"Gàn mà lên tới Đốc là quá cỡ rồi!"

Thung lũng San Hô, Bang Cali, xứ Hoa Kỳ, đất lành mang tên Thánh, là nơi an cư lạc nghiệp của rất đông người Việt tỵ nạn bỏ nước ra đi sau biến cố chính trị năm 1975.

Trên đỉnh một ngọn núi cao nhìn ra biển Thái Bình Dương, một lão già râu tóc bạc phơ, óng ánh như kim cương, từ trong hang núi bò ra. Lão múa một đường quyền phi mã: hai chân nhún lên, thoăn thoắt phóng người bay trong gió và hai cánh tay vung mạnh, quay tít trên không gian, tạo nên những luồng gió cuốn vù vù.

Bỗng nhiên, những cơn mây đen vần vũ kéo đến, che kín bầu trời đang chiếu nắng chói chang. Đây là một hiện tượng chưa hề xảy ra trên đất Cali của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ vào giữa mùa Hạ. Cơn mưa đá ầm ầm trút xuống. Chợt một tia sáng khổng lồ toé sáng trên bầu trời và tiếp theo là tiếng sét rùng rợn như xé nát không trung ra từng trăm mảnh vụn. Toàn thân lão già gân ấy đỏ rực như một khối than lửa. Lão ngã lăn ra bất tỉnh. Bỗng có tiếng phán xuống từ trời cao:

- Đây là môn đệ của Ta. Ta đặt tên cho ngươi là ĐỐC GÀN. Cái gàn của ngươi làm nhiều người nhột nhạt khó chịu, nhưng cũng làm cho nhiều người khoan khoái hả hê. Cái gàn của ngươi có gang có thép, có thang có bậc, có căn có cơ, có thứ có hạng, có bằng có cấp. Ta phong hiệu "Đốc" cho cái "Gàn" của ngươi. Gàn mà lên tới Đốc là quá cỡ rồi. Hơn nữa, từ khi lọt lòng mẹ, số phận nhà ngươi đã được an bài,  tính nết hiền lành nhưng phải làm việc hung dữ, thích hòa bình nhưng phải sống trong chiến tranh, cây muốn lặng, gió chẳng muốn đừng, sống mộng bình thường nhưng cuộc đời xô đẩy, nên mới "đốc" ra cái tính gàn gàn, dở dở, ương ương!

Lão già lồm ngồm bò dậy và từ đó mang biệt danh ĐỐC GÀN.

Đốc Gàn tỉnh dậy, nghiêm trang quỳ lên một tảng đá, giơ hai cánh tay thẳng lên trời, mắt ngước nhìn về cõi xa xăm và bắt đầu cầu nguyện. Lời cầu của Đốc Gàn như một làn phong ba cuồn cuộn bay vút lên chín tầng không gian:

- Tấu lạy Thượng Đế ! Trái đất tràn ngập cảnh nhiễu nhương. Lòng người chấp chứa đầy thù hận. Cả cuộc đời con lênh đênh chìm nổi với vận nước và tình đời. Nay vâng lệnh Ngài, con xin xuống núi để sưởi ấm tình người và gây niềm vui cho nhân thế !

Viết hồi ký bên giòng lịch sử,
Gửi tâm sự gàn tếu cho đời.

Chiếc xe bò sơn son thiếp vàng chở Đốc Gàn lạch cạch lăn bánh từ trên đỉnh núi xuống, lần theo những con đường đất mấp mô. Chiếc xe này lão đưa từ quê hương Việt Nam qua. Con bò trông cũng có vẻ già nua như lão, hai chiếc sừng cuộn tròn chấm sát vào hai mắt.

Từ năm 1975 đến nay, Đốc chưa hề tắm rửa, nên mùi xú uế từ thân thể xông ra rất nồng nặc, làm những người đến gần phải bịt mũi, nín thở. Mất vệ sinh quá sức! Có ai phàn nàn thì Đốc chỉ chặc lưỡi cười xòa: "Còn Nước đâu mà tắm với rửa!"

