main billboard

Chổ nào có lỗ trống là đảng và nhà nước ta tìm đủ mọi cách – mua chuộc quan chức địa phương – để nhét bác Hồ vào... Đúng là mặt dầy, mày dạn!


Bác về ... im lặng. Con chim hót

thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ

Tố Hữu

Tôi sống nhiều về nội tâm nên rất thích những người tính tình hướng nội. Ba nhân vật mà tôi đặc biệt có thiện cảm, trong thời gian gần đây, là bà Lê Linh Lan, ông Nguyễn Hoằng, và ông Nguyễn Thanh Sơn. Cả ba vị đại sứ này đều có sáng kiến "đột xuất" là đặt tượng đài và điện thờ của Chủ Tịch Hồ Chí Minh ngay trong khuôn viên sứ quán.

bacho 1
Đại Sứ Ba Lan cùng phu nhân đang trong nghi lễ “nhập hồn vào tượng Bác."

 Ảnh và chú thích: Đàn Chim Việt

bacho 2
Tượng ông Hồ Chí Minh trong không gian tâm linh của Đại Sứ Quán

VN tại Nga. Ảnh và chú thích: BBC

bacho 3
Dâng hương trước bàn thờ Bác tại Đại sứ quán Việt Nam. Ảnh: Việt Hòa/Mexico

Qúi vị đại sứ Việt Nam tại Nga, Tây Ban Nha, và Ba Lan – rõ ràng – đều là những nhân vật thức thời. Chớ qua “bốn mươi năm không treo được cờ sao ra ngoài khuôn viên sứ quán” thì tìm đâu ra nơi để mà dựng tượng đài cho Bác. Chỗ nào thiên hạ cũng xua tay, lắc đầu quầy quậy.

Ngày 3 tháng 9 năm 2015 vừa qua, VOA  buồn bã loan tin:

Việc hội đồng thị trấn Newhaven, Sessex, Anh chấp nhận kế hoạch của Đại sứ quán Việt Nam định dựng một bức tượng mới nhìn ra bến cảng đã gây tranh cãi tại cả địa phương lẫn trên mạng trực tuyến.

Dân biểu địa phương Maria Caulfied đã kêu gọi từ bỏ kế hoạch dựng bức tượng Hồ Chí Minh, và gọi ông là “một nhà độc tài cộng sản quá cố đã gây ra hàng trăm ngàn cái chết...”

Mấy hôm sau (hôm 8 tháng 9 năm 2015) trang vietinfo.eu lại âu sầu loan một tin buồn khác, liên quan đến dự tính dựng tượng của Bác ở nước Cộng Hoà Séc: “Sau nhiều ý kiến và văn bản phản đối của các tổ chức và cá nhân, thành phố Chrastava đã bác bỏ ‘giấc mơ’ này của ông Đại sứ.”

Trong thư phản đối của kỹ sư Nguyễn Tùng (PTS, 72 tuổi, công dân CH Séc. Cựu cán bộ Viện Hàn Lâm Khoa Học Tiệp Khắc) trên trang Đàn Chim Việt, có đoạn:

“Việc bia kỷ niệm được sản xuất và chi trả từ tiền của người dân nghèo khổ Việt Nam hay là từ đóng góp của cách doanh nghiệp Việt Nam dưới sức ép của Đại sứ quán là một điều sỉ nhục với chúng tôi.”

Nội dung bức thư thượng dẫn tuy hơi gay gắt nhưng những luận điểm nêu ra đều rất hợp lý, và được diễn đạt bằng ngôn từ tương đối ôn hoà/lịch sự. Điều đáng tiếc là độc giả, có vị, đã ghi lại đôi ba phản hồi (nghe) không được nhã nhặn gì cho lắm:

Reply

Chổ nào có lỗ trống là đảng và nhà nước ta tìm đủ mọi cách – mua chuộc quan chức địa phương – để nhét bác Hồ vào... Đúng là mặt dầy, mày dạn!

