400 nhà sư khất thực ngày Phật Ðản 2556 Print
Tác Giả: Ðỗ Dzũng/Người Việt   
Thứ Hai, 07 Tháng 5 Năm 2012 06:47

‘Tiền bạc là quý, nhưng không bằng cúng dường xương máu’

WESTMINSTER (NV) - “Phật tử cúng dường bằng tiền bạc là quý, nhưng không quý bằng cúng dường xương máu,” Thượng Tọa Thích Thông Lai nói, trong lúc đứng dưới chân Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster, hôm Chủ Nhật, trước hơn 400 nhà sư vừa tham gia khất thực trên đại lộ Bolsa.

Hơn 400 nhà sư thuộc chùa Tầm Nguyên khất thực trên đại lộ Bolsa,
Westminster, hôm Chủ Nhật, nhân dịp Phật Ðản 2556.
(Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Thượng Tọa Thích Thông Lai là viện chủ hệ thống chùa Tầm Nguyên I, II và III, ở Seattle (Washington), Conroe (Texas) và Indio (California).

Thượng tọa nói tiếp: “Hôm nay, sau khi khất thực, chúng ta có mặt tại đây để tưởng niệm và tri ân các chiến sĩ QLVNCH và gần 60,000 binh sĩ Mỹ đã hy sinh để chúng ta sống trong tự do, để cho chúng ta an lành tu học, từ năm 1954 đến 1975, tại miền Nam Việt Nam.”

“Tôi là một Phật tử miền Nam, luôn nhớ câu 'Uống nước nhớ nguồn,'” thượng tọa nói tiếp. “Tôi uống nước sông Ðồng Nai, sông Cửu Long, thì tôi phải nhớ ơn các chiến sĩ VNCH, là những thí chủ anh hùng. Quý vị có đồng ý với tôi không?”

Mọi người cùng vỗ tay đồng tình.

Rồi thượng tọa nói tiếp: “Ngoài ra, trong 37 năm qua, chúng ta không thể quên những thương phế binh VNCH, những người tù cải tạo, những phụ nữ bỏ mình trên biển, trong lúc đi tìm tự do. Và chúng ta cũng không quên người dân Việt Nam đang sống trong một nhà tù, mà Nguyễn Tấn Dũng là cai tù và đảng Cộng Sản Việt Nam là chủ nhà tù. Quý vị có đồng ý với tôi không?”

Mọi người lại vỗ tay đồng ý.

“Và chúng ta cũng đừng quên những nhà tranh đấu như Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý và nhạc sĩ Việt Khang. Ngoài ra, Việt Nam đang ngày càng rơi vào tay Trung Quốc,” Thượng Tọa Thích Thông Lai nói thêm.

Các nhà sư tập trung trong phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt trước khi
đi khất thực. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)  

 Sau nghi thức chào quốc kỳ VNCH, Hoa Kỳ và Phật Giáo Kỳ, Thượng Tọa Thích Thông Lai gõ dàn địa chung và cùng mọi người đọc “A Di Ðà Phật” nhiều lần để cầu siêu cho những người đã khuất. Kế đến, mọi người cùng nhau hát hai ca khúc của nhạc sĩ Việt Khang, “Anh Là Ai?” và “Việt Nam Tôi Ðâu?”

Trước đó, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, các nhà sư đến bằng năm chiếc xe bus, cầu nguyện, và đi từ đường Moran ra đại lộ Bolsa, hướng về đường Magnolia, rồi quay trở lại bên kia đại lộ Bolsa, quay lại đường Moran và trở về nơi xuất phát, tiếp tục cầu nguyện, trước khi lên xe bus ra Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ.

Tất cả nhà sư khất thực đều mặc áo cà sa, trên cổ có khoác một khăn màu vàng thả xuống hai bên, được cột bằng một cái nơ màu đỏ. Hai bên khăn là hai hàng chữ “Nam Mô A Di Ðà Phật,” cuối mỗi hàng chữ là một hoa sen màu hồng. Giữa khăn, phía sau cổ, là chữ “Chùa Tầm Nguyên”.

Quang cảnh buổi khất thực rất nhộn nhịp. Hàng trăm đồng hương đổ ra để cúng dường, nào bánh trái, tiền, phong bì, sữa hộp, nước uống... Tiệm Hương Hương Food To Go còn để 400 phần ăn trên một cái bàn, ngay góc Bolsa và Moran, chờ đoàn khất thực.

Thượng Tọa Thích Thông Lai (giữa) dẫn đầu đoàn khất thực.
(Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) 

Bà Nguyễn Thị Sâm, cư dân Seattle (Washington), nhân dịp du lịch đến Little Saigon, cũng đến để ủng hộ đoàn khất thực.

Bà nói: “Tôi nghe nói thầy mở tăng đoàn. Thầy là người có đức, có hạnh, là người đức độ với chúng sanh. Vì thế, tôi đến để ủng hộ thầy.”

Cô Thanh Nguyễn, cư dân Westminster, cầm một xấp phong bì màu trắng, đợi từng nhà sư đến, mở nắp hộp ra, và bỏ phong bì vào.

