main billboard

Tết năm Chó, xin nói về một số con chó nổi tiếng, mà chủ nhân là các vị nguyên thủ quốc gia cũng nổi tiếng.


hoamai

Ít người biết rằng, tại nước Mỹ, ngoài những ngày nổi tiếng như Ngày Độc Lập (Independence Day), Ngày Tạ Ơn (Thanksgiving Day), Ngày Tình Yêu (Valentine’s Day), Ngày Cựu Chiến Binh (Veterans Day), Ngày của Mẹ (Mother’s Day), Ngày của Cha (Father’s Day)…, còn có Ngày Chó trong Chính trị Quốc gia (National Dogs in Politics Day).

Tết năm Chó, xin nói về một số con chó nổi tiếng, mà chủ nhân là các vị nguyên thủ quốc gia cũng nổi tiếng.

Washington và Sweet Lips

Trước hết là vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, George Washington, và những con chó của ông.


cho 1
Bức tranh The First Gentlemen of Virginia, 1909, của John Ward Dunsmore, vẽ George Washington và đàn chó của ông trong một cảnh săn chồn (fox hunting)

Theo bài George Washington: President, General and Dog Breeder viết vào năm 2009* của Tiến Sĩ Stanley Coren, Giáo sư Đại Học British of Columbia, vị Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ, không những là một tướng lãnh, còn là một nhà gây giống chó săn chồn, và chính nhờ tài nuôi chó, đã giúp ông được tiến cử vào địa vị lãnh đạo lực lượng chống Anh quốc, sau đó được bầu làm vị nguyên thủ của tân quốc gia.

Là một chủ nông trại có học, Washington biết cách chăn nuôi và gây giống chó. Khởi đầu, ông đã gây được loại chó săn đặc biệt, gọi là Virginia Hounds. Về sau, nhờ quen thân với Bá Tước Lafayette, ông lấy được giống chó độc quyền của vua Pháp, gây được giống chó săn lớn hơn, mạnh hơn, gọi là American Foxhounds.

cho 2
Chó American foxhound lấy giống từ chó săn chồn của Pháp

Theo Giáo Sư Coren, khi đại diện thuộc địa Virginia đi họp Đại Hội (Continental Congress) để tìm cách chống Anh, George Washington, một ngựa một chó, con Sweet Lips, vốn sống ở nông trại, cảm thấy lạc lõng giữa một thành thị đông đúc như Philadelphia. Nhờ ông Thị Trưởng giầu có Samuel Powel, và bà vợ Elizabeth, là người thích chó, và thích cả phong thái đặc biệt của George, đã làm quen và giới thiệu ông với giai cấp thượng lưu đầy quyền lực tại Philadelphia. Ngày nay, giới quyền thế quen nhau tại sân golf. Ngày xưa, người ta kết bạn với nhau tại câu lạc bộ săn bắn (Hunting Club). Ngoài thông minh, chăm chỉ và ngay thẳng đáng nể, hình ảnh George cao đẹp trên lưng ngưa với đàn chó chạy theo, đã đặc biệt gây ấn tượng trước mắt những người đang toan tính một thay đổi lớn. Mọi người đã đồng lòng chọn George Washington làm Tư Lệnh đạo quân Lục Địa (Commander of the Continental Army).

Lòng yêu chó của Washington đã phản ảnh rõ qua câu truyện vào ngày 06 tháng Mười, 1777, trong trận đánh giữa quân Mỹ và quân Anh, tại Germantown. Hôm ấy, giữa làn ranh hai kẻ thù, binh sĩ Mỹ bắt được một con chó nhỏ. Nhờ chi tiết trên cổ dề, được biết chủ nó là Tướng Anh Howe. Con chó được mang tới Washington. Các sĩ quan tham mưu đề nghị giữ nó như một chiến lợi phẩm, để ông Tướng Anh xuống tinh thần. Washington ra lệnh cho chó ăn, tắm rửa và chải lông cho nó, rồi bất ngờ ra lệnh tạm ngừng chiến. Quân sĩ hai bên ngạc nhiên thấy một tuỳ viên của Washington cầm cờ trắng, dẫn chó sang trả lại cho Tướng Tư Lệnh Anh.