Mà đâu phải cứ “mặt dầy, mày dạn” và cứ muốn “nhét Bác Hồ vào” chỗ nào cũng được. Đến như dân Lào mà họ cũng rẫy nẩy lên đành đạch:

Laotians Bristle at Plan to Erect Ho Chi Minh Statue in Vientiane... “I think it’s strange to erect a monument to Ho Chi Minh in Laos,” a Laotian said in an RFA call-in show recently...
“We are an independent country. If Lao leaders do this, it may indicate some deeper plan that [the citizens] don’t know about. In the future, this land may no longer belong to Laos...”
A third caller said that a statue of Ho Chi Minh in the capital was “unnecessary,” questioning what the former Vietnamese president had done for Laos to deserve such an honor. “On the contrary, he pulled the people of Laos into the Vietnam war,” the caller said.

(Dự án dựng tượng Hồ Chí Minh tại thủ đô Vientiane bị nhân dân Lào giận dữ phản đối… người dân Lào đã công khai phản đối qua đài phát thanh RFA: “Thật là lạ lùng nếu dựng tượng HCM ở thủ đô Lào”, “Lào là một nước độc lập. Phải chăng đây là ý đồ của giới cầm quyền Lào muốn lệ thuộc vào Việt Nam?” “HCM đã làm gì ích lợi cho nhân dân Lào mà được cái vinh dự này? Trái lại, ông ta đã lôi kéo nhân dân Lào vào chiến tranh Việt Nam...” – Hoàng Ngọc-Tuấn chuyển ngữ).

Hiền hậu và dễ chịu cỡ như xứ Lào mà “nhét vào” còn không lọt thì Bác (đành) qui cố hương thôi. Nhớ cái thưở Người về Cao Bằng, mấy mươi năm trước, thiệt là bồi hồi và cảm động hết biết luôn:

Bác về ... im lặng. Con chim hót

thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ

Thưở ấy, cả chim lẫn người đều hay ... hót, và hót hay. Chim chóc ở Việt Nam, bây giờ, chả còn mấy con sống sót. Loại người có năng khiếu ca hót – ở đất nước này, cỡ như cái ông Tố Hữu – cũng đều chết tiệt cả rồi.

Bởi vậy, lần này Bác lại về nhưng không thấy chim chóc và người ngợm líu lo như trước nữa – dù Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh Sơn La đã thông qua đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ, với vốn đầu tư của dự án lên đến 1.400 tỷ đồng (“phát xuất từ tình cảm”) với sự đồng thuận của cả Đảng và Nhà Nước.

Không đứa nào ca hót/tán tụng (đã đành) cả lũ còn đồng loạt bàn ra, hoặc bàn lui:

    PGS. TS Trương Thị Thông: Con số 1400 tỷ là quá lớn đối với một tỉnh miền núi còn nghèo như Sơn La.

    Đại Biểu Quốc Hội Cao Sỹ Kiêm: Việc Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La quyết định ra nghị quyết thông qua đề án xây dựng tượng đài với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng là điều không thể chấp nhận được.

    Ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTT&DL:...trong hoàn cảnh hiện nay, và nhất là năm nào Chính phủ cũng phải cấp tiền cho Sơn La thì không nên.

    Kỹ sư Bùi An: Không ai cấm một người bán vé số bước vào tiệm và gọi tô phở bò Kobe có giá bằng 1/3 thu nhập của mình, nhưng ai cũng biết là không nên làm vậy.

Ô hay, chớ nếu “không nên làm vậy” thì làm sao khác đây - cha nội? Bác đã bị nhân dân hữu sản (và vô sản) trên toàn thế giới kỳ thị  “tới bến” rồi thì phải tìm một chỗ để Người về chớ. Mà ngoài Sơn La ra thì còn chỗ nào an lành hơn được nữa?

sonla
Wecome to Sơn La. Ảnh: VOV

Báo Thế Giới Mới vừa rầu rĩ cho hay đây nè:

Người Việt Nam yêu cầu Facebook lập lại tên Sài Gòn thay vì TP Hồ Chí Minh. Trong thỉnh nguyện thư gửi Mark Zuckerberg, nhà sáng lập trang mạng xã hội Facebook, ông Nghĩa Bùi, cư dân thành phố Allen của tiểu bang Texas nói rằng hàng ngàn, và có thể là hàng triệu người sử dụng Facebook được sinh ra tại Sài Gòn, Việt Nam, muốn thiết lập địa danh đúng nơi đã xuất phát là Sài Gòn, thay vì thành phố Hồ Chí Minh, không chính xác về phương diện địa lý lẫn chính trị.

