Trong năm 1945, lợi dụng tình trạng các đảng phái chính trị tranh nhau nổi lên hoạt động cứu nước, các đảng cướp cũng mọc lên như nấm để kiếm ăn.

 Nạn đói năm Ất Dậu 1945 (vientay.com)

Lúc đầu chỉ là những vụ ăn trộm, đào ngạch, khoét vách vào ban đêm để lục lọi thức ăn dưới bếp. Về sau, nảy sinh ra các đảng cướp, có vũ khí, mã tấu, giáo mác. Chúng ăn cướp có kế hoạch như đi hành quân, hết làng này đến làng khác. Đi tới đâu chúng cũng tìm nhà giầu cướp của, hãm hiếp phụ nữ một cách công khai.

Người ta tự hỏi lúc đó ai đang cai trị mảnh đất Việt Nam? Trên nguyên tắc, thực dân Pháp vẫn còn đang đô hộ Việt Nam trong giai đoạn này. Nhưng khi Pháp đầu hàng Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945), thì Nhật (cùng phe Trục với Đức) đã đặt ra nhiều yêu sách đối với Pháp tại Đông Dương. Chẳng hạn Thỏa Hiệp Pháp-Nhật ký ngày 19-8-1942, Pháp phải xuất cảng sang Nhật một triệu tấn gạo lấy từ các mùa gặt năm 1942-1943 tại Việt Nam. Đến ngày 9-3-1945, Nhật mới chính thức đảo chính Pháp và nắm quyền tại Việt Nam. Nhưng lúc đó, Nhật đang lo ngại có thể bị thua trận, nên bề ngoài vẫn phải tuyên bố "long trọng trao trả độc lập cho Việt Nam" để làm giảm sự chống đối của các phong trào đuổi Nhật đang rầm rộ khởi phát. Ngày 17-4-1945 Hoàng Đế Bảo Đại trao quyền cho ông Trần Trọng Kim thành lập chính phủ, nhưng thực chất, Bảo Đại cũng không có quyền hành gì, ngoại trừ việc quản lý nội bộ.

Làng Nam Ninh có một tướng cướp tên là Mãnh Hổ, rất hung dữ, ai cũng phải sợ. Cha xứ được mật báo tên này đang hoành hành ở làng dưới và không bao lâu sẽ đến xóm đạo của cha. Cha liền họp bàn với Đoàn An Ninh để triệt hạ tên này. Đương đầu trực diện thì không được, vì bọn cướp đông người, lại có võ nghệ. Vì thế, kế hoạch được dựng lên là các thanh niên trai tráng sẽ nấp trong nhà dân dọc theo hai bên đường. Dưới đất, nhiều dây thừng căng ngang qua đường được vùi sơ bằng một lớp cát.

Khi Mãnh Hổ và đoàn cướp đi qua ổ phục kích, các dây thừng nhất loạt được giựt lên, ngăn chúng lại. Phía trên mái nhà các mảnh lưới đan bằng dây thừng tung xuống. Thế là cả đoàn bị vướng dây rợ tứ tung, gỡ không ra. Cùng lúc, gạch đá từ hai bên đường tới tấp ném qua và từ mái nhà trút xuống. Toàn bộ băng đảng bị thương, máu me lênh láng, còn phe xóm đạo thì bình yên vô sự. Tướng cướp Mãnh Hổ và toàn bọn bị bắt sống. Cha xứ nạp chúng cho nhà nước trừng trị. Kể từ đó không có đám cướp nào dám bén mảng đến xứ đạo Mông Triệu nữa.

Thực sự thì dân chúng trong làng Nam Ninh ít người bị đói, vì tuy ruộng đất bị quân phiệt Nhật trưng thu trồng đay, nhưng vườn tược chung quanh mỗi nhà khá nhiều, nên họ giồng khoai, giồng sắn hay chuối và các cây thực dụng khác, nhờ vậy, cũng đủ tạm sống qua ngày. Nhà nào lỡ bị túng thiếu chút ít thì bà con lối xóm giúp đỡ chia xẻ cơm áo cho.

