main billboard

“Mã đề dương cước anh hùng tận ... Thân Dậu niên lai kiến thái bình”

 Ngựa từ Ðông sang Tây.

ngua oA/ Ngựa Tây Phương:

Trước khi kể chuyện “mình”, người viết xin kể chuyện “người” để hầu qúy vị:

Trong thần thoại La Mã, chúng ta đọc được câu chuyện thần thoại về một quái nhân mình ngựa, đầu người mà thường được gọi là “Nhân Mã”. Trong khoa Thiên Văn - Tây Phương cũng đặt tên cho chòm sao trên trời gọi là chòm sao “Nhân Mã”. Xếp hàng thứ chín trong mười hai quẻ bói của bói toán Tây Phương cũng có tên “Nhân Mã”.

Qua đến chiến tranh, chúng ta không thể quên được câu chuyện xảy ra vào thế kỷ thứ XII trước kỷ nguyên - đó là câu chuyện “Con Ngựa Gỗ Thành Trois”. Trong suốt cuộc chiến dai dẳng 10 năm trời tại vùng đất mà bây giờ người ta gọi là Hy Lạp; cuối cùng nhờ mưu kế của Odyssey, người ta đã thiết kế một con ngựa gỗ khổng lồ cho quân lính vào trong ẩn náu. Số quân sĩ còn lại rút lui. Quân đội thành Trois vì không ngờ nên hì hục kéo ngựa gỗ vào thành mà tưởng là “chiến lợi phẩm” rồi tổ chức ăn mừng chiến thắng. Ai dè đâu; tự họ đã mở cửa thành rước quân địch vào mà không hay. Cuối cùng, chuyện gì xảy đến thì đã xảy đến. Thành Trois đã bị bại trận. Kẻ thất bại lại tưởng là kẻ chiến thắng khi nghĩ rằng ta đã lấy được “chiến lợi phẩm của địch là con ngựa gỗ”. Với chuyện đó mà nhân loại ngày nay có được bản trường xa bất hủ do Homer sáng tác với những nhân vật được ghi nhớ mãi, đó là: Achilles, Diomedes, Odysseur, Hetor, Paris, Vua Priam, nàng Hélene xinh đẹp (vợ của vua Menelaus thuộc xứ Sparta) v.v... Ðọc chuyện này làm cho người ta nhớ mãi. Và tức cười hơn nữa là ngày nay, lịch sử vẫn còn tái diễn cảnh “ngựa gỗ thành Trois”!

Nếu lịch sử có chuyện kể “ngựa gỗ thành Trois” thì trong văn chương Pháp có nhà văn Alexandre Dumas đã để lại cho kho tàng văn học nhân loại bộ chuyện kể về “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ “ (Les Trois Mourquetaires) với ba chàng lính đã vẫy vùng trên lưng ngựa với thanh gươm làm mưa làm gió tạo cho câu chuyện thêm đặc sắc và sống động. Câu chuyện này đã được cụ Nguyễn Văn Vĩnh trong nhóm “Ðông Dương Tạp Chí “ dịch ra Việt Ngữ và được Vĩnh Thành Công Ty in tại Hà Nội năm 1921. Ðọc câu chuyện này, chúng ta có thể hình dung được phần nào cuộc sống nhung lụa và trụy lạc của thời Trung Cổ ở trời Tây.

B/ Ngựa Ðông Phương:

Ðối với Tây Phương đã vậy; còn đối với Ðông Phương - ngựa là một đề tài thật phong phú và đa dạng. Ngay như ngựa cũng đã có những con ngựa nổi danh như Ngựa Kỳ, Ngựa Ký, Thiên Lý Mã, Ngựa Long Câu, và bao nhiêu giai thoại về ngựa.

