Chương trình Phát triển Quận 8 Sài gòn khởi sự từ tháng 8 năm 1965 và qua năm sau 1966, thì được mở rộng sang hai quận 6 và 7 lân cận

tranhve xahoidansu

Chương trình Phát triển Quận 8 Sài gòn khởi sự từ tháng 8 năm 1965 và qua năm sau 1966, thì được mở rộng sang hai quận 6 và 7 lân cận. Về căn bản, đó là một Chương trình Phát triển Cộng đồng do các anh chị em thanh niên tự nguyện hợp chung với nhau để vận động bà con ở địa phương cùng bắt tay vào những công tác nhằm cải thiện môi trường sinh sống tại khu vực kém may mắn nhất của thành phố. Đây là nơi có rất đông bà con từ các miền quê mất an ninh đưa gia đình về tá túc cư ngụ trong những khu nhà ổ chuột thiếu thốn mọi tiện nghi tối thiểu về nhiều mặt gia cư, cơ sở hạ tầng cũng như vệ sinh công cộng...

Nói chung, thì đây là lối làm việc theo cái khẩu hiệu quen thuộc của giới chuyên môn làm công tác xã hội xưa nay, đó là : “Giúp dân để người dân tự giúp lấy mình” (Help people to help themselves). Như vậy, vai trò chính yếu của người cán bộ xã hội là tự nguyện làm chất men, chất xúc tác nhằm khơi động quần chúng nhân dân ý thức và cảm nhận được nhu cầu cải tiến xã hội (felt needs) - để rồi từ đó mà họ kêu gọi động viên lẫn nhau người góp công, kẻ góp của để cùng bắt tay tham gia thực hiện những công tác cụ thể thiết thực như chỉnh trang gia cư, sửa sang xóm ngõ, đặt đường cống thóat nước, xây dựng trường học, trạm y tế, chợ búa v.v...

Trong những bài viết trước đây, tôi đã có dịp trình bày về những kết quả thành tích trên nhiều phương diện của Chương trình Phát triển này rồi. Vì thế, thiết nghĩ khỏi cần nhắc lại các chi tiết cụ thể đó ở đây nữa. Thay vào đó, tôi muốn xem xét vấn đề chúng ta có thể áp dụng những kinh nghiệm thực tiễn của Chương trình đó như thế nào trong giai đọan phát triển và xây dựng Xã hội Dân sự hiện nay vào đầu thế kỷ XXI tại nước ta. Đây là một đề tài mà bà con nhất là giới trẻ ở trong nước đang bàn thảo trao đổi rộng rãi sôi nổi và xướng xuất ra những họat động cụ thể nhằm cải thiện môi trường sinh họat văn hóa xã hội của tòan thể dân tộc.

I – Công tác xã hội là để phục vụ đồng bào : Đó là lý tưởng có sức lôi cuốn quy tụ được giới thanh niên mọi nơi, mọi lúc.

Ngay từ những năm 1950 trong chế độ tương đối tự do dân chủ thông thóang tại miền Nam, các đòan thể hiệp hội của giới thanh thiếu niên đều được tự do tổ chức các hình thức sinh họat tập thể - như cắm trại, hội thảo, trình diễn văn nghệ và đặc biệt là thực hiện những công tác cụ thể để phục vụ đồng bào ở địa phương. Các sinh họat lành mạnh này thường là những công việc nhỏ bé phù hợp với khả năng hạn chế của giới trẻ, điển hình như sửa sang đường xá, dọn vệ sinh nơi ngõ hẻm, sửa chữa lớp học, đóng bàn ghế, tổ chức sinh họat vui chơi giải trí cho các em nhỏ trong lối xóm v.v… Xin liệt kê một số họat động điển hình của giới trẻ hồi giữa thập niên 1960 đó như sau :

1 - Vào năm 1964 đã có tổ chức gọi là “Phong trào Học đường Phục vụ Xã hội” lôi cuốn được nhiều học sinh cỡ tuổi 15 – 17 trở lên tham gia vào những họat động lành mạnh được gọi chung là “công tác xã hội” nhằm giúp ích một cách cụ thể cho nhu cầu cấp bách của mỗi địa phương do chính các em chọn lựa cùng nhau đến sinh họat tại đó. Cũng vào năm 1964 này, thì tổ chức Đòan Thanh niên Chí nguyện (NVS = National Voluntary Service) đã gửi nhiều tóan công tác đến làm việc ở một số làng xã tại nông thôn về các mặt phát triển canh nông, mở mang giáo dục, cải thiện môi trường v.v...

