Xin Trời cho cộng đồng VN ta luôn luôn cư xử với nhau bằng lòng tốt và thiện tâm.

chucmungnammoiCanada là xứ giầu có qúa sức. Chỉ riêng năm ngoái, đầu năm người ta khám phá ra bãi cát dầu ở miền trung, giữa năm khám phá ra bãi cát sắt ở miền đông, cuối năm khám phá ra kho khí đốt mênh mông dưới biển miền tây. Chỉ việc đãi cát là có dầu, đãi cát là có sắt, cho ống xuống đáy biền là có khí đốt. Và Canada có toàn chủ quyền chứ không phải tranh chấp với bất cứ nước nào về những tài nguyên này. Giầu có như vậy lại còn được quốc tế ca ngợi nữa. Chẳng hạn Tap Chí The Economist số vừa qua đã công bố danh sách 5 thành phố đáng sống nhất thế giới, trong số 5 này có 3 thành phố của Canada, đó là Vancouver ở miền tây, Calgary ở miền trung tây và Toronto ở miền đông. Chưa hêt, trong số 50 ngân hàng an toàn nhất thế giới thì Canada có tới 7. Các cụ phương xa muốn giữ tiền bạc cho an toàn thì nên gửi ở ngân hàng Canada nha. Ngân hàng Canada cũng an toàn như ngân hàng Thụy Sĩ vậy.

Dân VN ta sống ở Canada có tới 200 ngàn. Tôi thấy ai cũng cảm thấy mình sung sướng vì đang được sống ở thiên đàng. Ai cũng sống thọ. Chẳng hạn Bà cụ Nguyễn Bách Bằng thọ tới 100 tuổi rồi mới ra đi. Hiện ở thủ đô Ottawa còn Cụ Đào Trọng Cương đã thọ tới 103 tuổi, chắc cụ rồi sẽ đi vào sách kỷ lục thê giới. Các bạn biết cụ Cương chứ. Cụ là kiến trúc sư VN đầu tiên tốt nghiệp trường kiến trúc Hà Nội thuở xa xưa, cụ là cựu hướng đạo sinh VN tiên phong, là nhạc phụ của BS Nguyễn Trùng Khánh nổi tiếng thế giới về quang tuyến… Riêng làng tôi, ngày xưa dân làng ai mái tóc cũng xanh, nay quay đi quay lại mái tóc đa số đã bạc nhưng may qúa tiếng cười vần còn rổn rảng trẻ trung.

Xin trình các cụ tin này : Mọi năm làng tôi chỉ ăn tết ta, tết VN truyền thống của dân tộc, nhưng năm nay các cụ trong làng đã đi một bước mới, các cụ đã quyết định ăn cả tết tây nữa. Các cụ lập luận rằng dù gì đi nữa dân làng đã là công dân của nứớc Canada vĩ đại này, tại sao không ăn tết Canada để cho các con các cháu theo gương. Và làng tôi vừa qua một đêm giao thừa tết tây tuyệt vời.

Nơi họp là nhà anh chị John, bắt đầu lúc 11:30 giờ trước nửa đêm. Theo đúng lối Canada, dân làng ngồi trước máy truyền hình lớn để xem toàn cảnh thủ đô Toronto đón tết. Chao ơi người đâu mà đông thế. Nam thanh nữ tú sao mà nhiều thế. Giới trẻ ở đây có thói quen giao thừa tết tây là phải xuống phố, sau giao thừa thì mới đi dự tiệc rồi mới về nhà xông đất. Giờ quan trọng tới. Làng tôi ai cũng hồi hộp quá. Rồi không ai bảo ai, mọi người đều đếm to 10 giây cuối cùng của năm cũ, đếm cùng với dân chúng trên màn ảnh, đếm ngược nha. 10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3 2, 1. Và cả làng hầu như đã hét lên ‘Happy New Year!’ Nghe tiếng hét mà tôi thấy mình trẻ lại. Không ngờ cái máu Canada đã chảy trong chúng tôi mạnh như vậy.