Sau gần 2 năm hoành hành, nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu dần dần tan biến nhờ 3 lý do chính:

Thứ nhất, Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh ngày 15-8-1945, nên Việt Nam không còn phải xuất cảng một số lượng gạo kếch sù sang Nhật nữa.

Thứ nhì, Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, phi cơ Đồng Minh không còn bắn phá các trục lộ giao thông nữa, nên sự tiếp tế lúa gạo từ miền Nam ra Bắc được dễ dàng.

Thứ ba, dân số tại Bắc Việt đã giảm sút rõ rệt, vì một số khá đông di cư vào Nam lập nghiệp. Còn những người đã thoát chết trong nạn đói không cần di chuyển đi đâu cả. Họ được tiếp tế và bắt tay vào cuộc sống mới.

Sức tàn phá của nạn đói được giảm đi phần nào cũng là nhờ sự hy sinh của tín đồ các tôn giáo. Với tinh thần bác ái của Công giáo hoặc đức từ bi hỉ xả của Phật giáo, các đạo hữu rất hăng say trong công tác cứu đói và làm việc có tổ chức dưới sự lãnh đạo của các tu sĩ. Họ đạo Mông Triệu với cha xứ Giuse Kiên là một trường hợp điển hình của hàng ngàn các xứ đạo khác.

Vào một buổi trưa hè nóng bức, cha xứ Kiên đang ăn cơm thì có tiếng gõ cửa sau nhà. Cha hơi ngạc nhiên vì những người xin ăn không ai vào được cửa phía này, còn giáo dân thì ai cũng biết giờ này cha ăn cơm và ngủ trưa. Họ không  dám phiền cha, trừ trường hợp khẩn cấp lắm. Khi cha ra mở cửa thì thấy một người con gái, mặt mũi hom hem, đội chiếc nón lá rách tả tơi, chứng tỏ đây là một nạn nhân của nạn đói.

- Thưa cha, cha không nhận ra con à?

Cha Kiên lắc đầu nhẹ, hơi nhăn trán lại cố gợi trí nhớ xem là ai. Người con gái tiếp:

- Con là Tình, hội Con Đức Mẹ đây, cha!

Tình là một cô gái trong họ, cha mẹ mất sớm, ở với bà thím. Tính nết hơi lẳng lơ. Cô bỏ làng đi biệt tích cả mấy năm nay. Có người nói đã bắt gặp cô làm "me Tây" ở tỉnh. Cha Kiên cũng được người ta báo tin cho biết như vậy. Hôm nay, bỗng dưng cô trở về thăm cha. Tuy ngạc nhiên, nhưng cha vẫn niềm nở:

- À, Tình, cha nhớ rồi. Kỳ này trông con gầy đi nhiều!

Cô nàng mừng rỡ quá, vì được cha nhận ra. Cô bỏ chiếc nón khỏi đầu và nhìn cha với giọng cầu khẩn:

- Cha có gì ăn không? Cho con ăn với. Con đang đói quá!

Cha Kiên không trả lời ngay. Cha nghĩ rằng biết đâu nhờ cái đói này mà cha có thể đưa nàng trở về cuộc sống ăn ngay ở lành. Cha muốn cứu linh hồn cô trước khi cứu thể xác. Cha nhìn thẳng vào mắt cô:

- Con đã bỏ nhà thờ mấy năm nay. Con hãy sốt sắng giọn mình xưng tội ngay bây giờ, rồi cha cho ăn cơm.

Tự nhiên Tình xìu nét mặt lại, đứng lặng người ngẫm nghĩ hồi lâu. Có lẽ cuộc đời trụy lạc của cô trong suốt mấy năm qua đang hiện ra rõ nét. Cô xấu hổ, không dám xưng tội với cha. Cô ngập ngừng:

- Thôi, thưa cha, vậy thì thôi vậy. Chào cha con đi!