Tài liệu cho biết George Washington có tới 36 chó săn, mỗi con đều có một tên đặc biệt, như Sweet Lips, Venus, Truelove…

Looty vương giả

Có thể nói, trên thế giới, một con chó duy nhất đã có cơ hội sống tại hai cung vua, với kẻ hầu người hạ. Đó là con Looty.


cho 3
Tranh vẽ Looty của hoạ sĩ Đức Friedrich Wilhelm Keyl, 1861

Giữa thế kỷ 19, Anh muốn tự do đem nha phiến tới bán trại Trung Hoa. Nhà Mãn Thanh chống lại, thi hành chính sách bế quan toả cảng. Cho rằng bán ma tuý để dân khác nghiện, là quyền tự do tối thượng của nền văn minh Tây phương, Anh Pháp đem quân trừng phạt. Ngày 06 tháng Mười 1860, liên quân Anh Pháp kéo tới Di Hoà Viên, một cung điện nghỉ hè ở ngoại ô Bắc Kinh, được Vua Càn Long cho xây cất từ thế kỷ 18, có núi, có hồ, với hàng trăm dinh thự nguy nga tráng lệ, tiêu biểu cho mọi kiểu kiến trúc từ khắp nơi trên thế giới, và khắp các miền trong nước Tầu. Di Hoà Viên ngày nay du khách tới thăm không phải nguyên thuỷ, chỉ là tái thiết.

Trước khi vị tướng Anh là Lord Elgin châm lửa đốt cung điện này, đạo quân của Pháp tới trước đã cướp phá tan hoang. Vị tướng Pháp de Montauban đã ra lệnh giữ lại đồ quý báu trong một căn phòng, để chia đôi, một nửa đem về nộp vua Louis-Napoleon của Pháp, một nửa dâng Nữ Hoàng Victoria của Anh. Trong số “chiến lợi phẩm” cướp được tại đây, có năm con chó giống Bắc Kinh (Được viết khác nhau: Pekingese hay Pekinese), do một cung phi nuôi. Bà này quá già để có thể di tản cùng Hoàng Gia, đã ở lại, chết vì quá sợ (có nguồn dư luận nói bà tự tử), khiến đàn chó quý bị mồ côi. Một con trong số này được Đại Uý Hart Dunne, đem vế Anh dâng Nữ Hoàng Victoria. Đây là loại chó rất quý, được gọi là chó sư tử, hay chó thần, gây giống dành riêng cho nhà vua, chỉ sống trong cung vua. Có tài liệu cho biết, ít nhất một người đã bị xử tử, vì âm mưu đem loại chó này ra nước ngoài.

Loại chó này rất nhỏ, và khôn. Mỗi con chỉ nặng chừng bốn năm ký lô, cao cỡ một gang tay. Vì thuộc loại chó vua chúa, ăn uống cũng khác thường. Tại Điện Windsor, bà quản gia đã phải viết cho thượng cấp, thông báo về chế độ ăn uống của con chó mới, theo đó, nó không chịu ăn bánh mì với sữa; chỉ có cơm với thịt gà, trộn chút nước sốt, là hợp với nó nhất. Bà thượng cấp có vẻ bực mình, viết lại rằng: ”Một con chó Tầu đòi thịt gà cho thực đơn!” Bà chỉ thị: “… sau một hồi nhịn và một chút cưỡng ép, nó sẽ ưa những gì tốt cho nó.”

