Tôi xin được vinh danh những Chiến Sĩ Mũ Nâu anh hùng- còn tại thế hay đã hy sinh.


Má tôi đã có lần nói như sau:

" Giỗ quảy làm chi cho mất công. Cúng kiến cho linh đình, rậm đám thì có ích gì?! Tại sao khi ông bà, cha mẹ còn sống thì lại không lo lắng chu đáo, không bày tỏ lòng hiếu thuận?! Đợi tới lúc mấy ông già , bà cả chỉ còn là cái xác không hồn thì con, cháu mới xúm nhau kể lễ công đức, hay bày tỏ sự tôn kính!..."

Từ suy nghĩ này, tôi xin được trang trải chút tâm tình và lòng ngưỡng phục những Đồng Đội và Chiến Hữu các cấp trong đơn vị mà tôi đã từng phục vụ: Tiểu Đoàn 37 BĐQ và Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 12 BĐQ. Nói cách khác, tôi xin được vinh danh những Chiến Sĩ Mũ Nâu anh hùng- còn tại thế hay đã hy sinh- để mọi người được biết ít nhiều về những Chiến Sĩ đã một thời hiến thân cho đất nước. Những vị được nêu tên dưới đều không muốn nói về mình và càng không thấy tự hào về sự cống hiến của họ cho đất nước. Nhưng, như đã nói trên, đây là nhận định cá nhân của riêng tôi ( và của nhiều Chiến Hữu khác), vì họ quả thật rất xứng đáng để được vinh danh hay ít ra cũng xứng đáng để mọi người biết tới lòng tận trung của họ khi còn là một quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

1- Ông có dáng vóc của một nhà mô phạm và rất bình dị khi tiếp xúc với mọi người hay trông như một thể tháo gia khi chỉ có trên người áo thun và quần đùi để chạy thể dục hoặc chơi thể thao với thuộc cấp của mình khi rảnh rỗi. Giọng từ tốn, chậm rãi, đâu ra đó trong từng lời ban lệnh, là một trong những đặc điểm nói lên sự điềm tĩnh và cương quyết của ông, trong bất cứ tình huống nào, cho dù trong lúc dầu sôi lửa bỏng nhứt. Mãi đến khi Tướng Ngô Quang Trưởng đưa ông từ miền Nam ra làm Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 12 BĐQ thì những kinh nghiệm từ thời còn trong Lực Lượng Đặc Biệt và 6 năm huấn luyện về Địa Hình ( trong Quân Trường Thủ Đức, 1954-1963 ) mới được mang ra áp dụng ngoài mặt trận. Thành quả gặt hái nếu không nói là tuyệt vời thì cũng đủ để ghi thành một vết son trong lòng quân nhân các cấp của Liên Đoàn 12 BĐQ cũng như trong quân sử của Quân Đoàn 1& Quân Khu 1 qua hai trận thư hùng với bộ đội Bắc Việt: tại Quảng Trị ( tăng phái cho Nhảy Dù rồi Thủy Quân Lục Chiến vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972) và  tại Sa Hùynh, Quảng Ngãi ( Tăng phái cho Sư Đoàn 2BB- Mùa Xuân Chiến Dịch 1973 ).

Ông khiêm nhường không nhận bất cứ lời khen tặng hay thành quả nào cho riêng mình. Nhưng sự thật vẫn là sự thật! Liên Đoàn 12 BĐQ ngoài thành tích đã kể trong năm 1972 và 1973, đã liên tục chận đứng sự tiến công của bộ đội Bắc Việt trong năm 1974, tại các chiến trường Mộ Đức ( Quãng Ngãi ), Tiên Phước ( Quảng Tín ) và hai lần chận đứng bước tiến của các đơn vị chính quy cộng sản tại Nông Sơn ( quận D0ức Dục, thuộc tỉnh Quảng Nam ) đồng thời vừa giữ an ninh vùng đồng bằng Đại Lộc, vừa bảo vệ Quận lỵ Đức Dục để Nhảy Dù rồi Thủy Quân Lục Chiến rảnh tay cự địch tại cửa ngõ Thường Đức ( tháng 7 rồi tháng 10, năm 1974 ). Nói về ông, Trung Tá Hoàng Phổ, Liên Đoàn Phó LĐ 12 BĐQ cho biết như sau:
" Ông rất mực thanh liêm, hết lòng cho đơn vị, và là người chỉ huy tài đức nhất mà tôi đã từng phục vụ qua suốt mấy trào Liên Đoàn Trưởng !"

