Chúng tôi tâm niệm: Mỗi lần nổ súng, ít ra phải có một cây thịt đổ! Từ đó, làm chủ chiến trường....

vnch linh hanhquan

Tôi, Nguyễn Thế Giác, nguyên là Đại Đội Trưởng Đại Đội Trinh Sát Trung Đoàn 40 thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh, đã từng hãnh diện nhận lãnh Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương với nhành Dương Liễu. Về sau được Thượng Cấp cất nhắc đi làm Tiểu Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 47, do Đại Tá Lê Cầu chỉ huy đơn vị.

Xin ghi vài nét tiêu biểu về người anh cả của gia đình 47, một trong bốn Trung Đoàn của Sư Đoàn Hắc Tam Sơn Bạch Nhị Hà.

Ông xuất thân khoá 18, trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, tốt nghiệp, trình diện đơn vị, làm Trung Đội Trưởng Trung Đội 2, chưa đầy một năm làm Đại Đội Trưởng Đại Đội 2. Ngày tháng dần qua, khả năng lãnh đạo chỉ huy thể hiện, vừa nhu cầu chiến trường, ông được bổ nhiệm làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2. Cuối cùng là Trung Đoàn Trưởng, cũng Trung Đoàn này, suốt một thời gian dài, ngược xuôi cao nguyên duyên hải, hoàn thành sứ mệnh người trai thời quốc biến.

Tuổi trẻ nhiều ước vọng, như lời thề trong Quân Trường ngày nào, vào đêm cử hành lễ Truy Điệu:… Tôi không thích an lạc và dễ dàng, chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm! Có lẽ vì vậy, nên cả đời trai tung hoành bốn cõi, cung kiếm ngang trời, dìu dắt đơn vị trên khắp chiến trường miền Trung, cho đến thời điểm đau thương nhất của vận nước. Cuối cùng, đơn vị được lệnh di tản chiến thuật, để bảo toàn lực lượng, trước tình hình địch đè nặng trên phần lãnh thổ Quân Khu.

Ông đưa “con cái”về Thủ đô tái phối trí, tiếp tục đánh một trận ở Long An để đời, cuối mùa đau thương và hào hùng trong pho Quân Sử. Việc hiếm thấy một Sĩ Quan trưởng thành giữa lửa khói, mà lưu luyến cùng một đơn vị lâu đến như thế, là điều hết sức ngạc nhiên. Nếu không muốn nói là binh sĩ thương ông, cũng như mến mộ tài đức chẳng kém. Do đó, khoá 18 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, ông là Sĩ Quan được thăng cấp Đại Tá sớm nhất. Cũng vì phục vụ cho lý tưởng Tự Do và hy sinh liên tục cả một chiều dài tuổi trẻ, nung nấu và hoà mình với định mệnh của dân tộc, Sư Đoàn 22 đã cho ông một hoài bão lớn lao của đời trai luyến lưu với mệnh nước:

Sư Đoàn mẹ với hai sông ba núi.
Rượt địch thù ra khỏi dải biên cương.

Trong chiến sử vừa qua, thiết tưởng cũng đã ghi rõ công trạng từng mỗi đơn vị. Những chiến tích hiển hách ấy, không ngoài mục đích cho thế hệ tương lai thấy được nỗi quan hoài và hy sinh cao cả của cha ông, đã giữ nước bằng máu, nước mắt, trộn lẫn thành ý chí kiêu hùng:

Ba dãy núi đen hai dòng sông trắng
Máu, mồ hôi thắm mặn dải quê hương.
Vượt Trường Sơn và ngụp lặn đại dương.
Đem khí thế đằng đằng đằng vùng hoả tuyến.
Đeo nặng trên vai người hùng của biển.
Vào cao nguyên đời mãnh hổ tung hoành.
Trên đỉnh Tam Biên trùng điệp rừng xanh.
Tô Quân Sử khắp vùng II chiến tích.

Nhân đọc truyện ngắn của Trường Sơn Lê Xuân Nhị, làm ray rứt nhớ đến chiến trường xưa, những địa danh vang bóng một thời, nhiều đêm nằm chờ hoả châu soi sáng, dưới cơn mưa rừng vuốt mặt không kịp; cái lạnh cao nguyên miền Trung có thua gì Khe Sanh, Lao Bảo hoặc miền Thượng Du Bắc Việt, nhưng vẫn mò mẫm cố tìm cho được thằng em còn kẹt dưới giao thông hào; đất đỏ cao nguyên trơn trợt có khác nào leo lên cột mỡ, sau đợt tấn công thí mạng cùi, giành giật ngọn đồi chiến lược; cả tháng gạo sấy cá tuna, có bữa thịnh soạn nhất được hai con heo nút lưỡi nấu canh lá vang (hai con heo nút lưỡi là thịt bằm xay đóng hộp); đêm trói người trên lưng võng ny lông và chiếc mền dù; đôi bút đờ sô dính liền với bàn chân, có khi hết chiến dịch hành quân, cựa mình ngửi mùi da ướt đẫm mồ hôi, xông lên thum thủm như chuột chết; nằm thèm thành phố muốn khùng, ước mơ đủ thứ, làm nuốt nước miếng ừng ực, để tiết tâm linh thay vì tiết hoá học ve vuốt cơ thể, cho qua cơn khủng hoảng, của một con người tri thức bình thường.

Nhà văn Quân Đội của chúng tôi là một phi công hũ hèm, có lẽ vì bất đắc dĩ, sinh bất đắc chí chăng? Ông Quan Một say túy lúy bất kể trời đất, (khi lính đã… chơi rừng tàn núi lở) từ miền đất thấp vọng lên nỗi nhớ. Con ngựa chứng ấy, tưởng chừng đã thả lỏng yên cương, đến giờ này tuổi đời coi như đứng trên thềm dốc chiều, nhìn hoàng hôn mờ mờ trong đôi mắt phân kỳ, qua dòng Mississippi lững lờ trôi, bên quán rượu vùng French Square của New Orleans, Louisiania, trong võng mô luôn thấp thoáng niềm tự hào. Nhất là lòng nhiệt thành và quả cảm với Tổ Quốc Việt Nam Cộng Hòa thân yêu, cũng như bạn bè cùng mầu cờ sắc áo tưởng chừng vô bờ bến.

