main billboard

Thử làm một bài toán nhỏ, thấy ngay chuyến đi Los Angeles, California, đầu tuần này của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama là chuyến đi khá tốn kém.

obama californiaTổng Thống Barack Obama chuẩn bị nói chuyện với binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến tại căn cứ Camp Pendleton, California, hôm Thứ Tư. (Hình: MANDEL NGAN/AFP/Getty Images)

Ðầu tiên là ông sử dụng chiếc Air Force One, cứ mỗi giờ bay tốn $180,000 công quỹ quốc gia, 2 lượt đi và về tốn đã 1.8 triệu bạc, chưa kể chi phí cho 2 chuyến bay từ phi trường đến Camp Pendleton bằng chiếc trực thăng Marines One (mỗi chuyến bay dài 50 phút đồng hồ), kèm theo đó là dàn xe của tổng thống, của nhân viên bảo vệ an ninh... Theo đúng quy định, toán nhân viên này có mặt ở Los Angeles nhiều ngày trước khi tổng thống xuất hiện để làm nhiều việc khác nhau, chẳng hạn như thảo luận với các viên chức của thành phố về chuyện an ninh, bàn thảo với cảnh sát giao thông về kế hoạch chận những đoạn đường khi xe của tổng thống đi qua... Riêng chi phí cho toán an ninh cộng với chi phí ăn ở và chuyên chở đoàn xe 20 chiếc dành riêng cho tổng thống và dàn nhân viên phụ tá cũng lên đến vài ba trăm ngàn, chưa kể những khoản chi phí mà một số địa phương phải chia sẻ. Xin nói thêm: Tất cả những con số này đều là dự đoán, vì chính phủ không công bố khoản chi phí đã tiêu cho những chuyến đi của tổng thống, phó tổng thống hay của các vị tổng, bộ trưởng.

Tổng cộng chuyến đi từ Ðông sang Tây kéo dài đúng một ngày của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tốn vào triệu bạc. Mục tiêu: Ông ghé Phoenix để đọc bài diễn văn nói về kế hoạch thúc đẩy kỹ nghệ địa ốc, vận động dân chúng tiếp tục ủng hộ chính sách kinh tế ông đã thực hiện ngay từ năm 2009 khi mới bắt đầu ngồi làm việc ở Phòng Bầu Dục, sau đó là để cám ơn ngợi khen lòng quả cảm của các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã góp công sức ở 2 chiến trường Iraq và Afghanistan, giúp quốc gia đến gần mức thành công trong kế hoạch bài trừ khủng bố. Và cuối cùng, ông xuất hiện trong chương trình “The Tonight Show” để trả lời một số câu hỏi mà người dân muốn biết, từ cảm nghĩ của ông về mối quan hệ với Liên Bang Nga đến chuyện liệu bà Clinton có ra tranh cử vào năm 2016 hay không. Xen kẽ với những hoạt động này là buổi ăn tối với gia đình ông Jeffrey Katzenberg, chủ tịch công ty phim The DreamWorks Animation, người đã giúp quyên số tiền 10 triệu dollars cho ông Obama tranh cử.

Tổng Thống Obama không phải là người đầu tiên “trộn lẫn việc công với việc tư”, theo trình bày của ông Peter Sepp, giám đốc điều hành tổ chức mang tên National Taxpayers Union, chuyên theo dõi các hoạt động của chính phủ xem nhà nước có sử dụng tiền thuế của dân đúng đắn hay không. “Kể từ thời Tổng Thống Ronald Regan đến giờ, chúng tôi thấy các vị tổng thống Mỹ thường sử dụng Air Force One để đi đây đi đó tiếp xúc với cử tri, đồng thời cũng nhân dịp đó để làm những việc mang tính riêng tư”. Ông Sepp nhắc lại nước Mỹ có luật lệ quy định “những khoản nào tổng thống hay ban vận động tranh cử phải trả tiền” nhưng cuối cùng “khoản tiền lớn nhất để trang trải chi phí cho các chuyến đi này vẫn là tiền thuế của dân”.

Trong chuyến đi miền Tây vừa rồi, “Tổng thống không dừng lại để vận động tranh cử cho đảng hoặc cho các ứng cử viên, do đó chính phủ không thể bắt Tòa Bạch Ốc bồi hoàn tiền được” là nhận xét của ông David Mason, cựu chủ tịch Hội Ðồng Bầu Cử Liên Bang (Federal Election Commission). “Tổng thống đi vận động dân chúng ủng hộ các điều ông muốn thực hiện như kinh tế, cải tổ di trú, bảo hiểm y tế... toàn là những điều liên quan đến chính sách, vì thế hội đồng không thể đòi tiền được”. Ngay cả chuyện ông ăn tối với “ân nhân chính trị” Jeffrey Katzenberg cũng được xem là... O.K., vì “ông được chủ nhà mời ăn cơm chứ không phải đến dự tiệc quyên tiền cho đảng phái hay cho một cá nhân nào”.

Không những thế, chuyện Tổng Thống Obama nhận lời mời xuất hiện trong chương trình The Tonight Show cũng là chuyện bình thường vì “Tổng thống muốn tiếp xúc với người dân qua một kênh khác” thay thế cho những kênh truyền thông mà dân chúng xem, nghe hay đọc hàng ngày. Về điểm này, ông Phát Ngôn Viên Jay Carney của Tòa Bạch Ốc giải thích “đây không phải lần đầu tiên một vị tổng thống hay một chính trị gia xuất hiện trong chương trình The Tonight Show” bảo thêm “trách nhiệm của nhà lãnh đạo là phải cho dân chúng biết tin tức, phải chia sẻ cảm nghĩ của mình với người dân bằng tất cả mọi phương tiện”. Khi được nhắc nhở chương trình này chiếu lúc 11 giờ đêm, ông Jay Carney trả lời “có thể những người xem các chương trình khuya này là những người họ không thường đọc báo, xem các chương trình tin tức hàng ngày” nên những gì tổng thống trình bày khi trả lời các câu hỏi sẽ giúp họ biết rõ hơn về những gì đang xảy ra.

Bất kể ông Phát Ngôn Viên Jay Carney giải thích thế nào đi chăng nữa, điều không thể phủ nhận được là Tổng Thống Obama xuất hiện trong các chương trình talk-show nhiều hơn tất cả những vị tổng thống Mỹ khác lúc còn tại chức. Năm ngoái khi đang vận động tranh cử, ông Obama nhận lời mời của các chương trình talk-show cả thảy 6 lần, Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle cũng lên TV 2 lần, và tất cả những chương trình có ông hay bà Obama đều được dân chúng đón xem, trở thành những chương trình ăn khách.

“Chuyện đó cũng dễ hiểu thôi”, chiến lược gia Cộng Hòa Ron Bonjean trả lời nhật báo The Washington Times. Theo ông Bonjean, người dẫn chương trình talk-show “không bao giờ đặt các câu hỏi hóc búa như các nhà báo chuyên nghiệp” do đó bất kể ai làm tổng thống “cũng muốn trả lời các câu hỏi dễ dãi hơn là bị các ông bà nhà báo ở Washington D.C. vặn vẹo”.