Giám Mục nghèo lăn lóc với giáo dân nghèo Print
Tác Giả: Mặc Giao   
Thứ Bảy, 18 Tháng 12 Năm 2010 09:56

        Có lẽ giáo phận Kontum là một giáo phận nghèo nhất của Giáo Hội Việt Nam.

Nghèo vì đa số giáo dân là đồng bào thuộc các sắc tộc thiểu số, chúng ta quen gọi là đồng bào Thượng, sống ở vùng rừng núi Tây nguyên. Đời sống của họ rất khổ cực, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc, lấy gì mà đóng góp cho việc thờ phượng và cho việc chung của giáo hội địa phương? Ngược lại, họ còn phải nhờ cậy sự giúp đỡ của "nhà thờ" để đời sống của họ bớt cơ cực. Tình trạng giáo dân như thế thì không thể có nhiều người vượt biên ra ngoại quốc để gửi tiền về giúp bà con ở quê nhà và xây cất những cơ sở và thánh đường lộng lẫy kiểu "tiểu Vatican". May thay, giáo phận có một vị chủ chăn biết soay sở để làm cho giáo phận tiếp tục sống và còn có thể giúp đỡ những con chiên khốn cùng. Nhưng đó chỉ là mặt vật chất. Quan trọng hơn là mặt tinh thần. Vị chủ chăn và các linh mục cộng tác với ngài đã chấp nhận hoàn cảnh nghèo khó để truyền bá Tin Mừng và củng cố đức tin cho những người nghèo. Vị chủ chăn đó là Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh.

        Đã nghèo lại còn khổ vì nhiều giáo dân sống trong vùng sâu và xa phải chịu cảnh mà Đức Cha gọi là "3 không": "không nhà thờ, không linh mục, không phụng tự hay sinh hoạt tôn giáo! Có xin phép cũng không cho" (Thư gửi gia đình giáo phận Kontum ngày 11-11-2010).

        Dù khó như vậy, chủ chăn vẫn không bỏ rơi con chiên. Ngày 11-09-2010, Ngài đã viết thư cho Chủ tịch tỉnh Gia Lai để xin phép và thông báo chương trình thăm viếng và làm lễ cho giáo dân tại một số thôn bản. Chờ 57 ngày vẫn không có trả lời, Đức Cha đã quyết định đi thăm các xã Yang Trung, An Trung và Sơn Lang ngày 07-11-2010.

        Tại Yang Trung, Ngài cử hành thánh lễ cho giáo dân tại tư gia của ông bà Trần Đình Hinh (vì không có nhà thờ hay nhà nguyện) từ 6 giờ 30 sáng. Sau thánh lễ, công an đến đe dọa gia đình ông bà Hinh, cấm không được làm như vậy lần sau. Những ngày kế tiếp, ông bà Hinh còn bị triệu lên đồn công an để "làm việc", có nghiã là bị hỏi cung và lập biên bản.

        Tiếp đó, lúc 9 giờ sáng, Giám Mục và phái đoàn đến An Trung, huyện Kon Chro, cách Yang Trung 10 cây số để dâng lễ cho giáo dân tại nhà ông Bộ và bà Huệ. Chủ tịch xã và một cán bộ cũng vào theo. Lễ xong, chủ tịch xã kêu 4, 5 cán bộ thuộc nhiều ban ngành tới lập biên bản. Đức Cha yêu cầu thay chữ biên bản bằng "Bản ghi nhận sự việc", và Đức Cha đã ký "rất nhẹ nhàng".

