Chuyện miếng ăn là chuyện “nhạy cảm,” nhất là khi gắn nó trong thành ngữ “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu.”


laythucan
Chuyện ăn uống, không chỉ là thức ăn mà còn là cách ăn. (Hình minh họa: Khôi Nguyên/Người Việt)

Sổ tay phóng viên

WESTMINSTER, California (NV) – Hổm rày nói chuyện “phi hình thể” nhiều rồi, giờ mời bà con nói chuyện “có hình thể” một cách cụ thể, đó là chuyện ăn và chuyện miếng ăn.

Chuyện ăn tức là cách ăn uống, ở đây ai cũng phải ăn để sống, nên chuyện ăn là chuyện của mỗi người. Chuyện miếng ăn là chuyện “nhạy cảm,” nhất là khi gắn nó trong thành ngữ “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu.”

Một nét hay của văn hóa Việt Nam mình là sự quây quần ăn chung. Bên mâm cơm gia đình đạm bạc hay trên bàn tiệc sang trọng đều có hình ảnh của sự “chung đụng” này. Một đĩa gỏi, một tô canh, một bát thịt, một chén nước chấm… Mỗi thứ hầu như chỉ một, và mọi người cùng mâm, cùng bàn san sẻ cho nhau, vừa ăn vừa chuyện trò đủ thứ trên trời dưới bể, từ Tây sang Tàu, từ Mỹ đến Đức, rồi vòng về Việt Nam trước khi trở lại Little Saigon.

Văn hóa “ăn chung” của người Việt mình thấm vào máu của mỗi người tự đời nảo đời nao như một lẽ tự nhiên ở đời. Cho đến một hôm, tui được rủ đến nhà người bạn ăn “bữa cơm gia đình” với nhiều người khác nữa.

Chủ nhà trải cái bàn chữ nhật dài ra và mọi người ngồi đối diện nhau vừa ăn vừa trò chuyện. Ăn đông, vui. Vừa ăn vừa tán chuyện, vui. Mà thức ăn ngon, lại càng vui. Tui nhớ trên bàn có dĩa cá hồng chiên giòn vàng ươm, nhìn thôi đã khoái con mắt. Nhưng tui còn đang “bận rộn” với món gỏi rau muống thịt bò nên chưa thử cá.

Nhưng rồi, hình như có điều gì đó “kỳ kỳ” đập vào mắt khi người ngồi đối diện dùng đôi đũa xẻ một miếng cá, gắp lên, chấm vào chén nước mắm, rẩy rẩy trước khi đút vào miệng, rồi đưa chén lên lùa cơm vào. Và tiếp tục gắp cá, trông rất ngon lành. Thế nhưng, không hiểu sao tui đã không thể tiếp tục ăn được nữa, khi nhìn thấy có những hạt cơm dính trên phần cá còn dang dở trên bàn.

Một lần khác, tại một tiệm bán hải sản “kiểu Mỹ,” cũng những gia đình bạn bè đi ăn cùng nhau, có cả người lớn lẫn trẻ con. Trong khi chờ món chính được mang ra, mọi người nhấm nháp khoai tây chiên chấm với một loại sốt đặc biệt. Dù đang tán hươu tán vượn với bạn bè, tai tui cũng kịp nghe một cô bé ngồi cạnh bên nói nhỏ với mẹ, “Sao bác đó lại cắn khoai và chấm vào chén như vậy?” Ra là, thay vì cầm miếng “French fries” chấm sốt rồi thảy hết vào miệng, thì bác này lại chấm một miếng, rồi cắn một cái, rồi lại tiếp tục chấm phần còn lại đó vào chén nước sốt mọi người đang dùng chung.

