Nông gia Mỹ đa dạng hóa sản phẩm bằng cách tiến vào việc nuôi thủy sản Print
Tác Giả: VOA   
Chúa Nhật, 04 Tháng 12 Năm 2011 20:19

Các cơ quan tiểu bang và liên bang đã khuyến khích họ bỏ trồng thuốc lá quay sang nuôi thủy sản.

Thuốc lá là một thứ cây mà người Mỹ đã trồng từ thời quốc gia này còn là một thuộc địa của nước Anh. Nhưng trong những năm gần đây, thuốc lá ngày càng được trồng ít đi.

Kể từ hơn một thập niên nay các cơ quan của tiểu bang và liên bang vẫn khuyến khích nông gia trồng thuốc lá hãy bỏ loại cây trồng này và tìm cách sản xuất những mặt hàng khác.

Thông tín viên Mike Osborne đến thăm một nông trại tại Springfield, bang Tennessee đang mạo hiểm vào ngành nuôi thủy sản, một khu vực nông nghiệp của thế giới có trị giá tới 70 tỉ đô la một năm và vẫn còn đang phát triển.
 

  Hình: VOA - M. Osborne  / Gia đình Corbin ở Tennessee tháo nước trong ao để thu hoạch tôm mà họ nuôi từ 5 tháng qua
 

Hiện đang là mùa thu hoạch tại Tennessee, nhưng gia đình bà Corbin, với người phụ nữ đứng đầu cai quản là bà Jane Corbin, không chuẩn bị thu hoạch những nông phẩm thông thường như bắp, bông vải hay đậu nành.

Bà Corbin và mấy cậu con trai đang tháo nước trong ao để thu hoạch tôm mà họ nuôi từ 5 tháng qua. Bà Jane cho biết chuyện bà tiến vào ngành nuôi tôm xảy đến hầu như thật tình cờ.

 Bà cho biết: "Tôi chưa bao giờ gặp ai nuôi tôm mà cũng chưa bao giờ nhìn thấy một con tôm nước ngọt, nhưng tôi đã đọc sách về chuyện này và chợt nghĩ, ừ coi bộ cũng lý thú đấy."

Trí tò mò có thể đã đưa đường dẫn lối cho bà Jane Corbin tiến vào ngành nuôi tôm vào những năm cuối thập niên 1990, nhưng những nông gia khác ở miền nam nước Mỹ muốn thử thời vận vì các cơ quan tiểu bang và liên bang đã khuyến khích họ bỏ trồng thuốc lá quay sang nuôi thủy sản.

 Bà cho biết tiếp: "Nuôi thủy sản được khuyến khích như một phương cách thay thế thuốc lá liên quan đến vấn đề thu nhập. Dĩ nhiên đây không phải là lý do tôi tiến vào ngành nuôi tôm, điều đó không đúng, nhưng rất nhiều người quay sang nuôi tôm vì lý do này và rồi họ thấy rằng nuôi tôm không đem về nhiều lợi nhuận."

Giáo sư Tony Johnston dạy về nông nghiệp và khoa lương thực tại trường đại học Trung bộ bang Tennessee. Ông cho biết cái khó khăn trong việc tìm ra một cái gì thay thế cho trồng thuốc lá là hầu hết các nông trại trồng thuốc lá tương đối nhỏ.

Ông giải thích: "Vấn đề lớn cho tất cả các tiểu bang trồng thuốc lá là tìm ra những vụ mùa nhỏ để thay thế, những vụ mùa thích hợp đem lại đủ tiền tiêu tương tự như vụ mùa do các cây trồng đem về. "

Giáo sư Johnston cho hay vụ mùa thích hợp thành công nhất là những loại có thể thu hút khách tiêu thụ đến tận nông trại và đầu tư vào  trong tiến trình canh tác.

Trường hợp của bà Jee Jayme là một thí dụ điển hình. Bà vẫn mua tôm của gia đình bà Corbin từ nhiều năm nay, và rất thích mua tôm mà nông trại Corbin thu hoạch được.

Bà nói: "Chính sự tử tế và lòng thành thật của họ khiến tôi cứ trở lại đây hoài. Và nhất là tôm nuôi ngay ở đây, tại nước Mỹ này, chứ không phải nhập từ Trung Quốc hay một nước nào đó. Ngay ở đây, trong bang Tennessee này đây."

Trong cùng cuối tuần nhà Corbin tát ao vớt tôm họ cũng lại thu họach thuốc lá trồng ở ngay cùng một cánh đồng. Trong lúc vụ mùa phụ rõ ràng chưa thay thế được cho thuốc lá trên các nông trại ở nước Mỹ, giáo sư Johnston cho hay thí nghiệm trong ngành nuôi tôm đã có được một số giá trị.

Giáo sư Johnston cho biết điều ông nhận thấy là các nông gia hiểu ra rằng họ không thể lệ thuộc vào chỉ một loại vụ mùa. Họ phải đa dạng hóa.

Điều căn bản là cánh cửa đã mở và người ta bắt đầu nghĩ tới những gì khác hơn điều mà họ vẫn làm từ bao đời nay.

Gia đình bà Corbin vẫn trồng một số thuốc lá, nhưng họ đã đa dạng hóa nhiều hơn hầu hết các nông gia khác, đó là nuôi gia súc, trồng các loại hoa màu vẫn trồng từ trước đến nay, trồng hoa, trồng rau và nuôi tôm nữa.

 Đây là một thử thách mà bà Jane Corbin rất thích. Bà nói: "Tôi cảm thấy được tưởng thưởng nhìn thấy những gì mà mình nuôi trồng và những gì mà mình có thể sản xuất. Nó tạo cho tôi một cảm giác hết sức hài lòng."

Và cũng nó cũng có thể là cảm giác hài lòng khi người ta can dự vào một trong những phương cách sản xuất lương thực đang tiến triển nhanh nhất trên thế giới.