Đã vậy, lão lại thích ăn MẮM TÔM, một đặc sản Việt Nam có mùi thum thủm, nồng nặc đến điếc cả mũi. Mắm này được làm bằng tôm tép, ngâm trong chum nước muối cho đến khi rữa thối ra. Món phó mát Camembert của Pháp, món mắm Bò Hóc của Campuchia và món Blue Cheese của Mỹ đã khó ngửi nhưng còn thua xa cái thối của mùi Mắm Tôm Việt Nam! Ấy thế mà mắm tôm lại là một món ăn "phải có" trong hầu hết các bữa ăn của người Việt Nam, cũng như nước mắm vậy. Ăn măng tươi luộc, cà ghém, dồi chó hay lòng lợn thì bắt buộc phải chấm với mắm tôm. Nấu giả cầy hay canh cua mà không pha mắm tôm thì lạt nhách vô duyên làm sao!

Nhắc đến món cầy tơ rựa mận, xin đừng ai bảo Đốc là hủ lậu nhá. Tháng  Giêng 1990, Tiểu Bang Cali ra luật cấm giết và ăn thịt chó. Một phóng viên báo San Jose Mercury News biết Đốc thích chào "Cờ Tây", bèn làm một cuộc phỏng vấn. Đốc trả lời rằng: Đạo luật cấm ăn thịt chó của Bang Cali không phải là hậu quả về sự kỳ thị người da vàng, mà là phản ảnh sự khác biệt văn hóa. Chúng tôi thiểu số xin tôn trọng ý kiến đa số. Nếu đa số trong xã hội này không muốn ăn thịt chó thì chúng tôi không ăn nữa. Điều quan trọng là người Mỹ và người di dân nên tìm hiểu văn hóa của nhau. Như chúng tôi đây đã từng nghiên cứu mà vẫn chưa hiểu được sự kiện này: Tại sao Tiểu Bang Cali ra luật cấm ăn thịt chó mà lại cho phép phá thai, giết bao nhiêu bào thai vô tội không có phương tiện tự vệ? Như thế, khác nào Cali coi sinh mạng con người không bằng mạng sống một con chó? Theo thống kê, chỉ riêng năm 1997, dân Cali giết 275.700 bào thai, trong tổng số 850.000 vụ phá thai trên toàn nước Mỹ.

Nhưng luật gì thì luật, nói gì thì nói, Đốc vẫn khoái món cầy tơ và nôn mửa món phá thai. Dù sao, người Mỹ cấm ăn thịt chó thì ta cũng vẫn còn món giả cầy nấu với mắm tôm. Ăn cũng mùi ra phết!

Mắm tôm thông dụng đến nỗi đã thẩm thấu vào nền văn học bình dân Việt Nam, như câu chuyện dưới đây:

Có hai ông đồ rủ nhau vào quán nhậu. Nhìn thấy đĩa đậu phụ trên mâm, một ông nói:

- Tôi ra một câu đối, nếu ông đối được thì tôi trả tiền nhậu. Còn không thì ông trả. Chịu không?

- Chịu! Chịu quá đi chứ! Ông bắt đầu đi!

Người ra câu đối đọc:

- Nướng đậu phụ cho cha ăn.

Suy nghĩ một lát, ông kia đáp:

- Sắc ích mẫu cho mẹ uống.  (1) 

Ông ra câu đối tấm tắc khen:

- Vế đối của ông hay đấy. Đậu phụ đối với ích mẫu. Phụcha, đối với mẫumẹ. Nướng đối với sắc. Ăn đối với uống. Tuyệt! Nhưng xem ra câu đối không được thông cho lắm.

Ông kia cãi lại:

- Không thông ở chỗ nào?

Người ra câu đối ôn tồn đáp:

- Ông cứ bình tĩnh. Này nhá! Đậu phụ thì bắt buộc phải ăn với mắm tôm mới đúng khẩu vị. Có ai ăn đậu phụ với ích mẫu bao giờ? Vì thế, phải đối thế này mới thông: "Lấy mắm tôm cho mẹ chấm".

