main billboard

TQ là đất nước của một chế độ tuyệt vọng. (Lê Phú Khải)


Gần hai năm trước, tôi có một bài báo ngắn được phổ biến trên trang Đàn Chim Việt. Mãi đến cuối tháng rồi, vẫn còn có đôi vị “độc giả” gửi lời bình luận. Xin đơn cử một:

47 Phản hồi cho “Nghĩa muội Tạ Phong Tần”
1.    Ông Nội - says:
20/09/2014 at 15:12
Nơi đây – Có được mấy con vện vàng 3 khoang , sủa theo bồi bút Tàu gian họ Tưởng này ?

Đây là lần gần nhất, chứ không phải là duy nhất – kể từ khi ông Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Hà Nội, tổ chức nhóm chuyên gia đấu tranh tham gia bút chiến trên internet – tôi bị qúi vị “chuyên gia đấu tranh” buộc tội là ... “Tàu gian!”

Sự cáo buộc này, nói nào ngay, không hoàn toàn vô cớ vì tôi nói được tiếng Hoa. Chỉ tiếc là vốn liếng Hoa Ngữ của tôi vô cùng giới hạn, vỏn vẹn chỉ có mỗi một câu thôi: “Bỉ ngộ dách mánh mìn báo.”

Đó cũng là câu ngoại ngữ đầu đời tôi học được từ một phụ nữ Trung Hoa. Có hôm, bà rụt rè đến xin mẹ tôi cho được để nhờ trước cửa nhà một cái thúng bán bánh mì vào buổi sáng.

Bên trong cái thúng này là một lò than be bé, với xoong xí mại đặt bên trên, cùng với vài chục ổ bánh mì nho nhỏ. Bánh mì xí mại giá̀ hai đồng. Một đồng chỉ có bánh mì không rưới thêm nước thịt, kèm mấy cọng dưa chua làm bằng củ cải trắng và cà rốt đỏ au.

Bà cụ không rách rưới nhưng trông rất lôi thôi và tàn tạ: bộ quần áo xẩm lùi xùi, cái nón cói cong vành (hẳn là phải mang từ cố quốc) bao quanh một khuôn mặt già nua, buồn bã và cam chịu.

bagiatauẢnh: flickr.com

Dù mỗi sáng tôi chỉ mua một đồng bánh mì thôi (dách mánh mìn báo) nhưng luôn luôn được bà ưu ái cho (thêm) một viên xí mại, kèm theo một nụ cười hiền ...miễn phí.

Thế là mỗi sáng tôi có dư ra được một đồng. Đồng bạc còn lại, tôi mang “nộp” ngay cho bà cai trường – người có một mẹt hàng khiến cho tất cả những đứa trẻ con (con nhà nghèo) như tôi đều phải thèm thuồng: me ngào, cóc và xoài xanh ngâm nước đường, mức dừa, kẹo cau, đậu phụng, bánh qui, quả mác mác, quả sim hay say chín ...

Tôi suýt chết cái tên là “Tiến bánh mì xí mại” thì bà cụ đột ngột  qua đời. Từ đó, thỉnh thoảng, trong xóm vẫn còn có tiếng rao (“loong sữa pò, de chai, pao pán hông”) của cụ ông nhưng nghe yếu hẳn ớt và buồn bã hơn nhiều.
Hình ảnh những người khách trú trong trí tưởng ấu thời (xa xôi) của tôi, xem ra, hoàn toàn khác xa với của qúi vị “thương lái” Trung Quốc ngày nay – ở Việt Nam:

Từ việc mua đuôi trâu, móng trâu, rễ hồi, ốc bươu vàng tới việc sẵn sàng thu mua phế liệu, đỉa, cá cơm với giá cực cao – những hành động tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng lại ẩn chứa những dụng ý sâu xa của lái thương Trung Quốc...

Thâm độc hơn, chúng mở chiến dịch thu mua dây đồng vụn với giá cao "trên trời", đẩy từng đoàn "đồng tặc" lùng sục chặt trộm dây đồng từ các đường điện cao thế, băm nát mạng lưới điện quốc gia. Sau đó là thu mua cáp quang phế liệu với mức giá trên trời.

