“Một kẻ chỉ thấy xung quanh mình toàn người xấu thì bản thân kẻ ấy khó có thể là người tốt. Một đảng nhìn ra bên ngoài toàn thấy thế lực thù địch, còn khi nhìn nhân dân mình thì phát hiện ngay ra lũ phản động nhiều nhung nhúc, thì đó là là… là… một đảng thông minh!”


Trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam chưa khi nào có một tác giả chưa từng có tác phẩm xuất bản nhưng khi nằm xuống lại được nhiều người đến viếng và thương tiếc đến thế.

dinhvu hoangnguyen 1Trang blog Lão Thầy Bói Già
Photo courtesy of Trang blog Lão Thầy Bói Già

Đa tài

Anh là nhà thơ, vì thơ rất hay. Anh là họa sĩ chuyên nghiệp vì tốt nghiệp tại trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội. Anh là một nhà văn: truyện ngắn của anh chứa đầy nụ cười và trăn trở. Cười vì văn chương anh dí dỏm một phần nhưng trăn trở vì phía sau những số phận nhân vật mà anh đem vào truyện như nét vẽ chân dung trọn vẹn tính người trong dòng chảy gập ghềnh của thời đại.

Nhưng có lẽ điều làm anh nổi tiếng là do những bài viết ngắn trên trang blog cá nhân mang tên Lão Thầy Bói Già của anh.

Người nghệ sĩ đa tài ít tuổi đó là Đinh Vũ Hoàng Nguyên. Giã từ bàn viết ở tuổi 37 khi tài năng chỉ mới bắt đầu nhưng đã báo hiệu một phong cách lạ, nhiều dấu ấn và luôn làm ngạc nhiên người đọc.

Trang blog Lão Thầy Bói Già là sợi giây buộc anh vào trí nhớ người đọc. Từ khi ngã bệnh, hàng trăm người không quen đã đến tận giường để nhìn cho được con người mà họ yêu mến. Anh nằm đó, cười gượng gạo tuy thể xác đau đớn nhưng tâm hồn anh bật sáng niềm hãnh diện vì đã với tay chạm vào được giác quan cảm thụ của người khác.

Nhiều đề tài Hoàng Nguyên chú ý cũng được người khác khai thác. Thế nhưng, không ai có được cái cách viết như Đinh Vũ Hoàng Nguyên, vì thế Lão Thầy Bói Già đứng riêng một cõi.

Chưa có trang blog nào mà tổng số chữ rất ngắn nhưng nói được quá nhiều như trang blog Lão Thầy Bói Già của Nguyên. Ít chữ lắm nhưng khi chúng đứng chung lại với nhau lại có khả năng làm cho người đọc phải nhảy múa.

Hoàng Nguyên dùng trang blog để trực diện tuyên chiến với những lố bịch đang xảy ra chung quanh và phần lớn tập trung vào một nhóm đối tượng chức quyền, kể cả người cao nhất đang điều hành đất nước. Cái cười của anh không ác, nó chan chứa tình tự thể loại tiếu lâm dân dã của người miền quê Bắc Bộ. Dòng chữ của anh chưa bao giờ đẩy người khác xuống bùn sâu. Họ chỉ hụt hẫng, khó chịu, tự xấu hổ một chút và biết đâu sau đó lại biết ơn Lão Thầy Bói Già, hơn là điên cuồng vì chạm nọc.

Cái ác chưa bao giờ được người ta tán thưởng kể cả khi dùng nó trong văn chương để chống lại cường quyền bạo ngược.

Đinh Vũ Hoàng Nguyên tìm ra được cách diễn tả cả một câu chuyện với một hay hai dòng ngắn ngủi. Ngắn đến nỗi không thể ngắn hơn nhưng trong cái ngắn ấy nói lên rất nhiều điều mà nếu viết dài hơn lại không thể nói.

“Mình đi ăn thịt chó ở Vĩnh Phúc. Trong mâm có phó chủ tịch xã, tuổi khoảng ngoài bốn mươi. Rượu ngon, thịt chó ngon. Nhân câu chuyện về tình hình an ninh ở địa phương, phó chủ tịch xã nói:

- Báo cáo các bác, số nghiện hút phát hiện được ở địa phương bọn em là 31 đồng chí, còn đảng viên chi bộ bọn em có 16 thằng…Chuyện thật 100%. Thằng Nguyên mà nói điêu thì làm con chó!”