Hôm nay, trong khuôn khổ của tờ báo Xuân, người viết bài này xin được ghi lại vài câu chuyện ngựa của người Ðông Phương chúng ta:

Hạng Võ và Ô Truy:

Nếu Lưu Bang - người sáng lập ra nhà Hán mà lịch sử nước Tàu gọi là Hán Cao Tổ - đã bao năm vùng vẫy trên lưng ngựa để tranh bá đồ vương với Hạng Võ (Sở Bá Vương); thì con ngựa được ghi nhớ mãi trong giai đoạn lịch sử này là con ngựa do Hạng Võ cưỡi. Nguyên con ngựa này là con ngựa hoang xuất hiện tại núi Ðồ Sơn đến thôn Nam Phụ phá phách xóm làng và phá hoại mùa màng không ai trị được vì đến gần là bị nó đá hay cắn chết. Hạng Võ nghe tin đến dùng thần lực ghì lấy bờm ngựa và nhảy lên cưỡi. Sau một hồi ngựa và người quần thảo; thần mã đã chịu khuất phục. Hạng Võ được ngựa quý nên đặt tên là “Ô Truy”. Cũng trong dịp này Hạng Võ lại được kết duyên với người dẹp là Ngu Cơ. Suốt bao năm trường chinh chiến; nhờ Ô Truy, Hạng Võ đã tạo ra bao nhiêu là chiến công danh liệt với tài vũ dũng vô địch cộng thêm Ô Truy trung thành. Trong suốt cuộc chiến “Hán Sở Tranh Hùng” không ai dám đương đầu với Hạng Võ cả. Sau bị kế của Hàn Tín và tiếng sáo Trương Lương, Hạng Võ bị vây khốn tại “Cửu Lý Sơn”. Kế cùng lực kiệt, nàng Ngu Cơ đã tự sát để chồng rảnh tay mưu đồ phục nghiệp. Nhưng Hạng Võ đã nản chí anh hùng. Ðến bến đò mà ngày này ta gọi là “Bến Ô Giang” dù được Ðình Trưởng nghe tin thất trận của Hạng Võ đã cắm thuyền đợi người hùng thất cơ về lại Giang Ðông mưu đồ phục hận dành lại giang sơn; nhưng Hạng Võ nghĩ mình đã làm cho 8000 tử đệ đất Giang Ðông theo mình từ khi khởi nghiệp đến nay đã không còn gì nên thất chí tự vận. Còn con “Ô Truy” đã không chịu phục ai nên khi Hạng Võ chết đã nhào xuống dòng sông đó mà ngày này đã có được địa danh là “Giòng Ô Giang”. Còn nàng Ngu Cơ khi chết - trên mộ tự nhiên mọc lên một loại cỏ sắc xám trông rất đẹp mà người ta gọi loại cỏ này là “Ngu Mỹ Nhân Thảo”

Ðời Hậu Hán:

Trong cuộc phân ba chân vạc giữa Tào - Lưu - Ngô (mà ta hay gọi là Tây Thục - Bắc Ngụy - Ðông Ngô); khi còn long đong dung thân với Lưu Biểu, Lưu Bị (Chúa Tây Thục sau này) đã được con ngựa Ðích Lư cứu thoát trong cuộc mưu sát giữa vợ Lưu Biểu và người em ruột là Thái Mạo hòng giết Lưu Bị. Ngựa Ðích Lư đã vượt qua “Ðàn Khê” - một dòng suối nhỏ - khi bị truy binh đuổi theo. Sau này thi vĩ Tô Ðông Pha nhà tống đã làm bài thơ vịnh chuyện này được đặt tên là “Dược Mã Ðàn Khê”; trong bài thơ đó có câu nguyên văn như sau:

“Ba trung hốt kiến song long phi

Tây xuyên độc bá: Chân Anh Chúa

Tọa thượng long câu lưỡng tương ngộ

Ðàn Khê, khê thủy tự động lưu

Long Câu, Anh Chúa kim hà xứ?”

Có nghĩa là

Bỗng từ dưới nước đôi rồng bay lên

Rõ ràng chân chúa Tây Xuyên

Mình rồng lại ngự trên yên ngựa rồng

Ðàn Khê, nước chảy về đông

Long Câu, Anh Chúa giờ trông nơi nào?”