Thời gian lưu vong gần bốn thập niên, nợ áo cơm đã làm nhầu nát mảnh chinh y, thế mà “giặc lái” nhà ta vẫn còn ấp ủ niềm tin một Quân Lực sống lại. Đặc biệt chẳng thể nào quên Tổ Quốc Không Gian, một phù hiệu mà anh ôm ấp và trân qúy như vàng mười chén mỏng của gia phả lưu truyền cho cháu con phải gìn giữ.

Lời nói của anh là những tạc đạn mà anh bấm nút thoát ra, thét gào vào không gian lửa khói, từ thân tàu ngày nào, đâm thẳng vào trái tim thiếu dòng máu đỏ. Anh, một chiến sĩ bất đắc dĩ làm nhà văn chuyên nghiệp, đã cống hiến độc giả trên diễn đàn Văn Hữu, vào dịp 30 tháng 4 thường năm, từ ngày đứt phim, mang thân phận lưu đày, ăn nhờ ở đậu trên phần đất tạm dung, chờ ngày hồi hương trong danh dự.

Nhà văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị, xem ra không khác một phóng viên chiến trường, da diết yêu nghề, đã dùng ngòi bút thay vì ống kính, vẽ lên một hoạt cảnh trung thực trên hành lang cao nguyên ngày đó, càng đọc càng thấm thía vào xương tủy. Riêng tôi cảm động đến ứa nước mắt, nghĩ về cuộc đời lên công xuống tấn, suốt mùa binh lửa của mình, những ngày lăn lóc trên chiến trường miền Trung, vào chiến dịch mà tôi nhớ không lầm, khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đọc lời hiệu triệu cùng quốc dân đồng bào, ông dõng dạc trên làn sóng:

“... Tất cả quân dân cán chính miền Nam, từ giờ phút này phải vùng lên tái chiếm lãnh thổ đã mất! Không để một tấc đất nào lọt vào tay giặc!”

Từ những lời chí tình với Tổ Quốc Việt Nam, mới có những cụm từ cuồn cuộn chảy, như dòng máu nóng sôi sục về tim, nào: Bình Long An Lộc Anh Dũng, Trị Thiên Kiêu Hùng, Kontum Tân Cảnh Sừng Sững, Benhet Dalkto Vùng Dậy…

Lâu quá không được rửa mắt một thể loại phóng sự chiến trường, sau ngót bốn mươi năm ngậm ngùi thương tiếc. Giếng nước mắt trong tôi đã khô cạn từ bao nhiêu năm qua, bỗng dưng cái thằng ma gà (xin lỗi, tiếng “ma ga”ụ là một ngôn từ vô thưởng vô phạt, anh em Quân Đội thường dùng, thật mộc mạc dễ thương, của người lính tác chiến thứ thiệt. Kính xin quý vị hãy để tâm hồn sống lại thời đó, sẽ nghe trong âm vang xao xác: Lính mà em! Chứ không phải tác giả kém văn phong đâu! Những mong được tha thứ và bớt đi lòng cố chấp, để cho bài viết này có phần sống động, như một thiên hồi ký chiến trường ngày nào, của đặc phái viên báo chí từ bốn vùng Chiến Thuật tường trình, trên đài phát thanh Quân Đội một thuở) làm mắt tôi lại rưng rưng....

oOo

vnch dtdat huychuong

Ngày ấy, cố Đại Tá Lê Đức Đạt, khao khao giọng thổ, lời nói đặc cứng như khối thép, đã được trui rèn trong lò luyện kim Quân Đội, con người dong dỏng cao, đầu lúc nào cũng đội bê rê nồi mầu đen, được biết ông xuất thân từ binh chủng Thiết Kỵ, một đơn vị đã từng làm mưa làm gió trên đầu địch. Dĩ nhiên, đời Kỵ Binh cho ông rất nhiều kỷ niệm của một thời gắn bó và trưởng thành, trong cuộc sống Quân Ngũ, dưới hai nền Đệ Nhất cùng Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hoà.

Nhớ lại… ngày đó, mỗi lần nghe thưa pháo (122 và 130 ly như ăn cơm bữa, do bọn tiểu yêu sơn pháo yến tiệc hằng ngày, ở mặt trận Tam Biên), Ông lò dò bước ra khỏi Trung Tâm Hành Quân (TOC), đi một mạch đến sân cờ, thăm hỏi và động viên tinh thần con cái. Vẫn bổn cũ soạn lại, cũng đá đít tôi với vẻ mặt hăm hở, trên đôi môi mấp máy, khô ran, chắc chắn tấm lòng vị Tư Lệnh Tiền Phương đầy trìu mến, mới thể hiện bằng lời nói ngọt ngào như thế, trong lúc chiến trường Tam Biên không ngừng sôi động, những đồn bót do Biệt Động Quân vùng II trấn nhậm, đã không còn hiệu năng, lực lượng cơ động của Quân Khu tứ bề thọ địch, vô hiệu hoá những cuộc hành quân, mà trước đây mình thường chủ động chiến trường. Cả dải hành lang biên giới bấy giờ bị xé nát với hơn cấp số bốn Công Trường địch, cộng thêm cơ giới quần thảo xa luân chiến suốt ngày đêm.