“Ðây là cơ hội duy nhất của tôi trong năm nay cúng cho các thầy,” cô nói. “Lâu lâu mới có một lần.”

Anh Bảo Nguyễn, hiện sống ở Anaheim, cầm một xấp tiền $1, dẫn một đứa con đi cúng dường, nói: “Tôi chỉ muốn cúng dường, theo truyền thống Phật Giáo.”

Một phụ nữ, không muốn nêu tên, làm việc gần tiệm Hương Hương Food To Go, cầm trên tay một xấp phong bì đỏ, chừng hơn 60 cái, đứng đợi đoàn khất thực đến, nói: “Cách đây vài năm, tôi có thấy một số thầy khất thực trên đường Bolsa, nhưng chạy ra không kịp. Năm nay, nghe nói các thầy khất thực, tôi chuẩn bị trước.”

Khi đoàn khất thực bắt đầu rảo bước, có vài người cầm bảng và cầm loa chống đối. Một tấm bảng viết rằng “'Về Nguồn' tiếm danh GHPGVNTNHK làm công cụ cho VC”. Một bảng khác ghi “Tầm Nguyên 1, 2, 3 biểu diễn lực lượng”.

Trong lúc người biểu tình đả đảo, các Phật tử và nhà sư vẫn bình tâm, tụ lại ngày càng đông, và chỉ đọc “A Di Ðà Phật,” từ cuối đường Moran ra tới đại lộ Bolsa, có lúc át luôn cả tiếng của phía chống đối.

Ông Ngọc Nguyễn, một trong những người chống đoàn khất thực, nói: “Chúng tôi chống những người tu giả tạo, đội lốt nhà tu phản bội GHPGVNTN. Chúng tôi không chống người tu chân thật.”

Cô Bùi Trinh, đang sống ở Westminster, không đồng ý.

Cô nói: “Thầy được biết bao nhiêu người ủng hộ, trong khi chỉ có vài người chống. Họ có quyền chống, nhưng làm như vậy không đúng, vì người ta tu hành đàng hoàng. Làm như vậy là phá đạo.”

Phật tử cúng dường các nhà sư khất thực. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Bà Trần Thị Minh Ðức, nói là “cư dân của Bolsa,” đến gần ông Ngọc và lớn tiếng: “Dọn dẹp tụi Cộng Sản này đi, cứ giả đò chửi các nhà tu. Trần gian là nơi tạm trú, ai cũng phải chết. Con của ông cũng có đứa đi tu, đứa đi ăn cướp. Ông cũng có lúc này lúc khác. Nếu không đúng, đã có Cha Trời dẹp, không phải ông.”

Cô Holly Trần, cư dân Huntington Beach, cũng bất bình với người biểu tình. Cô nói: “Người ta mặc áo cà sa, phải im lặng để người ta đi. Người ta đi tu, không còn gì trong cuộc đời. Phải tôn trọng chiếc áo cà sa, sai đúng người ta biết, mình phải giữ trang nghiêm.”

“Tôi rất xúc động khi thấy các nhà sư khất thực,” cô nói thêm.

Những người ủng hộ và chống đoàn khất thực có lúc lớn tiếng với nhau, làm ban tổ chức phải đến can ngăn và nói: “Xin mọi người hãy bình tĩnh.”

Ông David Schwartz, một người Mỹ sống ở Costa Mesa, cho rằng “sự kiện tôn giáo này rất hay” và “chống đối là chuyện bình thường”.

Ông chia sẻ: “Tôi thấy sự kiện này thật tuyệt vời. Tại Mỹ, mọi người có quyền tự do hành đạo, ăn mừng ngày sinh của Ðức Phật, mà không bị đàn áp. Ðối với người chống đối, chúng ta phải tôn trọng quan điểm của họ. Nếu chúng ta bịt miệng họ, người khác sẽ bịt miệng chúng ta.”

Ðoàn khất thực làm lễ cầu siêu tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster.
(Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Tuy nhiên, anh Phil Trần, một cư dân của Irvine, cho rằng, qua sự kiện này, “cộng đồng chưa đoàn kết”.

“Ai cũng thấy sự chia rẽ trong cộng đồng, nó quá hiển nhiên,” anh nhận xét. “Tôi không theo dõi sinh hoạt trong cộng đồng, thành ra, sẽ là không công bằng để nói ai đúng, ai sai.”

Về cuộc khất thực năm nay, khi trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt hồi Tháng Tư, Thượng Tọa Thích Thông Lai giải thích: “Lý do chúng tôi khất thực là muốn làm sống lại tinh thần Ðức Phật. Ngày xưa, Ðức Phật không ở trong chùa, mà đi khất thực sống qua ngày. Chúng tôi tổ chức khất thực bao gồm nhiều người tu hành là trí thức, trong ngày đó, họ bỏ quần áo đời thường, mặc vào chiếc áo cà sa. Họ bình đẳng với tất cả mọi người, giống như đi chung với hành khất, để thương họ nhiều hơn, theo lời Ðức Phật dạy.”