Ngựa Quan Công

Cũng trong thời Tam Quốc này; người em thứ hai trong “Ðào Viên Kết Nghĩa” là Quan Vân Trường - dù được Tào Tháo đãi ngộ ba ngày tiểu yến, năm ngày đại yến và được phong tước “Hán Thọ Ðình Hầu”, nhưng lời thề kết nghĩa Ðào Viên không bao giờ quên. Do đó sau khi trả ơn cho Tào Tháo là giết hai danh tướng của Viên Thiệu là Nhan Lương, Văn Xư và khi nghe tin Lưu Bị còn sống; Quan Công đã treo ấn “Hán Thọ Ðình Hầu” trả lại cho Tào Tháo của cải, gái đẹp, dinh thự rồi hộ tống hai chị dâu đi tìm anh là Lưu Bị. Trong cuộc ra đi này, Quân Công khi qua 05 cửa ải đã giết chết 06 tướng giữ ải của Tào Tháo. Nhưng vì giữ lời hứa Tào Tháo không truy sát. Mà nhờ đó sau này khi Tào Tháo thất bại trận Xích Bích giữa Bắc Ngụy và Ðông Ngô; Quan Công đã tha, không bắt hay giết Tào Tháo. Do đó mà sau này nước Tàu được có đoạn lịch sử một nước ba vua mà ta hay gọi là “Thời Kỳ Tam Quốc.”

Cũng nhờ ngựa “Xích Thố” với “Thanh Long Ðao”; Quan Vân Trường đã tạo ra nhiều chiến công oanh liệt giúp người anh là Lưu Bị tạo nên được Thế Chân Vạc. Nhưng sau bị mưu kế Ðông Ngô, Quan Công đã làm mất Kinh Châu và lấy cái chết để đền ơn tri ngộ ngày xưa. Còn con ngựa Xích Thố dù được bên phía địch bắt giữ nhưng con ngựa trung thành này đã nhịn ăn chết theo Quan Công chứ nhất định không cho ai cưỡi ngoài Quan Vân Trường cả.

Chuyện Ngựa Tại Nước Ta.

Nếu nước Tàu có chuyện “Ô Truy”, “Ðích Lư” và “Xích Thố” thì trong lịch sử dân tộc ta - qua bao triều đại cha ông ta đã vừa dựng nước, mở mang bờ cõi lại còn phải chiến đấu bảo vệ từng tấc đất. Phía bắc là anh khổng lồ lúc nào cũng muốn thôn tính đất nước ta để làm châu, huyện hầu sát nhập nước ta vào đất nước họ. Ngựa là một con vật đã giúp rất nhiều cho cha ông ta trong công cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.


Ngựa Sắt Của Thánh Gióng.

Ðời Hùng Vương mới dựng nước, trong triều đại Hùng Vương thứ Sáu. Nước ta ngày đó tên là Văn Lang. Có giặc Ân từ phương Bắc xâm phạm bờ cõi nước ta; thế giặc quá mạnh, vua phải truyền sứ giả đi cầu hiền tài trong nước giúp vua chống giặc.

Chuyện kể rằng: Lúc đó tại Làng Phù Ðổng (còn gọi là làng Gióng), bộ Võ Ninh (thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay) - có chàng trai đã ứng nghĩa cầu hiền của nhà vua. Chàng trai xin vua đúc cho con ngựa sắt và thanh gươm để giết giặc. Chàng Gióng (tên làng của chàng trai còn chàng ta thì người ta không nhớ tên) đã cưỡi ngựa sắt, thúc ngựa chạy nhanh như gió, trong miệng ngựa khạc ra lửa, chạy ra trận phá giặc. Phá xong giặc Ân, chàng trai đã phi ngựa lên núi Sóc Sơn và bay lên trời. Tương truyền rằng các ao hồ từ vùng Kim Anh, Ða Phúc cho đến Sóc Sơn đều do vó ngựa sắt để lại, còn khu đất đốt tan giặc Ân ngày nay được dân làng lấy tên gọi là Làng Cháy.

