main billboard

Hồi còn mồ ma ông Mao Trạch Ðông, ông ta vốn vẫn viết là “Ðảng cộng sản cần phải kiểm soát súng đạn.” Nhưng có vẻ là đối với những kẻ kế nghiệp ông thì kiểm soát Internet còn quan trọng hơn là kiểm soát súng đạn.

trungcong kiemsoat internetCó một điều hầu như đã trở thành một chuyện đương nhiên, đó là cái thói quen của chính quyền Hà Nội thích bắt chước Bắc Kinh. Nhưng trong công cuộc đàn áp Internet đang diễn ra thì không hiểu ai bắt chước ai, có điều cả hai bên đều có vẻ đang theo đuổi một công việc khó thành công. Chuyện Hà Nội đàn áp Internet đã được bàn đến nhiều rồi, nhưng cố gắng của Bắc Kinh thì sao?

Hồi còn mồ ma ông Mao Trạch Ðông, ông ta vốn vẫn viết là “Ðảng cộng sản cần phải kiểm soát súng đạn.” Nhưng có vẻ là đối với những kẻ kế nghiệp ông thì kiểm soát Internet còn quan trọng hơn là kiểm soát súng đạn. Dĩ nhiên chuyện kiểm soát Internet không có gì là mới cả. Từ khi Internet ra đời, từ khi người Hoa biết đến Internet, chính quyền Bắc Kinh đã chơi trò mèo rình chuột với một phương tiện liên lạc mà hẳn làm các nhà độc tài mất ăn mất ngủ. Riêng Bắc Kinh thì cố gắng đã tạo nên điều đã được các công dân mạng gọi tiếng Anh là “The Great Firewall of China - Bức đại tường lửa của Trung Quốc.” Nó to lớn đến nỗi mà một nhà bình luận của tờ Financial Times ở Luân Ðôn bảo, “hẳn có thể thấy nó từ không gian không khác gì Vạn Lý Trường Thành.”

Nhưng gần đây Trung Quốc lại có một chiến dịch tấn công mới, và lần này là vào các địa chỉ liên lạc xã hội và các blogger. Và họ đã tấn công thẳng vào những blogger nổi tiếng, đàn áp điều mà chính quyền gọi là đưa “tin đồn thất thiệt.”

Báo chí chính thức được lệnh bắt đầu với một chiến dịch diễn tả những chỉ trích đảng trên Internet là “mạ lỵ” và đưa ra nhưng diễn dịch pháp lý để biện minh cho việc đưa ra tòa những người “phổ biến tin đồn online” nếu post của họ có trên 5,000 người xem hay là được forward hơn 500 lần.

Thông điệp của nhà nước, qua hệ thống truyền thông cổ điển, rất rõ ràng: Nếu muốn đưa cái gì lên Internet có tính cách gây khó chịu cho nhà nước thì phải bảo đảm là không ai đọc nó.

Và trong vài tuần qua, nhiều trăm blogger đã bị bắt. Cuộc tổng tấn công tuy vậy nhắm vào các “đại ca” mà ở Trung Quốc được gọi là “Big V,” những blogger nổi tiếng với cả triệu người theo, và có địa chỉ đặc biệt với Weibo, tương đương của Twitter ở Trung Quốc. Cuối tuần trước, ông Charles Tiết, một blogger mạnh tiếng với 12 triệu người theo, đã “bị” đưa lên truyền hình, ca tụng cuộc đàn áp. Hôm tháng 8, ông Tiết, một người Mỹ gốc Hoa, một nhà đầu tư nổi tiếng có biệt hiệu là Tiết Man Tử, đã bị bắt về tội mua dâm với gái làng chơi. Báo chí nhà nước đã được dịp tha hồi chê bai ông Tiết. Họ đã so sánh tài nghệ của ông trên Internet với tài nghệ của ông trong chốn khuê phòng, và có vẻ như cho là tội của ông online tệ hơn là tội mua dâm. Tân Hoa Xã, thông tấn xã của nhà nước hoan hỉ loan tin “Tiết Mãn Tử, một trong các Big V của Internet, đã hết là thần tượng. Ðây sẽ là một hồi chuông cảnh cáo cho tất cả các Big V.”

Chiến dịch này đã làm rúng động Internet tại Trung Quốc. Trong nhiều tuần nay, các blogger đã khuyên bạn bè trên mạng hãy coi chừng lời ăn tiếng nói. Phan Thạch Ngất, một tỷ phú, chủ nhân của Soho China, một trong các đại công ty phát triển địa ốc hàng đầu ở Hoa Lục, với 16 triệu người theo trên Weibo, đã công khai ủng hộ cuộc đàn áp. Sự thay đổi đột ngột lập trường của một trong những người được coi là một kẻ tiên phong trong làng cho thấy chiến dịch hù dọa đã có hiệu lực.