Và chủ nhà đã bày tiệc. Việc đầu tiên là mở champagne. Dân Canada chỉ uống champagne lúc giao thừa chứ không ăn. Vừa uống vừa chúc mừng vừa hò hét vừa ca hát. Điều quan trọng nhất là mọi người phải vui cười. Anh H.O. được Chị Ba Biên Hòa giao trọng trách phải kể một câu chuyện thật vui và phải làm cho mọi người cười như pháo nổ. Va anh đã kể chuyện này :

… Anh Văn và anh Hùng là bạn thân với nhau. Cả hai đều được vợ cho phép đi trượt tuyết ở miền núi. Hai chàng lái chung một xe, lòng vui sướng khôn tả. Nhưng bất ngờ giữa đường gặp cơn bão tuyết lớn. Hai chàng phải táp vào một căn nhà bên đường xin trú bão. Ra mở cửa là một thiếu phụ rất trẻ đẹp. Sau khi hai chàng ngỏ lời xin trú bão qua đêm thì người đẹp từ chối. Nàng nói rằng nàng là một thiếu phụ, vừa góa chồng. nay nếu cho hai chàng vào ngủ qua đêm thì sẽ bị hàng xóm dị nghị, thật không tiện chút nào. Vì cơn bão đã tới gần, hai chàng bèn năn nỉ : Chúng tôi không dám xin ngủ trong nhà này, chúng tôi chỉ xin ngủ trong nhà xe, sáng mai hết bão thì chúng tôi sẽ đi ngay và đi sớm. Người đẹp liền bằng lòng. Và hai chàng đã qua đêm bão tuyết trong căn nhà để xe. Sau đó chuyến đi trượt tuyết của hai người đã thành công rất tốt đẹp. Rồi không ai nhắc tới chuyến đi này nữa.

Chừng chín tháng sau, anh Văn nhận được thư của một luật sư liên hệ tới cuộc ngủ đêm tránh bão trong chuyến đi trượt tuyết. Anh bóp trán mãi mới nhớ ra cuộc ngủ đêm này. Rồi anh gọi cho Hùng và hỏi :

- Mày có nhớ buổi đi trượt tuyết mà chúng mình gặp trận bão nên phải ngủ nhờ nhà xe của một góa phụ trẻ đẹp không ?

- Nhớ chứ

- Tao hỏi thật mày điều này nha : Có phải đêm đó trong lúc tao ngủ say thì mày lẻn lên nhà thiếu phụ và ngủ với nàng phải không? Và khi mày yêu nàng xong có phải mày đã xưng danh, và mày đã cho nàng tên, không phải tên mày mà tên tao và địa chỉ của tao phải không?

- Sorry. Đúng như vậy. Tao xin lỗi mày về việc tầm bậy này. Mà có chuyện gì quan trọng không?

- Có chứ. Tao vừa được thư của một luật sư báo tin góa phụ xinh đẹp đó đã chết và bà ta để hết gia tài cho tao.

- Trời !

Cả làng nghe xong thì phá ra cười, vỗ tay râm ran và khen câu chuyện hay quá. Đầu năm mà nghe chuyện được cho gia tài bất ngờ, thật là hên và vui.

Cô Tôn Nữ gốc Huế thì tỏ ra thích câu chuyện này qúa. Cô nói : Tôi cứ tưởng thư luật sư báo tin goá phụ đẻ con và yêu cầu anh Văn lên nhận trách nhiệm chứ…

Anh H.O. được cả làng khen chuyện tiếu lâm đầu năm hay thì tỏ ra sung sướng hết sức. Cụ B.95 hỏi : Mọi khi anh kể chuyện cười thì chuyện nào của anh cũng mặn hết, cũng dính tới cái ấy. Hôm nay lần đầu tiên được nghe anh kể một chuyện hay mà không mặn chút nào. Anh còn chuyện nào nữa không, xin cho nghe tiếp để cả năm chúng tôi sẽ được cười sảng khoái như vậy. Dân làng ai cũng gật đầu đồng ý về lời xin này.

Thế là anh H.O. được hứng. Anh kể tiếp. Anh bảo đây là câu chuyện trên thiên đàng nha, chứ không phải chuyện dưới trần thế, nên không hề mặn và chạm tới cái ấy.