Vua Hùng Vương nhớ ơn cho lập đền thờ và phong chàng là Phù Ðổng Thiên Vương mà dân ta hay gọi là Thánh Gióng. Hàng năm, dân làng Phù Ðổng vẫn kỷ niệm chuyện này trong dịp tế lễ hàng năm.

Ngựa Ðá Ðời Nhà Trần.

Trong thời kháng Nguyên Mông (thế kỷ 13 sau tây lịch), sau khi phá tan quân Mông Cổ xâm lăng lần thứ ba, Trần Hưng Ðạo rước ra giá Thượng Hoàng và nhà vua tới Long Hưng để làm lễ bái yết Chiêu Lăng. Khi ấy, vua Trần Nhân Tôn (1279-1298) trông thấy lăng tẩm khác xưa, những con ngựa đá ở trước lăng con nào con nấy chân cũng dính bùn. Nhà vua nghĩ rằng trong khi chinh chiến chống quân xâm lăng, Tiên Ðế dễ thường cũng cưỡi ngựa đi giúp. Ngài bèn cảm khái vịnh hai câu thơ sau:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ diện kim âu”

Nghĩa là:

“Xã tắc hai lần nhọc ngựa đá

Non sông muôn thuở vũng âu vàng”

(Âu vàng: chậu vàng để chỉ sự bền vững của quốc gia. Trong Nam Sử có câu: “Ngã quốc gia nho nhược kim âu, vô nhất thương khuyết” nghĩa là: “Quốc gia của ta còn vững như cái chậu vàng không bị tổn thương hay sứt mẻ “ )

Lịch sử dân tộc ta còn nhiều chuyện kể về công lao của ngựa trong việc bảo vệ tổ quốc như:

- Nhờ kỵ binh mà Lê Ðại Hành (Vua Nhà Tiền Lê, 980-1005) đã giết chết Hầu Nhân Bảo (tướng nhà Tống tại ải Chi Lăng).

- Nhờ kỵ binh phối hợp với thủy binh và bộ binh mà Lý Thường Kiệt đã đại phá ba châu là: Châu Khâm, Châu Liêm, và Châu Ung của nhà Tống (đời Vua Lý Nhân Tôn, 1072-1127) - và đánh tan quân Chiêm Thành, bắt vua Chiêm Thành là Chế Cũ ; cuối cùng vua Chiêm Thành phải dâng ba châu để chuộc mạng.

- Trong thời kỳ kháng Minh: với hơn 10 năm chinh chiến. Cuối cùng, Bình Ðịnh Vương Lê Lợi đã nhờ mưu kế của Nguyễn Trãi phá tan giặc Minh. Việc dụng binh cần nhanh chóng, cuối cùng kỵ binh ta phối hợp với bộ binh đã phá tan giặc Minh, cỡi ách đô hộ của nhà Minh. Ðây chúng ta thử ôn lại đoạn sử hào hùng của dân tộc qua một đoạn của bài Bình Ngô Ðại Cáo do Nguyễn Trãi viết để bố cáo toàn dân Việt biết:

“...Mười tám Liễu Thăng thua ở Chi Lăng, hai mươi Liễu Thăng chết ở Mã Yên, hai mươi lăm Lương Minh trận vong, hai mươi tám Lý Khánh tự vẫn, lưỡi dao ta đang sắc, ngọn dáo giặc phải lùi, lại thêm quân bốn mặt vi thành, hẹn đến rằm tháng mười diệt tặc. Sĩ tốt ra oai tì hổ thần thử đủ mặt trảo nha. Gươm mài đá, đá núi phải mòn, voi uống nước, nước sông phải cạn. Ðánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muôn... Thôi Tụ phải quỳ mà xin lỗi, Hoàng Phúc tự trói để ra hàng. Lạng Giang, Lạng Sơn thây chết đầy đường. Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước... Binh Vân Nam nghẽn ở Lê Hoa, sợ mà mất mật, quân Mộc Thạnh tan chưng Cầu Trạm, chạy để thoát thân... “

Quả là hào hùng phải không qúy vị! Ðó là cũng nhờ mưu kế và dụng binh thần tốc của cha ông ta.