        2 giờ chiều, phái đoàn tới Sơn Lang, huyện K’Bang, cách An Trung khoảng 135 cây số. Tới đó, gặp đường đang sửa và mưa dầm dề, phái đoàn phải bỏ ôtô và chia nhau ngồi 8 xe hai bánh. Giám mục cũng ngồi xe ôm. Tới gần thị trấn Sơn Lang thì bị chặn và hỏi giấy tờ. Khi biết phái đoàn đến dâng lễ tại nhà ông bà Tuyền thì cán bộ yêu cầu phái đoàn chờ ở đấy để họ xin ý kiến của chính quyền xã. Chờ hơn 2 tiếng đồng hồ dưới trời mưa và lạnh, cán bộ cho biết không thể liên lạc được với chủ tịch xã, phái đoàn buộc lòng phải quay về và tới Pleiku lúc hơn 10 giờ đêm. Dù việc dâng thánh lễ tại nhà ông bà Tuyền không thành, nhưng ông Tuyền vẫn bị gọi lên trụ sở công an ngày hôm sau và bị giữ cả ngày ở đó để "làm việc".

        Trong thư dẫn ở trên, Đức Cha cho biết những giáo dân bị đe dọa, bị vặn hỏi đã trả lời thẳng thắn là không có gì sai trái trong việc mời giám mục hay linh mục đến dâng lễ cho bà con vì 3 lý do:

        1/ Hiến Pháp và Pháp Luật đã xác nhận quyền tự do tôn giáo và quyền của giám mục trong mỗi giáo phận,

        2/ Giám mục đã gửi văn thư báo chính quyền các cấp; các cấp không có văn bản từ chối,

        3/ Không có nền văn hóa nào lại đi cấm con cái không được mở cửa đón cha của mình (Đức Giám Mục Giáo Phận) và anh chị em mình (giáo dân) về thăm nhà, vào nhà mình.

        Cuối cùng, người thì chỉ viết bản tường trình, người thì ký biên bản nhưng có ghi thêm "Tôi không đồng ý nội dung biên bản này".

        Qua những việc xảy ra như trên, người ta lại nhận thấy thêm một lần nữa là nhà nước cộng sản Việt Nam ban hành Hiến Pháp và Luật Pháp để chơi cho vui, để lòe thiên hạ, còn việc áp dụng thì rất tùy tiện, thích điều nào thì áp dụng điều đó, không thích điều nào thì bỏ luôn, rất nhiều trường hợp làm ngược Hiến Pháp và Luật Pháp một cách vô tội vạ. Một nhận xét khác là nạn sứ quân lộng hành. Mỗi địa phương là một tiểu quốc gia, không cần tuân thủ luật chung, không thèm chấp hành lệnh của trung ương, vì thế mới có hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược và "trên bảo dưới không nghe".

        Về phần Đức Cha Oanh và giáo dân Kontum, cha nào con nấy, đều kiên cường bảo vệ lẽ phải và quyền lợi đương nhiên của mình, dù bằng sự nhẹ nhàng tử tế.

        Riêng Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, ngài là vị giám mục duy nhất dưới vỹ tuyến 17 luôn luôn lên tiếng hiệp thông với các chủ chăn và con chiên ở những nơi bị đàn áp, đánh đập, bắt bớ, cướp đất. Trong thời gian gần đây, hai lần ngài xuống núi để truyền chức linh mục và phó tế cho các thầy Dòng Chúa Cứu Thế tại Sài Gòn. Giáo quyền Sài Gòn ngần ngại không truyền chức vì có vài thầy bị nhà cầm quyền không cho phép với lý do không hợp lệ về hộ khẩu. Đức Cha Oanh không quan tâm chuyện đó vì ngài có lý của ngài: "Việc truyền chức thánh là việc tôn giáo, là quyền của giáo hội, không liên quan gì đến chính quyền".