Đơn vị Trinh Sát thuộc về chú Mãnh Hổ (danh xưng và huy hiệu của hung thần đầu lâu xương chéo chúng tôi ngày ấy) ngồi dài người, chờ táp pi với lũ cô hồn các đẳng bất cứ lúc nào, vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng đi nhặt lá rơi (cứu hộ phi công của những chiếc trực thăng lâm nạn), chiều lại thả những toán Viễn Thám dọc đường mòn ông già mắc dịch, để rình mò xem bọn lau nhau kéo pháo, giấu quân và không quên những đoàn môtô-lô-va như loài cua đinh sứt càng, gẫy gọng, khập khễnh qua đèo vượt suối nhằm cung ứng tiếp tế, tiếp liệu cho bọn sinh Bắc tử Nam, lũ người ruồi gieo máu lửa, không khỏi bội thực, bởi những bát B52 lồng khung ô-ca-rê, như làm cỏ mọi sinh vật trong vùng, hoặc từng đợt pháo binh bắn ra-phan long trời lở đất, do những người lính vô hình (viễn thám) điều chỉnh khá chính xác, đưa những viên đạn không có lỗ tai vào yết hầu, làm á khẩu bọn sao vàng, sao đỏ; vừa vượt Đồng Hới vào bổ sung quân số trên lãnh thổ miền Nam, những mong giải phóng phần đất Tự Do và ra sức trồng cây vô sản, hà hơi mầu máu đỏ, cho ngầy ngật dải đất thân yêu, ngõ hầu mở rộng Tổ Quốc Không Biên Giới, gầy giấc mơ trồng người, nắm tay nhau về cõi Đại Đồng nhảy sol đố mì.

Ngày, chúng tôi quần quật, tối lại tất bật phòng thủ kho đạn, một kho đạn dược lớn nhất, thiết lập tại cao nguyên, cung ứng cả chiến trường miềnTrung. Không một đêm nào mà được yên giấc, nhiều lúc nhận lệnh đột kích thần sầu quỷ khốc, vào sào huyệt của bầu đoàn thê tử thằng Sư Đoàn 3 Sao Vàng hoặc những đơn vị vừa nhận lệnh xâm nhập từ Bắc Bộ Phủ, còn ngơ ngác dao động tinh thần, phần chưa nắm vững địa thế, bị tấn công bất ngờ, Trinh Sát dễ dàng hốt cốt, như thọc tay vào túi lấy tiền.

Đánh đêm là nghề của chàng! Với quan niệm thật chính xác, trong bóng tối, kẻ nào thấy trước được, là kẻ ấy có nhiều ưu thế chiến thắng. Chúng tôi tâm niệm: Mỗi lần nổ súng, ít ra phải có một cây thịt đổ! Từ đó, làm chủ chiến trường chốc lát là đủ rồi, chụp giựt Chiến Lợi Phẩm, ba chân bốn cẳng biến mất trong khoảnh khắc, giữa rừng núi trùng trùng điệp điệp, riết rồi trở thành thiện nghệ, không hổ danh Trinh Sát 40 là đệ nhất sát thủ.

Toàn bộ gia đình Trinh Sát chúng tôi, ngày lại ngày ứng chiến tại sân cờ Bộ Tư Lệnh Tiền Phương, Hậu Cứ Trung Đoàn 42, nhận lãnh những công tác đặc biệt, lắm lúc đi bảy về ba, mèo tha ma giựt dọc đường, đố ai biết cơ cực dường nào, cho những đứa con bà Phước, ăn không no, ngủ không yên, đứng ngồi như con lật đật, đang dõi mắt tìm xem hành tung bọn mũ tai bèo, dép râu, ruột tượng… lén lút giữa rừng già biên giới. Nhất là tin tình báo cho biết T54 ù ù cạc cạc xâm nhập, là giật nẩy lên, còn nghe đâu đã bò về phía Đông Tân Cảnh, xuyên qua quận Dakto, thọc vào cạnh sườn của đám Biệt Kích Mỹ, (lính không Quân số) chuẩn bị làm một cú rendez-vous bất ngờ, ngay lòng quân đội trú phòng, với chú tâm tuyên truyền, đến những thằng báo chí thiên tả, làm đình đám xì căng đan cho xôm tụ trên mặt trận thương thuyết tại hội đàm Ba Lê.

Ông thần Lê Xuân Nhị hũ hèm của tôi, đã vô tình khơi nguồn tri bỉ tri kỷ trở lại, trong tâm tư thầm kín, làm cho mớ tuổi ở ngoài thất thập cổ lai hy của lão già thương phế binh này, với cấp độ tàn phế vĩnh viễn, phải thút thít khóc, hành động giấu đi những cảm động tuyệt vời, nhưng không tránh khỏi mặt nhăn như khỉ ăn gừng, đôi khi ấm ức nghẹn lời, mũi dãi lòng thòng như đứa con nít lên năm lên mười, đang vòi vĩnh một điều gì mà chưa được thoả mãn, khi người lớn vẫn còn cố chấp.

Cuối cùng, cũng biết hổ ngươi nên gục mặt, âm thầm khóc giữa lòng hai bàn tay gân guốc, vì nhặt được từng mớ kỷ niệm, trong vùng ký ức hẩm hiu, của những ngày giày xô áo trận, cơm vắt muối vừng, lội mút mùa lệ thủy, thiếu điều bá thở. Sức người có hạn, đơn vị chủ lực mà dãi nắng dầm mưa lâu ngày, trông hình hài thảm não hết sức, nhiều lúc âm thầm trong rừng già, không khác nào hoạt cảnh: … đường trường xa con chó nó tha con mèo! Cứ thế, hết bổ dọc đồng bằng duyên hải, chiều về lại cao nguyên, hát trong lòng Trường Sơn thâm u, nghe chim kêu vượn hú, buồn muốn chết người, chờ những cuộc thư hùng trống mái với bất cứ đơn vị nào, vô phước gặp phải, dẫu rửa chân lên bàn thờ, cũng không lấy gì làm ân hận.

Tôi khóc thật đó thằng anh em chí cốt! Khóc vì thương tiếc đến một Quân Lực bị bức tử, đau thương cho thế hệ trẻ của chúng mình, trót sinh ra dưới vòm trời ảm đạm, bị biết bao lũ đàn anh chẳng ra gì cầm cân nẩy mực, nhất hô bá ứng, đoạt cờ chạy hiệu cho những tên đế quốc đầu sỏ, rồi vỗ ngực tự hào thành quả đảo chánh. Làm cách mạng trời ơi đất hỡi như thế, mà cũng ta đây chánh khách thượng thừa, rồi bí mật nhận tiền thí vua, giết cả một đời trai cùng trang lứa ấp ủ mộng bình sinh, chẳng hề thương tiếc, để đến bây giờ phải hoá kiếp con ma vong quốc nô, xem đi xem lại trước sau gì, cũng khó lòng tránh khỏi hệ lụy đau buồn, khi tuổi già xồng xộc đến, sẽ gởi nắm xương tàn vào một thời gian không xa, trên quê hương con cháu chú Sam.