Người đọc cười vì trong câu chuyện lắm “đồng chí nghiện” này không cụ thể một ai cả nhưng lại rất tượng hình cả một tập thể vốn không hơn gì những anh nghiện nhưng được phong hàm đồng chí. Câu chuyện không khiến cho ai động lòng để cả các đồng chí thật ngoài đời nhưng khi nụ cười lắng xuống người đọc thấy thú vị và lâng lâng tự hỏi nhờ vào đâu mà Nguyên lại viết được như thế?

Cũng thế, cũng đồng chí cũng cười đùa nhưng trong mấy dòng về Kim lãnh tụ thì một ít chua chát xuất hiện phía sau nụ cười. Không còn cà khịa như câu chuyện giữa bàn thịt chó. Có vẻ nghiêm túc hơn vì đồng chí này đuợc cả thế giới theo dõi. Đồng chí Kim của Bắc Triều Tiên nằm xuống gây cho rất nhiều đồng chí Việt Nam bối rối vì không biết gọi bằng gì…

“Kim lãnh tụ chết. Dân mình gọi Kim là “thằng”. Còn cái đảng của dân do dân vì dân trong lời chia buồn gọi Kim lãnh tụ là “đồng chí”. Để dung hòa, có lẽ nên gọi Kim lãnh tụ là “thằng đồng chí”, để vừa có tính đảng, vừa có tính nhân dân.”

Không ai nỡ cho rằng câu chuyện này của Hoàng Nguyên lại cố tình mạt sát cả một cái đảng nổi tiếng là Đảng Cộng sản, tuy nhiên đâu hiếm người sẽ khóc lên như dân Bình Nhưỡng trước thi hài Kim lãnh tụ nếu việc khóc đó có thể nâng họ lên một tầm cao mới?

Hoàng Nguyên còn là cây viết khôi hài đen khi có những dòng chữ không ai có thể cười được tuy rất muốn cười.

“Ngày 27/11/2011, công an thành phố Hà Nội bắt được một số người ở hồ Hoàn Kiếm. Sau khi điều tra nghiên cứu, lực lượng công an đã phát hiện ra những người này đều tàng trữ trái phép tai, mắt và mồm... Đây là lời cảnh tỉnh cho những người nào ở Việt Nam hiện còn tàng trữ những bộ phận này một cách trái phép.”

Cứ cách viết như thế Đinh Vũ Hoàng Nguyên vẽ những mảng thời sự, đời thường lên trang blog của mình:

“Một kẻ chỉ thấy xung quanh mình toàn người xấu thì bản thân kẻ ấy khó có thể là người tốt. Một đảng nhìn ra bên ngoài toàn thấy thế lực thù địch, còn khi nhìn nhân dân mình thì phát hiện ngay ra lũ phản động nhiều nhung nhúc, thì đó là là… là… một đảng thông minh!”

Đinh Vũ Hoàng Nguyên là một nhà văn mặc dù truyện ngắn của anh chưa bao giờ được xuất bản. Hai truyện được biết nhiều nhất là Cao Như Đảng và Nhà Cuối Ngõ đã đại diện được phong cách của Nguyên. Truyện thật ngắn Cao Như Đảng yếu tố châm biếm nhẹ nhàng nhưng không dễ quên của anh, có thể điển hình cho toàn bộ những gì mà anh quen thuộc:

Cao Như Đảng

dinhvu hoangnguyen 2
Cố họa sĩ, nhà thơ, nhà văn Đinh Vũ Hoàng Nguyên trong chuyến đi Hà Giang. Photo courtesy of blog Lão Thầy Bói Già. Photo: RFA

Tên của gã là Cao Như Đảng. Tên cúng cơm của gã là Cao Như Đảng. Trong lý lịch gã đề tên Cao Như Đảng. Tức là đích thị trên đời có thật một gã Cao Như Đảng.

Cao Như Đảng biệt tài làm thịt chó, thịt nhanh, nấu khéo, cả làng cả xóm biết tiếng. Ngay cả chó dại, chó chết ốm, chó bị trẹt xe…, gã mà đã nhúng tay pha thịt, ướp hấp, lúc dọn lên mâm vẫn ngon nhức.

Trong xóm nhà ai thịt chó cũng nhờ gã. Ủy ban xã khi nào tiếp khách hay liên hoan, cần thịt chó, lại gọi gã. Bản lĩnh ấy khiến gã với mấy vị trên Ủy ban thành thân tình. Dần dần người ta lấy luôn cái nghề của gã gắn vào tên, gọi gã là Đảng Chó. Gã nghe vậy cũng chẳng lấy gì làm phiền.

Một ngày, Cao Như Đảng mở quán thịt chó.