Đại úy Nguyễn Trung Tín, Y sĩ Trưởng Liên Đoàn 12BĐQ:
“ …Về mặt y tế, ông rất thương lính, nhất là thương binh. Ông kín đáo theo dõi và giải quyết những khó khăn của Quân Y tại chiến trường, như ra lệnh cho tôi thành lập một bệnh xá dã chiến với một số giường ngay tại mặt trận và một nhà Hộ Sinh cho gia đình Binh sĩ trong trại gia binh tại xã Phú Lộc ở ngoại ô thành phố Đà Nẵng. Đây là thành quả mà tôi mãn nguyện trong suốt 5 năm ở với LĐ 12BĐQ dù rằng đã có tên đi về Vĩnh Long trong miền nam để làm y sĩ trưởng một dân quân y, lúc đó có thể làm phòng mạch để kiếm tiền…”

Đại Úy Trần Văn Vương, ĐĐT/ĐĐ3/TĐ37 BĐQ:
“…Ông xứng đáng là một vị lãnh đạo ngoài chiến trận, ở ông có cả tài lẫn đức: một tấm gương cho thuộc cấp. Liêm khiết như Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, với chiến thuật và thị sát ngay dưới làn mưa đạn…Một nét son!.”.

Cuối năm 1974, có một nguồn tin rất khả tín- phát xuất từ Quân Đoàn và từ những sĩ quan thân cận với ông- cho biết ông sẽ mang sao và sẽ là Tư Lệnh  của một Sư Đoàn ngoài vùng 1 chiến thuật trong tương lai không xa. Nhưng không may, Việt Nam Cộng hòa bị bức tử bởi định mệnh khắc nghiệt. Cả nước chìm trong kiếp nạn và ông cũng không tránh khỏi kiếp tù tàn binh chịu cảnh nhục hình "cải tạo" như biết bao nhiêu Đồng Đội cà Chiến Hữu các cấp của mình. Ngày nay ông an phận thủ thừa, sống một cuộc đời thầm lặng và vui với cháu con tại miền nam California . Nhắc tới cuộc chíến và thành quả của mình, ông chỉ cười rồi thở dài:

“…Mình đã tận nhân lực. Như vậy cũng đủ để gọi là góp chút gì đó cho đất nước …”

Với quân sử hào hùng, ông là một Đại Tá như hàng trăm Đại Tá khác của Quân Lực VNCH, nhưng trong lòng người Lính của Liên Đòan 1 BĐQ ( trước 1973 ) và Liên Đoàn 12 BĐQ sau này. Ông vẫn là Đại Tá Trần Kim Đại: mãnh hổ đầu đàn của chúng tôi và của đơn vị tổng trừ bị cho Quân Đoàn 1& Quân Khu 1 thuở xưa!