Nhớ những ngày ấy, tuy đã xa lắc xa lơ.

Buổi chiều, nắng xế xuống thật chậm, ngổn ngang những cụm khói trôi lang thang, sau cơn trải thảm của B52 trong thung lũng mật khu An Lão, nhằm chận đứng ý đồ thâm độc của Hà Nội, bằng mọi cách đưa đại đơn vị về thôn tính Bắc Bình Định, làm vùng trái độn giữa hai Quân Khu, để tính chuyện chia chác cho bọn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một lần nữa chú chó sói trong bài thơ ngụ ngôn của đại văn hào La Fontaine đã hiện nguyên hình và trước sau gì Việt Nam Cộng Hòa cũng mang thân phận chú cừu non khóc hận, dưới móng vuốt những con cáo già Xã Hội Chủ Nghĩa.

Tôi vẫn có thói quen thường lệ, sau bữa cơm, cặp gắp điếu thuốc đi vòng doanh trại, nghe ngóng và đo lường tinh thần anh em, sau biến cố Tiểu Đoàn 3 do Trung Tá Trần Nghĩa Châu (khoá 19) thất trận ở Núi Chéo Hoài Ân, vào lúc tiến, thoái lưỡng nan. Cuối cùng ông chỉ còn nhắm mắt quyết định chiến trường theo ý mình, dù không mấy sáng sủa. Thế là nhất chín nhì bù, đưa quân vượt sông Kim Sơn, một phần binh sĩ an toàn về lại Thiết Đính, từ đó sáp nhập Hậu Cứ Trung Đoàn, nhưng tổn thất không thể nào quên được, khi địch trói tay, mà mình cũng khánh kiệt quân viện, vào thời điểm hiệp định Ba Lê ảnh hưởng không ít đến sự nhỏ giọt viện trợ Mỹ từ Quốc Hội Hoa Kỳ.

Tôi mơ màng, nhưng mắt đăm chiêu nhìn lên hướng núi, dãy hoành sơn phía Tây là tấu khúc hẹn hò của bọn Chính Quy Bắc Việt, lăm le cắt đứt Quốc Lộ I. Nhiều chiến lược gia, cũng như các nhà quân sự lỗi lạc của cả hai miền đều quan niệm, con rắn đen trên bản đồ, chạy dài từ Nam chí Bắc là xương sống Việt Nam, nên ra sức nuốt trửng. Trái lại, bên ta dồn tất cả nỗ lực, vừa tái thiết trùng tu, quan niệm giao thông không trở ngại, là yếu tố tất thắng, còn dành thời gian móc lại lưới an ninh, tình báo, cho những thị trấn địa đầu, để người dân vững lòng và có cơ hội an cư lạc nghiệp.

Tôi ngồi chồm hổm trên tháp canh, do Lữ Đoàn 173 Dù của Hoa Kỳ để lại, cạnh giao thông hào khá kiên cố, điều chỉnh chiếc ống dòm đến thẳng vị trí mình muốn, cố tình xem có gì khác biệt của dáng núi; một khi đại đơn vị địch có mặt trong vùng, nhất là sẽ không tránh khỏi chim chóc từng đàn rủ nhau đi tìm nơi trú ngụ. Những đột biến kia xuất hiện, cũng đủ nói lên một vài yếu tố khả nghi. Quả thật loài chim mất ngủ, vỗ cánh gọi đàn, nghe vang cả một góc núi, phần dân làng ngược xuôi, dù không ai nói với ai điều gì, nhưng trên vẻ mặt ngơ ngác, vì sự sống còn của gia đình, tự nhiên chẳng giấu được vài nét hối hả. Có lẽ, họ cũng quan niệm giản dị, một khi tai bay vạ gió giữa hai lằn đạn vô tình, không khỏi sẽ lụy đến thân nhân mình là cầm chắc trong tay.

Thứ tình báo nhân dân, đã cho ta một vài khái niệm cả quyết, để có đủ dữ kiện địch đang cố tâm bao vây lực lượng trú phòng, trong một thời gian không xa, họ sẽ huy động tấn công trực diện, nên ưu tư lúc nào cũng trĩu nặng, trong tâm hồn nóng như lửa đốt, trước thảm hoạ mất, còn không là ảo tưởng dễ quên.

Tôi trầm ngâm trước mọi giả thuyết về địch tình, mở ngọn zippo đốt điếu thuốc, kéo nhọn miệng liên tiếp, nuốt chất nicotin cho đã buồng tim lá phổi, suy nghĩ chín chắn; nhưng chưa hết điếu bastos xanh, âm thoại viên chạy đến mừng mặt bằng nụ cười đầy vẻ âu lo, dè dặt:
- Trình Đại Bàng, gia đình mình đã có công ăn việc làm rồi, chứ không còn ngồi chơi xơi nước nữa. Đừng sợ thất nghiệp trong thời buổi này, ông thầy ơi! Ai đâu có để cho gia đình mình ở hậu phương, mà lãnh lương uống rượu, buồn tay buồn chân lâu đến thế, mà mình cũng không sợ lụt ngón nghề sao? Lâu lâu phải thử lửa mới biết tuổi vàng chớ!

Tôi rời đôi mắt trước ống kính, đang chằm bẳm phát hiện giữa trục tung và hoành độ, nhìn thằng em từ đầu đến chân, giọng ôn tồn:
- Biết rồi chú em, ăn cơm Chúa phải múa tối ngày, thế thôi! Chú mày sợ làm vũ công hả? Hãy về quê chăn dê đi cho khỏi bận tâm!