Nữ Hoàng Victoria đã đặt tên chó là Looty, và yêu cầu họa sĩ vẽ hình nó. Bà còn chỉ thị, cần vẽ kèm với một thứ gì đó, để người xem có thể nhận ra được kích thước rất nhỏ của nó. Hoạ sĩ Keyl đã vẽ nó ngồi trước một bình cắm hoa của Nhật, với mấy bông hoa, và cái cổ dề của nó có gắn hai cái nhạc. Đúng là Đông Tây khác biệt. Con chó là của cướp được, Nữ Hoàng Anh đã gọi đúng tên nó là “Looty.” Nếu là một nước khác tại phương Đông, với nền văn hoá cổ hơn, và tự hào dân tộc cao hơn, người ta đã đặt tên nó là “Victory” (Vinh quang), hay “Winny” (Thắng lợi).

Không biết Hoàng Gia Anh đã nuôi Looty bằng đồ ăn Tây hay đồ ăn Tầu, chỉ biết nó sống tại Hoàng Cung Anh được một thập niên. Theo Royal Collection Trust, Looty giống đực. Theo Jung Chang, tác giả Từ Hy Hoàng Thái Hậu (Empress Dowager Cixi) và nhiều bộ sách giá trị lịch sử khác, Looty là chó cái. Looty chỉ mới sống cách nay 150 năm, nhiều hình ảnh và tài liệu về nó còn tồn tại, nhưng hai nguồn tin thẩm quyền và uy tín nói trái ngược về phái tính của nó. Sự thật, nó là đực hay cái? Tin ai? Trong khi ấy, rất nhiều người, trải qua nhiều thế hệ, đã cãi nhau, đánh nhau, giết nhau, tàn sát và tiêu diệt lẫn nhau, chỉ vì không thể đồng ý với nhau về một vài quan điểm, một vài truyện thần thoại, một vài truyền khẩu hay một vài sự việc không biết rõ có bao nhiêu phần trăm sự thật, đã xảy ra từ hàng ngàn năm trước. Không có tài liệu, hay kết quả nghiên cứu nào chứng tỏ loài chó cũng cắn giết nhau vì bất đồng như vậy. Phải chăng, chó khôn hơn người?

Từ Fala bất bình…

Tổng Thống Mỹ duy nhất đắc cử tới bốn lần, Franklin Roosevelt, có con chó duy nhất được tạc tượng cùng với chủ, là Fala.

Tên nguyên thuỷ là Big Boy, đi vào sử sách với tên Fala, thu gọn từ một tên dài thoòng là Murray the Outlaw of Falahill, được Roosevelt đặt theo tên một bậc tiền bối người Ê-cốt (Scottish). Fala nổi tiếng, vì nó luôn bên cạnh chủ, từ khi sống, trong đám tang, cũng như sau khi chết. Mỗi buổi sáng, nó có một khúc xương trên khay đồ ăn của chủ. Nhà bếp Bạch Ốc chiều nó, thời kinh tế khó khăn, trong khi người dân thiếu ăn, nó được ăn nhiều quá, bị bệnh, Tổng Thống phải ra lệnh chỉ mình ông có quyền cho nó ăn. Nó được theo ông đi khắp nơi, cả trong nước lẫn ngoại quốc. Nó có thư ký riêng trả lời thư ngưỡng mộ.


cho 4
Tổng Thống Roosevelt và Fala luôn bên cạnh


cho 5
Tượng Roosevelt và Fala tại đài tưởng niệm FDR ở Washington DC

Người hay chó, hễ nổi tiếng đều bị chỉ trích, nhất là khi dính dáng tới chính trị. Đầu thập niên 40, có tin đồn là trong một chuyến đi tới quần đảo Aleutian ở Bắc Thái Bình Dương, con Fala đã bị bỏ quên trên một hòn đảo, Tổng Thống phải gửi một chiến hạm tới tìm. Phía chính khách đối lập nắm lấy cơ hội, lớn tiếng chỉ trích Tổng Thống phí phạm ngân sách quốc gia trong thời buổi kinh tế khó khăn. Roosevelt phải lên tiếng đáp lễ.