2- Tên của ông gắn liền vào địa danh Khe Sanh và 70 ngày dầu sôi lửa bỏng trong những tháng đầu năm 1968. Tiểu Đoàn 37 BĐQ ( với võn vẹn trên 200 tay súng ) và một Đại Đội của Tiểu Đoàn 21 BĐQ do ông chỉ huy được tung vào Khe Sanh ngày 27-01-1968 . Nhiệm vụ của BĐQ  Làm tiền đồn cho lực lương cơ hữu thuộc Trung Đoàn 26 TQLC Hoa Kỳ. Địa điểm: kho đạn phế thải, cạnh bãi pháo binh của Mỹ. " Một tiền đồn của Tiền Đồn " không hơn, không kém! Lý do: TQLC Mỹ không tin tưởng khả năng tác chiến của binh sĩ VNCH. Biết bạn không tin tưởng mình nhưng ông không hề nao núng. Từ lúc bị khinh thường cho tới khi được các binh sĩ TQLC Hoa Kỳ thật lòng khâm phục qua những câu văn " ...chỉ cần một thời gian ngắn mà thôi! "  hoặc lời nhận xét như : ..."Ngươi bạn Mỹ...đã rất nể nang BĐQ và các sĩ quan của họ ..." ( Kenny Pipes, ĐĐ Bravo/ Tiểu Đoàn 1/ Trung Đoàn 26 TQLC/ HK ). Những năm về sau, nhứt là khi làm Liên Đoàn Phó LĐ12 BĐQ thì ông không có dịp thi thố khả năng như trước. Nhưng hình ảnh của Người Lính BĐQ nói chung và của
Tiểu Đoàn Trưởng Hoàng Phổ, khóa 17 VBĐL, tại chiến hào Khe Sanh vẫn luôn là những hình ảnh hào hùng trong lòng các chiến sĩ đồng minh và trong quân sử của QLVNCH.

3- Ông xuất thân khóa 20VBĐL, là một trong những Trung Tá trẻ tuổi nhứt của BĐQ ( nếu không muốn nói là của QLVNCH ngày xưa ). Trong Liên Đoàn 12BĐQ thời đầu thập niên 70 có nhiều câu chuyện gần như là huyền thoại để kể về khả năng chiến đấu và lãnh đạo chỉ huy của ông. " Văn kỳ thinh, bất kiến kỳ hình” ! Ông là Tiểu Đoàn Trưởng TĐ39BĐQ nhưng danh tiếng của ông đã lan dần qua các Tiểu Đoàn còn lại nhờ vào lời kể của các quân nhân- Sĩ quan cũng như Hạ Sĩ Quan- thuyển chuyển qua lại trong nội bộ Liên Đoàn. Ông là một chiến sĩ can trường , " bạt mạng ". Đại Tá Trần Kim Đại nói về ông như sau:
 "Trung Tá Thiết...là một gương mặt nổi bật trong nhóm Sĩ Quan trẻ, có tài thao lược và chỉ huy ngoài chiến trận, và rất có tương lai trên đường binh nghiệp...".

Trung Tá Hoàng Phổ:
"... Anh Lại Thế Thiết rất có tư cách. Là một người lãnh đạo tốt, có nhiệt tình và là một quân nhân can đảm hiếm thấy..."

Đại úy Trần Văn Vương ĐĐ3/ TĐ37BĐQ:
" Trung Tá Lại Thế Thiết: Nhiệt tâm, có khả năng tác chiến, can đảm, có nhiều sáng kiến, được thuộc cấp mến thương. Nếu đất nước không bị phản bội dẫn đến thảm cảnh 30-04-1975 , thì ông có nhiều tương lai."

Tuy vậy, khi nói về mình và khi nhắc lại những ngày " bạt mạng " trước đây, Trung Tá Lại Thế Thiết chỉ cười  "...May mắn thôi! Hay không bằng hên đâu!..."