        Đó là những chuyện về lý, còn về tình thì Đức Cha Oanh đã làm những việc cụ thể cho dân nghèo và tỏ tình thương đối với họ, không cần phải hô khẩu hiệu "đồng hành với dân tộc và với người nghèo". Cách đây mấy năm, người viết bài này đã được xem một video về lễ Giáng Sinh tại nhà thờ Chính tòa Kontum (hình như vào năm 2005) và thực tình súc động. Hàng mấy chục ngàn giáo dân Thượng kéo về nhà thờ chánh tòa Kontum cả tuần trước ngày lễ Giáng Sinh. Họ phải đi sớm vì đường xa, phải đi bộ vượt suối băng rừng, nhất là để khỏi bị công an ngăn chặn. Họ có kinh nghiệm là việc ngăn chặn thường gia tăng vào những ngày áp lễ. Những giáo dân này không có tiền, không có thực phẩm mang theo. Họ ăn ở vật vạ bất cứ chỗ nào có thể, dưới mái nhà thờ, trên hè nhà chung, nhà dòng và trên sân trống, trên bãi cỏ. Chúng ta hãy tưởng tượng việc giữ trật tự, vệ sinh và nhất là ăn uống cho cả chục ngàn người trong nhiều ngày tạo ra những vấn đề khó khăn như thế nào. Vậy mà với tình thương và tài huy động của Đức Cha, mọi người đã được nuôi ăn và sinh hoạt rất trật tự. Số gạo dự trữ của tòa giám mục và các dòng tu được trưng dụng hết, thức ăn và nhu yếu phẩm được mua vét trên khắp các chợ và cửa hàng của thị xã Kontum. Các nữ tu, các thiện nguyện viên già trẻ suốt ngày lăn xả vào "vòng khói lửa" để nấu ăn, không phải chỉ phục vụ những bữa chính, nhưng còn phải cung cấp thức ăn cho những người bụng đói từ xa tới vào bất cứ giờ nào, ngày hay đêm. Buổi sáng sau ngày lễ, còn phải cung cấp cho mỗi người một gói cơm và thức ăn để họ có thực phẩm ăn trên đường về nhà. Nhìn hình ảnh các nữ tu và các thiện nguyện viên tất bật phục vụ từ trong bếp đến bên ngoài, vẻ mặt vẫn tươi cười, tôi thấy qủa thật một việc làm dù nhỏ bé có giá trị hơn trăm ngàn lần lời nói xuông. Phần thưởng cho họ là được chứng kiến hàng hàng lớp lớp anh em đồng đạo hớn hở, vui tươi trong "Đêm Thánh Vô cùng", là thấy những gương mặt hiền lành, chất phác nhưng hằn lên một đức tin kiên vững dưới ánh lửa bập bùng.

        Tôi còn biết tòa Giám Mục và các nữ tu địa phận Kontum đã mở mang và đang điều hành nhiều cơ sở từ thiện và giáo dục, như viện mồ côi, trường dậy chữ và dậy nghề cho các em khiếm thị và những em bị khuyết tật để các em có thể tự nuôi sống mình khi lớn lên, trường dậy nghề chuyên môn (computer và các nghề khác) cho các thiếu niên lành lặn, con nhà nghèo để các em có cơ hội thăng tiến trong tương lai.

        Đa số dân Thượng còn chậm tiến vì không được hưởng sự giúp đỡ, đặc biệt về giáo dục. Họ lại bị người kinh chiếm hết những khu đất canh tác tốt và những khu rừng nhiều tài nguyên. Vì vậy họ cứ phải lùi dần vào những vùng sâu và xa để sinh sống. Hậu qủa là càng chậm tiến và càng nghèo hơn. Nhiều người đẻ con ra là bồng đến cho các sơ nuôi. Có người vứt trẻ sơ sinh ở ven rừng. Các sơ có thêm công việc vào rừng kiếm những trẻ bị vứt bỏ đem về nuôi. Những trẻ em bệnh hoạn không có nhà thương nào cứu chữa, được cha mẹ đưa đến bệnh xá của các sơ. Ở đây, các sơ chỉ chữa được các bệnh thông thường. Gặp bệnh khó là phải chở đi Qui Nhơn, Nha Trang hay Sài Gòn chữa trị. Muốn được chữa phải xin xỏ trước và phải nộp tiền, kể cả tiền hợp lệ và bất hợp lệ, chưa kể phải có người đi theo và phương tiện chuyên chở. Hội Medical Aid từ Mỹ và Canada có đến Kontum năm ngoái để chữa cho một số khá đông bệnh nhân tại đây.

