main billboard

Sau 43 năm “giải phóng” bây giờ chúng ta mới thấy chế độ nào “heo“nhiều hơn chế độ nào và nay đĩ điếm như rươi, từ trong quán hớt tóc, phòng tắm hơi đến quán võng bên đường.


casi locvang
Ca sĩ “Lộc Vàng” trở lại sân khấu Nhạc Vàng Hà Nội sau 10 năm tù vì hát Nhạc Vàng. (Hình: Trần Đình Sơn)

Sau những vụ trấn áp quyền yêu nước, cướp đất của dân chúng, chuyện đánh thuế trâu bò ăn cỏ ngoài đồng, đánh thuế vịt thả rong ngoài ruộng theo phương cách “nhổ lông vịt” của đảng CSVN, một tổ chức chính trị đã lên án Việt Nam với các điểm như sau.

(Xin mở ngoặc, chữ “chúng” ở đoạn dưới đây là để chỉ đảng Cộng Sản và chính phủ Việt Nam).

“Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược. Chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.”

Nhưng không! Đây là mấy đoạn trong tuyên ngôn Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2 Tháng Chín, 1945 lên án thực dân Pháp. Chế độ thực dân và chế độ Cộng Sản nào đã ai hơn ai?

Qua chuyện “Nhạc Vàng,” với dân Hà Nội, “vụ án Phan Thắng Toán và đồng bọn bị xét xử về tội truyền bá văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại các chính sách pháp luật của nhà nước.” Tội đó là tội phổ biến nhạc vàng (hồi đó là nhạc tiền chiến) là một trong những vụ án mà người Cộng Sản không quên. Bản án ngày 27 Tháng Ba, 1968 cho ba người trong nhóm Lộc Vàng, tổng cộng là 37 năm tù giam.

Nhưng câu chuyện nhạc vàng chưa hết, trong cuốn Bên Thắng Cuộc của Huy Đức có nhắc đến vài chuyện cũ. Mục “Đó Đây” của báo Sài Gòn Giải Phóng đã nêu lên chuyện khi Cộng Sản vào Sài Gòn, dân chúng vẫn còn thích nghe những bản nhạc nhạc vàng kiểu “Khi biết em mang kiếp cầm ca – Đêm đêm phòng trà… chỉ còn anh thôi, chỉ còn em thôi!” mà “Cách Mạng” lên án là “rã rời, rên rỉ, dã dượi như người mất hồn…” Báo này cho loại nhạc còn lại “thời Ngụy” “là ru ngủ, là trật đường rầy, vì thời bây giờ là lúc ta có tất cả, còn tất cả, chớ đâu có cái lạc lõng, bơ vơ, sờ soạng, chỉ còn anh, chỉ còn em!”

Bây giờ Cộng Sản không bỏ tù ai vì hát nhạc vàng, vì không lẽ bỏ tù cả miền Nam?

Bốn mươi ba năm trôi qua, tờ Sài Gòn Giải Phóng vẫn còn sống dai như đảng Cộng Sản, nhưng mọi sự đã khác. Chuyện thối tưởng đã vứt đi, nay lượm lên mũi mà ngửi, xuýt xoa khen thơm. Cái loại nhạc “rã rời, rên rỉ” đó đang lên ngôi ở các phòng trà, vũ trường khắp nước. Các shows do ca sĩ ‘Ngụy’ “chạy theo bơ thừa sữa cặn,” nay “hồi đầu” trở về hát bolero đều được đón tiếp trang trọng và “cháy” vé.

Lộc Vàng lẽ ra phải được xin lỗi, và hồn oan Ông Nguyễn Văn Đắc và “Toán Xồm” phải được giải oan. Nhưng Cộng Sản là thế đó!

Vào thời kỳ “ta tiến về Sài Gòn” hào khí chiến thắng ngút trời, đập phá tất cả những gì của Mỹ Ngụy. Một chuyện nhỏ như “xổ số kiến thiết quốc gia” phải dẹp gấp, đây là một trong những trò bóc lột của tư bản đã hoành hành chục năm nay ở miền Nam.