- Ðã là người Việt Nam, chúng ta không thể quên được một võ công oanh liệt nhất của cha ông chúng ta vào Hậu Bán Thế Kỷ thứ 18. Ðó là chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung. Chỉ trong vòng chưa tới 10 ngày đã phá tan 20 vạn quân nhà Thanh, đập tan mộng xâm lược của nhà Hán dưới triều đại vua Càn Long. Ðó là chiến thắng nhân dịp đầu Xuân Kỷ Dậu 1789.

Trong cuộc chiến này, chúng ta ghi nhớ mãi tài dụng binh thần tốc của Quang Trung. Và nhất là Ngài đã tiên liệu quân Thanh qua xâm lăng nước ta lần này chủ lực là bộ binh và kỵ binh. Nên Ngài đã có sáng kiến dùng Tượng binh (voi) như một đạo quân thiết giáp để công phá đồn giặc và phá tan đoàn quân kỵ binh của nhà Thanh. Trong trận đánh đồn Ngọc Hồi - đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu - là nơi đồn quân chủ lực của địch cả bộ lẫn kỵ binh. Vua Quang Trung đã dùng 100 thớt voi như một đoàn thiết giáp ra xung trận. Ngựa quân Thanh thấy voi thì mất vía cong đuôi tan hàng. Tai hại hơn cả là các tướng lãnh nhà Thanh trong trận này đã đền tội xâm lược đó là: Ðề Ðốc Hứa Thế Hanh, Tiên Phong Trương Triều Long, Tả Dực Thương Duy Thăng; còn Sầm Nghi Ðống ở Ðống Ða đành treo đầu tự vận. Tôn Sĩ Nghị đang đêm nghe tin bỏ cả ấn tín, người không kịp mặc giáp, ngựa chẳng kịp đeo yên cùng vài người tùy viên phóng ngựa qua cầu phao chạy về Tàu để thoát thân.

Ngựa Trong Ðịa Danh Lịch Sử Nước Ta:

Nếu Bạch Ðằng Giang đã hai lần nhuộm máu quân thù. Lần thứ nhất Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán (939) chém đầu Thái Tử Hoàng Thao. Lần thứ hai Trần Hưng Ðạo đã phá tan quân xâm lược Nguyên - Mông (1288) và bắt trọn các tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc... Gò Ðống Ða mồ chôn mấy chục ngàn quân Thanh trong trận đại phá quân Thanh của vua Quang Trung vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789) mà dấu tích ngày nay còn ghi dấu. Riêng có một địa danh khác cũng đã giữ mãi trong tâm khảm người Việt chúng ta - đó là Núi Mã Yên (người địa phương còn gọi là Gò Yên Ngựa) tại Chi Lăng. Trong trận chiến kháng minh của dân tộc ta vào thế kỷ thứ 15 (1407-1427), dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải đất Lam Sơn - Bình Ðịnh Vương Lê Lợi - và quân sư Nguyễn Trãi được sự ủng hộ của toàn dân và các anh hùng hào kiệt trong nước. Trận chiến cuối cùng để giải ách nô lệ cho dân Việt Nam sau gần 20 năm trường dưới sự đô hộ của quân nhà Minh bên Tàu. Ðó là trận chiến xảy ra tại ải Chi Lăng khởi đầu từ ngày 18 tháng 9 năm 1427 và kết liễu vào ngày 20 tháng 7 tại núi Mã Yên. Quân ta đã chém đầu được An Viễn Hầu Liễu Thăng và hơn một vạn binh sĩ của địch. Ðịa danh Gò Yên Ngựa còn ghi dấu mãi muôn đời cho con cháu biết dấu tích và chiến thắng hào hùng của cha ông chúng ta.