Người Việt Nam khắp thế giới có nguồn gốc xuất thân là Sài Gòn đều muốn Facebook xác lập nơi mà họ xuất thân trên mạng Facebook một cách chính xác. Người sử dụng Facebook cho rằng, đây là sự kiện có ý nghĩa đối với tất cả mọi nơi trên thế giới lâu nay bị buộc phải chấp nhận một cái tên xa lạ đối với họ.

Bức thư ngỏ được tung ra chưa đầy 43 phút đồng hồ đã được 3,000 người tán đồng. Nghĩa Bùi, cư dân Allen, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ là người từ 2 ngày trước đã ký tên vào thỉnh nguyện thư đòi xác lập tên Sài Gòn trên.

Rất nhiều người Việt Nam từ Úc, Malaysia, Houston, Hoa Kỳ và đông nhất vẫn là người dân Sài Gòn đều cho rằng, Sài Gòn mới là tên đúng của thành phố Sài Gòn xưa, chớ không phải là Hồ Chí Minh. Quý bạn đọc có thể ký tên vào đơn thỉnh nguyện yêu cầu Facebook hiển thị tên Sài Gòn thay vì Hồ Chí Minh bằng cách log in vào change.org, đang cần thêm 1,891 người nữa để đạt được 10000 người ủng hộ.

embe sonla
Những em bé Sơn La ngực trần, chân không dép giữa mùa Đông. Ảnh: tiin.vn

Cái thành phố rực rỡ tên vàng, rõ ràng, không còn rực rỡ và an ninh nữa. Hà Nội (e) rồi cũng vậy thôi. Bộ Tư Lệnh Bảo Vệ Lăng Bác chỉ chận được bom đạn hay chất nổ thôi, chứ làm sao ngăn nổi tâm tư sôi nổi của người dân:

“Chúng ta đề nghị Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính thử tính sổ xem 30 năm qua ta đã tiêu tốn vào lăng Người tổng số là bao nhiêu tiền của… Và thử xem riêng ngân sách dự chi cho năm 2000 xem có thể xây được bao nhiêu trường học cho một ngàn xã hãy còn vắng về giáo dục ở miền cao. Có thể xây bao nhiêu căn nhà để nuôi trẻ mồ côi… Có thể xây bao căn nhà dưỡng lão cho người già lão cô đơn, không nơi nương tựa. Có thể xây bao nhiêu nhà thương làm phúc chữa bệnh cho người nghèo…”

 Bác đâu có thể nằm yên mãi trong lăng được khi mà bệnh viện hết tiền trả lương cho bác sĩ, bệnh nhân thì chen chúc mấy mạng trên một giường, và nợ công thì chất chồng hàng ngàn Mỹ Kim trên lưng của đám dân đen khố rách áo ôm.

Ngay cả ở nhà riêng của (nguyên) T.B.T Nông Đức Mạnh, người vốn được coi là có liên hệ cốt nhục tình thâm, Bác ngồi cũng không nóng đít. Báo Tiền Phong chỉ mới “nhá” ra có mỗi tấm hình mà dân chúng đã chửi như tát nước!

bacho 4
Bởi vây, với tất cả lòng thành, tôi xin đề nghị: Thôi, hãy để (yên) cho Người về Sơn La đi.

Giáo sư Ngô Bảo Châu quan ngại: “Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1.400 tỉ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh.” Ông giáo có thể là một nhà toán học có tâm nhưng chắc chắn thiếu tầm, cái tầm của những người chuyên hành nghề cách mạng.

Những vùng đất đói, nghèo, dốt nát... không chỉ là chốn lý tưởng cho cách mạng nẩy mầm mà còn là nơi an toàn cho ... cách mạng (khi cần)có chỗ lánh thân nữa. Xét theo tiêu chuẩn này thì Sơn La, rõ ràng, hội đủ điều kiện "lý tưởng" để Bác về nương náu.

Chớ có chỗ nào an toàn hơn được? Còn Người an toàn thêm được bao lâu (nữa) thì lại là chuyện khác. Đã đến nông nỗi này rồi thì được ngày nào biết ngày ấy thôi.