2 - Tới cuối năm 1964, vì có nạn bão lụt tàn phá nhiều tỉnh miền Trung như Tuy Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, nên các bạn thanh niên cùng hợp tác với nhau để thành lập Ủy Ban Phối Hợp Cứu Trợ Nạn Nhân Bão Lụt Miền Trung và cử nhiều đòan công tác đến tận các địa phương bị tàn phá để giúp đỡ các nạn nhân – cụ thể là giúp phân phối thực phẩm cứu trợ, sửa sang lại nhà cửa, trường học, đường xá v.v... Đây có thể coi là lần đầu tiên mà có một họat động xã hội nhân đạo có quy mô tòan quốc lôi cuốn được rất nhiều thanh niên, sinh viên và học sinh tham gia trong thời gian kéo dài đến 3 – 4 tháng.

3 - Rồi tiếp theo là Chương trình Công tác Hè năm 1965 lôi cuốn được đông đảo giới học sinh, sinh viên ở Sài gòn cũng như ở nhiều tỉnh thành khắp miền Nam tham gia sinh họat cắm trại, trình diễn văn nghệ, thực hiện một số công tác xã hội nhân đạo nhằm phục vụ bà con đồng bào tại các địa phương, Và cũng từ kinh nghiệm của Chương trình Hè này mà ít năm sau lại có một chương trình do Bộ Giáo Dục yểm trợ gọi là “Chương trình Phát triển Sinh họat Học đường” được gọi vắn tắt là CPS.

4 - Cũng vào năm 1965 đó, thì xuất hiện Chương trình Phát triển Quận 8 Sài gòn (CTPT.Q8) như đã giới thiệu ở trên. Điểm khác biệt của Chương trình này là họat động lâu dài nhiều năm tháng tại một địa phương nhỏ bé tại vài ba quận trong thành phố. Nhờ vậy mà Chương trình này đã gây ra được một thứ tác động sâu sắc và lâu bền đối với các tầng lớp quần chúng ở địa phương. Ta sẽ phân tích chi tiết cặn kẽ hơn về khía cạnh ảnh hưởng đó trong phần tiếp theo sau.

II – Vai trò làm Đối tác của Xã hội Dân sự đối với Chính quyền Nhà nước.

Tất cả những tổ chức của giới thanh niên, sinh viên, học sinh mà có những họat động xã hội nói trên, thì đều có ba tính chất căn bản là : tự nguyện, bất vụ lợi và phi chánh phủ (voluntary, non-profit, non-governmental). Vì thế mà các tổ chức đó đều hội đủ các tiêu chuẩn để được xếp vào khu vực Xã hội Dân sự - mà điển hình nhất là tổ chức Hồng Thập Tự, Hội Hướng Đạo, các tổ chức từ thiện nhân đạo do các tôn giáo thành lập và bảo trợ v.v… Và khi các đòan thể, hiệp hội đó đứng ra thực hiện những công tác xã hội từ thiện nhân đạo tại nhiều nơi, thì họ đóng vai trò làm “Đối tác” (Counterpart) đối với Chánh quyền Nhà nước – tức là cùng hợp tác với Chánh quyền trong việc thực hiện những dịch vụ công ích (public services) để phục vụ quần chúng nhân dân.

Trường hợp của Chương trình Phát triển Quận 8 cũng vậy. Đó là một chương trình họat động (action program) hòan tòan tự nguyện do một nhóm thanh niên đề ra và được Chánh quyền chấp thuận và yểm trợ về ngân khỏan chi tiêu cũng như vật liệu xây cất do cơ quan USAID (Viện Trợ Mỹ) cung ứng.  Chứ đó không phải là một bộ phận cơ sở do Chánh quyền thành lập và bổ nhiệm cán bộ công chức đứng ra phụ trách điều hành. Nói cho rõ hơn, thì về mặt cơ bản Chương trình này ra đời hòan tòan là do sáng kiến tư nhân của nhóm chủ trương - mà được vị Thủ tướng hồi đó là Tướng Nguyễn Cao Kỳ chấp thuận và giao cho Bộ Thanh niên và Tòa Đô chánh là hai cơ quan nhận trách nhiệm bảo trợ, cố vấn và giúp đỡ về mặt này mặt nọ.

Rõ ràng ở đây có sự cam kết hợp tác giữa Chánh quyền với nhóm thanh niên chủ trương trong việc thực hiện một chương trình công tác dài hạn nhằm phục vụ đồng bào tại một khu vực nghèo túng, kém phát triển nhất trong thành phố Sài gòn vào thời gian ấy.

