main billboard

Người vợ thứ ba Đặng Thị Nhu của “Hùm thiêng Yên Thế” Đề Thám, còn được biết đến với cái tên là bà Ba Cẩn, là người có trí dũng, xông pha trận mạc, vào sinh ra tử, giúp chồng đắc lực trong cuộc kháng Pháp…



Người vợ thứ ba Đặng Thị Nhu của “Hùm thiêng Yên Thế” Đề Thám, còn được biết đến với cái tên là bà Ba Cẩn, là người có trí dũng, xông pha trận mạc, vào sinh ra tử, giúp chồng đắc lực trong cuộc kháng Pháp…

nhanvat detham
Hùm thiêng Yên Thế

Hoàng Hoa Thám tên thật Trương Văn Thám hay còn gọi được là Đề Thám quê ở xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Sau đó, gia đình Hoàng Hoa Thám lên Sơn Tây, Hà Tây, rồi đến Yên Thế, Bắc Giang. Cha ông là Trương Văn Thận. Mẹ ông là Lương Thị Minh. Sinh thời, cha mẹ ông đều là những người rất trọng nghĩa khí.

Cả hai đều gia nhập cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Nhàn, Nông Văn Vân ở Sơn Tây. Năm 16 tuổi, Hoàng Hoa Thám tham gia khởi nghĩa của Đại Trận (1870-1875). Khi Pháp chiếm Bắc Ninh vào tháng 3 năm 1884 thì Hoàng Hoa Thám gia nhập nghĩa binh của Trần Quang Loan, lãnh binh Bắc Ninh.

Năm 1885, ông tham gia khởi nghĩa của Cai Kinh của Hoàng Đình Kinh ở Lạng Giang diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 1882 đến năm 1888. Sau khi Cai Kinh chết, ông đứng dưới cờ của nghĩa quân Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) và trở thành một tướng lĩnh có tài.

Tháng 4 năm 1892, Đề Nắm bị thủ hạ Đề Sặt sát hại và Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế. Đề Thám tiếp tục hoạt động, lập căn cứ ở Yên Thế và trở thành thủ lĩnh danh tiếng nhất của phong trào nông dân chống Pháp lúc bấy giờ với biệt danh “Hùm xám Yên Thế”.

Trong gần 30 năm, Đề Thám đã lãnh đạo đã tổ chức đánh nhiều trận, tiêu biểu là các trận ở thung lũng Hố Chuối vào tháng 12 năm 1890 và Đồng Hom vào tháng 2 năm 1892.

Trong ba năm từ năm 1893 đến 1895, quân Pháp đã tập trung lực lượng để đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Thực dân Pháp không từ một thủ đoạn nào, từ phủ dụ đến bao vây tàn sát. Tay sai của Pháp là Lê Hoan cầm đầu đoàn quân, một mặt dụ hàng, mặt khác ra sức triệt hạ các xóm làng nơi nghĩa quân Yên Thế hoạt động.

Hoàng Hoa Thám bằng chiến thuật du kích tài tình đã tránh được mũi nhọn của quân Pháp và đã gây cho họ những tổn thất nặng nề.

Nghĩa quân Yên Thế đã trừng trị những người phản bội như Đề Sặt. Thấy chưa thể dập tắt được phong trào Yên Thế, nên vào năm 1894, Pháp đã yêu cầu giảng hòa, cắt nhượng cho nghĩa quân bốn tổng thuộc Yên Thế.

Hoàng Hoa Thám cũng muốn thêm thời gian để chuẩn bị thêm lực lượng, ông đồng ý hòa hoãn. Nhưng chỉ vài tháng sau, đến tháng 10 năm 1895, Pháp bội ước, huy động lực lượng mở những cuộc tấn công trên quy mô lớn vào Yên Thế.

Không những thế, Pháp còn treo giải thưởng 30.000 franc cho kẻ nào bắt được Hoàng Hoa Thám. Lần ra quân này của quân Pháp cũng không đàn áp được phong trào nông dân Yên Thế, nên Pháp phải yêu cầu giảng hòa lần thứ hai vào năm 1897.

Trong hơn 10 năm hòa hoãn, từ tháng 12 năm 1897 đến ngày 29 tháng 1 năm 1909, nghĩa quân Yên Thế đã có những bước phát triển mới. Địa bàn hoạt động được mở rộng từ trung du đến đồng bằng, kể cả vùng Hà Nội. Hoàng Hoa Thám tổ chức ra “đảng Nghĩa Hưng” và “Trung Chân ứng nghĩa đạo” làm nòng cốt.

Đặc biệt, Hoàng Hoa Thám đã chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ngày 27 tháng 6 năm 1908 của nhóm lính tập ở Hà Nội trong vụ Hà thành đầu độc. Sự kiện này làm chấn động khắp cả nước.

Ngoài ra, Hoàng Hoa Thám xúc tiến việc xây dựng Phồn Xương thành căn cứ kháng chiến, đồng thời bí mật liên hệ với lực lượng yêu nước ở bên ngoài.