Hôm khai trương, gã mời cán bộ trong xã đến đánh chén. Rất vui. Nhưng đang dở bữa, thì bí thư xã phát hiện ra cái biển trước quán đề THỊT CHÓ ĐẢNG. Ông bí thư gọi Cao Như Đảng đến, quắc mắt: “Ông ghi thế này là chửi ai?”. Cao Như Đảng nói: “Thì dân vẫn gọi em là Đảng Chó, các bác trên xã cũng gọi em là Đảng Chó, thì giờ mở quán em làm biển thế cho tiện!”. Bí thư bảo: “Lời nói gió bay, nói mồm với nhau không có gì làm bằng, chứ ghi lên thế này thì mặt mũi đảng còn cái chó gì nữa?”. Gã đành “dạ dạ…”.

Cái biển sau, rút kinh nghiệm, Cao Như Đảng đề: ĐẢNG THỊT CHÓ.

Bí thư xã đến ăn, nhìn biển mới, gật gật gù gù bảo: “Sửa thế này được, để cái giống ấy sau chữ đảng, cho đỡ bị hiểu lầm!”.

Đang bữa, bí thư sực nghĩ, giật mình, mới quát: “Dỡ biển xuống ngay, khẩn trương, phản động, muốn đi tù à?”. Cao Như Đảng méo mặt hỏi: “Cả nhà nhà em toàn người ngoan và ngu, có biết gì mà phản động?”. Ông bí thư hạ giọng, thầm thì: “Nước mình là một đảng lãnh đạo, cấm có cái chuyện hai ba đảng, ông ghi thế này nhỡ ai hiểu là ông lập đảng đối lập, thì toi!”. Cao Như Đảng bảo: “Chả nhẽ thằng bán thịt chó và mấy thằng ăn thịt chó mà cũng bị thành đảng à?!”. Bí thư bảo: “Ai chả biết thế! Nhưng cái nước mình nó thế! Mà thôi, tốt nhất thời này cái gì đã đảng thì đừng chó, mà đã chó thì đừng đảng!”. Gã đành “dạ dạ…”.

Sau bữa đấy, Cao Như Đảng lại thay biển mới, còn đề mỗi THỊT CHÓ.

Nhưng lắm lúc gã tấm tức: đến cái giống chó còn đi không đổi họ, ngồi không đổi tên, lúc biến thành thịt vẫn gọi là chó, chẳng nhẽ chỉ do nước này có độc cái đảng mà thành mình phải kị húy, phải kiêng cả tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho, thì hóa chẳng bằng chó!

Nhà Cuối Ngõ là một truyện ngắn khác diễn tả một cộng đồng rất nhỏ tại một xóm nghèo. Trong Nhà Cuối Ngõ tác giả nối các mối quan hệ nửa kín nửa hở của các nhân vật vào với nhau và bằng một giọng văn hài hước rất thông minh, Đinh Vũ Hoàng Nguyên đặt người đọc ngồi trước câu chuyện, thấy từng chi tiết, từng phân cảnh và trên hết thấy được tính nết của từng con người rất khác nhau trong cái cộng đồng người nhỏ bé ấy.

Nhà Cuối Ngõ

Ngà là con gái mụ Điếc, nhưng không hề điếc. Ngà lấy chồng ở ngõ bên cạnh, chưa có con. Buổi tối Ngà bán bún ngan vịt ngay cửa nhà.

Chồng Ngà là tổ trưởng tổ kéo đường dây điện, thường đi công trình xa. Thằng này cục. Ngà lại là loại đáo để. Hai vợ chồng hay choảng nhau.

Có gã hàng xóm cạnh nhà Ngà buổi tối sang ăn bún khuya, thấy Ngà tươi, mỡ, chồng lại đang đi vắng… Nhìn quanh quán thấy chẳng còn ai, gã hàng xóm lúc đỡ bát bún cố chạm tay vào vú Ngà, bảo: “Thêm cho anh tí thịt thừa ở ngực nhé!”. Ngà đang cầm muôi nước dùng nóng chan luôn vào đũng quần gã…

Gã hàng xóm bỏng, mà không dám kêu ai. Hàng tuần giời đi đứng như thằng sa đì.

