuớc vị Phuớc Môn Bá (Bá tuớc).

- Năm 1920, Cụ được phong Thái Tử Thiếu Bảo Đông Các Điện Đại Học Sĩ, Thượng Thư bộ Lại kiêm bộ Hộ (Tài chánh) sung Cơ Mật Viện Đại Thần. Với tuớc vị Đông Các, Cụ đã trở thành một của (bốn) tứ trụ của Triều Đình : Cần Chánh, Văn Minh, Võ Hiển, Đông Các. Xin lưu ý rằng các tuớc vị này không phải là những chức vụ (fonctions) như Thuợng Thư, Tham Tri…

- Duới thời Pháp thuộc, Triều Đình ta không phân chia Hội Đồng Bộ Truởng (Conseil des Ministres) và Hội Đồng Nội Các (Conseil de Cabinet) như bây giờ nên Cơ Mật Viện tổ chức các buổi họp của các vị Thuợng Thư tại cơ cấu tối cao này.

- Năm 1922, Cụ tháp tùng Vua Khải Ðịnh công du nuớc Pháp với tư cách Hộ giá đại thần, được dịp đi La Mã và được Đức Giáo Hoàng Piô XI tiếp kiến. Năm truớc, 1921, Cụ đã được Đức Giáo Hoàng tặng thưởng bội tinh Pie XI với áo mũ, gươm, theo hàng Hiệp sĩ của Toà Thánh như đã kể.

- Năm 1923, Cụ được thăng Thái Phó Võ Hiển Điện Đại Học sĩ, Cơ Mật Viện truởng, xem như cầm đầu chính phủ Nam triều. Cụ thôi giữ chức Thuợng Thư bộ Hộ và chỉ giữ chức vụ Thuợng Thư bộ Lại.

- Thừa dịp Vua Khải Định băng hà ngày 6 tháng 11, 1925, huởng thọ 41 tuổi, Hoàng thái tử Vĩnh Thụy đang còn học ở Pháp, Toàn quyền Đông Pháp đòi Phụ Chánh Viện ký thỏa uớc ngày 25 tháng 11, 1925 chuyển giao cho Khâm Sứ Pháp (Résident supérieur de l’Annam) các quyền hạn còn lại của Vua như lựa chọn các vị Thuợng Thư và bổ nhiệm các quan chức từ Tri Huyện trở lên. Cụ Bài và Thuợng Thư Trần Đình Bá phản đối nhiều lần.

- Khâm sứ Aristide Le Fol còn đòi chủ tọa luôn Hội Đồng Thuợng Thư và bị Cụ bác khuớc với những lời lẽ lịch sự mà nghiêm chỉnh, vững chắc. Pháp lại đòi đặt một viên chức Pháp làm Hội lý Cơ Mật Viện Truởng nhưng cũng bị Cụ lịch sự từ chối. Cần biết mổi bộ đã có một Hội lý (Conseiller) từ truớc.

- Những vinh dự cuối cùng :

Tháng 9 năm 1932, vua Bảo Đại về nuớc. Cụ xin từ chức về hưu trí nhưng nhà Vua giữ lại và phong cho Cụ tuớc hiệu Phuớc Môn Quận Công (Duc). Đến ngày 2 tháng 5, 1933 thì Cụ được hồi hưu và được phong làm Cố Vấn Nguyên Lão. Truớc khi rời Triều Đinh, Cụ giới thiệu với nhà Vua ông Tuần Vũ tỉnh Bình Thuận (Phan Thiết) Ngô Đình Diệm, 31 tuổi, vào chức vụ Thưọng Thư bộ Lại. Vua Bảo Đại chấp thuận. Một nhân vật lịch sử xuất hiện nhưng đấy là một chuyện khác mà chúng ta không có dịp nói đến hôm nay và chỉ nhắc qua rằng Thuợng Thư Ngô Đinh Diệm đã rủ áo từ quan không đến sáu tháng sau khi nhậm chức vì Pháp đã không chấp nhận trả lại quyền nội trị hoàn toàn của Triều Đinh nuớc ta như ông Diệm đã đòi hỏi. Cựu Hoàng Bảo Đại đã kể rõ sự cố này trong cuốn «Rồng An Nam» (Le Dragon d’Annam, xuất bản tại Paris).