Nhờ sự mềm mỏng nhã nhặn trong những cuộc tiếp súc vận động quần chúng địa phương tham gia công tác phát triển, nên Chương trình đã lôi cuốn thuyết phục được các thân hào nhân sĩ cùng hợp tác trong việc thực hiện nhiều công trình chỉnh trang xây dựng có quy mô lớn - nhờ sự đóng góp nhiệt tình của số đông bà con sinh sống trong các khóm hẻm. Do vậy mà trong có 6 năm họat động (1965 – 1971), Chương trình Phát triển đã hòan thành được cả trăm dự án lớn nhỏ mà có ích lợi thiết thực và lâu bền cho khối quần chúng nhân dân sở tại – điển hình nhất là tái thiết được đến 8,000 đơn vị gia cư trong 20 khu bị tàn phá nặng nề do vụ tấn công hồi Tết Mậu Thân năm 1968. Và đặc biệt là xây dựng được Trường Trung học Lương Văn Can tại Quận 8 mà hiện vẫn còn đang họat động.

Và theo sự đánh giá khách quan của giới báo chí quốc tế vào các năm 1968 – 1971, thì Chương trình Phát triển các Quận 6,7,8 Sài gòn được coi là một trong những thành công ngọan mục nhất của giới thanh niên vào thời kỳ mà cuộc chiến tranh đang ở giai đọan leo thang tàn khốc bi thương nhất.

III – Vai trò làm “Đối trọng” của Xã hội Dân sự đối với Chánh quyền.

Trong một xã hội dân chủ, thì người công dân nào cũng có những quyền tự do căn bản – mà điển hình nhất là quyền tự do tư tưởng, tự do hội họp, lập hội, tự do ngôn luận v.v… Và Xã hội Dân sự thì có thể đóng vai trò làm “Đối trọng” (Counterbalance) đối với Chính quyền Nhà nước – thêm vào với vai trò làm “Đối tác” (Counterpart) như đã nói ở mục trên.

Tại Mỹ, người ta còn gọi đó là chủ trương “Checks and Balances” (Kiểm sóat và Quân bình) - tức là cá nhân mỗi người dân hay các tổ chức thuộc XHDS đều có quyền tham gia việc giám sát, theo dõi, kiểm sóat những hoạt động của Chánh quyền và nhờ vậy mà duy trì được sự Quân bình trong xã hội – không để cho Chánh quyền tự tung tự tác như trong một chế độ độc tài tòan trị của người cộng sản (totalitarian dictatorship).

Tại miền Nam Việt Nam hồi trước năm 1975, thì mặc dầu vẫn còn nhiều mặt hạn chế về chính trị do hòan cảnh chiến tranh gây ra, ta vẫn có thể thấy là người dân có quyền lên tiếng công khai tố cáo những sai trái bất cập của nhà cầm quyền. Họ thể hiện quyền này thông qua cơ quan truyền thông báo chí, thông qua các đại diện dân cử như Dân biểu, Nghị sĩ, kể cả thông qua Tòa án. Xin trưng dẫn một trường hợp điển hình khá là tiêu biểu sau đây :

* Vụ án “Ông Già Nông dân Lê Văn Duyên” ở Bến Tranh, Mỹ Tho.

Ông Lê Văn Duyên là một người nông dân cương trực sinh sống tại quận Bến Tranh tỉnh Mỹ Tho. Nhận thấy chính quyền địa phương làm nhiều điều sai trái, khuất tắt, nên ông đã gửi đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan trung ương ở Sài gòn như Phủ Phó Tổng Thống, Quốc Hội, Giám Sát Viện và dĩ nhiên là cả các tờ báo nữa. Vì thế mà ông bị sát hại ngay tại nhà trong một đêm tối vào năm 1973. Dân chúng lối xóm phát hiện đây là hành động do viên Quận trưởng dàn dựng để trả thù và diệt trừ người đã dám đứng đơn tố cáo ông ta.

Vụ việc được báo chí phanh phui và nhất là được vị Dân biểu đại diện dân chúng ở địa phương đứng ra tố cáo trước công luận cũng như trước nhiều cơ quan chính quyền. Và vị Thẩm phán tại Tòa án Sơ thẩm Mỹ Tho là Dự thẩm Nguyễn Văn Thành đã ra lệnh bắt giữ nghi can là Trung tá Ngô Văn Thi Quận trưởng Quận Bến Tranh để tiến hành cuộc thẩm vấn điều tra theo đúng thủ tục tố tụng hình sự.

