main billboard

Chồng tui xuất thân miệt vườn, mà mỗi lần đám giỗ ở vườn ở quê là… ba ngày. Ngày tiên thường, ngày chính thức, ngày hậu thường.


cung gio
Bàn thờ cúng ông Táo của một gia đình người Việt ở Đức. (Hình: Kim Thu Dinh)

Hỏi tui có thích Tết không, tui sẽ không ngần ngại trả lời rằng, “Thích!”

Thiệt tình là tui thích Tết. Thích không khí những ngày giáp Tết. Thích khí trời se lạnh, mênh mang nỗi gì như thương thương nhớ nhớ lúc chiều xuống. Thích cái nắng xanh trong, lùa trên những khóm lá, đậu trên những nhành hoa mỗi sớm mai. Thích cái chộn rộn, hối hả, lẫn nao nao khi bước vào những ngôi chợ thơm nồng mùi Tết. Thích được mua hoa về chưng đầy nhà. Thích nghe tiếng pháo xa xa và thoảng mùi thuốc pháo bay vào mũi. Thích, thích lắm.

Nhưng…

Giá như đời đừng bao giờ có những chữ “nhưng” đi kèm thì hay biết bao nhiêu…

Tui rất sợ chuyện cúng kiếng trong những ngày Tết. Sợ đến thành ám ảnh chứ chẳng chơi.

Nói ra điều này chắc những ai xem chuyện khói hương giỗ quảy như là một bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng của con người, sẽ “chửi” tui quá. Nhưng mà tui sợ thì tui nói sợ chứ nói thích làm sao nói bây giờ.

Tui lấy chồng sớm, khi chưa tròn 21 tuổi. Chồng tui là con trai út, lại là trai một, mà dân gốc miệt vườn miền Tây nữa. Trên chàng chỉ có… năm bà chị mà thôi. Ba má chồng tui mất khi còn chưa biết mặt con dâu. Cho nên, bước chân xuất giá là tui lãnh luôn… cái bàn thờ.

Mỗi năm, nhiệm vụ của vợ chồng tui là làm hai đám giỗ, giỗ ông Tháng Năm, vừa sau Tết Ðoan Ngọ, giỗ bà Tháng Giêng, khi Rằm vừa chạy qua, cộng thêm một đám rước ông bà vào khoảng 27-28 Tháng Chạp.

Tui nhỏ lớn sống ở Sài Gòn. Bà con ngó tới ngó lui khi đó chỉ có gia đình một dì, một chú. Cho nên chuyện giỗ nội ngoại ở nhà tui giản dị lắm. Chỉ thấy má tui nấu mâm cơm ngon ngon với một hai món mà ông bà ngày trước ưa ăn, rồi mang sắp lên bàn thờ, thắp nhang. Là xong.

Nhưng… Lại nhưng với nhị nữa.

Chồng tui xuất thân miệt vườn, mà mỗi lần đám giỗ ở vườn ở quê là… ba ngày. Ngày tiên thường, ngày chính thức, ngày hậu thường.

Chồng tui kể, mỗi lần giỗ ông ngoại bà ngoại là cả xóm tới. Rồi bà con gần xa các nơi tụ về. Từ những ngày trước là đã phải lo rọc lá, ngâm nếp, đãi đậu gói bánh tét, xay bột gói bánh ít, làm bánh qui (ít trần) rồi bắt gà mần vịt… Khách khứa đến ăn giỗ xong, còn phải lo đồ cho họ quảy về. Chắc chữ “giỗ quảy” từ đây mà ra.

Tui nghe mà phát… rét. Làm sao mà mần nổi, khi tui cũng phải đi làm, lo con nhỏ, chứ có phải mần chuyện đồng áng đâu. Chồng thương tình, chiếu cố dân thành thị, không làm giỗ ba ngày, nhưng phải cúng đủ ba lễ: tiên thường là cúng chiều ngày trước, rồi ngày giỗ cúng chính buổi trưa, đến chiều thì cúng hậu thường.

Thì thôi một năm chỉ hai lần. Tui nhờ vả bạn bè đồng nghiệp đến phụ, không gói bánh, mần gà, chỉ phải lên danh sách đi chợ, rồi về hè nhau ra nấu. Cũng tạm tươm tất. Mấy bà chị chồng cũng đi làm, gần giờ cúng tới phụ chút, nên cũng không xét nét gì. Bà con dưới quê lên, thấy nhỏ em mặt mày non choẹt, chạy lăng xăng, thôi cũng không nỡ bắt bẻ chi cho mệt. Thành ra, không đến nỗi.

Tuy nhiên (hết “nhưng” rồi đến “tuy”) đám rước ông bà và chuyện cúng dài dài ba ngày Tết với tui mới quả là “gian khó.”

Chồng nói tục lệ là kể từ khi rước ông bà về ăn Tết là nhang trên bàn thờ không được tắt, tức là cây này vừa tàn thì phải đốt cây khác thay, và vì ông bà “đang ở cùng mình” nên mỗi ngày phải cơm nước đầy đủ. Nghe là muốn “tá hỏa lồng đèn” rồi.

