BS Nguyễn Trần Hoàng nói về sức khỏe người cao niên Print
Tác Giả: Ðỗ Dzũng/Người Việt   
Thứ Năm, 07 Tháng 6 Năm 2012 03:45

“Những vấn đề của người cao niên, và cả trung niên nữa, ví dụ như bệnh cao huyết áp, ung thư, té ngã, tai biến mạch máu não (stroke), đều rất đáng quan tâm."

WESTMINSTER (NV) - BácSĩ Nguyễn Trần Hoàng vừa có một buổi nói chuyện với đề tài “Một số vấn đề sức khỏe thường gặp ở người lớn tuổi” tại Viện Việt Học, Westminster, hôm Chủ Nhật.

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng nói chuyện về sức khỏe của người cao niên tại
Viện Việt Học, Westminster. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Theo bác sĩ, dù là bác sĩ gia đình, nhưng ông lại rất quan tâm đến người cao niên, nhất là vấn đề tâm lý.

“Tâm lý người bệnh, nhất là người cao niên, rất quan trọng,” Bác Sĩ Hoàng nói với cử tọa. “Những vấn đề của người cao niên, và cả trung niên nữa, ví dụ như bệnh cao huyết áp, ung thư, té ngã, tai biến mạch máu não (stroke), đều rất đáng quan tâm. Và để những căn bệnh này không hành hạ chúng ta, bệnh nhân phải biết bí quyết sống, và sống khỏe. Ðó là ‘viên thuốc thần’ cho sức khỏe.”

Cao huyết áp

 Theo Bác Sĩ Hoàng, trong số 50 triệu người bị bệnh cao huyết áp tại Hoa Kỳ, “chỉ có 34% được chăm sóc đủ để mức huyết áp trở lại mức bình thường”.

“Trong khi đó, cao huyết áp là một trong những nguy cơ chính dẫn tới tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và suy thận,” bác sĩ cho biết. “Nếu điều trị cao huyết áp, tai biến mạch máu não sẽ giảm từ 30 đến 40%, nhồi máu cơ tim sẽ giảm từ 20 đến 25%, suy tim giảm trên 50% và suy thận cũng giảm.”

Không chỉ chữa bệnh, mà thay đổi lối sống cũng là điều cần thiết để giảm cao huyết áp.

Bác Sĩ Hoàng khuyên: “Giảm cân để cơ thể có chỉ số BMI (Body Mass Index) vừa phải, ở mức 18.5, là điều rất cần thiết. Thêm vào đó, phải ăn nhiều trái cây, rau, sữa ít béo, ăn ít chất béo và chất béo bão hòa, giảm muối, tập thể dục 30 phút/ngày. Nếu có uống rượu thì uống vừa phải, và tránh thuốc lá.”

Huyết áp giảm là nhờ thuốc, không nên tự động ngừng thuốc khi thấy huyết áp không còn cao, và cần phải phối hợp với bác sĩ và phải chú ý bệnh tình thường xuyên, Bác Sĩ Hoàng cho biết thêm.

 Ung thư

 Ðối với căn bệnh ung thư, Bác Sĩ Hoàng cho biết: “Không phải ung thư nào cũng giống nhau. Ðây là nguyên nhân gây chết đứng hàng thứ hai ở Hoa Kỳ. Thống kê cho thấy, phân nửa đàn ông và 1/3 đàn bà bị ung thư trong cuộc đời.”

Và để giảm bớt sự phát triển của ung thư, “chúng ta phải thay đổi cách sống, như là ngưng hút thuốc, ăn uống đúng cách, và ung thư được phát hiện càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng cao”, theo bác sĩ cho biết.

Ngoài ra, bác sĩ cho biết, người bị ung thư nên giảm hoặc bỏ rượu, ăn ít chất béo, nhiều rau quả tươi, tránh thức ăn chế biến sẵn, tập thể dục, ngừa viêm gan siêu vi, tình dục an toàn. Riêng đối với phụ nữ, phải làm Pap's smear, khám vú hàng năm, bắt đầu khi 40 tuổi. Ðối với nam giới, nên thực hiện PSA, khám nhiếp hộ tuyến, bắt đầu khi 50 tuổi. Cả nam lẫn nữ, khi được 50 tuổi, nên truy tầm ung thư ruột già.

 Té ngã

 Té ngã có lẽ là một để tài quan trọng và ảnh hưởng sức khỏe người cao niên.

Theo Bác Sĩ Hoàng, tỉ lệ và độ trầm trọng của té ngã tăng lên từ từ khi bắt đầu 60 tuổi.

“Mỗi năm, có một phần ba số người từ 65 tuổi trở lên bị té, tỉ lệ này càng cao hơn sau tuổi 75,” bác sĩ nói. “Ðối với người cao niên, té thường gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn như gãy xương, và khi phải nằm liệt giường, các hậu quả tiếp theo về tâm thần cũng như thể chất cũng trầm trọng hơn ở người trẻ rất nhiều. Khoảng 5% người cao niên bị té phải vào bệnh viện. Họ thường mất tự tin, làm cho họ giảm các hoạt động thể lực cần thiết và càng suy yếu hơn, cũng như bị cách ly hơn về mặt xã hội, càng yếu hơn và dễ bị chết sớm.”