Ngày 23 tháng 9, 1944, Roosevelt mở đầu cuộc vận động tranh cử tổng thống lần thứ tư, cũng là lần chót, tại Washington, D.C. Qua một diễn văn dài nửa tiếng trong bữa tiệc tại nghiệp đoàn International Tramsters Union, được trực tiếp truyền đi trên khắp các hệ thống radio, ông nói:

    Các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hoà đã không chỉ thoả mãn với việc tấn công tôi, hay vợ tôi, hoặc các con tôi. Không, họ không bằng lòng với điều đó, bây giờ họ bao gồm cả con chó nhỏ của tôi, con Fala. Tất nhiên, tôi không bất bình với những lời công kích, gia đình tôi cũng không bất bình với chỉ trích, nhưng Fala thì bực mình. Quý vị biết đấy, Fala thuộc giống Ê-Cốt (Scotch), và vì thuộc giống Ê-Cốt, ngay khi nó biết rằng các vị viết truyện giả tưởng thuộc đảng Cộng Hoà ở trong hay ngoài Quốc Hội, đã nghĩ ra được một câu truyện rằng tôi đã bỏ quên nó tại một hòn đảo ở Aleutian, và đã gửi một chiến hạm trở lại để tìm nó – với phí tổn cho tiền thuế của dân lên tới hai hay ba, hay tám hay hai chục triệu đô la – cái tâm hồn Ê-Cốt của nó đã sôi lên. Nó đã không còn là một con chó như trước nữa. Tôi đã quen nghe những bịa đặt độc ác về tôi … Nhưng tôi nghĩ rằng tôi có quyền để bất bình, để phản đối những tuyên bố xúc phạm tới con chó của tôi.

Bài đáp lễ đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Mọi người đều cười phá, kể cả phía Cộng Hoà; không phải chỉ những người được nghe trực tiếp, mà hàng triệu người tại khắp nơi được nghe qua radio. Diễn văn được mang tên “Fala speech”, và con Fala đi vào lịch sử.

… Đến Checkers cứu chủ

Đúng tám năm sau bài diễn văn Fala nổi tiếng, và cũng do cảm hứng từ Fala speech, một con chó khác cũng đi vào lịch sử qua diễn văn của một ứng cử viên. Đó là con Checkers.

Năm 1952, hai tháng sau khi được Tướng Eisenhower chọn làm ứng cử viên phó tổng thống chung liên danh với ông, Nghị Sĩ Richard Nixon đã bị phía Dân Chủ phanh phui việc xử dụng quỹ ủng hộ sau bầu cử vào việc riêng. Chiến dịch tố cáo lên tới mức nguy hiểm, đến nỗi Eisenhower và Đảng Cộng Hoà đã chuẩn bị việc thay thế Nixon bằng một nghị sĩ khác. Nhưng Nixon cương quyết tiến tới, bằng cách mua giờ trên TV và radio, tự trình bầy thẳng nội vụ trước công chúng, để cử tri tỏ thái độ.


cho 6
Richard Nixon và Checkers, con chó nổi tiếng giúp Nixon thành Phó Tổng Thống, nhưng nó chết trước khi chủ thành Tổng Thống nên không bao giờ được ở Bạch Ốc

Tối 23 tháng 09, 1952, tại rạp El Capitan ở Los Angeles (bây giờ là Avalon Hollywood), sau khi trình bầy chi tiết về số tiền bị dị nghị 18 ngàn đô la đã được dùng vào hoạt động chính trị, không phải việc riêng, không vì tư lợi, Nixon nói:

    Một điều khác có lẽ tôi cũng nên nói với quý vị, bởi vì nếu không nói, có lẽ người ta cũng sẽ nói điều này về tôi, đó là chúng tôi có nhận được chút đỉnh – một món quà – sau ngày bầu cử. Một quý ông ở Texas nghe Pat, nhà tôi, nói qua radio sự việc là hai đứa nhỏ của chúng tôi thích có một con chó. Và, quý vị tin hay không tuỳ ý, vào trước ngày chúng tôi lên đường cho cuộc vận động này, chúng tôi nhận được giấy báo từ nhà ga Union Station ở Baltimore, nói rằng có một kiện hàng gửi cho chúng tôi. Chúng tôi xuống để nhận. Quý vị có biết đó là cái gì không?

