main billboard

“Chúng ta chỉ có 200 binh sĩ đang hiện diện ở Iraq, được đưa sang đó từ năm 2012,” một viên chức Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ nói với báo chí trước khi cuộc họp báo thường lệ ở Bộ Quốc Phòng bắt đầu.


“Con số này quá ít, nhưng quan trọng nhất là các binh sĩ Mỹ đang có mặt tại Iraq không có trách nhiệm giúp nước bạn chiến đấu. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh lãnh thổ Iraq là nhiệm vụ của quân đội và chính phủ Baghdad, không còn là nhiệm vụ của Hoa Kỳ nữa.” Kể cả trường hợp Iraq phải đối phó với cuộc chiến mang tính tôn giáo hay bị những tay súng dưới trướng Al-queda tấn công, một nhà báo vặn hỏi? “Ðiều đó đúng,” viên chức hành pháp nhấn mạnh câu trả lời.

Câu nói ở Washington D.C. sáng Thứ Ba chỉ nhắc lại lời Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã nói ngày Chủ Nhật trong lúc đang thực hiện chuyến công du tìm hòa bình cho vùng Trung Ðông. Trong cuộc họp báo ở Jerusalem, người đang điều khiển ngành ngoại giao Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng yểm trợ cho đồng minh để chống trả sức tấn công của al-Qaeda nhưng không đưa quân trở lại vùng đất mà Washington đã rút khỏi từ cuối năm 2011. “Trận chiến bây giờ là trận chiến của người Iraq... Chúng tôi sẽ giúp họ chiến đấu nhưng (điều quan trọng nhất là) cuộc chiến đó là của họ và cuối cùng họ phải chiến thắng cuộc chiến đó. Tôi tin tưởng họ có thể làm được điều đó.”

Hai trăm binh sĩ Mỹ đang có mặt ở Iraq làm việc trong Văn Phòng Hợp Tác An Ninh Iraq, được thành lập hồi Tháng Giêng 2012 theo thỏa thuận của 2 quốc gia “sau khi người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi chiến trường, với mục đích yểm trợ về nhân lực cho quốc gia bạn về điều hành quân sự, huấn luyện quân sự và giúp kiểm soát các kho võ khí mà Hoa Kỳ để lại cho quân đội Bangdad.” Theo lời Trung Tá Phát Ngôn Viên Chris Belcher của Bộ Chỉ Huy Ðặc Trách Trung Ðông Và Phi Châu, toán binh sĩ này sẽ tham gia vào chương trình huấn luyện chống khủng bố, và quy ước 2 quốc gia đồng ý với nhau ghi rõ “huấn luyện có nghĩa là binh sĩ Hoa Kỳ sẽ không cầm súng chiến đấu chung với binh sĩ nước bạn.”

iraq phantuvotrang fallujahCác phần tử võ trang tuần tra thành phố Fallujah, Iraq hôm 9/1/2014

Không đưa quân vào tham chiến không có nghĩa là Washington không chú ý đến tình hình an ninh của quốc gia đồng minh chiến lược ở Trung Ðông. Bằng chứng là ngay sau khi được tin thành phố Fallujah và một phần thị xã Ramadi của tỉnh Anbar lọt vào tay dân quân Al-Queda, một cuộc họp khẩn cấp đã được bà Cố Vấn An Ninh Susan Rice triệu tập nhằm tìm hiểu xem “có thể giúp gì cho Iraq,” sau đó ông phát ngôn viên Jay Carney của Tòa Bạch Ốc loan báo Hoa Kỳ “sẽ gửi hàng chục chiếc máy bay không người lái và hỏa tiễn loại Hellfire cho quân đội Iraq” đồng thời “làm việc rất chặt chẽ với nước bạn để hoạch định chiến lược chống bọn khủng bố al-Qaeda.” Ông Carney không nói rõ chi tiết nhưng theo những nguồn tin khác nhau, chiến lược ông nói tới “được soạn thảo bởi những viên chức đặc trách quốc phòng và an ninh tình báo đôi bên.” Tin tức còn nói bên Iraq có hứa “chia sẻ tất cả những tin tình báo họ ghi nhận được (cho phía Hoa Kỳ) để cùng nhau lượng định tình hình và đưa ra các đề án phải làm.”

“Giúp đỡ và hợp tác như thế vẫn không đủ” là nhận xét của cựu Ðại Tướng John Keane, một trong những vị tướng ở trong ban tham mưu thực hiện chương trình đưa thêm quân vào Iraq hồi 2007 (theo chỉ thị của Tổng Thống George W. Bush và rút quân khỏi chiến trường hồi 2011 (theo chỉ thị của Tổng Thống Barack Obama). Ðại Tướng Keane nói rằng những tin tức ông ghi nhận được cho thấy “tình hình rõ ràng không khả quan” một phần vì al-Qaeda gia tăng hoạt động ở nhiều nơi, phần khác vì những căng thẳng giữa 2 tập thể Hồi Giáo Sunni và Shii'te. “trong đó phải nói tới những nhóm Sunni làm việc chung với al-Qaeda để gây rối với chính quyền Shii'te ở Bangdad đương thời do Thủ Tướng Nouri Al-Maliki lãnh đạo.” Những sự kiện đó dẫn đến tình huống rất tệ, “chưa tới nỗi xấu như thời 2007 nhưng đã rất gần,” chẳng ngạc nhiên khi thấy al-Qaeda chiếm lại những cứ điểm mà chúng từng làm chủ hay đặt bản doanh “trước ngày Tổng Thống Bush quyết định đưa thêm quân vào Iraq để ổn định chiến trường.”