Nhiều sĩ phu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Văn Ngôn, Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên… đã gặp gỡ Hoàng Hoa Thám và bàn kế hoạch phối hợp hành động, mở rộng hoạt động xuống đồng bằng.

Ngày 29 tháng 1 năm 1909, Thống sứ Bắc kỳ đã huy động 15.000 quân chính quy và lính khố xanh, 400 lính dõng là một lực lượng lớn nhất từ trước tới lúc đó do đại tá Batay và đại thần Lê Hoan chỉ huy tổng tấn công vào căn cứ Yên Thế.

Đề Thám vừa tổ chức đánh trả, vừa phải rút lui khỏi Yên Thế, đến Thái Nguyên, Tam Đảo. Tuy nhiên, con ông là Cả Trọng bị tử thương và con gái út là Trương Thị Thế bị bắt. Lực lượng nghĩa quân giảm sút dần và tới cuối 1909 bị tan rã. Đề Thám phải sống ẩn náu trong núi rừng Yên Thế cùng hai thủ hạ tâm phúc.

Khởi nghĩa Yên Thế chấm dứt vào năm 1913. Có những giả thiết khác nhau về cái chết của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám. Trong những ngày cuối cùng, lực lượng ngày càng mỏng, Đề Thám chỉ còn vài thủ hạ bảo vệ bên cạnh và liên tục phải di chuyển.

Khi ông tới vùng Hồ Lẩy, người Pháp đã cho ba người đến trá hàng để tiếp cận và hạ sát ông cùng hai thủ hạ vào sáng mồng 5 Tết năm Quý Sửu, tức ngày 10 tháng 2 năm 1913, sau đó mang thủ cấp ông ra bêu Phủ đường Yên Thế để thị uy dân chúng.

Tuy nhiên, có ý kiến nghi ngờ về giả thiết này khi dẫn ba thông tin khác. Một là nhà cầm quyền Pháp chỉ cho bêu đầu có hai ngày rồi vội cho tẩm dầu, đốt thành tro đem đổ xuống ao và không cho công bố ảnh thủ cấp những người chống lại bị chém giết.

Và theo Lý Đào, một cận vệ cũ của Hoàng Hoa Thám và thường cắt tóc cho Đề Thám nên biết đầu ông có một đường gồ chạy từ trán lên đỉnh đầu, trên khuôn mặt có bộ râu ba chòm, nhưng cái đầu cắm ở Phủ đường không có đường gồ, cằm không có râu.

Hai là theo người dân làng Lèo, thủ cấp bị bêu là của sư ông trụ trì ở chùa Lèo, vì sư ông có dung mạo khá giống với Hoàng Hoa Thám và không thấy xuất hiện từ hôm đó, có lẽ bị giết để thế chỗ. Nên rất có thể Hoàng Hoa Thám chạy trốn và sống ẩn dật những ngày cuối đời trong dân chúng và cuối cùng chết vì bệnh tật.

Một số quan lại cho rằng ông mất vào trước thời điểm ngày 10 tháng 2 năm 1913, còn dân chúng lại cho rằng ông mất sau thời gian này. Cho đến nay cái chết của Hoàng Hoa Thám vẫn là bí ẩn lịch sử chờ đợi các nhà khoa học khám phá. Mặc dù vậy, hình ảnh và những công lao chống Pháp của Hoàng Hoa Thám đã được lịch sử cũng như chính dân gian ghi nhân qua câu ca dao: “Ở đây là đất ông Đề/ Tây vô thì có, Tây về thì không”.

Bà ba Cẩn huyền thoại

Chính sử không ghi nhưng ở Yên Thế thời đó ai cũng biết tài sắc vẹn toàn của bà ba Cẩn. Năm sinh của bà cho đến nay chưa ai xác định được rõ. Nhưng đích xác bà là con gái của một ông phù thuỷ người Thổ Hà (Việt Yên).

Bà Đặng Thị Nhu từ nhỏ được người cha với vốn kiến thức uyên thâm đã truyền dạy cho bà những thủ thuật hiếm có để làm những việc lớn trong thiên hạ. Như phép tính trong Thái Ất thần kinh (phép tính này trong lịch sử Việt Nam mới chỉ có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lĩnh hội được) bà Nhu cũng thuộc làu trong lòng bàn tay. Ngoài ra, theo tương truyền dân gian, bà Nhu còn thông thuộc kỳ môn độn giáp, có thể tiên đoán trước được nhiều sự việc.

Vốn nhan sắc lại tài năng nên gia đình bà bị một tên quan nhà giàu trong vùng ép gả cưới. Căm hận bọn quan lại bất nhân, lại nghe tiếng lành của Đề Thám nên bà đã lặn lội “cọc đi tìm trâu” ngược dòng sông Thương lên Bố Hạ – Yên Thế để gặp được người thủ lĩnh trong mộng và cũng là cách công khai chống đối lại bọn cường quyền.