Rằng có 3 anh kia là bạn thân với nhau từ bé. Bữa đó ba anh rủ nhau đi du lịch. Chẳng may máy bay rớt, cả ba tử nạn. Sau khi chết, ba anh cùng bay lên trời xin Thánh Peter cho vào thiên đàng. Theo Sách Thánh thì khi còn sống Thánh Peter có vợ và được Chúa chọn làm thủ lãnh các tông đồ, và được Chúa giao cho chìa khóa cửa thiên đàng. Thánh Peter nghe lời xin của ba anh thì truyền cho thiên thần gác cổng thiên đàng mở cửa cho cả ba vào. Thiên thần xem hồ sơ cá nhân của ba anh xong liền trình rằng : Ba anh này sống bậy bạ lắm, khi còn ở trần gian thì anh nào cũng hai vợ. St. Peter nghe xong liền bảo thiên thần : Ta khi còn sống ở trần gian, ta chỉ có một vợ mà ta khổ sở vô cùng. Chúng nó chịu đựng được tới hai vợ thì nhân đức của chúng lớn lắm, bởi vậy chúng đáng được vào thiên đàng. Thiên thần bèn tuân lệnh mở cửa cho ba anh này vào. Chúng vào xong, thiên thần lại hỏi thánh Peter : Bây giờ cho ba anh này ở đâu? Thánh Peter đáp ngay : Cho anh A cái căn nhà số 1, anh B cái căn nhà số 2, còn anh C thì cho cái biệt thự sang trọng nhất ở trung tâm. Thấy thiên thần ngạc nhiên về quyết định này, Thánh Peter nói ngay : Sỡ dĩ ta cho anh C cái biệt thự sang trọng là vì lúc nãy, anh A và anh B đều chào ta là ‘ kính chào Thánh Peter’, còn cái anh C này nó đã cung kính chào ta là ‘Con chào Dượng Peter’. Nó gọi ta là Dượng tức là nó có họ với vợ ta. Ta mà không cho nó cái biệt thư đó thì ta sẽ gặp khó khăn to với bà vợ của ta…

Cả làng lại vỗ tay râm ran lần nữa, ai cũng ca ngợi hai chuyện rất hay của anh H.O. Anh nhìn Chị Ba Biên Hòa rồi thưa : Em đã vâng lời chị, đã vất vả trong một tuần lễ, lục cả một đống sách lớn mới tìm ra hai chuyện thánh thiện và trong trắng như vậy. Em xin hết. Bây giờ cho phép em được mời bồ chữ ODP kể chuyện lấy hên cho đầu năm.

Ông ODP nói ngay : Tôi có một câu chuyện, không phải chuyện cười mà là một chuyện về văn hóa, tôi đọc thấy trên điện báo mà tôi cho là hay thấm thía. Nhà văn Nguyên Trần kể về một tấm bia lịch sử. Chuyện như thế này :

… Ở Canada, tháng 11 là tháng kính nhớ các người qúa vãng. Đầu tháng 11, các nhà thờ Công Giáo thường tổ chức các buổi lễ Cầu Hồn và đi viếng nghĩa trang, còn thành phố thì quen tổ chức lễ truy điệu ở đài các chiến sĩ trận vong. Nhà văn Nguyên Trần đã đi viếng nghĩa trang. Sau khi viếng mộ thân nhân xong thì ông đi rảo quanh nghĩa trang. Bỗng ông chợt thấy một tấm bia mộ đặc biệt. Mộ bia làm bằng đá hoa cương, cao một thước rưỡi. Hai bên tấm bia có 2 chân đèn đồng rất lớn, trên có đèn cầy và hai lá cờ Canada và VNCH. Mặt bia ghi ba thứ tiếng Anh văn, Pháp văn và Việt văn với nội dung giống nhau. Lời tiếng Việt như thế này :

… Xin thành kính tưởng niệm và nhớ ơn các chiến sĩ cùng tất cả đồng bào đã bỏ mình vì tự do và nhân quyền cho VN trước và sau 30.4.1975. Xin tưởng niệm đồng bào bị tù đầy chết chóc, tử nạn trên đường vượt biên tìm tự do sau ngày 30.4.1975.

Người VN tỵ nạn CS tri ân đất nước Canada và các nước tiếp nhận tỵ nạn CS trên thế giới. Chúng ta rất hạnh phúc được sống trên mảnh đất đầy tình thương, hòa bình, tự do và nhân quyền. VN, đất nước của tổ tiên chúng ta, sẽ mãi mãi sống trong lòng dân Việt.

Bia mộ này nằm trong nghĩa trang Glen Oaks ở Mississauga, phía tây Toronto.