Ngựa Trong Ðiển Tích - Văn Chương.

- Ngựa Hươu: do câu “Chỉ lộc vi mã”. Triệu Cao đời nhà Tần bên Tàu ỷ mình lập Hồ Hợi lên làm vua (tức Tần Nhị Thế), một hôm mang con hươu vào cung chỉ cho vua nói là con ngựa. Vua bảo Tể Tướng nói sai - vì nó là con hươu. Triệu Cao ngoảnh mặt hỏi lại các quan - các quan đều sợ Triệu Cao nên nói đó là con ngựa.
Nghĩa bóng: là người điêu ngoa, gian trá, thật làm giả, tráo trở.

- Tái Ông Mất Mã: kể chuyện tái ông mất ngựa một con ngựa, sau lại được cả hai con.

Ý nói: họa phước không thể nào đoán trước được.

- Ngựa Tre: tích này đời Hậu Hán. Có quan Thái Thú là Quách Cấp thanh liêm chính trực, làm Thái Thú tại Tĩnh Châu. Sau đổi đi nơi khác, một thời gian được chiếu chỉ triều đình cho về lại Tĩnh Châu. Dân chúng kết con ngựa tre mang ra thành rước Quách Cấp vào.

Nghĩa bóng: rước được vị quan thanh liêm chính trực về địa phương của mình.

- Ngựa Hồ, Chim Việt: tích rằng dân Hồ Phương Bắc mang triều cống Vua Hán Võ Ðế một con ngựa qúy nổi tiếng là “Thiên Lý Mã”. Vua cho nuôi tại vườn Thượng Lâm. Thế nhưng ngựa bỏ ăn, khi thấy gió Bắc thổi tới là ngựa hí lên vui mừng. Sau đó, ngựa buồn bỏ ăn và chết. Còn chim Việt là do tích rằng Vua Phương Nam tiến nhà Vua cặp chim qúy nhưng đặc biệt chim này chỉ đậu cành hướng Nam. Do đó, trong Ðường Thi có câu:

“Việt điểu sào Nam chi

Hồ mã tê Bắc phong”

Nghĩa là:

“Chim Việt chỉ đậu cành cây phương Nam

Ngựa Hồ chỉ hí lên khi thấy gió Bắc”

Nghĩa bóng: chỉ lòng tưởng nhớ quê hương

- Trú Mã Pha: do chuyện kể giữa Lưu Bị và Tôn Quyền cùng thi cưỡi ngựa khi Lưu Bị đi làm rể tại Ðông Ngô. Ðây là ngọn núi nơi cất chùa Cam Lộ bên Ðông Ngô. Sau vụ việc cưỡi ngựa này mà nơi đây đổi tên là Trú Mã Pha.

- Bóng Câu Qua Cửa Sổ: nhanh như ngựa phóng qua cửa sổ. Ý nói thời gian qua rất nhanh. Cùng nghĩa với chữ “Câu Ảnh”. Trong Tống sử có câu: “Nhân sinh như bạch câu qúa khích” (nghĩa là: đời người như con ngựa trắng chạy qua lỗ hở )
- Việt Nam ta trong văn học có bộ truyện Lục Súc Tranh Công của tác giả vô danh. Trong đó có câu chuyện con ngựa kể lại công trạng mình; trong đó có câu:

   “Ta đã từng đi sớm về khuya

    Mỏi gối ngựa lưng phò xã tắc

    .......


    Ngày ngày chầu chực sân rồng

    Bữu bữa dựa kề loan giá

    Ông Cao Tổ chín năm thượng võ

    Mới lập nên cơ nghiệp Lưu Gia

    Ông Quan Công sáu ải thoát qua

    Cũng phải nhờ có Thanh Long, Xích Thố”