4- Ông tốt nghiệp khóa 13 Y Sĩ Trưng Tập năm 1970, về trình diện Trung Tá Lê Bảo Toàn Liên Đoàn Trưởng LĐ1 BĐQ tại đồi 55 ( Quận Đại Lộc, Quảng Nam ) và từ đó ở lại xứ Quảng cho tới khi tan đàn, xẩy nghé mặc dù đã có cơ hội được chuyển về Vĩnh Long làm Y Sĩ trưởng một bệnh viện dân y lẫn quân y. Ông bỏ qua cơ hội phục vụ một cách yên lành ở hậu phương( và cơ hội mở phòng mạch riêng để làm giàu ) để chấp nhận gian khó của đời Lính tác chiến đủ nói lên tấm lòng của ông dành cho những quân nhân ngoài trận tuyến. Trải qua 4 đời Liên Đoàn Trưởng, ông kính phục nhứt là Trung Tá Lê Bảo Toàn- dù chỉ trong vòng 3,4 tháng là Trung Tá Toàn thuyên chuyền về lại trong Nam – và Đại Tá Trần Kim Đại. Và thành quả trong những năm phục vụ trong Liên Đoàn 1BĐQ ( rồi sau thành LĐ12BĐQ ) là đã gom được một đội ngũ Sĩ Quan và Hạ Sĩ Quan Trợ Y tài ba và đầy nhiệt huyết mà điển hình là Thiếu Úy Việt TĐ21 BĐQ ( đã hy sinh ) và Thiếu Úy Nguyễn Văn Tích, TĐ37 BĐQ. Bên cạnh đó là việc tành lập một nhà Hộ Sinh ( theo lệnh Đại Tá Đại ) trong khu gia binh của TĐ37 BĐQ cùng với các giường bệnh dã chiến như đã nói ở trên. Nhắc tới ông , những Mũ Nâu đầu đàn của LĐ12 BĐQ đều có một nhận xét y như nhau: “…Bác Sĩ Tín rất có khả năng về tổ chức nhân sự Y Tế và luôn tận tụy với công tác …” ( Đ/T Đại )

“…Ông rất có lương tâm, tận tụy với nghề nghiệp, không ngại hiểm nguy để lo lắng cho thương bệnh binh…” ( Tr/ T Phổ )

“ Y Sĩ Đại Úy Nguyễn Trung Tín: Một vị tôi hằng mến mộ về đức tín của ông. Một thầy thuốc luôn sát cánh với Đại Tá Liên Đoàn Trưởng dưới làn mưa đạn thị sát các mặt trận. Một người bạn không thể thiếu. “ ( Đ/Úy Vương )

5- Ông là vị Đại Đội Trưởng đã thương đám Chuẩn úy "nhí " chúng tôi như con...rể ! Đã truyền hết “ nghề “ tác chiến cho chúng tôi kèm theo câu nói “ Sơ xuất, hay lầm lỗi trong Quân Trường có thể được sửa đổi, còn quyết định sai lầm ngoài chiến trường thì phải trả giá bằng máu hay sinh mạng của chính mình và đồng đội. Vì thế các anh phải hết sức thận trọng…" . Cằm vuông, hàm én tạo cho ông nét cương nghị, bình tĩnh tin.  Nói không hở răng, cười không bật ra tiếng. Bề ngoài thì ông có phong cách rất võ biền, nhưng bên trong là một trái tim mẫn cảm. Ông rất mực thương mến và lo lắng cho thuộc cấp, từ chuyện ra tận tuyến Trung Đội để dặn dò hay đôn đốc việc bố phòng cho tới những câu chuyện cá nhân hay có tính cách gia đình, tất cả đều được ông thực hiện trong tinh thần chi binh của người Lính. Ngoài cấp bậc cần phải xưng hô khi bàn việc quân cơ, chúng tôi thường gọi ông bằng danh hiệu truyền tin Vương Vũ, hay thân mật hơn là… Bố già! Ông cũng rất được lòng người dân ở những nơi Đại Đội 3/ TĐ 37 BĐQ chúng tôi có dịp đi qua hay đóng quân lâu dài, cho dù là vùng an dân hay đất xôi đậu. Tháng 7-1974 người dân Xóm Ao thuộc xã Thạch Trụ đã thết đãi ông và toàn thể Đại Đội tại đền thờ đức Trần Hưng Đạo trong làng. Không phải vì ông mang họ Trần, mà phần lớn là do hai đám cưới và một mối tình lãng mạn giữa BĐQ và các thiếu nữ trong vùng trách nhiệm đủ nói lên cảm tình của dân Xóm Ao dành cho lính Mũ Nâu. Ở một nơi mà dân gian đã truyền khẩu câu nói “ Ai muốn lên lon thì đi Thạch Trụ…” thì việc đãi tiệc để bày tỏ cảm tình với Lính thì quả là hiếm có. Với Quân Đội thì ông là Đại Úy Trần Văn Vương, nhưng trong lòng chúng tôi thì ông vẫn là …Bố Gìa. Xưa đã vậy, nay cũng không thay đổi: vẫn là Bố Gìa Vương Vũ!

