Điều rất nghiêm trọng: sau “mid-term,” nếu phe Dân Chủ lấy lại đa số Hạ Viện chắc chắn họ sẽ bắt đầu “impeachment/bãi nhiệm” tổng thống.

trump auchau
Tổng Thống Donald Trump đang có chuyến công du Âu Châu. (Hình: Getty Images)

Bạn đọc nguyệt san Thế Kỷ 21 và nhật báo Người Việt từ cuối thời 1990 (qua bốn lần tranh cử Tổng Thống Bush và Tổng Thống Obama) đã quen thuộc với hệ thống bầu cử Mỹ. Bắt đầu với những “bầu cử sơ bộ/primary elections,” với hai đảng chính chọn người đại diện ra tranh cử Quốc Hội và tổng thống trong “tổng tuyển cử/general election,” đầu tháng Mười Một mỗi bốn năm. Hai năm sau “general election” là “mid-term election/bầu cử giữa nhiệm kỳ.” Như thế, bốn tháng nữa là “mid-term election” thời Tổng Thống Donald Trump, gồm bầu cử một số dân cử và sẽ cho biết đảng nào nắm được đa số ở Quốc Hội.

‘Huênh hoang, phách lác’ và nói láo

“Mid-term 2018” cũng là “trưng cầu dân ý” về tổng thống sau hai năm tại chức qua việc chọn những dân cử Cộng Hòa hay không; ông Trump lo sợ mình sẽ mất đa số Cộng Hòa ở Quốc Hội mà ông hiện nắm trong tay. Điều rất nghiêm trọng: sau “mid-term,” nếu phe Dân Chủ lấy lại đa số Hạ Viện chắc chắn họ sẽ bắt đầu “impeachment/bãi nhiệm” tổng thống.

Tin mới nhất: Ông Trump lại thay đổi điều kiện để ra điều trần trước “Đại Bồi Thẩm Đoàn/Grand Jury,” hoặc gặp mặt phỏng vấn với Công Tố Viên (CTV) Đặc Nhiệm Robert Mueller đã điều tra hơn một năm về “điều hợp” hay “collusion/thông đồng” giữa Mặt Trận Tranh Cử Trump và Nga nhằm triệt hạ ứng viên Hillary Clinton để ông Trump đắc cử. Nguy hiểm cho ông Trump hơn nữa là những nỗ lực che giấu tội lỗi giúp Nga lũng đoạn hệ thống dân chủ Mỹ, lem nhem tiền bạc với kẻ thù, và làm lợi cho Tổng Thống Vladimir Putin sau đó – có thể gọi đúng là “cõng rắn cắn gà nhà.”

Liên hệ giữa CTV và nhóm luật sư cũ của tổng thống đã giúp họ lập danh sách 49 câu hỏi ông Trump phải học để trả lời – giống như đi thi mà biết trước câu hỏi. Nhóm luật sư cũ đã từ chức, chạy dài; nhóm luật sư mới, dẫn đầu bởi “luật sư ti-vi” Rudolf Giuliani nay lại đòi phải có “ví dụ cụ thể” về phạm tội mới chịu phỏng vấn. Nói chung: ông Trump không dám ra phỏng vấn hay điều trần-dù chính ông là người đòi hỏi CTV phải làm “cho xong ngay điều tra… như đám mây đen (đe dọa ông)” – vì những thói quen “huênh hoang, phách lác/bombast and bluster” và những “láo khoét/lies” ông sử dụng suốt đời, từ làm ăn với bố cho tới tỷ phú, tranh cử và làm tổng thống.

Ông Trump và người ủng hộ sợ nhất là ông sẽ nói láo, mâu thuẫn, phạm tội khai gian – đều dễ bị buộc tội nghiêm trọng “obstruction of justice/cản trở thi hành công lý” đưa đến “impeachment.”

Ví dụ: ông đã nhận đọc lời khai láo cho con trai viết về mục đích gặp gỡ giữa ba người cầm đầu Tranh Cử Trump với CTV Nga, ở ngay bản doanh Trump Tower giữa 2016 – sau cả năm chối biến.

Tổng thống cùng đồng minh trong Quốc Hội, và ở ngoài như truyền hình Fox News (toàn tin “một chiều” ủng hộ nhà nước) đã tới tấp tấn cống Bộ Tư Pháp, CTV Mueller cùng FBI âm thầm nhưng ráo riết điều tra tổng thống và đồng lõa. Đã hơn 20 người bị truy tố, năm người đã nhận tội và tố cáo tổng thống, hai người đã vào tù; Bạch Ốc lại nhử mồi “bãi tội/pardon” cho người không hợp tác với CTV và FBI. Ông Trump cũng bổ nhiệm ông Brian Benczkowski làm Thứ Trưởng Tư Pháp đứng đầu hơn 500 CTV cự phách chuyên về những tội ác.

Phe dân cử Cộng Hòa đồng ý thông qua dù ông này chưa hề xử tội ác bao giờ – nhưng lại đầy kinh nghiệm đại diện cho Alfa Bank của Nga và đồng minh với Putin, làm việc với công ty Trump, Ủy Ban Chuyển Tiếp Trump, và tấn công CTV Mueller.

Để chắc hơn, ông Trump vội chọn quan tòa Brett Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện (TCPV) để giữ vị trí đa số (5 Cộng Hòa/4 Dân Chủ) với hy vọng được thoát tội khi ra tòa này. Ông Kavanaugh từng đòi bãi nhiệm Tổng Thống Bill Clinton (Dân Chủ) vì nói dối về chuyện tình dục cuối thời 1990; sau này ông hoàn toàn đổi giọng khi Tổng Thống Bush và ông phó Dick Cheney (Cộng Hòa) trâng tráo đánh lừa Quốc Hội và dân chúng để đi vào Iraq. Ông phạm pháp rõ rệt khi viết “Tổng thống không thể bị bãi nhiệm dù có phạm tội nặng” – ngược hẳn Hiến Pháp Mỹ xác định phải bãi nhiệm vì “trọng tội và khinh tội nghiêm trọng/high crimes and misdemeanors.” Ông sẽ phải tuyên thệ bảo vệ hiến pháp tới cùng khi vào TCPV.