Đến khi dân nghèo lặn xuống biển chặt phá mạng cáp quang viễn thông, thì dân chúng mới "ngã ngửa" ra mục đích sâu xa của chúng là phá hoại con đường huyết mạch thông tin của Việt Nam…

Tôi chưa bao giờ có dịp gặp gỡ những vị “thương lái TQ” có ý đồ  “thâm độc” và “phá hoại” như thế nhưng lại có dịp tiếp xúc (qua sách vở) với nhiều người Tầu khác: Lão Tử, Khổng Tử, Lý Bạch, Thôi Hiệu, Mạnh Hạo Nhiên, Kim Thánh Thán, Lỗ Tấn, Ba Kim, Kim Dung, Lâm Ngữ Đường, Mặc Ngôn, Trương Hiền Lượng, Lưu Hiểu Ba, Dương Kế Thằng...
Tam Giáo (Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo) ở Việt Nam có đồng quy hay không là điều mà tôi hoàn toàn không “bảo đảm,” và cũng không dám lạm bàn nhưng tôi biết chắc chắn là cá nhân mình – đôi lúc – có hơi bị quân tử Tầu (chút xíu) là do ảnh hưởng của Khổng Phu Tử và ... Kim Dung!

Cũng không ít lúc tôi trở nên ... “thoát tục” (và văng tục: “Đ...má, tao đéo care cái con cặc gì ráo trọi”). Thái độ sống “vô vi” này, không chừng, tôi bị lây từ Lão Tử. Chắc là thằng chả chớ còn ai vô đây nữa?

Bởi vậy, thỉnh thoảng, quí vị dư luận viên vẫn gọi tôi là “Tầu Tưởng” (tưởng) cũng không trật chi nhiều – dù tôi chưa đến Trung Hoa bao giờ và vẫn ao ước có dịp được sống ở đất nước này (vài ngày) cho biết.

May mắn sao, tháng rồi, tôi vớ được cuốn Đèn Cù của ông Trần Đĩnh. Tác giả có cơ hội đi “du học” ở tuốt bên Tầu, nhiều năm, và chuyện ông  kể về dân tộc này cứ khiến tôi cứ suy nghĩ mãi:

Bữa ấy tôi đang đọc báo chữ to gần Da Xan Ting - Đại thiện đình (Nhà ăn lớn). Một sinh viên Trung Quốc đến bên tôi. Trắng, đẹp, kính trắng, mắt hiền.

- Xin lỗi, anh là lưu học sinh Việt Nam?

- Vâng, còn anh ala Thượng Hải? (ala tiếng Thượng Hải là chúng ta, chúng tôi).

- Tôi là… (anh nói tên nhưng tôi không nhớ), muốn nói chuyện một ít với anh, có được không?

Anh nhờ tôi chuyển cho sứ quán Việt Nam một thư đề nghị Bắc Việt Nam hãy tôn trọng hiệp định Genève, đình chỉ đưa quân và vũ khí vào trong Nam cũng như rút lực lượng đã phi pháp cài lại từ 1954.

- Làm gì có chuyện ấy nhỉ?

Hoàn toàn bị xúc phạm, tôi vừa ngớ ra ngạc nhiên vừa khó chịu. Anh đốt đảng anh thôi chứ lại định đốt cả đảng tôi nữa ư?

- Có, đài nước ngoài thường xuyên lên án, tố cáo Bắc Việt Nam.

- Sao anh tin những thứ ấy?

- Đọc các đại tự báo đây anh có tin không?

Tôi quay đi và nói:

- Tôi không chuyển thư anh được vì bận và vì ý kiến của anh thiếu cơ sở.

Nhưng từ hôm ấy, tôi bỗng cứ lởn vởn nghĩ ta có vi phạm hiệp định Genève thật không? Chả lẽ ta chính nghĩa lại bội ước? Chả lẽ bản chất ta hoà bình lại thích chiến tranh?

thienanmon 1Thiên An Môn 1989. Ảnh: wikipedia

Lúc ấy thật tình tôi không biết đảng có phương án kế hoạch cài cán bộ và quân lính ở lại miền Nam cũng như tiến hành nghiên cứu ngay từ đầu hình thế bờ biển để sau này lập “đội thuyền không số” có cơ sở ở huyện Thuỷ Nguyên. v.v…

Tuần sau tình cờ tôi gặp anh “Thượng Hải” ở gần Đại lễ đường. Anh đi với một cô gái trăm phần trăm Shang hai gu niang, Thượng Hải cô nương. Cô gái nhìn tôi như có ý hỏi anh bạn đi bên: “Cha từ chối đưa thư đấy phải không?”

Không nghe thấy nhưng tôi cáu - đinh ninh cô gái nói nei jia huo, thằng cha kia. Cùng lúc thấy cô gái rất đẹp. Picasso có lẽ lấy mẫu kiểu tóc đuôi ngựa ở cô gái thanh tú này.

Chẳng hiểu sao tôi rẽ ngoắt luôn. Tức. Không, có cả ghen vớ ghen vẩn.