Vừa nói, cô vừa nhặt chiếc nón và chạy đi luôn trước sự ngạc nhiên của cha.

Cha Kiên thở dài, trở lại bàn cơm. Cha vừa lo vừa thương hại cô. Nhưng cha lại nghĩ rằng trước sau gì thì con Tình cũng gặp bạn bè trong Đoàn Cứu Đói cuối nhà thờ. Nó chẳng dám đi xa nữa đâu. Có gì mà phải bận tâm. Vì thế, sau bữa cơm, cha bình thản đi ngủ trưa.

Theo thói quen, sau giờ nghỉ trưa, cha ra nhà thờ đọc kinh Nhật tụng. Vừa quỳ xuống làm dấu thì ông Từ khúm núm đến ghé sát vào tai cha:
- Bẩm lạy cha, con Tình nó nằm chết ở cổng sau nhà xứ mình rồi!

Cha xứ hoảng hốt buột miệng:

- Lạy Chúa!

Nhưng cha lấy lại bình tĩnh ngay và bảo ông Từ:

- Được rồi!

Ông Từ hiểu ý là cha đã được bá cáo. Nhiệm vụ ông đến đây là hết. Ông lặng lẽ lui ra.

Cha Kiên không mở sách kinh ra đọc. Cha quỳ, lấy hai tay úp vào mặt suy nghĩ: Linh hồn và thể xác, cái nào phải ưu tiên cứu cấp? Hồn là quý, xác là hèn. Nhưng không cứu xác trước thì làm sao cứu được hồn?

Cha nhớ đến phép lạ Chúa hóa năm chiếc bánh và hai con cá cho cả hàng ngàn người ăn.   Khi ấy, dân chúng đi theo Chúa đông quá sức. Họ say mê nghe Lời Chúa. Lời Chúa là Lời Hằng Sống. Lời Chúa có sức cải tử hoàn sinh và Lời Chúa đưa con người đến sự sống muôn đời. Nhưng nghe Lời Chúa lâu quá, dân bắt đầu cảm thấy đói, thấy khát. Các tông đồ xin Chúa đuổi dân về đi. Người đông thế này, lấy gì cho họ ăn, lấy gì cho họ uống? Giải pháp của các tông đồ rất đúng và rất thực tế. Nhưng Chúa lại không nghĩ như vậy. Lời Chúa là lời hằng sống để giải quyết cái đói về tâm linh của con người. Nhưng không thể lấy Lời Chúa mà nuôi thể xác con người được. Có thực mới vực được đạo! Phải cho họ ăn uống no nê. Bao tử có đầy thì mới có sức mà theo đạo và giữ đạo. Chúa muốn cho họ ăn uống để tiếp tục nghe Chúa giảng đạo. Vì đuổi dân đi, lấy ai theo đạo? Và vì thế, Chúa đã làm phép lạ với chỉ 5 chiếc bánh và 2 con cá mà 5.000 ngàn đàn ông - chưa kể đàn bà con nít - được ăn thỏa thuê, lại còn dư cả thùng, cả thùng.

Cha Kiên tự hỏi mình: Hay là chính cha có lỗi đã bỏ Tình chết đói? Cha không cần và cũng không thể làm phép lạ như Chúa, vì cha đang dư thức ăn để cho đi. Chưa hết đâu! Cha để cho cô chết trong tình huống tội lỗi này, có thể cô chết mất linh hồn lắm chứ? Phải chăng cha đã giết cả linh hồn lẫn thế xác của Tình? Cha bắt đầu lo lắng. Không biết Tình còn nhớ bài học giáo lý cha đã dạy mà ăn năn tội cách trọn trước khi chết không? Con người chỉ cần một giây, một phút nhớ đến Chúa và hối hận vì đã phạm tội mất lòng Chúa trong giờ sau hết là đủ để Thiên Chúa lòng lành tha thứ hết mọi tội lỗi.