Tôi cười ngất, không quên hỏi tiếp, để thấy được phần nào nhiệm vụ, trước khi đọc công điện chính thức và nhận lãnh phóng đồ hành quân từ Ban 3 Trung Đoàn tống đạt:
- Nội dung điện văn kỳ này có châm lắm không, thằng ông nội?

Thằng nhãi con tay cầm gọn lỏn ống liên hợp, mang máy PRC 25 đến gần, miệng lầm bầm trình thưa dậm dạ:
- Lương thực 5 ngày. Cơm nước trước 6 giờ chờ lệnh xuất phát.

Ban Quân Xa cung cấp phương tiện, thay vì 5 con lạc đà như thường lệ, nay họ cho mình 15 con, chẳng biết có đơn vị nào tháp tùng cùng mình chăng nữa. Điểm đến không xa lắm! Thành phố Bồng Sơn tha hồ cho Đại Bàng nhìn các em gái trắng da dài tóc, lắm cô trường Trung Học Tăng Bạt Hổ dễ thương đéo chịu được, rồi tụi em cũng được uống cà phê nóng, đánh bi da… lỗ có người hầu kẻ hạ, bù lại những ngày nhốt kín cuộc đời, trong bốn vách núi Trường Sơn, lạnh tanh mùi vị.

Thằng nhỏ thở phào, mắt láo liên, lại nói tiếp có vẻ phân bua:
- Đến chu kỳ tiếp tế, mà được Thượng Cấp lo lắng chu đáo như thế này, là đỡ khổ cho gia đình mình lắm.

Tôi ngẫm nghĩ một hồi lâu, như tìm thấy lối chơi ú tim, do Thượng Cấp xếp đặt, mà mình đọc được trong âm thầm, buột miệng:
- À ra thế, mình chậm tiêu đáng trách. Ngụy trang và che giấu là hai yếu tố quan trọng của một quân nhân tác chiến. Che mắt lũ nằm vùng trong thành phố, là ngón nghề của mấy chàng Viễn Thám nhà mình ấy mà! Nói tóm lại, dân Bồng Sơn Tam Quan nửa nạc nửa mỡ không thiếu gì, cũng ê càng lắm! Sáng ăn cơm Quốc Gia, tối thờ ma Cộng Sản, rồi nào giao liên, chị nuôi, mẹ chiến sĩ tha hồ cõng gạo nuôi quân, đã vậy còn báo cáo về những diễn tiến của ta không còn manh giáp.

Tôi chẳng chút chần chừ ra lệnh:
- Lát nữa, bảo các Thẩm Quyền chia từng đơn vị nhỏ, ngồi đều trên mười lăm con tuấn mã, bảo tài xế kéo bạt bịt bùng, đến điểm ấn định, miệng bằng tay tay bằng miệng, cứ việc nhảy xuống hòa tan vào làng mạc, đừng để dân chúng dòm ngó.

Tôi thả mắt nhìn chòng chọc vào đối tượng, làm thằng nhỏ cứng người, nó tưởng có lầm lỡ điều gì, trong vấn đề bảo mật. Tôi đọc được ý tưởng thằng em, vui vẻ ra dấu bằng cái phả tay, tạo chút yên chí cho chú Truyền Tin lành nghề, nhất là vào những ngày dầu sôi lửa bỏng:
- Biết chưa thằng cốt đột? Mặt mày có vẻ thông minh, nhưng sao chậm hiểu thế! Cứ việc thi hành như công điện dẫn chiếu, rồi sẽ thấy hiệu quả. Đừng ấm ớ hội tề gì nữa cả, làm tớ phải mắc công giải nghĩa.

Hắn ù chạy qua các barrack, miệng ỏm tỏi như gọi đò giữa bến vắng, nghe muốn inh tai nhức óc, nhằm báo động cho từng Thẩm Quyền, để mỗi gia đình tự lo liệu, nhất là nhận báo cáo khả năng tham chiến:
- Thường Vụ! Ông già mắc dịch trốn tiệt nơi nào, lo đi “bắt cái nước” chưa về là chắc, đừng trách mai này đơn vị xui xẻo tận mạt.

Thượng Sĩ Thường Vụ lù lù từ trong hành lang đi ra, lon bia trên tay, vẻ bất bình khi chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác đang mặn nồng tình Chiến Hữu, lại nghe ba lô chuẩn bị lên vai, lão già người miền Trung, hút Cẩm Lệ luôn miệng, cầm cây ba toong đằng hắng:
- Có gì mà rối lên hả thằng chết bầm? Đánh tới đánh lui như chuyện dài nhân dân tự vệ, riết rồi cũng giống như những ngày qua. Mày cứ việc thông báo cho các Thẩm Quyền Bạch Mã, Mãnh Hổ và Thần Ưng, trước là cầm chân con cái, ứng chiến tại chỗ, rồi sau hạ hồi phân giải, tuần tự mà làm theo kế hoạch.

Những chiếc GMC mầu ô liu ra khỏi doanh trại, tiến về cánh đồng Hoài Tân, chạy qua trường Tiểu Học nằm lẻ loi trên Quốc Lộ I, rồi len lỏi vào rừng dừa bạt ngàn. Làng Trung Lương hoàng hôn đến sớm hơn những vùng ngoại ô khác, chỉ vì dừa cao chi chít, những mái nhà tranh sẫm mầu, hạn chế ánh sáng phần nào. Tôi không ngớt lo lắng cho đơn vị, vừa ngán địch phục kích dọc đường, vừa sợ dân điềm chỉ, cầu mong những chiếc quân xa làm nhiệm vụ, an toàn đến sân vận động, là hoàn thành cuộc di quân, vào phần đất của ông Quận Trưởng, quận Hoài Nhơn. Dĩ nhiên, ông cũng được thông báo, sẽ có một đơn vị vào tiếp tay, nhưng tôi vẫn chưa liên lạc hàng ngang được, chờ ổn định con cái trước đã. Nhất là ban 3 hành quân của Chi Khu, đang bấn loạn tinh thần, trước tình hình địch trong mấy ngày qua. Nhưng thiết tưởng, có kẻ lãnh đạn, chịu đòn, thay vì con cái ông, mà còn em chả... em chả... gì nữa.