Kể đến đây xong thì ông ODP hỏi cả làng : các bạn thấy thế nào ? Tôi đọc xong bản tin trên đây mà thấy xúc động qúa. Xin đa tạ nhà văn Nguyên Trần đã nhìn ra tấm bia mộ đầy tính chất lịch sử và văn hóa. Xin đa tạ một vị ẩn danh hay một hội đoàn nào đó đã tạo ra tấm bia lịch sử. Các bạn thật tuyệt diệu. Các bạn đã nói thay cho chúng tôi. Các bạn đã nhắc cho hậu thế lòng biết ơn phải có của con dân VN trên giải đất tự do này.

Thấy cả làng im lặng vì cảm động khi nghe tới lời ghi trên tấm bia, ông ODP nói tiếp : nhân vừa nhắc tới hậu thế, tôi xin nói thêm : Trước đây đôi lúc tôi cũng bi quan nghĩ rằng CSVN đã làm thui chột bao nhiêu thế hệ đang lớn lên, nhưng từ khi nghe được bài nhạc của Việt Khang trong nước, và nghe nói tới những phiên tòa VC xử lớp trẻ bầy tỏ lòng yêu nước thì tôi mừng qúa, vì biết lớp trẻ VN vẫn còn dòng máu hào hùng của cha ông. Tháng trước tôi được đọc một bài viết qúa hay của một nữ sinh viên trẻ trong nước. Đó là cô Nguyễn Thu Trâm. Cô ta viết về tòa án xử Việt Khang, một nhạc sĩ trẻ tài ba đầy lòng yêu nước. Cô viết rằng CSVN là kẻ đang bán nước cho Tàu. Lẽ nào một kẻ bán nước lại được ngồi xử kẻ yêu nước! Rồi cô hỏi : Trên thế giới có nơi nào lòng yêu nước phải giấu kín trong lòng không được bộc lộ ra ngoài, nếu bộc lộ thì sẽ bị bắt, tra tấn, tù đày như Việt Nam hiện nay không ?

Làng vẫn im lặng vì mấy câu chuyện cảm động. Thấy làng im lặng thì ông ODP tỏ vẻ lo. Ông lên tiếng cười : Tôi xin lỗi cả làng vì trong giờ phút đáng lẽ phải vui cười thì tôi lại kể mấy chuyện nghiêm trang qúa. Bây giờ tôi xin nói sang chuyện khác nha. Các bạn còn nhớ câu chuyện tếu của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện kể về việc năm 1980 triều đình CSVN định ướp ‘cái ấy’ của lãnh tụ Tôn Đức Thắng rồi đặt nó lên trên cờ đỏ sao vàng, rồi xây lăng trưng bày không? Hôm nay tôi xin kể tiếp về cái tếu của Nguyễn Chí Thiện. Lần này cái tếu rất nhẹ, rất thơm, rất văn chương. Chuyện này do chính nhà báo Lê Thiên của Báo Diễn Đàn Giáo Dân ở Cali số tháng 11 vừa qua kể nha. Ông Thiên và ông Thiện luận về cái tên của mình. Ông Lê Thiên kể :

…Lần đầu gặp nhau chúng tôi tự giới thiệu tên cho nhau. Ông Thiện cười xuề xòa - Bác nhẹ hơn tôi đấy !

-Vâng, tôi nhỏ con, làm sao so với cụ.

Ông Thiện lại cười :

- Tôi trùng tên với bác nhưng mà nặng.

Ý ông muốn nói ‘Thiên nặng Thiện’. Rồi ông lại bảo :

- Chưa là Dân Trời như bác ( tên tôi Lê Thiên), chưa thiện nổi, mạo nhận mình là Thiện đấy thôi.

- Tôi hơn cụ nhiều, dám mạo nhận mình là dân Trời nên Trời đọa.

Ông Thiện nắm tay tôi:

- Thế thì chúng mình cùng hướng thiện để hưởng Thiện nhé

Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện chỉ thọ có 73 rồi về trời. Giá ông còn sống ở dương gian thêm chục năm thì chắc chúng ta sẽ còn được nghe nhiều chuyện dí dỏm và tếu hơn nữa.

Bây giờ là những giây phút mở đầu một năm mới, nào, làng ta vui lên, cười lên để lấy hên cho cả năm. Anh John đâu, Chị Ba đâu, anh H.O. đâu, mang pháo ra đây. Nào ta đốt lên để ăn mừng việc chúng ta thoát nạn ngày tận thế 21 tháng 12 vừa qua.