Cha không muốn nghĩ tiếp nữa. Cha xin phó dâng tất cả trong tay Chúa. Tuy nghĩ vậy, nhưng lương tâm cha vẫn còn áy náy. Bất chợt, qua cửa sổ trước mặt, cha nhìn thấy anh Phạm văn Độc, Trưởng Đoàn Tobia, con ông bà Giáo Hiệt vừa đi ngang qua. Cha chạy vội ra, gọi anh lại gần:

- Anh Độc, anh còn nhớ cô Tình, hội Con Đức Mẹ trước đây không?

- Dạ, con nhớ chứ cha. Cô vừa chết ở cổng sau nhà xứ, chúng con đã bỏ xác lên xe bò, sắp sửa đem đi chôn.

Cha nói thật chậm, sợ anh Độc nghe không rõ lệnh của cha:

- Tôi muốn làm phép xác cô ta trong thánh lễ chiều nay tại nhà thờ. Anh báo với ông Trùm cho tôi như vậy nhá!

Vâng lệnh cha xứ, anh giữ xác cô Tình lại để làm phép trước khi chôn. Khổ nỗi, xác cô lại nằm dưới cùng trong chiếc xe ba gác. Thế là anh em trong Đoàn lại phải khênh từng xác chết xuống, mới lấy được xác cô Tình ra.

Trong Thánh lễ chiều hôm đó, xác cô Tình được bó trong một chiếc chiếu do họ đạo cung cấp. Cha làm lễ cầu hồn và rảy nước Thánh lên xác của cô trước khi đem đi chôn. Mọi người đọc kinh Vực Sâu cầu cho linh hồn Maria.

Sau lễ, bên ngoài tiền đường nhà thờ, các bà xúm nhau lại, xì xầm bàn tán um cả lên:

- Gớm, cái con đĩ này mà cha còn làm lễ, làm lạy gì cho nó. "Me Tây" thì chỉ có sa hỏa ngục!

- Cái con này nó lẳng lơ lắm cơ đấy. Cha cụ cũng phải giữ mình, không thì cũng chết với nó!

Biết rằng các bà đã bàn luận lạc đề khá xa, nên có tiếng đàn ông xen vào:

- Thôi đi các bà ơi! Cho tôi can. Đừng có xét đoán người ta. Lo thân mình đi. Đàn bà ai mà chẳng lẳng lơ. Tội hay không thì chỉ có Chúa biết.

Thằng Kích có tiếng là hay trêu chọc các bà cũng xông vào ăn có:

- Thôi đi các mệ! Các mệ có biết chuyện Diêm Vương không? Để tôi kể các mệ nghe: Ngày kia Diêm Vương bắt được hai phụ nữ: Người thứ nhất là gái giang hồ. Người thứ hai là hội viên Hội Con Đức Mẹ. Diêm Vương hỏi cô gái giang hồ:

- Chị kia, chị làm gì ở trần gian?

- Dạ, con mua vui cho thiên hạ. Ai buồn bực, đến gặp con là ra về vui vẻ như Tết.

Diêm Vương cười hả hê:

- Thế thì tốt. Cho trở về trần gian làm người tiếp. Chúc vui vẻ!

Diêm Vương quay sang hội viên Hội Các Bà Mẹ:

- Còn chị kia, chị làm gì?

- Dạ, con thờ chồng nuôi con. Hằng ngày chịu khó đọc kinh xem lễ. Con vào Hội Các Bà Mẹ để kể cho nhau mọi thứ chuyện trong xứ đạo. Hội chúng con nhiều chuyện vui lắm!

Diêm Vương vội vàng ngắt lời:

- Bắt! Bắt ngay lấy con mụ lắm chuyện này. Âm phủ đầy dẫy những mụ lắm chuyện như con mụ này!

Thằng Kích phá lên cười, dòn như nắc nẻ. Các bà thì vừa bực vừa buồn cười về câu chuyện tếu nó vừa kể, nhưng vẫn la lối xỉa xói:

- Bắt! Bắt cái đầu mày. Bà đánh cho chết bây giờ, cái thằng khỉ gió này!