Thành phố Bồng Sơn không còn rộn rịp như từng đêm thao thức, dưới những ngọn đèn neon chớp nháy, đón lính ăn khuya nghe nhạc, nhậu nhẹt lai rai, âm hưởng chiến tranh đang bao trùm lên từng gương mặt, của người dân đủ mọi ngành nghề, hớt hơ hớt hãi như đỉa phải vôi.

Đứa con đầu của Trinh Sát vào đội hình tấn công, chạm súng ngay, lối bắn ào ạt như thế, đã cho tôi có khái niệm chiến trường đi đến hồi quyết liệt, lập tức giục mấy thằng con còn lại bọc cạnh sườn, tiến lên như vũ bão, vừa yểm trợ quân bạn, vừa uy hiếp tinh thần địch vào lúc đầu. Kinh nghiệm đã cho ta bài học xương máu, trên mọi chiến trường, hình thái nào cũng tương tự như thế, không để chúng trở tay, trong lúc tao ngộ chiến. Tiếng súng tạm yên, trả lại màn đêm nặng nề, qua báo cáo sơ khởi, thằng Bạch Mã giọng hí hửng:
- Trình Đại Bàng, bên mình không hề hấn gì, may quá, trời ỉa trên đầu trên cổ, không đứa nào đi phép dài hạn, cũng không đứa nào ngồi, nằm! Đứa con tuyến đầu làm phép rửa tội tám thằng, nhặt được 5 cây củi, một Cộng Đồng, hình như ngựa trời phòng không thì phải, chẳng hiểu mình chạm trán với cấp số gì đây hả ông thầy? Toàn bộ còn lại chúng nhỏm đít rời vùng, kéo về hướng Thiết Đính, chẳng biết mưu đồ kế tiếp, nhưng dù gì mình cũng phải lập tuyến phòng thủ khoảnh khắc, e bị cường tập trong chốc lát, một khi chúng điều nghiên trận mạc, cũng như biết rõ quân số ta, chừng đó bất kể lưới lửa. Y như dự đoán, chừng mười phút sau, chúng lại đâm đầu làm lũ thiêu thân thấy ánh đèn, xin được nạp mạng một lần nữa, như lời thề sinh Bắc tử Nam, là hoàn thành chúc thư phủi tay của họ Hồ.

Ngồi lắc lư trên chiếc nón sắt, mở đèn mắt mèo, của chiếc pin quéo nhà binh, nhìn tấm bản đồ, nghĩ đến hình thái trận mạc, vừa ước tính địch phản công, vừa lo sợ những đứa con của ông Quận bảo vệ vòng đai, giật mình bắn sảng. Địch, bạn là hai mối lo không kém, vì chưa liên lạc được với Địa Phương Quân, Liên Đội 214 phòng thủ quận đường, thêm những đứa con rải rác trong vùng, đang bằng mọi cách tìm về Thị Trấn Bồng Sơn, may ra không bị cô lập và an toàn hơn các làng hẻo lánh, khi chúng mất liên lạc với các cấp chỉ huy trực tiếp.

Địch đổi hướng tiến, kỳ này chúng đi dọc con đường đất đỏ, nhằm đưa quân vào sân vận động, phía Tây thành phố, nhưng đã lọt vào dự định của ta, thằng Thần Ưng gồm những tay sát thủ lẫy lừng của đơn vị, mượn danh Cha Xứ xức dầu không còn một mén, nhặt được 4 cây củi nhỏ. Hiện giờ chúng khựng lại, co giò chạy về hướng nhà cô mụ Xuân, mình không dám đuổi theo, sợ quá đà, còn e bị điệu hổ ly sơn nữa. Vả lại, gia đình Trinh Sát “mình ên” chứ còn ai nương tựa, chừng đó nếu phải trúng mánh của chúng, dở khóc dở cười, biết lấy ai gỡ ra nùi tóc rối.

Địch chưa chịu dứt bỏ ý định phiêu lưu mạo hiểm, thọc một cánh quân khác vô chùa, nhằm đẩy đặc công và hộ tống phòng không vào phố, nhằm kiểm soát không lưu của ta, nhưng Bồng Sơn là quê hương thứ hai, cho nên hầu hết Trinh Sát biết rành về địa thế, ngõ ngách nào cũng quen nhẵn, muốn giữ thành phố ấy, làm sao bỏ quên đoạn đường sinh tử, dẫn vào trái tim thị trấn. Mấy đứa con của Mãnh Hổ âm thầm theo dõi sát nút, chợt thấy những tấm bia thịt lù lù, không khác chuối dâng cho cưởng, đợi đến gần tí nữa, lập tức bấm mìn claymore, tiếng nổ nghe nhức nhối, rung động cả góc làng Trung Lương. Đặc biệt không có phát súng nào pha trộn, đúng như dự định đã từng giao hẹn, một khi chúng biển người, làm chuyện điên rồ thí quân như cỏ rác, mưu cầu hoàn thành công tác giành dân chiếm đất, thì mình chơi loại giết người vô hình, để khỏi bị phát giác, mười chọi một không chột sẽ què! Khôn ngoan là ở chỗ đó.

Chưa thấy thằng em báo cáo gì hết, tôi một phen lên ruột, chỉ sợ chúng lấy thịt đè người, qua mặt những tay súng coi trời bằng vung, trong lòng nóng như thiêu đốt, gọi chú Truyền Tin nhảy qua tần số đặc biệt trong trường hợp bất trắc. Quả thật, máy PRC25 của đứa con bị giao thoa, lũ ma đầu chen vào phá bỉnh, làm mình báo cáo điều gì, cũng e tai vách mạch rừng, muốn bảo mật trên con đường mòn hành hiệp, đành im hơi lặng tiếng, rồi rủ nhau đi qua tần số khác. Thế là an toàn, chẳng còn bị nhiễu âm và chọc ghẹo, nghe chướng tai gai mắt.

Tôi không quên ra lệnh cho một đứa con nhỏ trực chỉ bờ sông Lại Giang, tạt ngang chùa Sư Nữ, chẳng để chúng lợi dụng cửa thiền làm bức bình phong, chừng đó tiến, thối lưỡng nan.