Một Nguyễn Công Trứ của thời đại mới…

- Không chịu nghỉ ngơi, Cụ Quận đã dành thì giờ của cảnh vui thú điền viên vào việc khẩn hoang lập ấp cho đồng bào trong vùng, một công cuộc mà Quận Công đã khởi sự lúc đương còn tại chức ở Triều đình. Từ năm 1909, nhận thấy đất đai bị bỏ hoang, Cụ huớng dẫn giúp đỡ dân chúng làm thủ tục xin khai khẩn đất hoang lập thành làng Phuớc Môn, phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng trị với diện tích trồng trọt non 1000 mẫu ruộng và 1200 mẫu rừng. Cụ còn huớng dẫn dân khai khẩn thêm ruộng đất ở các làng Phuớc Sa, Phuớc Sơn, Phuớc Tuyền, Phuớc Nguyên được gọi chung là vùng Ngũ Phuớc. Cụ cũng lập một đồn điền mới trên muời dặm vuông ở vùng đất đỏ gần sông Thạch Hãn gọi là làng Cùa, lập Hưng Nông Sở, mở đuờng cho xe hơi chạy đến nơi.

- Nguyễn Quận Công rất quan tâm đến các vấn đề xã hội, văn hóa và giáo dục. Một mối quan tâm luôn luôn được cụ thể hóa bằng hành động và thực hiện tích cực và hiệu quả.

Cụ lập cơ sở Dục Anh, nuôi trẻ mồ côi tại Phuớc Môn. Cụ xuất tiền riêng cho nguời vào Nam mua gạo chở ra cứu đói cho dân ở tỉnh Quảng Trị năm Bính Thìn 1916 bị thiên tai mất mùa.

Vừa thấm nhuần Nho học, vừa hấp thụ tân học, thông thạo tiếng Pháp và La tinh, Cụ lại còn muốn phát triển văn hóa Việt Nam và tự mình làm guong cho những nguời cùng thế hệ bằng những sáng tác thơ nôm bất hủ của Cụ. Những vần thơ của Cụ vừa trong sáng bình dị, thuộc nhiều thể loại, vừa thoát ly được những gánh nặng điển tích, vừa rung cảm và thiết tha khi diễn tả những nỗi niềm tâm sự của một sĩ phu đã đạt được mức danh vọng cao nhất của một đời người nhưng không toại nguyện vì đã hết lòng hết sức tranh đấu cho quyền lợi của quốc gia dân tộc mà không thu hoạch được kết quả mong muốn. Cụ đặc biệt huởng ứng cuộc vận động của Cụ Ngô Đinh Khả thành lập truờng Quốc Học Huế năm 1896 và đã làm một bài thơ ghi trên bức bình phong ở cổng truờng :

Quốc Học mở mang nền nếp củ
Ấy ai tạc đá dựng bình phong

- Quận Công Nguyễn Hữu Bài còn là sáng lập viên hội «Như Tây du học bảo trợ» năm 1926, giúp được 25 sinh viên sang Pháp du học trong số có các ông Phạm đinh Ái, Lê Trung Chánh… một con số đáng kể vào thời ấy.
- Ngày 10 tháng 7, 1935, Cụ đặt tiệc tại tư dinh mừng linh mục Hồ Ngọc Cẩn được tấn phong Giám Mục. Ngày hôm sau, Cụ thọ bệnh phải đưa vào bệnh viện Huế. Bệnh trở nặng không chửa được, Cụ từ trần ngày 28 tháng 7 tại tư đệ ở Phủ Cam, Huế, thọ 73 tuổi.
- Để bày tỏ lòng biết ơn đối với một vị đại công thần, Vua Bảo Đại truy tặng Cụ tuớc vị lớn nhất của Triều đình : Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ.

Nguyễn Hữu Bài và thời đại
 
Một nhận định đứng đắn phải đặt đối tượng vào trong thời đại của đối tuợng ấy.

1. Sự nghiệp bắt đầu vào lúc Pháp đặt nền thống trị (domination, gần như administration directe) trên hai miền Trung Bắc Kỳ duới nhãn hiệu «bảo hộ» (protectorat), Nam Kỳ thì đã trở thành thuộc địa (colonie) từ 20 năm truớc.

2. Nuớc ta đang ở trong chế độ quân chủ chuyên chế (monarchie absolue), lòng trung thành với Vua (trung quân) được coi như đồng hoá với lòng yêu nuớc (ái quốc). Vua là « Thiên tử » (fils du Ciel), con của Trời mà ai cũng tôn thờ Trời, đấng Thuợng Đế tối cao, toàn năng.

3. Tinh thần Nho học của Khổng giáo còn bao trùm giới sĩ phu, mà cái khí tiết là cái thuớc đo nhân cách phải luôn luôn gìn giữ.

4. Theo đạo Thiên Chúa, tiếp xúc với các linh mục nguời Pháp, được theo học muời năm ở Pénang trong chủng viện, cụ Bài được ảnh huởng của đức tin, của văn hóa phuong Tây, và đương nhiên được sự ủng hộ của Giáo Hội Công Giáo.