Chồng Ngà đi công trình về, ngủ mê mệt. Ngà mở điện thoại chồng thấy có ảnh chụp chồng vừa hát, vừa lúi húi móc rốn mấy cô em môi đỏ trong hàng karaoke. Thằng chồng đang ngáy há hốc mồm, Ngà nhặt chiếc guốc, nhè mồm chồng bổ, chửi: “Thằng đĩ, bà ở nhà giữ bướm cho mày, hầu hạ cả bố mẹ mày để cho mày đi sướng bậy à?”. Thằng chồng rách môi, gẫy nửa răng cửa liền tóm tóc vợ, dúi, lên gối uỳnh uỵch. Ngà thò tay tóm dái chồng bóp nghiến, chồng phải nhả tóc.

Ngà bỏ về nhà mẹ đẻ. Thằng chồng Ngà lôi hết đống guốc của vợ chặt sạch.

Sáng hôm sau thằng này đi làm, dái đau, chân bước lạng dạng. Ra ngõ, chạm mặt gã hàng xóm, thấy gã kia nhìn trộm mình lấm lét, lại cũng bước lạng dạng hệt mình, mới bảo: “Ông tương bỏ mẹ mày giờ! Mày thích nhại ông à?!”

Đinh Vũ Hoàng Nguyên có những bài thơ trái ngược hoàn toàn với văn phong của anh. Chất thi ca trong thơ của Đinh Vũ lãng mạn và dịu dàng như tiếng mưa đêm, đủ nhẹ để làm người ta nhung nhớ. Khi làm thơ, anh thì thầm và nông nổi không còn cái nét truyền thần đầy những vết nhăn suy tưởng như khi anh viết truyện, viết blog.

Chút tự sự, và em

Những cơn bão xiêu đêm. Những cơn bão dịu dàng.
Những ga lá nhắc nửa đời lỗi hẹn.
Gió hấp hổi suốt một thời của biển
Có bao giờ biết lặng trước mùa thu.
.
Em!
đang nghĩ gì khi anh ôm bàn tay?
Đôi mắt muộn, ngóng vì sao lẻ!
.
Em đừng bâng khuâng điều xa xôi quá
Một cơn mau cũng tạo nên mùa
Bởi ta đến bên nhau đâu phải từ sóng mắt
Mà bởi lòng lắng lại mới thành nhau.
.
Và điều không dễ mất trong nhau
Như cuối nắng còn trăng lưu bóng nắng
Ta thấm qua nhau những niềm chưa hết nỗi…
Đôi mắt muộn, ngôi sao bay chớp vội
Em ủ cánh buồm, câu ước, sao băng.
.
Khi anh lắng nghe tiếng trái tim em
Nghe khoảng lặng nửa đời anh, chợt đập
Nghe bao điều riêng đau, ta không kể
Bởi một điều trong nhịp nhịp đồng rung.
Là điều chẳng dễ gọi thành tên
Nước mắt vẫn không mầu,
khi lăn qua nỗi đau và hạnh phúc.
Đôi mắt muộn, một vì sao rụng
Giọt nước mắt này anh muốn gọi thành tên.
.
Trời rộng đất dài ta đến tìm nhau
Đất trời gọn trong làn hơi nhau thở.
Em nhận nhé nửa đời chưa hết gió
Để cánh buồm… câu ước, sao băng…
.
Có một phố vừa đi qua phố
.
Có bao người vừa đi qua phố
Có một phố vừa đi qua phố
Có chút lòng khẽ chạm… làn rêu.
.
Phố, kẹo lạc kẹo vừng
Con dế thơ ngây gáy vào cơn ngủ
Nắng câu Kiều thơm gió những vòm đêm
Cánh cò lạc bờ đê
cò dò trên ngói
bỗng gặp cái cò trong tiếng à ơi…
.
Phố, làng lúa làng hoa
Người trong phố về quê trong phố
Ngã tư lòng
vương
ngát sen hương…
.
Phiên chợ đầu hôm
Sông Hồng cong mình trên bờ vai thành phố
Người quang gánh gánh làng về phố
Mùa nước đỏ mắt người cũng đỏ
Mỗi mảnh trăng phôi trên mỗi mảnh đời…
.
Cửa ô
Im lìm
Đoàn quân
chuyển mình lên biên giới
Những giọt máu hai mươi hợp dòng xa phố
Ngọn đèn – Tim
cháy thâu sương…
Có người cha tiễn con,
mắng vợ mình mau nước mắt
Nhưng đêm ấy là đêm
mờ mưa, sao tắt
Gò má người cha
mọng
thắp
Ánh sao…
.
Vỉa hè
Lang thang
Đứa trẻ không nhà
trèo sấu trèo me đi bán
Sau cơn mưa
gẫy rắc
cành me…
Người đàn ông
nước mắt không rơi suốt thời chinh chiến
Bỗng mặn mòi se giọt… giữa vành môi!
.
Khúc ơ khúc ơ…
Đêm qua
Tiếng rao cũ lạc người trên gác cũ
Có cụ già cô đơn bỏ phố
Chị hàng rong
đặt tấm bánh trên bàn thờ, hương đỏ
Những mảnh lòng chưa thành quen trong phố
Khóc ngậm ngùi tiễn tưởng một người thân.
.
Bình minh bay từ khung cửa sổ
Dòng sông trôi từ khung cửa sổ
Đa – Nuýp
xanh
sắc cốm Vòng
Những mảng trầm thiêm thiếp giấc đông
Bỗng mở mắt cái hoa lên tháng
Có người con gái
Dịu dàng đưa tháng qua môi
,…
.
Ta bên nhau trên phố của bao người
Bao ân tình vừa đi qua phố
Có một phố vừa đi qua phố!
Có một người lắng phố, bên em.
.
Em hồn nhiên cho phố hồn nhiên
Tóc phả mái bên chiều
phai phai nắng ngói…
Thân thương quá!

