main billboard

... ngay lúc này, “nhân viên điều tra phải được rộng quyền lấy cung hắn ta để tìm hiểu xem tên này hành động theo chỉ thị của ai, xem ngoài vụ đặt bom ở Boston hắn có ý đồ nào khác nữa hay không,” theo lời Dân Biểu Cộng Hòa Peter King

Nên liệt kẻ tình nghi đặt bom giết người ở thành phố Boston trong danh sách nào? Khủng bố? Giết người? Câu trả lời đến từ các vị dân cử Cộng Hòa: đặt “hắn” trong danh sách “địch quân,” để nhân viên điều tra có thể hỏi cung hắn “cho tới khi nào thấy đã đủ những tin tức cần thiết và bằng chứng để giải tòa.”

tau nghican tronCảnh sát xem xét chiếc tàu nghi can Dzhokhar Tsarnaev nấp trước khi bị bắt ở Waterdown. (Hình: Darren McCollester/Getty Images)

Kẻ đang được nói đến là Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi, bị bắt sống ở Watertown, Massachusetts, tối Thứ Sáu tuần trước. Về mặt luật pháp, Dzhokhar nằm trong dánh sách bị tình nghi là thủ phạm vụ đặt bom sát đường đua Marathon trưa Thứ Hai, 15 tháng Tư 2013, giết chết 3 người và gây thương tích cho 176 người. Các cơ quan công lực địa phương và FBI đều nói hắn cùng với người anh trai là thủ phạm vụ đặt bom, trên đường tẩu thoát còn phạm thêm các tội dùng súng cướp một tiệm tạp hóa, cướp xe, và bắn chết một nhân viên cảnh sát của trường Ðại Học MIT.

Chuyện liên quan đến luật pháp là nhân viên công lực chỉ có 48 giờ đồng hồ để hỏi cung kẻ phạm pháp, sau đó phải đọc cho hắn nghe quy định Miranda, trong đó nói rõ là hắn “được quyền im lặng” không trả lời những câu hỏi của nhà chức trách, vì những gì hắn khai báo “sẽ được sử dụng (làm bằng chứng)” khi giải hắn ra tòa. Quy định này cũng nói rõ kẻ phạm pháp “được quyền có luật sư biện hộ.”

Chuyện cho Dzhokhar Tsarnaev được quyền có luật sư biện hộ là chuyện tính sau, ngay lúc này, “nhân viên điều tra phải được rộng quyền lấy cung hắn ta để tìm hiểu xem tên này hành động theo chỉ thị của ai, xem ngoài vụ đặt bom ở Boston hắn có ý đồ nào khác nữa hay không,” theo lời Dân Biểu Cộng Hòa Peter King, một trong những vị dân cử ủng hộ ý kiến phải sử dụng một tội danh khác đối với kẻ bị tình nghi giết người. Tội danh này là “đặt hắn ta vào danh sách những địch quân bị bắt giữ,” để nhân viên điều tra có thêm thì giờ hỏi cung.

Cùng với 3 thượng nghị sĩ Cộng Hòa khác (John McCain, Lindsey Graham, và Kelly Ayotte), Dân Biểu King ký tên trong bản tuyên bố với đại ý cho rằng “không có lý do gì để hắn ta được quyền im lặng, không trả lời những câu hỏi do nhân viên điều tra đặt ra” vì những gì nhân viên điều tra thu thập được qua lời khai của kẻ bị tình nghi “ảnh hưởng rất quan trọng đến an ninh quốc gia.” Khi tiếp xúc với báo chí, Dân Biểu King nói rõ “đây không phải là trường hợp phạm pháp thông thường” kêu gọi Tổng Thống Barack Obama “đừng sử dụng khuôn khổ luật pháp thông thường cho trường hợp đặc biệt như thế này,” bảo thêm “kẻ đang bị bắt giữ âm mưu tấn công nước Mỹ, âm mưu giết người Mỹ,” điều đó “có nghĩa hắn ta là kẻ địch,” đã là kẻ địch “thì phải xếp hắn vào danh sách địch quân.”

Thượng Nghị Sĩ John McCain “hoàn toàn đồng ý” với những điều Dân Biểu Kinh đưa ra, nói rằng việc tổng thống quyết định giao cho toán Ðiều Tra Ðặc Biệt (High-Value Detainee Interrogation Group, gọi tắt là HIG) giữ nhiệm vụ lấy cung Dzhokhar Tsarnaev “là điều hợp lý” nhưng “phải cho toán nhân viên đặc biệt này có thì giờ để biết cặn kẽ những gì liên quan đến hắn ta và kế hoạch phá hoại hắn ta có trong đầu hoặc được chỉ thị làm.” Toán điều tra HIG được Tổng Thống Obama thành lập hồi 2009 quy tụ những nhân viên ưu tú nhất của các cơ quan FBI, CIA và Cơ Quan Tình Báo Quốc Phòng (DIA). Sắc lịnh thành lập cũng ghi rõ nhân viên của toán điều tra đặc biệt “phải tuân thủ tất cả mọi quy định dành cho những cuộc điều tra, chia sẻ các tin tức thu thập được với những cơ quan liên hệ để đảm bảo an ninh cho quốc gia.”