Trong vụ này, ta nhận thấy vai trò tích cực của công luận và báo chí, và nhất là sự năng nổ của vị Dân biểu địa phương là Lê Tấn Trạng đã tạo được một áp lực đối với nhà cầm quyền là phải đưa vụ án mạng ra xét xử trước Tòa án. Thứ đến là vị Thẩm phán đã thể hiện rõ ràng tính độc lập của ngành Tư pháp đối với ngành Hành pháp qua quyết định cho bắt giữ chính viên Quận trưởng đương nhiệm. Vụ này nêu rõ tính công minh chính trực của vị Thẩm phán đã không hề vị nể né tránh trách nhiệm của mình trước áp lực của các cấp chính quyền nhằm bao che cho Trung tá Thi. Cụ thể ông Ngô Văn Thi là anh em cột chèo với Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi là vị Tư lệnh Quân Đòan IV đày quyền uy thế lực ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào lúc đó.

Nạn nhân Lê Văn Duyên lại còn được sự kính phục mến chuộng của dân chúng địa phương, nên họ đã cùng nhau góp tiền bạc công sức để xây dựng một miếu thờ người Anh hùng Nông dân này tại Bến Tranh ngay sát quốc lộ số 4 gần Ngã Ba Trung Lương nữa.

IV – Để tóm lược lại : Phẩm Giá Con Người là điều quan trọng nhất.

Những sự việc được kể ra ở trên, thì hầu hết đều đã xảy ra từ 40 – 50 năm trước. Đó là do hành động cụ thể của lớp người thuộc thế hệ chúng tôi mà lúc đó mới ở vào lứa tuổi 20 – 30. Đến nay vào năm 2014, thì nhiều người đã ra đi từ giã cõi đời này rồi. Số còn lại, thì đã về nghỉ hưu ở vào lứa tuổi cao niên 70 – 80, chúng tôi chẳng còn tham vọng có thể làm điều gì quan trọng lớn lao cho dân tộc, cho đất nước được nữa. Mà chỉ mong cho thế hệ con cháu mình được sống trong một xã hội đày tinh thần nhân bản nhân ái - mà mọi người đều yêu thương quý mến bao bọc liên đới bền chặt với nhau.

Trong mấy năm gần đây, lớp người trẻ cỡ 20 – 30 tuổi đã thật hăng say nô nức gắn bó liên kết với nhau để “đòi quyền được biết” về những điều liên quan đến sự sống còn của dân tộc. Điển hình như đòi hỏi giới lãnh đạo cộng sản phải công khai hóa những điều mà họ đã ký‎ kết từ năm 1990 tại Thành Đô ở tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc với giới lãnh đạo xứ này. Và nhất là đã can đảm đứng ra bênh vực khối Dân Oan là các nạn nhân khốn khổ - đã bị mất nhà, mất đất về tay những nhóm quyền lợi tham lam vô độ và tàn ác ngoan cố hết mức.

Đó là những dấu hiệu đáng mừng của sự trỗi dậy của một thành phần tiến bộ và dũng cảm của dân tộc – mà hiện đang cố gắng xây dựng một Xã hội Dân sự vững vàng hầu có đủ sức mạnh đối kháng được với mưu đồ đen tối lươn lẹo dối trá và tàn ác vô nhân đạo của những kẻ tham quyền cố vị, chỉ biết khư khư bảo vệ các đặc quyền đặc lợi riêng cho phe nhóm, băng đảng của riêng mình.
Fortune Cookie

Qua Hội nghị Thành Đô năm 1990, rõ ràng là những lãnh tụ cộng sản như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh đã thi hành chủ trương “Thà mất Nước, chứ không thà mất Đảng”. Họ hạ mình đi lạy lục xin xỏ quan thầy ở Bắc kinh vốn xưa nay là kẻ thù ngàn đời của dân tộc chúng ta – để được bảo đảm giữ vững được cái ngai vàng của mình, bất chấp sự mất đất mất biển về tay kẻ bá quyền bành trướng Trung quốc.

Và lúc này các bạn trẻ đang cương quyết đòi hỏi đảng cộng sản phải bạch hóa cái vụ ký kết bậy bạ sai trái đó với phía Trung quốc. Làm như vậy, các bạn đích thực rất xứng đáng với cái danh hiệu “Hậu sinh khả úy” vậy.
Xin được ngả mũ chào thế hệ thanh niên Việt nam của thế kỷ XXI.

Lớp người cao tuổi chúng tôi thật phấn khởi trước khí thế hăng say nô nức của các bạn trong công cuộc bảo vệ phẩm giá và công lý cho từng con người Việt nam và tiếp tục giữ vững được cái truyền thống anh hùng bất khuất từ ngàn xưa của cha ông chúng ta vậy./

Costa Mesa California, Tháng Chín 2014

Ghi nhận của Đoàn Thanh Liêm