Tất cả những yếu tố kể trên cùng với bẩm tính thông minh năng động thiên phú và lòng nhân ái bao la, đã tạo nên một con nguời mà những thành tố cấu tạo, khác biệt nhau đến độ bề ngoài tuởng như tương phản, đã được phối hợp một cách kỳ diệu và tạo nên một nhân cách đặc biệt :

- Trung quân, ái quốc, một lòng thờ Vua, yêu Nuớc, Cụ đã để nợ nuớc trên tình nhà, tận tụy phục vụ bốn đời Vua mà tiên đế, Vua Minh Mạng, đã ra lệnh cấm đạo Thiên Chúa, bắt bớ giam cầm, có lúc giết hại lương dân vô tội chỉ vì trung thành với tín nguỡng của họ. Một vị tiền bối, em ruột của Cụ Cố của Nguyễn Quận Công, ông Nguyễn Hữu Quỳnh (1768-1840), là nạn nhân của chính sách tàn bạo này, bị xử thắt cổ chết. Vị tử đạo này đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị phong Hiển Thánh ngày 19-6-1988.

Giữa lúc Vua Gia Long mở cửa đón nhận sự hợp tác giúp đỡ của ngoại quốc, đặc biệt của Pháp, để xây dựng và phát triển một quốc gia cực kỳ chậm tiến vừa được thống nhất - một chính sách đối ngoại hoàn toàn hợp lý và thức thời - thì Vua Minh Mạng kế vị đã hành động nguợc lại, bế môn tỏa cảng, kỳ thị tôn giáo, bức bách tín hữu Công Giáo phải bỏ đạo duới sự đe dọa thực sự của những hình phạt nặng nề đến tử hình, tạo nên một hình ảnh xấu xa của nuớc ta và ngăn chận sự khai hóa và tiến bộ mà nuớc ta cần thiết hơn bao giờ cả. Trong cùng một thời kỳ, Xiêm La (tức Thái Lan bây giờ) và nhất là Nhật Bản đã mở rộng cửa bang giao với các nuớc, hoàn toàn không đặt vấn đề truyền đạo bất cứ từ đâu đến, lợi dụng được nền văn minh tiến bộ của Tây phương, duy trì được độc lập tự chủ.

- Tín đồ Công Giáo đã năm đời, từ Cụ Sơ Nguyễn Hữu Hiệp (Hiệp Tài Hầu, 1806) thánh hiệu An Tôn, Nguyễn Quận Công đã dung hợp một cách tự nhiên đức tin của mình với những truyền thống dân tộc thuần túy, nghĩa là Cụ đã đi truớc cả nửa thế kỷ, chủ trương được minh thị của Giáo Hội Công Giáo tôn trọng và thích ứng với những đặc tính của các dân tộc Đông Phương.

- Nguyễn Hữu Bài không phải là một nhà cách mạng chủ trương chống Pháp bằng một cuộc tranh đấu bạo động nhưng ông là một nhà ái quốc, ruờng cột của Triều Đình ta, một cơ chế phải đương nhiên tồn tại để thể hiện chủ quyền của quốc gia dù quốc gia đang bị chiếm cứ và chủ quyền bị thu hẹp. Với khả năng và tư cách khả kính mà Pháp phải kiên dè, Cụ Bài đã kiên trì tranh đấu mổi ngày với đối tác kềm kẹp bên hông để bảo vệ cái chủ quyền của quốc gia mổi lúc bị Thực dân Pháp dành dựt cắt xén.

- Cũng nhu Cụ Ngô Đinh Khả đã hy sinh chức vị Thuợng Thư của mình để chống lại việc đày Vua, cũng như chí sĩ Ngô Đình Diệm, 30 năm sau, đã vì nuớc bỏ mình, Cụ Nguyễn Hữu Bài đã đi vào lịch sử của Dân Tộc Việt Nam bằng con đuờng rực rỡ hào quang dành cho những nguời công chính, lương tâm thanh thản, chỉ với một niềm luyến tiếc đã không làm được hết những điều mình muốn làm để phục vụ tối đa cho non sông, Đất Nuớc.

Là một nhân vật Công Giáo như dòng họ Ngô Đinh, Phuớc Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài đã thu phục được nhân tâm, không những của đồng bào Công Giáo mà của đồng bào Việt Nam cả nuớc, không phải chỉ một thế hệ lúc đương quyền mà nhiều thế hệ mai hậu như đang thể hiện chiều nay, một ngày Xuân đầm ấm của năm 2005 tại Giáo Xứ Việt Nam Paris này.

Xin kính chào quý Vị và các Bạn.

Ls. Lê Trọng Quát