Có lẽ, nhiều người ở đây đã từng không ít lần chứng kiến, có người khi ngồi vào bàn ăn chung, nhìn thấy món này món khác, đã không chần chừ dùng đũa của mình “thọt” vào chén nước chấm này, đưa lên miệng mút mút, rồi gật gù hay nhăn mặt, rồi lại tiếp tục rút đũa ra khỏi miệng, chọt tiếp vào một tô khác, lại đưa lên miệng măm măm coi mặn lạt thế nào. Cứ thế, đôi đũa cùng nướt bọt của người đó cứ “ngao du”hết món này đến món khác, bất kể người cùng bàn có cảm thấy “ghê ghê” hay không.

Đó là chưa kể, khi ngồi ăn cùng bàn, có người cứ cầm khăn giấy hỉ mũi “rột rột” rồi đặt tờ đó lên bàn, lại dùng đũa “xoắn” hết món này đến món khác, rồi lại hỉ mũi “rột rột.” Hehe, không biết có phải tui khó chịu không, nhưng mà thiệt tình là bữa ăn mất tiêu cái vị ngon rồi.

Mình ăn chung, nhưng mình vẫn có thể dùng muỗng chung, nĩa chung trên mỗi đĩa, mỗi tô để bới thức ăn vào chén riêng của mình, trước khi dùng muỗng đũa riêng của mình để lùa vào miệng mà, phải không?

Giờ nói đến chuyện miếng ăn.

Hôm đó bạn tui khai trương một trung tâm dạy kèm trên đường Garden Grove. Tui ghé đến chơi, chúc mừng bạn. Phụ huynh đưa con đến khá đông để xem phòng ốc, trường lớp, thầy cô trước khi ghi danh. Bạn tui tíu tít bận bịu. Không biết làm gì giúp bạn, thôi thì tui chọn đứng ngay chiếc bàn có đầy thức ăn. Nào là bánh mì kẹp thịt kiểu Pháp nho nhỏ, nào là bánh Pâté chaud nóng xốp thơm phức, lại thêm các bánh “nhà quê” hảo hạng như bánh bò, bánh gan, bánh da lợn, bánh khoai mì, bánh đậu xanh, ngon quá chừng chừng.

Thấy phụ huynh nào đến, em nhỏ nào đến, tui cũng “tía lia” miệng mời “Ăn bánh nè, bánh này ngon nè.” Có người tỏ ra thích thú thật sự, có người cầm lấy vì sự nhiệt tình của tui. Nhưng tựu chung là ăn cho vui trong khi chờ nói chuyện với cô giáo hay điền đơn nhập học.

Nhưng rồi, bỗng dưng có đâu một nhóm 5 ông bà cũng phải ngót nghét 70 ăn mặt tươm tất bước ngang. Họ đứng nhìn nhìn trước khi bước vào. Không con không cháu đi kèm. Thoạt đầu là ba người phụ nữ đến chỗ bàn bày thức ăn tui đang đứng. Và bắt đầu “hốt.” Thật sự tôi không biết dùng chữ gì khác hơn để thay thế. Họ “hốt” hết bánh này đến bánh khác vào đầy vun những chiếc dĩa, rồi mang đến ngồi vào một chiếc bàn. Sau đó, kêu hai người còn lại đến “gom” tiếp. Kể cả nước uống chai cũng ôm một đống vào lòng.

Tui thấy “lạ,” dù thức ăn là miễn phí, nhưng “thu gom” kiểu này thì kỳ quá. Họ không đến với bất cứ mục đích gì liên quan đến chuyện học hành dạy dỗ của trung tâm. Mà đến để lấy thức ăn.

Tui mang chuyện đó kể với “ông già đầu bạc”- nhà văn Huy Phương, như một sự ngỡ ngàng. Ai dè, chú nói tỉnh bơ, “Ủa, đó là chuyện thường ngày ở Bolsa này mà Ngọc Lan không biết sao! Cứ để ý đến mỗi khi có những buổi ra mắt sách, những buổi sinh hoạt cộng đồng gì đó mà thông báo có thức ăn nhẹ, là có một số người đến để lấy thức ăn, chứ không phải để nghe gì hết.”

Vậy là sao? Tui nên nhìn hiện tượng này như thế nào đây? Có ai giải thích dùm tui với.