Ông ODP này chuyển đề khéo qúa, ông đã thay đổi được bầu không khí trang nghiêm sang bầu không khí vui cười. Mấy cô Tôn Nữ và Cao Xuân bây giờ mới lên tiếng : Thật may qúa, tất cả chúng ta đã thoát chết. Trước đây chúng em cũng lo lo vì đây là lời báo động của dân Maya cơ mà. Cách đây mấy ngàn năm thì dân Maya đã lên tới tột đỉnh văn minh, lẽ nào họ viết sai được. Thế mà, may qúa, họ đã viết sai. Chúng em đi nhà thờ thì mấy ông cha đã trấn an con chiên : Trái đất này là một sản phẩm tuyệt hảo của Thượng Đế, việc gì Chúa lại phá đi. Thế mà vẫn còn sợ. Rồi ngày 18.11.2012, chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 cũng lên tiếng bài bác tin đồn về tận thế. Ấy thế mà trong lòng vẫn còn âm ỉ một chút sợ.

Đang lúc mấy cô Huế kể chuyện trận thế thì chủ nhà, anh John và Chị Ba Biên Hòa bưng lên mâm cỗ tết tây nóng hổi. Các cụ có đoán cỗ tết tây này gồm món gì không ? Anh John lên tiếng ngay ; Đây không phải là cỗ tây mà là cỗ ta, do nhà tôi nấu : Nồi cháo gà và nồi xôi đậu xanh. Ôi, thật sung sướng qúa. Hai món này đã làm tôi nhớ lại những ngày xưa yêu dấu. Khi còn bé, đêm lễ Giáng Sinh, năm nào tôi cũng theo mẹ tôi đi nhà thờ. Tan lễ về tới nhà thì bà tôi đã nấu xong nồi cháo gà và chõ xôi đậu. Giữa không khí se se lạnh, cùng với cả nhà được ăn cháo gà nóng và xôi nếp nóng, ôi sao mà hạnh phúc thần tiên như vậy.

Như để cám ơn bữa ăn đêm mà Chị Ba Biên Hòa đã nấu, cô Cao Xuân nói : Chị Ba ơi, chị có biết Chợ Đông Ba quê em ngoài Huế, ban đầu cái tên không phải là Đông Ba mà là Đông Hoa, chị có biết tại sao không? Tại vì khi Vua Minh Mạng lấy vợ là Hồ Thi Hoa thì cái tên Đông Hoa phải biến ra Đông Ba. Chợ quê em phải biến tên vì Bà Hồ thị Hoa người gốc Biên Hòa họ hàng nhà chị đấy.

Cả làng cười vang lên : Nào ai ngờ Chị Ba của chúng tôi có liên hệ với hoàng tộc!

Cụ B.95 ăn xong tô cháo gà rồi hỏi anh John : Anh có thấy cháo gà nấu theo kiểu bếp VN quê vợ của anh ngon hơn cháo gà Canada không? Anh John cười ha ha, anh không trả lời thẳng câu hỏi mà nói sang chuyện khác. Thưa Cụ, tuần qua con đọc cuốn hồi ký của Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê, con thấy câu chuyện này hay thấm thía. GS Khê kể rằng năm 1982 ông đi Ý tham dự hội nghị quốc tế UNESCO bàn về việc viết lịch sử âm nhạc. Hội nghị đã thảo ra kế hoạch và đặt tên cho kế hoạch này là ‘Âm nhạc trong đời sống con người’, tiếng Anh ghi là ‘ Music in the life of Man’. Cái tên tiếng Anh này bị phong trào phụ nữ phản đối vì tiếng Man chỉ liền ông, tại sao không có liền bà? Để chiều lòng phe liền bà, hội nghị phải đổi ra ‘The Universe of Music : a History’, viết tắt là UMH. Cái tên tắt này thật là khó đọc và chói tai đối với nhiều người ‘ iu em ếch’. Mấy người bạn hỏi ông là có thấy khó khăn khi đọc cái tên tắt UMH này không, GS Khê đã cười hê hê : Không ! Không những không khó đọc mà UMH đọc theo âm VN của nước tôi nghe rất du dương và đầy ý nghĩa ‘ U em hát’, nghĩa rằng ‘mẹ đang hát cho em nghe’.