Không chỉ các viên chức quân sự mà ngay cả những viên chức dân sự Hoa Kỳ cũng đưa ra cái nhìn không mấy sáng sủa về tình hình hiện giờ ở Iraq. Trả lời phỏng vấn trên đài FOXNews, giám đốc điều hành Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách An Ninh (the Center for Security Policy) là ông Frank Gaffney lắc đầu ngao ngán, bảo “nước Mỹ đang đến gần tới chỗ mất hết bao nhiêu công lao, xương máu đã bỏ ra ở Iraq.” Ông cựu cố vấn quốc phòng thời Tổng Thống Ronald Reagan dự đoán “không chỉ lúc này mà trong những ngày tới chúng ta sẽ thường xuyên nghe tin về Iraq” báo trước “sẽ chẳng có tin nào vui đâu!”

Trước tình huống không hay đó, Hoa Kỳ và Iraq nên làm gì?

“Chúng ta nên đưa cố vấn quân sự sang Baghdad, làm việc trực tiếp với các bộ phận tham mưu hành quân của họ,” là ý kiến của Cựu Ðại Tướng Keane. “Họ cần cố vấn, cần người giúp hoạch định chiến lược và chiến thuật hành quân, đó cũng là điều chúng ta có thể làm giúp họ.” Ông không ngần ngại nhắc lại “quân đội Hoa Kỳ từng hướng dẫn họ những bài học căn bản về chống khủng bố và du kích nhưng sau khi chúng ta rút quân về nước họ không áp dụng, họ cứ tưởng dựng mấy trạm kiểm soát ở dọc dường là đã đủ rồi.” Vì thế, vai trò cố vấn quân sự “trở thành thật cần thiết, phải có người tại chỗ thúc đẩy họ làm những gì họ cần phải làm.”

Không chỉ tìm cách giải quyết bằng quân sự, Washington còn phải thúc đẩy “chính phủ Baghdad phải giải quyết bằng chính trị nữa,” là nhận xét được một viên chức ngoại giao từng làm việc ở Iraq đưa ra. Nhà ngoại giao yêu cầu không nêu tên này nói rằng chia rẽ xảy ra vì Thủ Tướng Al-Maliki “hầu như không chú trọng đến đoàn kết quốc gia, coi rất nhẹ vai trò của tập thể Hồi Giáo Sunni và đôi khi khiến người dân có cảm tưởng dường như ông ta muốn đặt tập thể thiểu số này ra ngoài vòng pháp luật.” Nhà ngoại giao yêu cầu không nêu tên này nói rằng chia rẽ xảy ra vì Thủ Tướng Al-Maliki “hầu như không chú trọng đến đoàn kết quốc gia, coi rất nhẹ vai trò của tập thể Hồi Giáo Sunni và đôi khi khiến người dân có cảm tưởng dường như ông ta muốn đặt tập thể thiểu số này ra ngoài vòng pháp luật.”

Cho đến những ngày cuối tuần, các viên chức quốc phòng và ngoại giao tại Washington vẫn nhất định nói không có ý kiến gì về những để nghị đang được nói tới để giúp Iraq giải quyết các khó khăn. Một viên chức Tòa Bạch Ốc cho hay “chuyện Iraq để cho người Iraq giải quyết” là điều Tổng Thống Obama và những quốc gia khác đã nói đến “ngay từ khi mới sửa soạn rút quân,” chẳng có lý do gì để phải thay đổi “và chúng tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện phải thay đổi kế hoạch đó.” Nói cách khác: “nước Mỹ chỉ là giải pháp cứu nguy cuối cùng cho Iraq chứ không phải là giải pháp đầu tiên mà Iraq nghĩ đến mỗi khi họ lâm nguy.”

Cũng cần nhắc lại mùa Thu năm ngoái khi sang thăm Washington D.C., Thủ Tướng Al-Maliki thúc đẩy Tổng Thống Obama sớm giải quyết yêu cầu được viện trợ chiến đấu cơ F-16, xe tăng và trọng pháo. Nghe đâu Thứ Tư vừa rồi khi nói chuyện bằng điện thoại với Thủ Tướng Al-Maliki, Phó Tổng Thống Hoa Kỷ Joseph Biden có hứa sẽ làm điều này, nhưng sớm nhất phải đến mùa Hè năm nay chuyến hàng viện trợ quân sự đầu tiên mới đến Baghdad.