Khi chống phái hữu, nhiều giáo sư, sinh viên bị đưa đi, tôi có ý tìm anh “Thượng Hải”. Không thấy nữa. Nghĩ cô gái Thượng Hải nếu không xuống nông thôn lao động cải tạo - để bị người ta cưỡng hiếp, chửa hoang và treo cổ chết - thì chắc phải bỏ học và bỏ cái đuôi ngựa “văn hoá đồi truỵ phương Tây”, tôi bỗng bồn chồn cùng ân hận lạ lùng.

Tôi chưa hiểu với tôi những ông thày sống động đầu tiên chỉ ra con đường và cách thức đấu tranh cho dân chủ chính là làn sóng “phái hữu” trong đó có anh sinh viên cùng cô bạn gái xinh đẹp của anh. Sau này trong gian nan phải chịu đựng tôi mới nhận ra hình ảnh của họ càng đậm nét trong tôi.

hongkong bieutinhHồng Kông 2014. Ảnh: Dickson Lee. Nguồn: South China Morning Post

Nhưng tại sao anh sinh viên đeo kính trắng lại chọn tôi để nhờ chuyển thư phản đối ta “phạm pháp” đưa súng ống, binh lính vào Nam? Anh đọc thấy gì ở trên mặt tôi. Một hừng sáng nào đó ư? Một kiểu Nàng Kiều với Đạm Tiên ngày Thanh Minh.

Tôi còn một bạn học, người Nam Kinh. Lúc “phái hữu” lên tiếng, anh từng bảo tôi:

- Chắc cậu cũng biết truyện “cô gái quàng khăn đỏ?” Chúng ta đấy. Cũng quàng khăn đỏ cả mà. Hỏi bà ơi, tại sao tai bà to thế? Bà nói: Để bà nghe thấu bọn phản động chúng nó thì thào. Thế sao mắt bà sáng thế? À, sáng mới thấy được chỗ chúng nó ẩn nấp. Còn răng? Sao răng bà to thế? Răng bà to để ăn thịt những đứa khoẻ thắc mắc về bà… như cháu. Ăn luôn.

Tôi hỏi anh:

- Người Trung Quốc nghĩ như cậu có nhiều không?

- Zen ma shuo ya? Nói sao nhỉ? Một nửa đi. Nhưng nửa kia có loa ở mồm và có súng trên tay. (Trần Đĩnh. Đèn Cù, Westminster, CA: Người Việt, 2014).

Đó là “một nửa nước Trung Hoa” khi mới rơi vào tay đám cộng sản Tầu. Cho tới khi xẩy ra biến cố Thiên An Môn thì tôi tin rằng không phải là một nửa mà có đến ba phần tư dân số nước này đã trở nên “phản động.”
Đến sáng nay, 30 tháng 9 năm 2014, South China Morning Post đi tin:

“Hàng chục ngàn người đang chiếm lĩnh đường phố, đòi hỏi Bắc Kinh phải cải cách dân chủ.” Bây giờ thì tôi tin rằng bốn phần năm người Tầu cũng đang muốn thoát Trung (cộng) y như tuyệt đại đa số dân Việt hiện nay.

Nói cách khác là dân Việt có một tỉ người Tầu đồng cảnh nhưng dường như không mấy ai để ý đến điều này – trừ nhà báo Lê Phú Khải. Hôm 26 tháng 5 năm 2014 vừa qua, ông nói chắc (như bắp) thế này đây:
Bắc Kinh sợ nhất cái gì?… Sợ nhất Việt Nam dân chủ.Vì, Bắc Kinh giống hệt Hà Nội: Đang ngồi trên kho thuốc nổ.
Chế độ đảng trị độc tài ở Trung Quốc đã tạo ra những mâu thuẩn đối kháng trong lòng nó và không có cách nào hoá giải được. ...

Một Việt Nam cải cách chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền lúc này là tiếng sét ngang tai đối với độc tài đảng trị ở TQ. Việt Nam dân chủ là tiếng gọi mênh mông được vẫy chào từ hàng triệu trái tim TQ bị đè nén bởi bạo quyền bấy lâu nay.

Chữ “triệu” trong đoạn văn thượng dẫn được cho in đậm vì tôi tin rằng ông Lê Phú Khải viết lộn nên xin phép được viết lại: “Việt Nam dân chủ là tiếng gọi mênh mông được vẫy chào từ hàng tỉ trái tim TQ bị đè nén bởi bạo quyền bấy lâu nay.”

Chúng ta nên ứng xử khôn ngoan hơn với một tỉ đồng minh đang sống kề bên.