Tiên đoán không sai, chúng đưa đội quân khá hùng hậu, mong hốt cốt bọn Ngụy cứng đầu, còn nỗ lực chính đột nhập phía sau Quận. Thế là điểm và diện đã lộ, nhưng đứa con thằng Mãnh Hổ nhanh chân hơn, đến đó tự hồi nào, ngồi chờ sung rụng từ lâu, chuẩn bị đâu vào đó, lỗ chiếu môn qua đỉnh đầu ruồi, như ngày tập bắn ở quân trường. Không gì sướng hơn bằng mình làm chủ chiến trường, cứ thế đập củ sả trên đầu những con chó điên, chẳng mảy may thương tiếc, nhưng chúng cũng say men trận mạc, gồng mình ào ạt tấn công một lần nữa, hành động một mãnh thú trước khi giãy chết. Nhưng Trinh Sát là những con gà nòi đá độ, đã ra quân trên mọi trường đá, dễ gì chào thua những anh chàng nhà quê, miệt vườn! Trung Sĩ Thọ cho cây đại lên bắn đỏ nòng, những con thiêu thân chầu bác chưa kịp ngáp, còn biết bao thằng bị thương nằm rên la, xin được cứu mạng, tội nghiệp có thằng miệng còn nhai búng cơm chưa kịp nuốt.

Giờ này không còn nói đến “củi đuốc” nữa, chết chóc bao nhiêu kệ bố chúng, cũng chẳng cần đếm xác làm gì cho bận tâm, miễn sao mình bình quân hơn thắng trận, còn bọn nuôi mộng giải phóng thì “phỏng giái” thế thôi! Chịu khó ở đó mà than với khóc. Chính gia đình chúng ta cũng bấn xúc xích, nếu phải bị “mèo cào, kiến cắn” trong giờ phút này, vấn nạn tản thương không còn ưu tiên như thường lệ.

Biết thế nào Bồng Sơn không chóng thì chầy cũng bị tràn ngập, một Thị Trấn rộng lớn như vậy, Địa Phương Quân đã rã ngũ, ông Quận Trưởng những tưởng con cái ông, giữ vững được những ngọn đồi chiến lược bên kia sông Lại Giang, là ấm lòng chiến sĩ, một khi quan niệm trung tâm quyền lực của Chi Khu vẫn còn hiện diện, thế cho nên chết oan bằng một trái B40, khi ông muốn đích thân quan sát ngọn cầu huyết mạch Bồng Sơn còn, mất.

Địa Phương Quân như rắn đã không còn đầu, nhưng gia đình tôi vẫn chưa hề nao núng, còn nước còn tát. Tôi quyết định lập tuyến phỏng thủ mới, kéo toàn bộ về giữ vững thành phố Bồng Sơn, chọn những cao ốc vừa có thể quan sát, vừa ghìm súng bắn sẻ, một mặt cho Trung Úy Thắng dẫn cả Trung Đội thiện chiến mở đường máu, vượt qua trường Trung Học Tăng Bạt Hổ, bắt tay với Đại Úy Trần Ngọc Anh của Tiểu Đoàn 4 từ Trung Đoàn viện binh. Súng nổ rộ ngay trạm y tế, Trung Úy Nguyễn Chính Thắng, một con hùm xám của Trinh Sát 40 im hơi lặng tiếng. Tôi réo muốn tắt hơi trên làn sóng điện, không tránh khỏi bùi ngùi khi nghĩ đến mất Thắng, đứa em xuất thân từ lò Thiếu Sinh Quân, buồn vui với định mệnh, sống vô gia cư, chết vô địa táng, cả đời dính liền với đơn vị, sau những ngày hành quân, 3 đồng 4 điếu Rubi, đàn ca bên ly rượu, làm cái bang bốn túi mút mùa, thậm chí lương tháng cũng bán cho mụ chủ câu lạc bộ Trung Đoàn, làm tên lao công đào binh đúng nghĩa, chẳng bao giờ thấy phát ngân viên hỏi thăm sức khoẻ.

Mặt trời lưng chừng, một sự im lặng rợn người, hoá ra bầu đoàn thê tử của thằng Sao Vàng âm thầm di quân sát phố, chờ đánh cú chót rửa mặt đêm qua, chứ dễ gì rút lui, khi miếng mồi Bồng Sơn đã làm mờ mắt bọn Chính Quy, đói khát lâu ngày và mơ một giấc mơ giải phóng.

Tôi ngồi trên sân thượng của nhà thuốc Tây, liên lạc trực tiếp với Mặt Trời Phó, tôi cả quyết như hai với là bốn, sẽ ra sức giữ Bồng Sơn ít ra tối đêm nay, nếu có tiếp tế đạn dược đầy đủ, lương thực chả cần vì nhà dân để lại trong lúc lánh nạn, mình trưng dụng cho qua lúc ngặt nghèo, chắc không đến nỗi nào dị nghị thổ phỉ.

Chiếc trực thăng C&C quần đi quần lại ở độ cao an toàn, có vẻ tiếc rẻ thằng đàn em một thời ấm lạnh trên mọi chiến trường có nhau. Trung Tá Đinh Văn Mễ cũng khoá 16 Võ Bị, ông anh cả của đơn vị cũ, lần đầu nghe tiếng uất ức của kẻ bị trói tay vì một sai lầm của người Đơn Vị Trưởng, đã hoành xe bắt pháo cách sao, mà đem đứa con ruột của mình, đi làm con ghẻ cho người ta, trong lúc gia đình đại tang, hậu cứ Trung Đoàn toàn ngành nghề và đui què mẻ sứt, không có ai làm kẻ mối giềng, muốn trở tay cũng chẳng còn kịp. Khi chiến trường đã hứa hẹn một mất một còn, muốn tử thủ cũng cần đến những quân nhân có máu mặt, kinh nghiệm xương máu, cũng chưa chắc đã giữ vững trên tuyến phòng thủ, khi thế địch bẻ bắp, chẻ tre.