    Nó là một con chó nhỏ thuộc loại cocker spaniel trong một kiện hàng đã được gửi từ tận Texas. Chó đen chấm trắng, và con gái nhỏ mới 6 tuổi của chúng tôi là Tricia đã đặt tên nó là Checkers. Và như quý vị đã biết, trẻ con, như mọi đứa trẻ con đều thích chó, và tôi chỉ muốn nói điều này ngay bây giờ rằng, dù ai nói bất cứ điều gì về chuyện này, chúng tôi cũng sẽ giữ nó.

60 triệu khán thính giả TV và radio đã theo dõi bài diễn văn này, được tức khắc mang tên “Checkers speech,” và Chó Cộng Hoà đã nổi tiếng ngang với Chó Dân Chủ. Thư. điện tín và tiền ủng hộ Nixon tới tấp đổ về. Eisenhower và đảng Cộng Hoà quyết định giữ lại Nixon.

Vì cả Fala speech và Checkers speech cùng diễn ra vào ngày 23 tháng Chín, cách nhau 8 năm, ngày này được mang danh là National Dogs in Politics Day.

Bạch Ốc dị ứng


cho 7
Ronald Reagan bế Lucky khổng lồ nhìn qua cửa sổ trực thăng Marine One

Tổng Thống Reagan và bà Nancy không mang chó vào Bạch Ốc, nhưng bắt đầu nhiệm kỳ nhì, ông bà được March of Dimes, tổ chức gây quỹ giúp trị bệnh cho trẻ em và sản phụ, tặng một con chó nhỏ, lông xù, giống Bouvier des Flandres; loại chó chăn cừu hay kéo xe, gốc Bỉ. Theo bà Nancy, lúc được tặng, nó chỉ nhỏ như trái banh bằng bông – bà gọi nó theo tên mẹ bà, Lucky – nhưng chỉ ít lâu, nó lớn như một con ngựa non. Khi lớn đủ, giống chó này có thể nặng từ 40 đến 60 ký lô. Mỗi khi dắt chó đi dạo, thường là chó dẫn người, thay vì người dẫn chó.

Theo nhận xét của Heather Voight, một tác giả của nhiều sách lịch sử, tuy con Lucky rất dễ thương, rất quyến luyến chủ, nhưng “nó không bao giờ thích ứng với đời sống tại Bạch Ốc. Sau một hồi cho đi học vâng lời tại trường huấn luyện, ông bà Reagan đành cho nó về sống tại trang trại ở California, nơi nó tha hồ tự do vùng vẫy.”

Lucky rời Bạch Ốc về sống tại nông trại Rancho del Cielo trước Thanksgiving 1985. Vào đầu tháng 12 năm ấy, ông bà Reagan có một con chó khác thay thế, tên Rex, là món quà Giáng Sinh do nhà bình luận bảo thủ nổi tiếng William Buckley, Jr. tặng. Rex sống cuộc đời vương giả tại Bạch Ốc, cho đến khi rời khỏi đây cùng với chủ vào đầu năm 1989.