- Ðể hình dung ra cái chế độ vô luân gọi là “Xã Hội Chủ Nghĩa Cộng Sản” tại Việt Nam. Nhà văn Xuân Vũ có kể một câu chuyện “Ông Chủ Xe Thổ Mộ và Chú Ngựa Già”. Chuyện kể rằng lão chủ xe kia có một con ngựa dùng để chạy xe thổ mộ. Con ngựa lão thật gầy vì lẽ qúa già yếu với lại phải dùng sức quá tải trong khi lão chủ vì lợi ích cá nhân mà cho ngựa ăn thì quá ít cộng thêm chạy xe thì nhiều, chở hàng lại nặng. Lão dùng roi, nhưng cũng không có kết quả. Không phải ngựa chạy chậm vì lười biếng mà chỉ vì nó quá kiệt sức. Cuối cùng lão ta nghĩ ra một kế là buộc một mớ cỏ non trên đầu cần câu và buộc chiếc cần câu đó dọc theo gọng xe trước mặt con ngựa. Mỗi lần bị mắc vào xe, nó cứ nhìn thấy mớ cỏ non đó nhảy múa trước mặt, tưởng chừng nó có thể ngoạm được và nhai ngấu nghiến ngay.

Nhưng tội nghiệp con vậy quý ngây thơ, cố sức gồng mình kéo chiếc xe đầy khách mong rằng rút ngắn được khoảng cách giữa bó cỏ non và cái mõm của nó. Mớ cỏ non quyến rũ đó cứ nhảy múa trước mặt nó khiến nó cứ cố sức để chạy mong rằng đớp được mớ cỏ. Khốn khổ thay, nào nó có hiểu?! Và lão chủ có khi nào giải thích cho nó hiểu rằng tại sao nó chạy hoài mà không ngoạm được bó cỏ non đó!

Ngựa Trong Tục Ngữ - Ca Dao

Trong kho tàng văn chương bình dân của dân tộc Việt ta - mà chúng ta vẫn tự hào như bộ kinh thi của Tàu. Cha ông ta đã để lại cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm phong phú: từ cá nhân, gia đình, xã hội, phong tục, tập quán, v...v...
Ngựa cũng được cha ông ta lấy để hình dung cho con cháu lẽ sống ở đời. Ví dụ:

 - Nói về sự phản bội, cha ông ta có câu: “Thay ngựa giữa dòng”.

- Nói về đối nhân xử thế, tương thân tương ái đùm bọc lẫn nhau thì có câu: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ “.

- Nói về lòng tham vô đáy của con người: “Ðược đầu voi, đòi đầu ngựa”.

- Nói về đo lường ý chí con người, có thử thách mới biết người tài giỏi: “đường dài mới biết ngựa hay”.

- Nói về họa phúc thì có câu: “Hàm chó, vó ngựa, cựa gà, ngà voi”.

- Nói về thói quen và tật xấu: “Ngựa quen đường cũ “, hay còn câu: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã “ (trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa).

- Nói về gia đình, vợ chồng thì có: “Gái có chồng như ngựa có cương”, hay: “Ngựa nào gác được hai yên”.

- Nói về xem người tốt xấu: “Chữ tốt xem tay, ngựa hay xem xoáy”.


Ngựa Trong Hình Pháp.


Trong luật lệ ngày xưa có một hình phạt nặng nhất. Ðó là “Tứ Mã Phanh Thây “ - tức là cột tứ chi của tội nhân cho bốn con ngựa kéo về bốn phía khác nhau.

Ngựa Trong Sấm Ký

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nước ta (1491-1585) ngoài tài văn chương Ðỗ Trạng Nguyên đời nhà Mạc, ông còn rất tinh thông lý số. Ông để lại cho đời bộ sấm ký mà thường thì khi xảy ra xong người ta mới đoán được. Ngay như người Tàu cũng phải phục tài lý số của ông nên có câu: “An Nam lý học hữu Trình Tuyền”.
Bộ Sấm Ký còn truyền tụng đến ngày nay có câu về ngựa như:

“Mã đề dương cước anh hùng tận

Thân Dậu niên lai kiến thái bình”

Vậy năm 2014, sẽ là năm Ngựa (Ngọ) - chúng ta thử chiêm nghiệm xem sao?