Chiếc trực thăng lại một lần nữa, mở vòng bay rộng hơn, có lẽ cũng thương cảm một Triệu Tử Long giữa vòng vây chăng? Tôi nghẹn ngào không vì hèn nhát, mà giận thiếu điều mửa máu: tại sao đem một đơn vị thiện nghệ, giao cho ông Quận chưa biết điều quân ra sao, vì hai hệ thống khác nhau. Vẫn hiểu ông là Sĩ Quan Hiện Dịch đó, nhưng chỉ huy diện địa khác với lối đánh của Chủ Lực Quân. Vả lại, lính dưới trướng của ông, mà ông chưa giữ được, thì làm sao điều động một đơn vị, nằm ngoài tầm tay thưởng phạt, nhất là trong lúc bình diện chiến trường ung thối từ hạ tầng cơ sở, Địa Phương Quân và Nghĩa Quân không còn Sĩ Quan chỉ huy vào giờ cuối.

Tôi cố bám trên những nhà lầu đánh nhau bằng thủ thuật bắn tỉa với lũ đặc công đã lọt vào yếu điểm, tác chiến trong thành phố muốn chảy máu con mắt, mới giành giật được con đường, góc nhà, cửa tiệm. Giờ này tôi chỉ còn đơn vị trừ, những tay làm bàn hảo hán, đã theo Trung Úy Thắng mở một sinh lộ cho đơn vị, chưa biết âm hao. Đánh nhau tới nửa đêm, Trinh Sát đã không còn đạn dược, lựu đạn chẳng có một trái, làm sao giết tập thể khi chúng biển người, đạn cộng đồng không còn một dây, cây Đại Liên M 60 đành thả xuống giếng, M72 phải giựt chốt an toàn vất đi, vì chiến trường chưa có xe tăng xuất hiện, mà mang theo kềnh càng, làm sao thoát thân. Ý nghĩ tìm cái sống trong cõi chết nhọc nhằn thật đó, nhưng không còn cách nào hơn. Thôi thì anh hùng trả thù mười năm sau chưa muộn, thua keo này bày keo khác. Cúi đầu hổ thẹn chỉ vì không giữ được thành phố, để cùng người dân thị trấn Bồng Sơn tay bắt mặt mừng, sau những thời gian thành phố này đứng lên ngồi xuống… không biết bao nhiêu lần.

Phần Trinh Sát 40 đã gây điêu đứng cho một đơn vị lớn của Bộ Đội miền Bắc là đủ rồi, trong khi mình chưa hề hấn gì. Vấn đề Trung Úy Thắng sa cơ, chỉ là ước đoán năm mươi, năm mươi!

Trung Sĩ Ẩn tổ sư của ngành Viễn Thám, leo núi, tuột dây, rành rẽ sáu câu, nghề của chàng như ăn cơm bữa làm sao quên được, lom khom tránh đôi mắt của loài cú vọ, mò đến rỉ tai:
- Ông Thầy ơi, ra lệnh con cái tuột xuống lầu, ra bờ sông Lại Giang chuồn êm, trong khi chúng mờ mắt hôi của. Em là người chấp nhận hy sinh, làm con vật tế thần, rủi như chúng dàn quân ở dưới chờ sẵn, cũng đành chịu chứ biết sao hơn, có thế mới đóng vai Lê Lai liều mình cứu chúa, mở một sinh lộ cho đơn vị đang bị giam hãm hình hài giữa vòng vây sinh tử.

Tôi suy đi… nghĩ lại làm nhiều lần, tiếc quá, những gì có mà bỏ đi thì dễ, nhưng tái chiếm, phải trả một giá bằng xương máu anh em mắc mỏ lắm. Nhưng làm sao đây? Nghĩ lại viện binh thì đào đâu ra để có, còn đánh nhau mà súng không một viên đạn trên nòng, có khác nào cục tật mang vào thân, trước sau gì cũng bẩm ông con ở bụi này, chừng đó nhục nhã lắm. Chết đâu không chết, chết lỗ chân trâu, mới đau như hoạn!

Cuối cùng, tôi cũng phải quyết định, chọn giải pháp chuồn êm là thượng sách, dĩ đào vi qúy!

Thế là toàn bộ còn lại an toàn, tuột xuống từ những cao ốc, phút chốc đội hình con kiến, âm thầm lội trên con sông Lại Giang, làm “lính thủy đánh bộ”, nhưng tính nào tật nấy, vẫn nhoẻn miệng cười, dù gian nan hãy còn bủa vây trăm nẻo, một khi chúng phát giác, cũng sẽ là những thây ma trôi sông lạc chợ, âm thầm theo vận nước.

Dòng phù sa lặng lờ trôi, thây người nổi lềnh bềnh, chúng tôi phải rúc vào xác chết, có mấy thằng em ngoi đầu giữa đám lục bình từ hai nguồn Kim Sơn và An Lão đổ ra sông Lại, cứ thế bập phà lội dọc đến Hoài Hương, dừng lại, leo lên bờ, nhẹ bước giữa cánh đồng Núi Kho, lối về Chợ Bộng. Vừa đi vừa cảnh giác bọn chủ lực địa phương thừa nước đục thả câu. Có lúc ngồi xuống nghe động tĩnh, ngoái nhìn những ngọn đuốc của đoàn người a dua, đã được bọn nằm vùng huy động lực lượng dân công từ làng xã về Bồng Sơn hôi của, mừng chiến thắng.

Tôi bật cười nho nhỏ, chiến thắng mà không bắt được một thằng Trinh Sát nào cả, làm sao nghiền xương đốt xác chúng? Hoá ra mấy ngày hôm nay đánh với lũ âm binh, thần thông biến hoá sao!

Bốn ngày không có chút gì trong bụng, nhưng đoàn tụ với gia đình mẹ là niềm vui lớn, dù chưa qua đại nạn:

Trinh Sát của mình vẫn còn đây.
Lẹ làng hơn cả trở bàn tay.
Nhớ đêm giành giật đồi Đệ Đức.
Pháo rót ra phang tối mặt mày.

Nguyễn thế Giác