Sau 3 ngày đàm đạo chuyện chính sự tại đền Bến Nhãn (đền thờ Trần Hưng Đạo), Đề Thám thấy cô gái họ Đặng là người am hiểu nên đã nhanh chóng kết duyên chồng vợ. Từ đó, bà Ba Cẩn vừa là vợ, vừa là một quân sư đắc dụng cho Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế. Nhiều trận đánh với sự cố vấn của bà, Đề Thám đã nhanh chóng giành chiến thắng.

nhanvat vodetham 
Bà Ba Cẩn và con gái Hoàng Thị Thế

Tuy nhiên, trong một giả thiết khác của một nhà nghiên cứu đương thời tên là Thái Gia Thư thì khi Đề Thám đi lánh nạn tại một ngôi làng nhỏ và gặp bà Đặng Thị Nhu. Đề Thám nói dối là mình là dân buôn bị cướp hết tiền.

Thương cảm, bà Nhu mới đưa Đề Thám về gặp cha. Ở đây, ông gặp một thuộc cấp dưới quyền đang là con nuôi của gia đình bà Nhu. Nhờ vậy, gia đình bà Nhu trở thành cơ sở bí mật của nghĩa quân Yên Thế. Tâm đầu ý hợp nên chỉ một thời gian ngắn, Đề Thám cưới bà Nhu làm vợ thứ ba và đưa về đồn Phồn Xương để cùng bàn soạn hoạt động chống thực dân Pháp.

Vừa là vợ vừa là cộng sự, bà Ba Cẩn đã sát cánh cùng chồng bàn định nhiều kế hoạch cho công cuộc kháng chiến lâu dài và gian khó. Theo Nguyễn Văn Kiệm, thì bà cùng với Cả Rinh (hay Dinh, Kinh), Cả Huỳnh và Cả Trọng hợp thành ban tham mưu đắc lực, đồng thời cũng là những người chỉ huy giỏi.

Ngoài vai trò ấy, bà Ba còn lo việc hậu cần, đảm bảo sinh hoạt, mua sắm đạn dược cho nghĩa quân. Khi có chiến trận, bà ở bên Đề Thám cùng chiến đấu…

Năm 1901, bà Ba Cẩn sinh được con gái đầu lòng đặt tên là Hoàng Thị Thế với ý nghĩa là vùng đất Yên Thế – nơi nghĩa quân khởi phát. Đến năm 1908, bà sinh được một người con trai đặt tên là Hoàng Hoa Phồn (sau này đổi thành Hoàng Văn Vi để tránh sự truy nã gắt gao của thực dân Pháp), đánh dấu vùng đất Phồn Xương – nơi có đồn Phồn Xương, một pháo đài bằng đất bất hủ mà Hoàng Hoa Thám đã xây dựng trước đó.

Cũng tại đồn Phồn Xương này, bà Ba Cẩn đã cùng Hoàng Hoa Thám và quân sư Hoàng Điển Ân nghĩ ra nhiều kế sách khiến quân viễn chinh Pháp nhiều phen khốn đốn. Thậm chí, đã có lần đích thân bà Ba Cẩn không biết bằng cách nào đã đột nhập được vào doanh trại quân Pháp tại ở Hà Nội nhằm đầu độc binh lính viễn chinh. Việc bất thành, nhưng quân Pháp chỉ nghe tiếng bà đã sợ mất vía. Mật thám Pháp sau nhiều lần dò la, đã xác định bà Ba Cẩn là mối lo lớn cần phải triệt lập tức.

Năm 1909, Pháp cho quân bố ráp khắp nơi. Sau một tháng lăn lộn nơi cửa tử ở Vĩnh Yên, Hoàng Hoa Thám vượt vòng vây về đến Yên Thế. Nhưng thực dân Pháp lại giăng bẫy tiếp tục tấn công, Đề Thám cùng bà Ba Cẩn đã chống trả kịch liệt. Thấy tình thế khó xoay chuyển, bà Ba Cẩn đã khuyên chồng nên rút lui vào rừng. Sáng 1/12/1909 bà Ba Cẩn và con gái là Hoàng Thị Thế bị quân địch bắt giữ.

Sau một thời gian mẹ con bà Ba Cẩn bị giam tại Hoả Lò (Hà Nội), thực dân Pháp đày mẹ con bà sang Nam Mỹ. Trong lúc quân canh sơ hở, bà Ba Cẩn đã nhảy xuống biển tự tử vào ngày 25/12/1910.

Tài thao lược, gương trung trinh tiết liệt của bà người sau vẫn nhớ, qua bài vè:

“Âu là sinh tử nhờ trời,
 Sợ mà ra thú ta thời không ra.
 Cho nên nó mới đánh ta,
 Bà Ba, hai Cả (Cả Trọng) định ra thế nào?
 Bà Ba quỳ gối tâu vào,
 Tôi xin gánh đỡ ông chồng một phen.
 Bà Ba loan báo binh quyền,
 Cơ nào độ ấy vững bền cho ta.
 Để ta sắp lấy binh qua,
 Dấn mình vào đám can qua phen này.
 Bà Ba khi ấy mới hay,
 Quần chân, áo chít mặc ngay vào mình.
 Nhẩy lên đứng giữa Tây thành,
 Gọi rằng khố đỏ, khố xanh kia là
 Các anh hãy nghe lời ta,
 Ta đây chính thực vợ ba Đề Hoàng”