Thấy mấy người tham dự hội nghị đặt câu hỏi có vẻ sửng sốt thì GS Khê tiện dịp ca ngợi và đề cao luôn âm nhạc VN: Các ông đừng ngạc nhiên vì âm nhạc đã bao phủ đời sống người VN chúng tôi. Này nha, khi đứa con vừa chào đời thì người mẹ đã hát ru, lớn lên chút nữa thì đứa bé được mẹ dạy đồng dao, bài vè, rồi lớn lên đi làm ở ngoài đồng thì nam nữ đối đáp nhau bằng, câu hò, điệu lý, đối ca nam nữ. Rồi các dịp lễ lạc thì đi xem hát ngay trong thôn hay ngoài đình làng , được nghe những bài ca trù ở miền Bắc, ca Huế miền Trung, ca tài tử miền Nam, rồi hát chèo, hát tuồng, hát cải lương, hát bài chòi, ấy là chưa kể các bài ca tụng niệm ở chùa…

Các cụ đã thấy cái anh rể Canada này vừa thông thái vừa dễ thương chưa. Cụ B.95 nghe xong thì có vẻ đẹp lòng và thích qúa. Cụ cám ơn Anh rồi nói tiếp : Tôi thấy cái gì liên hệ tới quê vợ của anh cũng đều nhất hết. Vậy xin anh nói tiếp những cái khác nghe nào. Anh John này qủa là thông minh linh lợi. Anh đáp ngay:

-Những cái nhất về quê vợ con thì nhiều vô số. Nói gì đâu xa, chỉ riêng những tiếng liên hệ tới bộ mặt đã thấy tiếng Việt đặc sắc vô cùng. Ngày xưa lúc cháu bắt đầu học tiếng Việt cháu đã giật mình vì thấy cái mặt của con người VN nhiều chữ M qúa. Cháu xin kể sơ sơ nha : Mặt, mắt, lông mày, lông mi, mí mắt, mắt mơ màng, mắt mờ, mắt mù, mũi, má, môi, miệng, mõm, mỏ, cười mỉm, mếu, bú mớm, méo mặt… Khi giận ai thì chửi đồ mặt mẹt mặt mo! Người Anh thấy chữ M của VN hay qúa nhưng cũng chỉ có thể áp dụng vào cái miệng là chữ Mouth mà thôi!

Cụ B.95 hỏi tiếp : Nói như anh thì cái gì của VN cũng nhất, vậy chứ không có gì xấu sao? Nghe đến đây thì Chị Ba Biên Hòa xin góp lời : Xin cho cháu trả lời thay chồng cháu. Xưa nay chồng cháu thường hết lời khen y phục của phụ nữ VN vì nó đẹp vô cùng, nhưng ít lâu nay thì lời khen bớt đi. Cụ và các bác có biết tại sao không? Thưa vì cái khăn vành giây mà các bà các cô hay đội trong các buổi lễ hay văn nghệ. Thuở xưa, cái khăn này có gốc từ Hoàng hậu Nam Phương. Nó là mấy lớp khăn nhung vàng mà thôi. Chỉ cuốn có mấy lớp, trông nó rất thanh nhã và nhẹ nhàng. Các bác cứ tìm ảnh cũ chụp Hoàng hậu Nam Phương ngày xưa mà coi. Rồi về sau, các người giầu có cũng bắt chước Hoàng hậu Nam Phương mà cho cô dâu đội khăn như vậy trong ngày cưới. Gần đây, thời trang phái nữ là áo dài phải đi với khăn vành. Cái khăn vành ban đầu nhỏ, nhẹ nhàng, thanh thoát thì bây giờ nó hóa ra to đùng, trông như cái rế. Xưa nó là lớp khăn vải nhung, bây giờ nó là cái rế bằng nylon vừa to vừa cứng vừa thô, trông mất thẩm mỹ hết sức. Rồi các nhà thời trang còn vẽ hoa trên cái cái rế nylon này nữa, trông kỳ qúa lẽ. Ngày xưa thì chỉ hoàng hậu hay cô dâu đội khăn vành, bây giờ thì hầm bà lằng, cô gái trẻ đội mà mấy bà già khằng cũng đội. Các nhà thời trang VN ơi, xin bỏ cái kiểu khăn vành nylon to đùng và xấu như cái rế này đi nha. Xin làm bé lại, chỉ mấy vòng thôi, và xin làm bằng vải nha. Các bà các cô ơi, đừng đội cái rế xấu xa đó nha, trông quê lắm.