Trước khi Đinh Vũ Hoàng Nguyên đi xa anh kịp để lại cho con một gia tài quý giá đó là hơi thở của tổ quốc trong lúc mệt lả nghẹn ngào. Con anh khi lớn lên bắt đầu tập nói chắc chắn sẽ được mẹ đọc cho nghe bài thơ này và từ đó trái tim của cháu làm sao rời được hình ảnh mà cha đã gieo vào lòng trước lúc đi xa? Bài thơ mang tên “Những Huyết Cầu Tổ Quốc”.

Những Huyết Cầu Tổ Quốc

dinhvu hoangnguyen 3Cố họa sĩ, nhà thơ, nhà văn Đinh Vũ Hoàng Nguyên và con trai trong những ngày cuối. Photo courtesy of blog nhà văn Nguyễn Quang Vinh. Photo: RFA


Xin lỗi con!

Khi hôm qua ôm con
Có một phút giây, ba chợt xiết con vào lòng hơi mạnh
Ba làm con đau!
Bởi hôm qua
Ba đọc câu chuyện về đồng bào mình – những huyết cầu* Tổ quốc.
Máu lại tuôn…, xô dập, mảnh ván tàu…
Con ơi
Ba sẽ kể con nghe
Câu chuyện những ngư dân
Đang hóa thân thành hồng cầu*
để Trường Sa, Hoàng Sa
Vẫn là thịt trong huyết hình Tổ quốc.
Con phải khắc tâm
Câu chuyện những bạch cầu*:
là 74 người lính Việt Nam chết giữa Hoàng Sa.
là 64 người lính Việt Nam chết giữa Trường Sa.
Những con số sẽ không là con số
Khi ngẩng đầu: Tổ quốc 4000 năm.
Mỗi con đường – mạch máu đất nước mình
Vết thương đạn bom vừa yên trong đất
Vọng phu còn trên nét mặt mồ côi.
Nhưng những mũi tàu vẫn xẻ trùng khơi
Nơi sóng rẽ cũng là nơi máu chuyển
Và trong mỗi người Việt mình có mạch máu nối liền với biển
Mạch máu này con phải thấy bằng tim
Nếu một ngày sóng nộ, cường lên
Giữa lòng Việt bốn nghìn năm cũng dậy.
Thứ lỗi cho ba
Khi bài thơ đầu đời cho con, không thể bình yên!
Kẻ thù lăm le cướp biển nước mình
Đất nước bốn nghìn năm trên sóng.
Đừng quên: sau lời thề, lông ngỗng…
Giai nhân, huyết ngọc đổ bên trời.
Một ngày
Khi con nếm trên môi,
Con sẽ thấy máu mình vị mặn.
Bởi trong máu luôn có phần nước mắt
Ta hiểu căm thù, ta biết yêu thương.
Con sinh ra rạng rỡ một huyết cầu
Của đất nước bốn nghìn năm không ngủ
Để điều này lớn lên con hiểu
Bây giờ, ba phải kể cùng con.

Đinh Vũ Hoàng Nguyên không còn nữa. Người mến mộ anh rất nhiều và trong những dòng chữ anh để lại tuy không gửi cho ai nhưng khi đọc lên người ta vẫn cứ tin rằng anh đang viết cho họ.

Còn gì đáng vui hơn cho một nghệ sĩ khi người đọc cùng thổn thức, cười lả hay khắc khoải với những con chữ vô tri được anh ta nặn ra từ những vết thương không có máu nhưng lại không thể nào lành…