“Ðiều chúng tôi lo ngại đã được trình bày trong bản tuyên bố là nếu chỉ cho nhân viên điều tra đúng 48 giờ đồng hồ để làm việc, lúc đó có thể an ninh quốc gia sẽ gặp trở ngại nếu cuộc điều tra vẫn chưa hoàn tất,” ông McCain nói tiếp. “Nước Mỹ là một quốc gia tôn trọng luật pháp, chính phủ và người dân đều có trách nhiệm tôn trọng lẫn bảo vệ luật pháp, nhưng đồng thời trách nhiệm của mọi người là phải bảo vệ an ninh cho đất nước, an ninh luôn luôn phải đặt hàng đầu.” Do đó, “đặt tên này trong danh sách địch quân để điều tra là việc làm hoàn toàn hữu lý,” sau đó “sẽ đưa hắn ta ra xét xử trước pháp luật như chúng ta đã xét xử những tội phạm khác.”

Ngay chính một số cựu chuyên viên tình báo Hoa Kỳ cũng lên tiếng e ngại 48 giờ đồng hồ không đủ để “biết cặn kẽ những điều cần phải biết.” Ông Mike Driscoll, từng làm việc trong ủy ban chuyên điều tra những kẻ tình nghi hoạt động cho Al-queda ở Afghanistan cho biết có rất nhiều câu hỏi phải đặt ra với Dzhokhar Tsarnaev, trong đó “3 câu đầu tiên là ngoài anh em hắn ra còn có những ai trong đường dây, thứ nhì là hắn còn giấu chất nổ võ khí ở chỗ nào và câu thứ 3 là sau Boston, hắn và đồng bọn dự tính phá hoại thành phố nào và vào lúc nào.” Chỉ 3 câu “bắt buộc phải hỏi” này không thôi, “kinh nghiệm cho tôi biết phải mất rất nhiều thời gian chứ không thể nào hoàn tất trong vòng 48 giờ như luật định dành cho các trường hợp phạm pháp thông thường được” chưa kể đến điều rất thướng xảy ra: “không cần đọc quy định Miranda, bọn khủng bố thường ngậm miệng không trả lời, nên phải mất rất nhiều thì giờ nhân viên điều tra mới tim cách cậy miệng được chúng.”

Tổ Chức Bảo Vệ Dân Quyền Hoa Kỳ (The American Civil Liberties Union) tức khắc nhảy vào vòng chiến, e ngại chính phủ sẽ viện cớ “an ninh quốc gia” để không thi hành đúng những quy định của luật pháp cho trường hợp của Dzhokhar Tsarnaev và những trường hợp khác nữa. Ông Anthony Romero, giám đốc điều hành ACLU nói với nhật báo The Boston Globe rằng chỉ có thể tạm hoãn đọc quy định Miranda “nếu có bằng chứng an ninh vẫn bị đe dọa bởi người bị bắt giữ” và luật không cho phép cuộc điều tra “muốn kéo dài đến bao giờ thì cứ kéo.”

Trên đài FOX sáng hôm qua Chủ Nhật, 21 Tháng Tư 2013, chuyên viên tình báo Philip Mudd lại đưa đề nghị nên xử Dzhokhar Tsarnaev “như xử một kẻ phạm tội giết người, chứ không phải xử một tên khủng bố.” Ông Mudd cho rằng vụ đánh bom giết người ở Boston “giống như vụ cầm súng bắn chết học sinh ở trường trung học Columbine hơn là hoạt động khủng bố al-Qaeda.”

Một nhà báo từng phỏng vấn ông Philip Mudd yêu cầu được giấu tên tỏ vẻ không đồng ý với nhân vật đã từng có nhiều năm làm việc với CIA lẫn FBI, nhắc lại một trong những bản tin mới nhất cho biết các viên chức Nga cho Hoa Kỳ biết rằng anh của Dzhokhar Tsarnaev là Tamerlan Tsarnaev “bị bọn quá khích Hồi Giáo nhồi sọ” khi về Chechnya cách đây chẳng bao lâu. Ðiều đó, nhà báo này nói tiếp, “chứng minh hai anh em tên này chủ mưu hoạt động khủng bố, phải bị xét xử với tội danh khủng bố.”