Tội nghiệp, ngày xưa toàn miền Nam chỉ có một sở xổ số, đem tiền lời về cho ngân sách quốc gia, chỉ mấy năm sau, thời Việt Cộng, mỗi tỉnh là một sở xổ số, từ Quảng Trị cho đến Cà Mau. Buổi chiều, giờ xổ số, tại các góc đường, nơi có bàn giấy số, cái radio được mở với công suất lớn, bà con bu quanh, lớp trong lớp ngoài, tay ai cũng cấm xấp vé số, hy vọng chút may mắn. Không có tương lai, nghèo khổ đến tận cùng, người còn chút hy vọng nơi sự may rủi của những con số qua tiếng rè rè của cái “đài” “tàn dư Mỹ Ngụy” còn sót lại.

Báo Sài Gòn Giải Phóng vào Tháng Sáu, 1975 đã lên án sách vở miền Nam đã ru ngủ đồng bào trong suốt 21 năm (từ 1954) dài chiến tranh và mất nước, ngược lại đã đánh thức những “con heo” trong lòng họ và đã biến Sài Gòn thành một “ổ điếm khổng lồ!”

Sau 43 năm “giải phóng” bây giờ chúng ta mới thấy chế độ nào “heo“nhiều hơn chế độ nào và nay đĩ điếm như rươi, từ trong quán hớt tóc, phòng tắm hơi đến quán võng bên đường. Trong một xã hội đạo đức suy đồi như hôm nay, con người chỉ biết tiền, muốn có thu nhập cao, muốn ăn chơi xa hoa mà đi bán dâm. Tại thành phố Sài Gòn, đại diện huyện Củ Chi đã phát biểu: “trước kia mại dâm chỉ hoạt động ở trung tâm nhưng nay đã bung ra toàn thành, chỗ nào cũng có!”

Chưa có một chế độ nào kể cả phương Tây, có tình trạng gái mại dâm là người mẫu, diễn viên, hoa hậu… như ở Việt Nam.

Bách Khoa Toàn Wikipeda đã nêu tên các diễn viên, người mẫu, ca sĩ như Yến Vy, Kim Tính, Hồng Hà, Võ Thị Mỹ Xuân,Thiên Kim, Lâm Nhật Ánh,… một số kiêm luôn vai trò chủ chứa. Giá bán dâm của các “chị em” lên tới $7,000 như trường hợp Lại Thu Trang, diễn viên, Á khôi cuộc thi sắc đẹp của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Khách hàng, nếu không phải là cán bộ cao cấp, quyền lực của chế độ này thì còn ai vào đó. Nạn hiếp dâm, phá thai kỷ lục của Việt Nam đã đưa xã hội này đến chỗ băng hoại tận cùng.

Cộng Sản tố cáo, cho rằng miền Nam có nhiều cái xấu, làm “cách mạng” là phải đập phá hết, nhưng cuối cùng chế độ này quả là một chế độ xấu xa thối nát thập phần. Chỉ mới thấy qua vài thẩm mỹ viện ở Sài Gòn, Trần Bạch Đằng đã hốt hoảng: “Nói cho cùng, chủ nghĩa thực dân mới đem đến cho một bộ phận thanh niên cái đẹp của người nô lệ, một cái đẹp vay mượn. Muốn giữ cái đẹp đó thì phải suốt đời mất nước, suốt đời ăn xin!”

Ngày nay Sài Gòn có bao nhiêu lò sửa sắc đẹp, và có bao nhiêu phụ nữ đi Thái Lan, Nam Hàn chỉnh trang nhan sắc, thân thể để có “cái đẹp của người nô lệ.”

Nếu chẳng may còn sống đến bây giờ, và nếu còn chút lương tri, hẳn ông Trần Bạch Đằng phải lấy làm ngượng ngùng và xấu hổ vì những câu nói “biểu diễn lập trường” của ông.

Mấy chữ sau cùng này các ông cộng sản dùng để phỉ báng miền Nam, hôm nay xin gửi tặng lại cho chế độ của các ông, một chế độ: “… suốt đời mất nước, suốt đời ăn xin! (Huy Phương)