Trường hợp con Lucky phải ra khỏi Bạch Ốc, vì có tác phong và nếp sống không thích hợp với nơi đây, chứng tỏ Bạch Ốc là một nơi đặc biệt, nơi “nhĩ mục quan chiêm”, nơi biểu tượng cho cả một nước lớn. Không phải bất cứ ai, cả người lẫn vật, dù có cơ may vào được đó, có thể yên ổn sống ở đó, theo ý mình; muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, bất chấp khuôn khổ chuẩn mực truyền thống. Ví dụ ông Nixon, qua diễn văn Checkers, long trọng hứa trước cử tri rằng, ông là người yêu nước, ông sẽ tiếp tục tranh đấu cho đến khi đuổi hết bọn lừa dối, bọn cộng sản và thân cộng ra khỏi Washington. Đến khi bị chỉ trích vì vụ Watergate, ở cương vị Tổng Thống, ông tuyên bố “Tôi không phải là kẻ lừa dối” (I am not a crook). Nhưng trước bằng chứng không thể chối cãi ông chính là kẻ lừa dối, ông tự biết mình không thích hợp để sống ở Bạch Ốc nữa. Ông đã tự xử trước khi bị đuổi; cũng như sau này, ông bà Reagan đã “tự xử” thay cho Lucky.


cho 8
Nữ Thủ Tướng Anh Margaret Thatcher và Tổng Thống Reagan, 20-02, 1985
Chủ và khách, thay vì dẫn chó đi dạo tại sân cỏ Bạch Ốc, đã phải chạy theo chó

Bạn trung thành ở Washington

Có câu nói thường được nhắc đi nhắc lại, muốn có bạn trung thành ở Washington, cách tốt nhất là nuôi một con chó. Cuối năm 1997, Clinton có được con chó đực, giống Labrador Retriever, đặt tên Buddy, theo một ông chú thân thiết trong họ mới qua đời. Dịp này, phát ngôn viên Bạch Ốc tuyên bố với báo chí rằng, sự việc có con chó, là vì “Nguyện vọng của Tổng Thống muốn có một bạn trung thành ở Washington” (“It’s the President’s desire to have one loyal friend in Washington.”)

Quả thật, chỉ ít lâu sau, khi vụ lăng nhăng với “that Woman” (Monica Lewinsky) nổ ra vào năm 1998, cả Washington, Bill Clinton chỉ còn một bạn trung thành, là Buddy. Những hình ảnh còn lại cho thấy, vào thời gian đó, Buddy là bạn cứu tinh của Clinton. Nếu thiếu nó bên cạnh, trong khi cả gia đình và bạn bè xa lánh, không hiểu Clinton đã ra sao?

Đáng buồn là, khi rời Bạch Ốc về sống ở Chappaqua, N.Y., Buddy đã bị xe cán, thiệt mạng ngày 02, tháng 01, 2002.

Điều đáng buồn thứ nhì là, tuy đứng hàng đầu về công bằng, nhân đạo và bảo vệ súc vật, nước Mỹ vẫn còn những bất công hiển nhiên. Chẳng hạn, giữa cặp bài trùng Clinton và Buddy, kẻ bị thiến, đáng lẽ không nên là Buddy.


cho 9
Tổng Thống Bill Clinton hôn Buddy, năm 1998

Chó đưa tổng thống vào tù

Nếu có những con chó giúp cho sự nghiệp của chính khách, như Fala, Checkers, cũng có con chó làm cho nguyên thủ quốc gia thân bại danh liệt. Đó là trường hợp đáng buồn của nữ Tổng Thống Đại Hàn Park Geun-hye.

Park Geun-hye là con gái đầu của Tướng Park Chung-hee (Phác Chính Hy), nhà độc tài khét tiếng cai trị Nam Hàn từ 1961 đến 1979. Ở tuổi 66, vẫn chưa từng lập gia đình, nên gọi Park là cô. Khi gặp cô vào năm 1979, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, một người nổi tiếng đạo hạnh, đã ghi vào nhật ký của mình: “Tôi ngạc nhiên thấy cô quá đẹp”. Khi ấy cô mới 27 tuổi, và đóng vai Đệ Nhất Phu Nhân, sau khi mẹ cô bị giết trong một vụ ám sát hụt bố cô, do Bắc Hàn chủ mưu. Bốn tháng sau khi gặp Carter, bố cô lại bị ám sát, lần này không hụt. Kẻ chủ mưu không từ Bắc Hàn, mà là Giám Đốc cơ quan tình báo Nam Hàn, một thuộc hạ thân tín của Bố. Lý do, theo lời tự khai của kẻ sát nhân, một phần để thực thi dân chủ, phần còn lại do bất bình vì bố cô không có biện pháp giữ cô khỏi bị hớp hồn bởi một trưởng giáo (cult leader) đáng ngờ.