        Sở dĩ tôi biết một số chuyện về giáo phận nghèo Kontum vì một cháu gái gọi nhà tôi là cô họ đang phục vụ tại địa phận. Vợ chồng cháu là những kỹ sư làm cho hãng Boeing tại Mỹ. Sau mấy năm về làm từ thiện trong những tháng hè tại vùng cao nguyên Trung phần, các cháu mủi lòng trước cảnh khổ của đồng bào thiểu số, nhất là các trẻ em, các cháu quyết định về Mỹ bán hết nhà cửa, bỏ công việc, trở về Việt Nam phục vụ toàn thời gian. Hai cháu đã lên Kontum giúp Đức Cha Oanh nhiều năm. Hiện nay chỉ còn cháu Thúy Anh vẫn làm việc với Đức Cha. Chồng cháu phải xuống Sài Gòn dậy chương trình Master cho một chi nhánh của một đại học Mỹ để kiếm tiền nuôi vợ và làm từ thiện. Các cháu đã sang Calgary mấy lần để nhờ chúng tôi giới thiệu với một số vị hảo tâm. Lần đầu, tại tư gia chúng tôi, sau khi nghe các cháu trình bầy một số dự án, những vị có mặt tại chỗ đã ủng hộ trên 10,000 Đô la ngay tối hôm đó. Hiện nay, nhiều vị từ tâm tại Calgary vẫn thỉnh thoảng nhờ chúng tôi gửi tiền cho các cháu. Ngoài việc dậy học, cháu Thúy Anh chuyên lãnh việc xin nhập bệnh viện cho các em bị bệnh nặng và đưa các em đi chữa, coi sóc và nuôi bệnh cho tới khi xuất viện rồi lại chở các em về. Một phần lớn phí tốn do vợ chồng cháu gánh chịu. Có một điều lợi, cháu là người Mỹ gốc Việt nên dễ giao thiệp với các đoàn y tế thiện nguyện ngoại quốc và cũng được các bác sĩ và y tá tại Việt Nam nể nang phần nào. Cháu kể có những lần họ không biết cháu là một kỹ sư Mỹ gốc Việt, họ tưởng cháu là loại nhà nghèo đi xin chữa chùa, họ chửi bới và xua đuổi như xua ăn mày. Đến khi thấy cháu nói chuyện tiếng Anh với phái đoàn ngoại quốc, họ đổi thái độ liền và những em bệnh do cháu đưa đến cũng được hưởng sự đãi ngộ khác hẳn.

        Tôi viết chuyện này không phải để khoe một phần tử trong gia đình, nhưng để nhân đó thưa với qúy vị một điều. Nhiều vị vẫn ủng hộ tiền làm từ thiện ở Việt Nam một cách rộng rãi. Có vị cho hàng ngàn, hàng vạn. Nhưng các vị có biết tiền của các vị được phân phối và xử dụng ra sao không? Bao nhiêu phần trăm dành cho chi phí hành chánh (administration fees)? Bao nhiêu phần trăm phải nộp (hay qùa cáp) cho nhà cầm quyền để được phép đến các địa phương làm từ thiện? Phần còn lại thì hay xảy ra hiện tượng "nước chảy chỗ trũng", tức là tiền đổ vào những nơi đã có nhiều tiền. Tiền của các vị được dùng để làm từ thiện thì ít, nhưng được dùng để xây những cơ sở cho thật vĩ đại, "hoành tráng" thì nhiều. Có ích lợi gì cho dân nghèo và cho việc loan báo Tin Mừng? Trong khi đó tại những vùng rừng núi xa xôi, giáo dân nghèo, giáo phận cũng nghèo, không được mấy ai lưu tâm tới. Tôi cũng đã được xem một video lễ kỷ niệm 50 năm một giáo xứ miền núi. