main billboard

Rào chắn và du khách giả hiệu

kazakhstan activist 2


Cổng chào đang được xây dựng của một trại cải tạo mang danh "trung tâm dạy nghề" ở Dabancheng, Tân Cương.
REUTERS/Thomas Peter/File Photo

 

Dàn dựng ra tai nạn giao thông, giả dạng du khách…Tại Tân Cương, chính quyền đã huy động trí tưởng tượng tối đa để ngăn trở không cho các nhà báo quốc tế đến điều tra về các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ.

Trung Quốc bị Liên Hiệp Quốc tố cáo đã bắt một triệu người Duy Ngô Nhĩ đi cải tạo, còn Bắc Kinh biện minh rằng đó là những « trung tâm huấn nghệ » nhằm phòng ngừa Hồi giáo cực đoan.
Khi đi xe trên một con đường dẫn đến một trong những trại cải tạo loại này, mà các phóng viên của hãng tin Pháp AFP đã chứng kiến một cảnh tượng « siêu thực ».
Một xe vận tải nhẹ chạy với tốc độ rùa bò về phía một chiếc xe đang đậu trên lề đường, rồi dừng lại khi còn cách vài…milimét để giả làm một vụ đụng xe.
Chỉ trong vài phút, « tai nạn » này đã thu hút một đám đông hiếu kỳ khiến giao thông phải ngưng lại. Mục tiêu của công an đã đạt được : lối vào trại cải tạo đã bị tắc.

Vụ dàn dựng này cho thấy nỗ lực cao độ nhằm ngăn cản báo chí đến điều tra về chủ đề nhạy cảm đã khiến Trung Quốc phải chịu áp lực quốc tế từ năm 2018.
Tuy vậy trong một chuyến đi làm phóng sự sáu ngày tại Tân Cương, các nhà báo AFP cũng đã nhận ra được ba trại cải tạo – những tòa nhà đồ sộ được vây bọc bằng các hàng rào kẽm gai.

Rào chắn và du khách giả hiệu

Nhưng các phóng viên Pháp bị chính quyền theo dõi bén gót. Sự hiện diện này gây phức tạp cho mọi cuộc phỏng vấn cư dân – công khai trả lời báo chí nước ngoài có thể gây nguy hiểm cho họ.
 Và mỗi lần định hỏi chuyện người dân, thì các rào cản bỗng xuất hiện như một phép thần.

Gần một trại cải tạo ở Hòa Điền (Hotan), chỉ trong vòng vài giây đồng hồ, các con đường đã bị chận lại sau khi một chiếc xe hơi phóng như bay, vượt qua xe chở các nhà báo AFP.
Rốt cuộc họ chỉ có thể chụp ảnh trại này từ xa.

Một số thành phố còn bị cấm vào hẳn. Trên con đường ở Artux, nơi một đền thờ Hồi giáo bị chính quyền phá hủy, hãng tin Pháp buộc lòng phải quay về vì hàng rào chận ngang.
Lý do được nêu ra là có cuộc tập huấn kéo dài năm ngày. Một công an nói : « Các vị thông cảm cho ».

Cũng ngay tại điểm kiểm soát này, hai phụ nữ bỗng xuất hiện, tự xưng là khách du lịch.
Hai người này ngồi trên một chiếc xe tải nhỏ, đi theo các phóng viên Pháp như hình với bóng trong suốt một tiếng đồng hồ, với cớ cần được giúp đỡ vì bị « lạc đường ».

Ngay cả khi chiếc xe của các nhà báo chạy vào một ngôi làng nhỏ để chụp hình một trại cải tạo bằng ống viễn kính, hai « du khách » này cũng đậu lại sát bên. Sau đó một người tự giới thiệu là phụ trách an ninh yêu cầu AFP rời khỏi địa điểm, nhưng hai người phụ nữ thì được tự do muốn làm gì thì làm.

Đi bộ 80 km vì taxi không được chở

Các phương tiện truyền thông khác cũng phải đối mặt với tình hình tương tự.
Trong một báo cáo mới đây của Câu lạc bộ các thông tín viên nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC), các nhà báo khẳng định bị theo dõi, thậm chí bị ngăn không cho đặt phòng khách sạn.

Nathan Vander Klippe của nhật báo Canada Globe and Mail cho biết đã bị lực lượng an ninh chặn lại. Anh kể : « Họ tiến lại gần xe tôi, những chiếc khiên giơ cao. Một công an giựt lấy máy ảnh và xóa hết các hình ảnh trong đó mà không hề có sự đồng ý của tôi ».

Thông tín viên của tờ báo Anh The Daily Telegraph, cô Sophia Yan kể lại, đã phải đi bộ gần 80 cây số trong bốn ngày làm phóng sự, vì « có những tiếng nói không biết từ đâu, qua bộ đàm đã ra lệnh cho các tài xế taxi » phải kết thúc cuốc xe.

Tại Kachgar, nơi hầu hết dân cư là người Duy Ngô Nhĩ, một kẻ lạ mặt đã đột nhập vào phòng khách sạn của một phóng viên AFP, trong khi nhà báo này chỉ vắng mặt có vài phút.

 Khi anh quay lại, cửa phòng bị mở, và một trong những túi xách không còn nằm ở chỗ cũ. Không có vật dụng nào bị lấy đi cả, nhưng thông điệp thì rất rõ : anh đang bị giám sát !