Ông bạn vẫn chưa chịu:

- Mắm tôm tuy cặp kè với đậu phụ, nhưng chữ tôm đối với chữ phụ không hay bằng chữ mẫu đối với chữ phụ.

Nghe ra thì cả hai bên đều có lý cả. Chẳng biết câu chuyện văn chương bình dân này được kết thúc với màn ai trả tiền cho bữa nhậu?

Đốc Gàn có vẻ đắc ý với câu chuyện này lắm. Lão liền mở hũ mắm tôm ra, lấy ngón tay trỏ quệt một chút mắm tôm và đưa lên miệng nhấm nháp, rồi gật gù thú vị ra mặt. Đốc vừa chép miệng vừa lẩm bẩm:

- Chưa hết đâu! Mắm tôm còn xâm nhập cả vào kho tàng truyện tiếu lâm Việt Nam nữa. Truyện "Cô Hàng Mắm Tôm Chợ Đồng Xuân" ấy mà! Nghe đã lắm!

Có một cô hàng bán mắm tôm ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội, tính nết đanh đá, chua ngoa quá sức. Khách hàng ai cũng ghét cô, nhưng lại chịu mắm tôm của cô, vì nó đậm đà kích thích khẩu vị. Chàng Ba Giai nhất định lập mưu kế dằn mặt và sửa sai cô này một trận.

Ba Giai lấy bùn bôi khắp người, rồi thoát y tồng ngồng, chỉ mặc một chiếc quần không giây lưng và vặn túm lại với nhau thôi. Anh chàng bỏ vài đồng tiền vào chiếc cạp quần, rồi lững thững đến gian hàng cô bán mắm tôm vào giữa lúc chợ rất đông người. Gã cười tình nói với cô hàng:

- Này đằng ấy ơi! Bán cho tớ hai đồng mắm tôm đi!

Cô hàng chép miệng, đanh đá nói:

- Rõ gớm! người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm. Hình hài da bọc xương, giơ cả một đống xương sườn ra. Đâu, đưa đồ đựng mắm ra đây, chị bán cho!

Ba Giai đưa hai bàn tay ra chụm vào nhau:

- Tớ chẳng có gì đựng cả. Đằng ấy đổ vào đây cho tớ!

Cô hàng ngạc nhiên, nhưng gặp khách hàng cà chớn thì cô cũng cho cà chớn luôn. Cô múc mắm tôm đổ vào hai bàn tay khách hàng, nói nhanh:

- Đó, mắm đó. Tiền đâu, trả ngay!

Ba Giai tiến sát đến gần cô hàng:

- Tiền tớ cuốn vào cạp quần, bên phải chỗ này này. Đằng ấy mở ra lấy giùm đi. Tay tớ đang bận.

Cô hàng hơi ngần ngại, nhưng thấy anh chàng quê mùa, chất phác, nên theo lời, cô đưa tay sờ vào cạp quần lấy tiền. Ba Giai liền thót bụng lại, chiếc cạp quần bung ra và quần tụt ngay xuống đất. Anh la thật lớn:

- Bớ người ta, cô hàng này tụt quần tôi giữa chợ búa đông người thế này. "Của" tôi cũng giống như "của" người khác. Có gì lạ đâu?

Cô hàng mắm tôm xấu hổ quá, đỏ mặt tía tai, vội kéo quần Ba Giai lên và vặn lại cạp quần cho gã. Nhưng gã thót bụng lần nữa và chiếc quần lại tụt xuống. Ba Giai càng gào to hơn:

- Tớ đã bảo "của" tớ chẳng có gì lạ sất cả. Sao đằng ấy cứ tụt quần tớ hoài vậy?

Thiên hạ đổ xô đến mỗi lúc một đông, có người cười bò lê bò lết, làm cô hàng mắm xấu hổ quá. Cô lấy nước rửa tay cho Ba Giai, trả tiền lại, rồi để gã tự vặn lấy quần ra đi.

Kể từ đó, cô hàng mắm tôm cũng bỏ luôn cái thói chua ngoa, đanh đá. Thế mới biết, vỏ quít dầy móng tay nhọn là đây!

__________________________________

(1) Ích mẫu là tên một vị thuốc.