Bởi, nếu mình ăn thôi thì sao cũng xong, bới tô cơm, chiên cái trứng, chan miếng nước mắm, là ăn. Nhưng có “tiền bối” về, ăn vậy coi sao được. Phải nấu cho đủ ít nhất ba món, canh, mặn, xào. Cơm thì mỗi bữa mỗi nấu cơm mới, chứ cơm nguội xới cúng coi sao đặng. Tưởng tượng vậy có “te tua như con cua” chưa, còn gì là Xuân với Tết.

Mà nếu nấu xong, ăn hết, cũng đành. Ðằng này, mỗi lần cúng là phải cúng hai mâm. Mâm ông bà và mâm đất đai. Cúng rồi mình có ăn hết đâu. Lại phải kiếm hộp cất vô tủ lạnh. Ðến bữa kế, lại tiếp tục. Lại tiếp tục, bữa kế.

Thế nên, những năm đầu có khi chừng 26 Tháng Chạp mà rơi vào cuối tuần, tui nấu nướng cúng kiếng luôn, nhưng những năm sau, tui “ăn gian” chờ muộn muộn, có khi đúng ngày Ba Mươi mới rước các cụ về vui Xuân cùng chúng con.

Mà dù rước sớm rước trễ thì cũng y chang “kịch bản” như vậy, cho đến khi hạ nêu, hết Tết, cúng đưa ông bà xong thì mới coi như hoàn thành nghĩa vụ.

Ðó là về “hình thức.” Còn nội dung thì sao. Cũng khổ lắm, người ơi. Tết, là phải có thịt kho dưa giá. Tết, là phải có nồi canh khổ qua dồn thịt. Tết, là phải có mứt bí, mứt dừa. Tết, là phải có giò thủ chả lụa. Tết, là phải có dĩa tam sên. Tết, là phải… đốt giấy tiền vàng bạc. Tết, là phải có đĩa ngũ quả cầu sung dừa đủ xài. Tết, là phải có…

Có lần tui hỏi chồng, “Sao mình cứ phải nấu chừng này món hả anh? Sao mình không nấu món khác vậy anh?”

Chồng tui trả lời, “Thì hồi trước cứ thấy đến Tết là trong nhà làm vậy, xưa bày nay theo mà, em thắc mắc chi.”

“Trời ơi, tại hồi xưa ông bà chỉ biết làm có mấy món đó thôi, chứ đâu phải luật lệ gì đâu. Ăn mấy chục năm rồi chắc cũng ngán thấy mồ. Mình làm món mới cúng ông bà ăn nhiều khi khen ngon hỏng chừng,” tui lầu bầu trong miệng.

Chồng nhìn tui, lắc đầu. Ý là, bà đừng lộn xộn, xưa sao nay vậy, ý kiến ý cò.

Mà, tui biết, chuyện cúng kiếng khó nói lắm. Khi người ta đã tin, mình có ý kiến này nọ dễ dẫn đến “xung đột” mất vui. Nên, nhiệm vụ của tui là nấu, dọn. Nhiệm vụ của chồng là cúng, khấn. Cứ vậy mà làm. Dù trong bụng ấm ức. Mà không phải, cái thân ấm ức, vì mệt.

Lý do tui sợ Tết là vậy. Sợ cúng. Có muốn đi đâu chơi, thì cũng phải giờ trưa, giờ chiều chạy về cúng, mời ông bà ăn cơm. Tui có một ước mơ, từ nhỏ luôn, là đêm Giao Thừa được ra đường xem coi thiên hạ đi hái lộc vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và mới ra sao, nhưng đến giờ cũng chưa thực hiện được. Vì, giờ Giao Thừa phải cúng.

Tui nói tui sẽ dặn lại với hai đứa con tui, rằng, tui dễ ăn lắm, mà ăn cũng không nhiều, nên sau này khi tui về đất, đến giỗ tui, thì cứ năm nay cúng tô bún mắm, năm sau cúng tô bánh canh, năm nữa cúng tô bún riêu, rồi bún bò, hay phở, bánh cuốn,… cứ vậy mà làm. Phẻ re.

Tết nhất cũng thế. Trang trí nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng là vui rồi. Một bình hoa cắm bàn thờ. Một đĩa trái cây cho ra dáng ngày Xuân. Nén hương đốt cho thơm nhà. Cũng tròn đầy cái Tết.

Thiệt tình tui nghĩ, điều gì cũng tự trong tâm. Tâm tưởng nhớ. Một mâm cơm tươm tất trong chiều Ba Mươi, khói hương quyện lại, mình nhớ chuyện đã không còn trong hiện tại. Lắng lòng nhớ đến tiền nhân. Nghĩa là mình có nghĩ trước sau.

Rồi thì đơn giản chuyện cúng kiếng. Dành những thời gian ít ỏi có được cho niềm vui hiện tại, tận hưởng đủ phút giao thừa, nghe trong gió, trong nắng, cái tinh khôi của Tết, của Xuân, hay tĩnh tâm nhìn lại mình của ngày qua, nghĩ về hiện tại và mơ ước cho ngày mai.

Tết, là lòng mình phải Tết.

Chứ đừng, Tết là mình phải cúng.

Vậy nghen bà con. Còn tui, để tính coi… năm nay nấu gì cúng rước ông bà đây…

Ngọc Lan - Trích Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu