Người Việt chứng kiến các hành vi thô lỗ của du khách Bắc phương thì cũng cảm thấy mắc cỡ! Đến mình mà cũng thấy xấu hổ cho họ thì đủ biết hành vi của “người lạ” nó “lạ” tới mức nào!


Du khách từ Trung Quốc qua Việt Nam ngày càng đông và càng hỗn, nhưng cũng ích lợi cho người mình. Bà con trong nước đang dùng một lời khuyên rất hiệu quả khi thấy ai có ngôn ngữ, cử chỉ không đẹp. Ghé tai nói nhỏ: “Đừng để người ta tưởng mình người Trung Quốc!” Nói nhỏ nhẹ dịu dàng, nhưng ai nghe cũng thấy phải xét lại hành vi của mình!

Thí dụ, ở Việt Nam bây giờ, trong quán có mấy người cao hứng nói lớn tiếng, tranh nhau nói lấy được, không ai nhường ai, át giọng tất cả mọi người. Lúc đó, chỉ cần một người can ngăn: “Ông ơi, đừng nói lớn quá! Người ta tưởng bọn mình người Trung Quốc!” Nhắc nhở vậy đủ rồi! Người đang cười nói oang oang bỗng đỏ mặt, cái miệng tự đạp thắng, hạ thấp tần số vừa đủ nghe!

Bà con mình đang dùng “câu thiệu” này khắp nơi, khi thấy ai lớn tiếng. Khi đi trên xe buýt, khi cùng lên xuống một chuyến thang máy, khi bàn luận giá cả trong cửa hàng (ngoài chợ thì khó, đủ nghe thì phải nói lớn), cả trong đám bạn bè nhậu nhẹt, nếu thấy ai lớn tiếng quá, cứ dùng lời “đe dọa” này, chắc chắn công hiệu! Trong dịp Tết Tây và Tết Ta sắp tới, sẽ còn rất nhiều người ra đường, đi mua sắm, hội họp ăn uống, chắc lời khuyên bảo này sẽ được nghe nhiều hơn nữa!

Lối khuyên bảo này có thể đem dùng trong nhiều hoàn cảnh khác. Mỗi khi thấy ai có cử chỉ, hành động mà mình nghĩ là kém lịch sự, thiếu văn minh, mình có thể bảo nhau, thí dụ: “Này ông bạn! Đừng khạc nhổ như vậy! Người ta sẽ tưởng mình người Trung Quốc!” Nghe như thế, còn ai muốn khạc nhổ bừa bãi nữa hay không? Cứ thế, chúng ta sẽ nói: “Đừng vứt tàn thuốc lá xuống đường! Đừng vứt xương xuống gầm bàn! Người ta có thể tưởng mình người Trung Quốc!” Hoặc “Ông đến sau, đừng giành chỗ lên trước những người đã xếp hàng chờ! Người ta sẽ tưởng mình người Trung Quốc!”

Người Việt chúng ta nên tiếp tục dùng lời khuyên nhủ này, khắp nơi, đồng bào ở nước ngoài cũng nên bắt chước. Phong tục, tập quán sẽ thuần hậu.

banchuoi dukhach tq
Bà bán chuối vô cùng lúng túng, hoảng loạn trước những hành xử ngang ngược của nhóm du khách Trung Quốc. (Hình: báo Thanh Niên)

Nhờ đâu mà bà con sáng tạo ra phương pháp “cải cách phong tục” hiệu nghiệm như thế? Trước hết, bởi vì du khách Trung Quốc đang tràn ngập khắp nơi ở nước ta. Những dân lục địa không đủ tiền đi chơi Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, thì họ qua Việt Nam, Lào, Cambodia! Họ kéo đi hàng đoàn, vui vẻ, xí xô nói lớn tiếng, chen lấn, xô đẩy, giành giựt, xả rác, khạc nhổ, coi nước Việt Nam như chỗ không người! Rồi họ lại kỳ kèo, mặc cả, dí đồng tiền “nhân dân tệ” ra bắt người Việt nhận, làm như cả thế giới ai cũng tiêu cái hình Bác Mao!

Người Việt chứng kiến các hành vi thô lỗ của du khách Bắc phương thì cũng cảm thấy mắc cỡ! Đến mình mà cũng thấy xấu hổ cho họ thì đủ biết hành vi của “người lạ” nó “lạ” tới mức nào! Nhưng khi biết hành vi của họ đáng xấu hổ, bà con ta tự nhiên tự xét hành vi của chính mình, của đồng bào mình! Nhiều lúc chính mình có khi cũng không được hoàn hảo! Nhìn các du khách Trung Quốc, thấy như đang soi gương! Ngó mặt mình, ngắm nghía, biết mình phải cũng thay đổi! Đây chính là một cơ hội tự sửa mình!

Phải thông cảm điều nay: Các du khách, nước nào cũng vậy, khi đến xứ lạ họ thường không cảm thấy bị kiềm thúc như khi sống ở xứ họ; dù ở nhà họ vẫn cư xử văn minh, lễ độ. Vì khi đến một nơi toàn những người lạ hoắc, mà cả đời chắc mình chỉ gặp một lần, họ cảm thấy được “tự do, phóng túng” hơn. Không riêng gì người Trung Hoa. Năm 2015, chính quyền Mã Lai Á đã bắt giữ và phạt nặng một du khách người Anh quốc, một người Hòa Lan, và hai người Canada, vì khi leo lên tới đỉnh núi Kinabalu, họ cao hứng cởi hết quần áo! Kinh khủng! Cả nước Malaysia kêu trời! Vì đó là một nước Hồi Giáo, đàn bà để hở mặt ra cho đàn ông lạ thấy đã bị coi là “thất tiết!” Là bất chính!

Cũng đừng tưởng rằng các du khách Trung Quốc chỉ biểu diễn những hành động bất xứng khi qua Việt Nam, vì đến một nước nghèo hơn mình, họ có thể coi thường, không cần ăn ở nghiêm túc (Hai ngàn năm trước, các thái thú như Nhâm Diên, Tích Quang đã kể rằng dân Việt ăn mặc lõa lồ, trẻ con không biết ai là cha mình).

Ở trong chính nước họ, nhiều người lục địa cũng coi trời bằng vung! Đi qua một nước giầu mạnh như Nhật Bản, nhiều người cũng có những thái độ, cử chỉ rất đáng tiếc!

Bởi vì phần lớn đám du khách này chỉ mới giầu có gần đây thôi. Họ tưởng khi có đồng tiền thì có quyền huênh hoang, sai bảo ai cũng được, nhất là những người phải “phục vụ” họ. Và từ lúc lớn lên họ chưa có dịp tập cách ăn ở văn minh. Hồi Tháng Sáu năm 2016, trong nước Trung Hoa, một bà du khách đã tát tai cô tiếp viên ở phi trường Thẩm Quyến, chỉ vì cô này không in được bản lộ trình, bắt bà khách phải chờ đợi – cái máy bị kẹt! Có ông hành khách trên máy bay tỉnh bơ mở cánh cửa cấp cứu, để… ra ngoài hút thuốc! Có bà cãi nhau với tiếp viên phi hành, giận quá tát tai cho nó biết thân! Có ông lấy túi xách tay của hành khách khác, moi ra lấy đồ!

Từ năm 2015 chính phủ Trung Quốc đã làm một “sổ đen” ghi tên những người lỗ mãng, không cho lên máy bay nữa. Để chấm dứt mối hiểu lầm khắp thế giới, cho rằng chỉ có người Trung Hoa thô lỗ. Tháng Giêng năm 2016, thêm hai người được vào sổ vì họ thẩy ly nước nóng vào cô tiếp viên, trên chuyến bay Bangkok-Nam Kinh.

Nhưng du khách không chỉ biểu diễn các hành vi bất xứng trên phi cơ. Khu Disneyland ở Thượng Hải đã được du khách lục địa tới thăm, trước khi mở cửa ngày 16 Tháng Sáu năm ngoái. Nhân nghỉ Lễ Lao Động, nhiều người đến Disney Town coi trước, và sau khi họ ra về, trên cái cột đèn thấy có hàng chữ “Tôi đã đi du lịch, tới đây rồi! Ở khu Phòng San (Fangshan, 房山) ngay tại Bắc Kinh, có du khách cũng xịt sơn viết tên mình lên vách đá tại thắng cảnh Quái Thạch San (Guaishishan, 怪石山). Phủ Tiên Hồ (Fuxian, 抚仙湖), cái hồ sâu nhất ở tỉnh Vân Nam nổi tiếng là nước trong vắt. Tháng Chín năm ngoái, có mấy bà du khách tới đó, nhẩy xuống tắm gội thoải mái, tự nhiên như ở nhà!

Nhưng các du khách Trung Quốc đi máy bay nổi tiếng hơn cả. Tháng Chín năm ngoái ở phi trường Thượng Hải, hai hành khách đến trễ sau khi cửa máy bay đã đón. Hai ông bà bèn chạy thẳng ra sân bay, đứng chặn trước cái phi cơ đang lăn bánh, trong tay còn lễ mễ ôm cả mấy cái va li! Chuyến bay bị trễ 20 phút mới cất cánh! Có gì đâu, ở nhà chúng tôi vẫn chặn xe đò để leo lên kịp chuyến như vậy mà!

Cái thói quen “tự nhiên như ở nhà” này, người ngoại quốc không hiểu được. Có hai bà người Trung Quốc gặp nhau ở phi trường Narita, bên Nhật, hồi Tháng Hai năm ngoái. Chỉ có một chuyện, là giành nhau lên phía trước, bà này đẩy xe hành lý đụng xe của bà kia. Đồng bào cả mà, có thể xin lỗi rồi nhường nhau cũng được, nhất là đang trước mặt người ngoại quốc! Nhưng bà Peng Jing, chủ nhân một công ty xây dựng, nhảy lên tát mặt bà kia, rồi đánh đấm, cấu xé, vẫn tự nhiên như thường la mắng nhân viên dưới quyền khi ở nhà. Khi cảnh sát tới, thấy đối thủ sứt môi, chảy máu, chợt nhớ ở xứ Nhật không thể dúi tiền cho công an là xong, bà Peng, 42 tuổi, bỏ chạy, ra tới cửa thì bị tóm! Trên truyền hình Nhật Bản, Asahi’s news, All-Nippon News, có ngay một hoạt cảnh hấp dẫn!

Kể chuyện các thói xấu của du khác Trung Quốc rồi, cũng phải nghĩ đến nhiều thói xấu của người mình. Có ai còn nhớ đồng bào mình đã nhau đi “hái hoa, cướp hoa” anh đào Nhật Bản trước đây bảy năm không? Mấy năm sau, lại diễn ra cảnh ở quận Ba Đình, khi bà con mình giành giựt 3,000 cái áo mưa Hòa Lan tặng hay không? Có người nhảy lên cả sân khấu, giựt cái áo mưa trên tay nhân viên đại sứ quán!

Nhưng từ năm nay, mỗi lần thấy ai có những hành vi đáng xấu hổ như vậy, người Việt có thể sửa cho nhau bằng một câu nói: “Đừng làm như thế! Người ta lại tưởng mình là du khách Trung Quốc!” Có lẽ lời khuyên răn này sẽ giúp dân mình, ở trong nước cũng như bên ngoài, bỏ bớt được nhiều tât xấu! Sau này, khi người Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới là cư xử lễ độ, nhường nhịn, trọng kỷ luật, phải giải thích cho con cháu hiểu rằng đó cũng là nhờ xưa ông bà, cha mẹ đã thay đổi, cũng nhờ thấy các du khách Trung Quốc!

Có người lạc quan còn hy vọng lời khuyên bảo trên có thể thay đổi cả guồng máy công quyền. Có thể nào chúng ta khuyên các ông cảnh sát giao thông một câu, chẳng hạn: “Đừng đòi hối lộ chứ! Người ta lại tưởng anh công an Trung Quốc!”

Nhưng nói câu đó xong, chắc mình cũng cảm thấy hơi xấu hổ. Vì hồi Tháng Năm năm ngoái, chính các du khách đã dây người Việt không nên đòi tiền đút lót. Một trăm du khách Trung Hoa đã làm náo loạn tại ngay phi trường, trong lúc họ chuẩn bị rời Việt Nam, chỉ vì các quan gác cửa đòi tiền mãi lộ! Có lẽ các vị này đã đọc tin chiến dịch “Đả hổ, diệt ruồi” của Tập Cận Bình bên nước họ! Họ muốn “dạy cho Việt Nam một bài học!” Chính họ có lòng tốt, muốn các con ruồi hải quan ở Việt Nam học tập phong trào chống tham nhũng của Tập Chủ Tịch!

Ở nước ta hiện giờ chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng đang lo chống tham nhũng theo lối Tập Cận Bình: Đả hổ trước! Đả Đinh Cao Thăng, đả Nguyễn Văn Bình, vân vân, giống như Tập Cận Bình đã diệt Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu! Sẽ có ngày anh Ba Ếch phải khuyên Nguyễn Phú Trọng bằng cách ghé tai nói nhỏ: “Đừng đả hổ nữa! Người ta lại tưởng anh người Trung Quốc!”

Nói vậy chưa chắc đã hiệu quả. Ông Nguyễn Phú Trọng có thể trợn mắt: Được làm người Trung Quốc càng sướng chứ sao? (Ngô Nhân Dụng)