Chị Ba Biên Hòa nói một hơi về cái khăn vành rồi xin hết.

Cụ Chánh tiên chỉ làng xin góp lời : Tôi rất đồng ý với Chị Ba về cái khăn vành mà hiện nay phụ nữ cả hải ngoại cả quốc nội đều đội. Trông phản mỹ thuật qúa. Tôi cũng vừa được tin Cha Già Cố Đỗ Thanh Hà ở California đã viết thư ngày 12.12.12 xin Hội Đồng Giám Mục VN xét lại bức tượng Đức Mẹ La Vang. Ngài xin đừng bắt Đức Mẹ La Vang đội cái khăn vành rế khó coi đó. Ngài cho biết mỗi lần thấy tượng Đức Mẹ có đội tấm khăn này thì ngài không thể cầm trí cầu nguyện được. Ngoài ra tôi còn thêm ý này nữa về tấm áo dài VN. Hiện nay tôi thấy mấy cô ca sĩ mặc áo dài hai vạt trước sau dài chấm đất, trông xa ta chả thấy ống quần đâu cả. Các cô ơi, vạt áo dài không nên dài qúa như thế, nên để người ta còn thấy mấy cô có mặc quần nha. Áo dài phải đi với quần dài mới đẹp chứ!

Phần phát biểu của Chị Ba và Cụ Chánh được dân làng hoan hô nhiệt liệt.

Thấy tiệc mừng tết Tây đã kéo dài, qúa khuya, cụ Chánh xin được kết thúc. Cụ nói thế này : Theo phong tục xưa nay, ngày đầu năm mới chúng ta nên có lời nguyện ước. Lão có một điều ước, xin ước theo ý ông quan sáng suốt trong một câu chuyện cổ . Rằng thuở ấy có anh nông dân nuôi một đàn chiên. Anh hiền lành nhưng ông hàng xóm rất dữ. Ông này nuôi một bầy chó cũng rất dữ. Bầy chó này thường chạy sang nhà anh và cắn chết nhiều con chiên. Anh phàn nàn việc này với ông hàng xóm nhiều lần mà ông này vẫn bỏ ngoài tai. Sau cùng anh phải đem việc này lên quan. Quan nghe xong việc tố cáo, bèn hỏi ông hàng xóm có nhiều con không. Anh thưa : Nó có 3 đứa con trai rất dễ thương. Nghe xong, ông quan phán : ta có thể phạt anh hàng xóm và bắt anh ta nhốt đàn chó lại, nhưng nếu làm như thế thì anh sẽ mất một người bạn và thêm một kẻ thù. Vậy anh muốn có kẻ thù hay người bạn tốt? Anh nông dân thưa : Tôi muốn một người bạn tốt. Ông quan liền bảo : Vậy anh về nhà, hãy chọn 3 con chiên non rồi mang sang ông hàng xóm tặng cho 3 đứa con của ông ta. Anh ta về nhà và đã làm y như vậy. Ba đứa bé có 3 con chiên non làm bạn thì thích quá chừng. Ông hàng xóm vội làm cái cũi nhốt đàn chó lại, và từ đó cư xử với anh rất tốt. Ông ta là một thợ săn giỏi, nên mỗi lần đi săn về, bao giờ ông ta cũng chia phần săn bắn cho anh. Còn anh thì ngoài việc cho 3 con chiên non, anh ta còn năng đem thịt chiên và sữa chiên sang biếu ông hàng xóm. Hai người trở nên bạn thân, hai gia đình trở nên nghĩa thiết.

Từ câu chuyện này lão xin ước thế này : Xin Trời cho cộng đồng VN ta luôn luôn cư xử với nhau bằng lòng tốt và thiện tâm.

Nghe xong, ông ODP liền gật đầu ngay : Lời ước của Cụ chính là thông điệp Lễ Giáng Sinh. Sách Kinh Thánh chép rằng khi những người chăn chiên ngoài đồng đến chào mừng Chúa Hài Nhi nơi hang Bê Lem thì họ nghe thấy các thiên thần trên trời hát rằng : Bằng an dưới thế cho người thiện tâm.

Cả làng, không ai bảo ai, đã cùng thưa : Amen.

Kính chúc các cụ năm mới 2013 luôn luôn tràn đầy thiện tâm.

Trân trọng.

TRÀ LŨ