Cuộc tấn công vào Internet tuy vậy đặt nhiều câu hỏi, mà câu hỏi đáng lo nhất là tại sao, và tại sao vào lúc này, và liệu nó có thành công hay không?

Ðể trả lời cho câu hỏi tại sao vào lúc này thì giải thích có lý nhất là đảng đang sợ Internet vượt khỏi tầm kiểm soát. Bất chấp những cố gắng kiểm duyệt nội dung của đảng, không gian mạng ở Trung Quốc đã trở thành một vùng Viễn Tây của những thảo luận, chọc quê, chia sẻ thông tin và cả đến “thổi còi” nữa. Một chiến dịch nhỏ ở địa phương có thể trở thành là một đề tài quốc gia như vụ của một cô con gái của một lưu dân ở Thượng Hải. Cô bé mới có mười mấy tuổi đã phản đối việc cô bị cấm thi tuyển vào trường học vì cô không có hộ khẩu. Sự ủng hộ của cô đã mạnh đến nỗi mà nhiều tỉnh đã đổi luật để cho phép những trường hợp như cô được đi học.

Trong những trường hợp khác, các viên chức đã bị hạ bệ vì đeo những đồng hồ mắc tiền, vốn được coi như là một bằng cớ tham nhũng. Và những vấn đề địa phương, từ khiếu kiện đất đai đến ô nhiễm môi trường đã được đưa lên một diễn đàn toàn quốc. Internet phải nói đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội công dân. Ðiều làm đảng cộng sản lo ngại là trong hoàn cảnh mới này quyền lợi của nhân dân Trung Quốc và quyền lợi của đảng Cộng sản không phải lúc nào cũng trùng hợp.

Dĩ nhiên có nhiều rác rưởi trên Internet nữa. Và đó là lý do mà nhà cầm quyền viện dẫn để nói là họ chỉ muốn nhắm vào những thành phần xấu.

Nhưng chiến dịch lần này có vẻ nằm trong một chiến dịch rộng lớn hơn do chính Chủ Tịch Tập Cận Bình chỉ huy. Lời đồn đãi hồi ông mới lên là ông thực sự là thuộc thành phần cấp tiến nay đã ngày càng không thấy ai nhắc đến nữa. Trong một văn kiện mới được phổ biến để học tập mà nghe đâu do chính ông Tập chủ xướng, đối lập với chế độ độc đảng bị chỉ trích là đã sử dụng Internet để “gây xáo trộn” qua việc tiết lộ tài sản của các viên chức và tiết lộ tham nhũng. Trong số “bảy nguy cơ” của ông Tập, vốn là những ảnh hưởng của Tây phương cần được dẹp tan, có độc lập cho báo chí, xã hội dân sự, và chỉ trích quá khứ của đảng. Cả ba điều này đã được dễ dàng hơn nhờ Internet.

Liệu chiến dịch đàn áp này có giúp kiểm soát thực sự được Internet hay không? Có lẽ là không.

Trước hết phải nói Internet cũng có ích cho nhà nước không kém gì cho những kẻ chống đối. Các diễn đàn online đóng vai xả xú páp cho bất mãn trong xã hội và là một thước đo cho dư luận quần chúng. Nó đã giúp tạo một ảo ảnh, nhưng đồng thời cũng là sự thật, là dân chúng nay có nhiều tự do và quyền hạn hơn. Ðóng hoàn toàn có nguy cơ tạo nên một cái nồi áp suất của xã hội có thể bùng nổ lúc nào không hay.

Thứ nữa, đàn áp tự do phát biểu đi ngược lại với những cố gắng rất là rụt rè để nới rộng sự kiểm soát của nhà nước trong những vấn đề như ngân hàng và tài chánh. Nhiều người Hoa, có thể cả ngay chính ông Tập, cũng tin là khuôn mẫu nhà nước chỉ đạo nền kinh tế đã đến lúc lỗi thời rồi. Họ đang lý luận là kỷ luật thị trường, chẳng hạn như trong lãnh vực ấn định lãi suất hay cho vay, phải từ từ đóng góp thêm cho tư bản nhà nước nếu không muốn nền kinh tế Trung Quốc đi vào khủng hoảng.

Việc này tạo nên một vấn đề lớn. Ðàn áp Internet trong khi nhà nước rút ra khỏi một số lãnh vực giới hạn có vẻ là hai chuyện khó đi song song. Ðảng cộng sản đã có lúc làm được cả hai nhưng ngày cái trò đi dây đó càng khó vì hai chiều hướng này đi ngược nhau. Và rồi cuối cùng chắc là sẽ dẫn đến tai nạn.

Lúc đó thì có lẽ quá trễ để lật ngược lại tình hình. Ông Tập quả đang chơi trò nguy hiểm lắm thay!