Trưởng giáo tự phong này là Choi Tae-min, được dư luận gọi là Korean Rasputin, chuyên bịa chuyện thần thánh bí hiểm, lừa bịp để thủ lợi. Từ một cảnh sát viên, ông làm tu sĩ Phật giáo, rồi nhập đạo Công giáo, cuối cùng lập đạo riêng. Sau khi bà Park bị giết, ông viết thư cho cô Park, nói hồn bà Park gặp ông, nhờ ông săn sóc cô. Ông được mời tới Phủ Tổng Thống, gặp Tướng Park, nhờ thanh thế lập phong trào vận động giới trẻ ủng hộ chính phủ, với cô Park, cùng con gái ông là Choi Soon-sil đóng vai trò quan trọng. Sau khi Tướng Park bị ám sát, vai trò của ông đối với cô Park còn quan trọng hơn nữa. Ông nói hồn cha mẹ cô Park nhờ ông giúp cô trở thành lãnh đạo vĩ đại của thế giới. Ông chết năm 1994, con gái ông, Choi Soon-sil, trở thành cố vấn quan trọng nhất của cô Park, từ khi cô là dân biểu, đến khi cô thành tổng thống.

Trưởng giáo Choi Tae-min cưới vợ năm lần, người tình không kể. Con gái ông chỉ ly dị có hai lần, có bạn thân, đẹp trai, trẻ hơn 20 tuổi, báo chí gọi là “boy toy”, tên Ko Young-tae, 40 tuổi.

Một hôm, Choi Soon-sil nhờ boy toy trông chừng con chó nhỏ của con gái mình. Thay vì trông chó, boy toy vốn ham chơi, khoá cửa nhốt chó ở nhà, rồi đi chơi. Bị cố vấn tổng thống la mắng nặng lời, boy toy cảm thấy mình bị đối xử tệ hơn chó, trong một xã hội vẫn còn ăn thịt chó, bèn nuôi hận. Ko Young-tae trả thù bằng cách lén quay phim, thu thập bằng chứng về mọi việc Soon-sil dựa vào sự liên hệ với Tổng Thống Park để làm bậy, nhất là ép những công ty lớn, kể cả Samsung, Hyundai, … nạp hàng triệu đô la để được ưu đãi. Kế tiếp là đưa bằng chứng cho báo chí phanh phui. Nội vụ nổ lớn hơn bom nguyên tử phía Bắc. Kết quả, Tổng Thống Park mất chức, vào tù cùng với cố vấn Choi.

Khuyết điểm của sinh hoạt dân chủ, là những người dễ tin, dễ bị lợi dụng như cô Park, vẫn được bầu vào địa vị nguyên thủ quốc gia. Ưu điểm của sinh hoạt dân chủ, là có tự do, nếu làm sai thì có cơ hội làm lại, bầu lầm thì cách chức. Chỉ cần một con chó nhỏ, cũng có thể đá văng chiếc ghế tổng thống.


park tt
Tổng Thống bị truất phế Park (trái) và cố vấn Choi (phải) vào tù vì chó
Tin vui, chính quyền mới cùa Đại Hàn đã có lệnh cấm giết chó


In God We Trust

Theo thống kê, từ 150 năm nay, Tổng Thống Donald Trump là chủ Bạch Ốc đầu tiên không nuôi chó. Nếu ông sẽ nuôi, dĩ nhiên thống kê này không còn giá trị.