6- Gần giống như trong trường hợp của Trung Tá Lại Thế Thiết, chúng tôi chỉ biết tới ông qua lời kể của các thuộc cấp hay đồng liêu của ông như lời Đại Úy Trần Văn Vương ghi lại sau đây: “ Trung Úy Trần Thy Vân có khiếu Văn, Thơ, can đảm ngoài chiến trận, bình dị cùng chiến hữu, là một người Bạn tốt.” Thật vậy! Ông là một chiến sĩ can trường, một Mũ Nâu “ bạt mạng “ với 16 Anh Dũng Bội Tinh và hai Chiến Thương Bội Tinh: Chứng tích của những năm tháng ( 1966-1974 ) gối đất màn sương trong vùng lửa đạn ( điển hình nhứt là Lam Sơn 719, Quảng Trị 1972 và Sa Huỳnh 1973). Anh trực tính, nếu không muốn nói là nóng nảy và không hề che đậy cái TÔI “ rất đáng ghét “ của chính mình, trong cung cách hành xử ngòai đời cũng như trong văn học sáng tác. Nhưng anh là một chiến sĩ xả thân cho chính nghĩa tự do từ năm 1966- khi tình nguyện vào khóa 22 Thủ Đức- cho đến bây giờ, khi vẫn còn dùng ngòi bút để góp tiếng nói đấu tranh cho một Việt Nam không còn cộng sản. Bỏ qua những hệ lụy và sôi nổi của cá tính thì anh là một quân nhân ngoại hạng, một chiến sĩ xuất sắc của Quân Lực VNCH nói chung và Binh Chủng BĐQ nói riêng. Ngày nay “ Tiếng Hờn Chân Mây ” vẫn còn theo “ Người Anh Hùng Bạt Mạng “ lăn vết xe trên khắp cùng tận ngõ đường tận hiến cho quê hương dù bóng hoàng hôn đang lãng vãng cuối đời.

7- Anh là một trong những Chiến Sĩ xuất sắc của Sa Huỳnh 1973, là “ ông Phó ” đầu tiên đã giúp tôi từng bước ổn định vị trí Trung Đội Trưởng trước khi anh lên cấp bậc Thượng Sĩ rồi về làm Thường Vụ Đại Đội. Anh không ngần ngại nói thẳng với tôi “ Ông giống như thầy giáo hơn là một người lính chiến. Lính không sợ ông đâu!” Qủa là Lính không ai ngán tôi chút nào. Thậm chí có người còn cố tình nói cho tôi nghe “ Ốm nhom ốm nhách!…Cận thị thì thấy đường đâu mà đánh đấm!” ngay khi tôi vừa được anh bàn giao Trung Đội. Anh cũng là người duy nhứt nhận ra ngay sự luống cuống và hồi hộp của tôi khi tôi lạc giọng hét không ra tiếng trong lần thử lửa đầu tiên: trận phục kích có tính cách quấy rối của địch tại Phong Thử, Điện Bàn ( Quảng Nam ) tháng 1/ 1974. Thời gian  “ học nghề “ nơi anh không dài: chỉ non 3 tháng! Nhưng cũng đủ để tôi chững chạc hơn trong lãnh vực chỉ huy và tác chiến khi cùng Trung đội lao vào những trận thư hùng khốc liệt hơn tại Quế Sơn, Mộ Đức, Tiên Phước, Hiếu Đức rồi Nông Sơn, Đức Dục sau đó. Thượng Sĩ Lê Văn Trữ là một gương mặt nổi bật trong Đại Đội với tài đôn đốc khinh binh tấn công bằng tiếng Xung Phong long trời lỡ đất của anh và bằng…gậy ( để quất vào mông đít của tay nào chậm chân hay…run giò)! Một đồng đội ngoại hạng của tôi và cũng là con “ gà “ cứng cựa nhứt trong các Hạ Sĩ Quan nắm quyền Trung Đội Trưởng của Vương Vũ!