Thành tích ‘rực rỡ?’

Vì “mid-term” thường bất lợi cho đảng đang cầm quyền, ông Trump phải cho thấy thành quả hai năm làm tổng thống để cử tri bỏ phiếu cho những ứng viên Cộng Hòa. Ông khoe thành tích về “cắt thuế/tax cuts” tối đa cho nhà giàu và “bỏ ràng buộc luật lệ/de-regulation” cho giới đại kỹ, thương và tài chính tha hồ làm giầu rồi giữ lợi nhuận tối đa. Đây gom lại sẽ “nhỏ giọt/trickle down” phúc lợi xuống các giới ở dưới; lý thuyết này từng bị chứng minh là sai từ thời Tổng Thống Ronald Reagan.

Điển hình trong thời ông Trump: Đại công ty AT&T sau lóp-bi được đóng thuế có 8%, nhưng nhân viên không được tăng lương; rồi AT&T quay ra sa thải 12 nghìn người. AT&T vừa được phép “nhập chung/merge” với đại công ty Time Warner, tăng độc quyền bóc lột người tiêu thụ viễn thông và truyền thông khắp thế giới, và sa thải nhân viên. Công ty toàn cầu Exxon Mobil được giảm thuế $6 tỷ, nhưng người tiêu thụ phải trả giá xăng và nhớt đi lên.

Chín năm nay, gồm hơn bảy năm với Tổng Thống Obama, kinh tế lên cao và tỷ số thất nghiệp đi xuống dưới 5%, tạo căn bản cho ông Trump tiếp tục phát triển. Sau “cải tổ y tế” và “cải tổ tài chính,” hàng chục triệu người được bảo hiểm sức khỏe, và mọi người tiêu thụ dịch vụ tài chính (từ ngân hàng, chứng khoán) được bảo vệ chống lại bóc lột, lừa bịp. Hai nhiệm kỳ Obama đã đưa Hoa Kỳ ra khỏi “suy thoái kinh tế/recession” và “thâm thủng ngân sách/deficit” trầm trọng, di sản từ thời Bush-Cheney.

“Cắt thuế tối đa kiểu Trump” cho những đại công ty và người giàu nhất, như gia đình ông, là tai họa cho ngân sách quốc gia. Phòng Quản Trị Ngân Sách Quốc Hội xác nhận luật giảm thuế mới sẽ “đưa đến mức độ thâm thủng ngân sách quốc gia chưa từng thấy, và có thể đưa tới khủng hoảng tài chính.”

Theo Giám Đốc Keith Hall, những năm tới Hoa Kỳ có thể vay nợ tới mức 152% Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GDP) – hiện nay mức nợ là 78% GDP.

Về mặt ngoại giao, những lời nói, “tuýt,” và hành động của tổng thống về gia tăng thuế nhập cảng tạo ra chiến tranh ngoại thương với cả thù lẫn bạn, thất nghiệp và “recession.” Ông Trump gây tranh chấp với đồng minh chính ở Châu Âu và Bắc Mỹ, bỏ rơi đồng minh Á Châu đồng thời lại quỵ lụy, ve vãn kẻ thù lâu đời Nga và Bắc Hàn.

Ông nói, “Thành quả chưa tổng thống nào làm được” với Bắc Hàn có thể “mang giải Nobel” cho ông sau “thượng đỉnh Singapore.” Ngay sau gặp gỡ với lãnh tụ Kim Jong Un, ông Trump lập đi lập lại điều bịa đặt hoàn toàn: “dân chúng Mỹ sẽ không còn phải lo sợ đe dọa bom nguyên tử (Hàn) nữa” và “Bắc Hàn đã trao trả 200 xác lính Mỹ” thiệt mạng trong Korean War.

Chưa đầy một tháng mọi sự như tan biến: Sau thượng đỉnh với ba lần gặp gỡ giữa Ngoại Trưởng Mikel Pompeo và trùm tình báo Kim Yong Cho, thủ đô Piongyang “tiếc là đã dự những gặp gỡ bàn thảo,” và buộc tội chính quyền Trump “làm những đòi hỏi đơn phương, đầy vẻ dân anh chị.” Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn tuyên cáo những đòi hỏi của Mỹ dễ đưa đến “một giai đoạn nguy hiểm có thể lung lay thiện chí giải giới nguyên tử rất mạnh mẽ trước đây.”

Kim Jong Un từ chối gặp ông Pompeo; không ảnh cho thấy những gia tăng xây cất cơ sở nguyên tử mới ở Bắc Piongyang.

Ông Trump hiện Âu du bàn chuyện Minh Ước NATO. Ông than phiền NATO không đóng góp tiền bạc phòng thủ chung, và đe dọa rút khỏi NATO, xem đây như một đối thủ kinh tế hơn là đồng minh. Đồng thời, ông lại hồ hởi thân thiện với kẻ thù Nga, nhất là Putin: đồng ý việc Putin chiếm vùng Crimea – “vì có nhiều người nói tiếng Nga ở đây,” y hệt lời nhà độc tài Đức Hitler nói và chiếm đất có người Đức.

Tuần tới, ông sẽ “hoan hỉ” gập riêng Putin, chỉ hai người với nhau và thông dịch viên. (Cổ-Lũy)