Về nguyên nhân, bác sĩ cho biết, té ngã có thể do tai nghểnh ngảng, mắt mờ, rối loạn về thăng bằng (cũng là một chức năng của tai), lãng trí, rối loạn tâm lý như lo lắng, trầm cảm, bệnh về xương khớp, tim mạch, tiểu đường, bệnh của tuyến giáp trạng, bệnh của bàn chân như bị u chai ở bàn chân.

Các yếu tố bên ngoài có thể do thuốc men, lên xuống cầu thang, thiếu ánh sáng, giày không vừa, sàn nhà trơn, không có tay nắm an toàn trong nhà tắm và nhà vệ sinh, thảm lỏng lẻo, dây điện vướng chân...

Bác Sĩ Hoàng nói: “Một điều ít ai để ý là xuống thang thường dễ bị té hơn lên thang. Ngoài ra, còn có một nguyên nhân nữa là nguy hiểm ngoài đường như đường trơn, lề đường không bằng phẳng.”

Bác sĩ cho biết, có nhiều cách phòng ngừa té ngã:

-Kiểm tra xem đã điều trị đúng mức các bệnh về mắt, tai, khớp.

-Kiểm tra xem thuốc men đã dùng đủ và đúng chưa, ngay cả thuốc mua không cần toa bác sĩ. Nên thảo luận với bác sĩ để uống thuốc hoặc ngưng thuốc, không nên tự ý. Các thuốc trị các bệnh kinh niên như cao huyết áp, tiểu đường là các thuốc phải uống thường xuyên, nếu không sẽ có các biến chứng rất nguy hiểm.

“Ðiều quan trọng là nếu cần thì phải dùng đúng, nếu không cần thì không lạm dụng,” Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng khuyên.

Sự an toàn trong nhà cũng là điều cần chú ý, theo bác sĩ. Những điều này không tốn kém gì nhiều và cũng không mất nhiều thời gian.

Ông nói thêm: “Bị gãy xương hoặc các biến chứng nặng hơn vì những điều không đáng là chuyện không nên để xảy ra. Nếu đi không vững thì dùng gậy chống, không nên mắc cỡ đến nỗi không dám ra đường. Nên nhớ là nếu vì sợ té mà không dám nhúc nhích, hoạt động gì cả, thì còn tệ hơn là bị té. Cái chính là phải có cố gắng vận động vừa sức và thường xuyên.”

Và để tránh té ngã, theo Bác Sĩ Hoàng, khi mới thức dậy, người cao niên nên nằm yên khoảng nửa phút cho tỉnh táo hẳn, ngồi dậy nửa phút trên giường cho tỉnh thêm và để máu lên não, bỏ chân xuống giường, chờ thêm nửa phút để máu bơm lên não thật đủ và tỉnh thêm, sau đó mới di chuyển.

“Nhưng trước khi làm những chuyện này, quý vị nhớ phải bật đèn cho đủ sáng,” bác sĩ nói thêm.

 Tai biến mạch máu não

 Khi bị tai biến mạch máu não, phải được đưa đi cấp cứu ngay, bác sĩ cho biết. Các dấu hiệu báo động của tai biến mạch máu não có thể là sự xuất hiện đột ngột một (hoặc nhiều hơn) các triệu chứng như bất thình lình tê hay yếu một bên của cơ thể, bất thình lình bị mất hay rối loạn thị giác, bất thình lình bị nhức đầu dữ dội, chóng mặt hoặc lú lẫn, mất thăng bằng, giọng nói lắp bắp hoặc khó khăn trong việc truyền đạt tư tưởng.

“Các triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột,” Bác Sĩ Hoàng giải thích. “Ðôi khi, tai biến mạch máu não có thể được báo trước bằng các cơn thiếu máu não tạm thời, trong đó các triệu chứng không bình thường kéo dài khoảng 5 đến 20 phút, tối đa là 24 tiếng đồng hồ.”

Ðể tránh tử vong, Bác Sĩ Hoàng khuyên: “Khi bị tai biến mạch máu não, thời gian điều trị có thể có hiệu quả nhất là trong vòng 90 phút từ khi có triệu chứng. Nên gọi bác sĩ hoặc cấp cứu ngay khi có các triệu chứng lạ.”

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng: “Thích những cái mình (thật sự) cần (hơn là thích những cái mà mình tưởng là cần) có lẽ là ‘viên thuốc thần’ duy nhất giúp mọi người khỏe mạnh.” (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

“Nên nhớ, thời gian từ lúc bị đến lúc được chữa trị trong các trường hợp này là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định bệnh nhân có hồi phục hay không,” Bác Sĩ Hoàng cảnh báo. “Nên nhớ rằng, 90 phút ‘sống chết’ này bao gồm cả thời gian làm xét nghiệm để xác định chẩn đoán trước khi bắt đầu cho thuốc. Ðừng mất thời 'sửa soạn' hay chờ 'người này người kia.' Nếu không kịp 90 phút thì càng sớm vẫn càng tốt hơn.”

Kết thúc buổi nói chuyện, Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng khuyên: “Chúng ta nên làm chủ sức khỏe, ăn uống hợp lý, vận động đúng mức, cân bằng tâm lý, bỏ hút thuốc và bớt uống rượu. 'Thích những cái mình (thật sự) cần' (hơn là thích những cái mà mình tưởng là cần) có lẽ là 'viên thuốc thần' duy nhất giúp chúng ta sống đơn giản, mạnh khỏe, thành công và hạnh phúc.”