8- Họ là những người Bạn thân tình, những Đồng Đội và cũng là những Anh Em đúng nghĩa nhứt trong tinh thần Huynh Đệ Chi Binh trong Quân Đội. Họ đã hy sinh ngay lúc tuổi đời đang ở vào lứa tươi đẹp nhứt. Họ đã để lại một phần thân thể của mình nơi trận địa. Họ đang âm thầm vật lộn với hoàn cảnh sống nghiệt ngã nơi quê nhà. Có thể họ cũng đang huởng an nhàn nơi viễn xứ. Trong số này có Trung Sĩ I  Thái, là Trung Đội Phó thứ nhì của tôi. Anh để lại một cách tay trong xã Đức Lương, Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng dù đang trọng thương anh vẫn cố quay sang tôi hỏi " Chuẩn úy có sao không? " trước khi ngất xỉu. Đồng dội của chúng tôi nói riêng và người Lính VNCH nói chung là như vậy đó: chí tình , bất xá và tận hiến! Tôi vẫn còn nợ họ một lời Cám Ơn mà khi còn chung vai sát cánh ngoài trận mạc tôi đã không nói hoặc chưa kịp nói. Tôi phải cám ơn những Tử Sĩ các cấp đã hy sinh cho tôi được sống, nhứt là những người đã ở trong Trung Đội của tôi: Tâm, Bình , Thanh, Tùng, Cẩm, Đặng Tri, Minh, Quang, Tiến, Cao Kim Rắc …Họ là những khinh binh, những Tiểu Đội Trưởng, những tuổi trẻ không may của đất nước. Và tôi sẽ mãi mãi không quên Trung Úy Huệ, ĐĐT/ ĐĐ1/TĐ37BĐQ, khóa 24VBĐL, người có giọng Cơ Bản Thao Diễn hùng hồn và rền vang không thua giọng “ duyệt binh “ của Đại Úy Văn Thiệt trên các làn sóng của Đài Phát Thanh Quân Đội ngày nào. Vẫn không quên hai anh bạn rất thân là Thiếu Úy Vũ Văn Giáp và Thiếu Úy Vũ Thành Công cùng với nhóm trẻ đồng trang lứa từ Thủ Đức và Đồng Đế: Lê Văn Hữu, Quang, Thông, Dũng, Lễ, Thái. Ngoài  " Hương Giang " Lê Văn Hữu tử trận tại Gò Nổi ( tháng 8/1974), và anh Công, bỏ xác đâu đó tại mặt trận Tam Kỳ ( ngày 15-03-1975) thì những Chiến Hữu còn lại đã hy sinh tại Suối Đá, Tiên Phước, thuộc tỉnh Quảng Tín trong cuối tháng 5-1974.

 Xin mượn những dòng này để tri ân và cũng để thay nén hương lòng thắp muộn gởi đến các Anh, các Bạn, các Em:  ơi những Mũ Nâu anh hùng đã tận trung cho tổ quốc!

Huỳnh Văn Của ( KBC 3507 )