Theo một bài báo của Jennifer Weiner, đăng trên New York Times ngày 8 tháng 1, 2018, và nhiều báo khác, Tổng Thống Trump chẳng những không nuôi chó, ông còn không biết gì về chó. Bằng chứng là ông đã dùng hai chữ “như chó” để miệt thị những ai ông không ưa, hay chỉ trích ông, kể cả người thân tín cũ. Ví dụ, người thất cử như Mitt Romney, bị gọi là “hóc như một con chó” (choked like a dog). Bill Maher bị ABC sa thải, ông gọi là bị “đuổi như một con chó” (fired like a dog!) Ngay cả chiến lược gia hàng đầu của ông tại Bạch Ốc, Steve Bannon, sau khi bị thôi việc, chính ông miệt thị là “Bây giờ Steve bê bối bị hầu hết mọi người loại bỏ như một con chó. Bết quá!” (Now Sloppy Steve has been dumped like a dog by almost everyone. Too bad!) Ngày nay, những ai biết về chó, dù không nuôi chó, đều thấy rằng, loài chó không bị khinh miệt như thế, nhất là tại Mỹ.

Tại sao các nguyên thủ quốc gia khác đều thích chó, nuôi chó, mà ông Trump ghét chó, và không biết về chó? Có người biết chút đỉnh về khoa Tử Vi, nói rằng, Tổng Thống Trump sinh năm 1946, Bính Tuất, tuổi Chó, ghét chó là phải. “Mình đã là chó, đâu có yêu chó. Giống người, mấy ai yêu người; chỉ yêu thứ khác”. Mới nghe tưởng có lý, té ra sai bét. Bill Clinton, George W. Bush đều tuổi Chó, cùng sinh năm 1946, các ông này đều thích chó, và nuôi chó ở Bạch Ốc.


cho 10
Bảng cấm chó, dân da đen và Mễ tại nơi công cộng, vào thời Nước Mỹ Vĩ Đại

Vậy, phải tìm hiểu theo hướng khác. Tổng Thống Trump đã tranh cử, và thắng cử với khẩu hiệu “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again). Vĩ đại trở lại, như thời nào? Ông không nói rõ. Nhưng có thể hiểu được, qua lời nói và việc làm của ông ở cương vị nguyên thủ quốc gia. Ông ghét dân Mễ — đề nghị xây tường ở biên giới phía Nam. Ông ghét Obama – da đen. Ông ghét chó – mọi thứ chó. Đã có một thời nước Mỹ hạn chế cả ba thứ này. Có lẽ theo ông, đó là thời kỳ nước Mỹ vĩ đại, và ông chủ trương làm lại như thế. Nếu cách suy diễn này chính xác, tấm biển cấm ba thứ sinh vật nêu trên sẽ chính thức xuất hiện trở lại, hữu hình hay vô hình, vào một ngày đẹp trời nào đó.

Ngoài thái độ không thích chó, cá tính Tổng Thống Trump còn nổi bật ở chỗ đạt kỷ lục phóng đại. Theo tổng kết của báo Washington Post, trong một năm ở địa vị tổng thống, ông Trump đã nói không đúng sự thật 2140 (hai ngàn một trăm bốn mươi) lần. Tính trung bình, mỗi ngày ông nói sai gần 6 lần. Một kỷ lục khó ai phá nổi. Có bao nhiêu người tin vào ông, hình như ông không cần. Ông chỉ tin vào Chúa. Ở phần cuối Thông Điệp Liên Bang đọc trước lưỡng viện tối 30 tháng 1, 2018, Tổng Thống Trump miệng nói, tay chỉ dòng chữ khắc vào đá IN GOD WE TRUST ở toà nhà Quốc Hội, người hiện diện vỗ tay râm ran.

Người viết theo dõi Thông Điệp ở nhà, nhớ lại hồi mới tới Mỹ trên bốn chục năm trước, đọc được ở một tiệm sửa xe ở Alexandria, VA: “In God We Trust, All Others Pay Cash” (Chúng tôi tin vào Chúa, mọi người khác trả tiền mặt).

————

* https://www.psychologytoday. com/blog/canine-corner/200901/ george-washington-president- general-and-dog-breeder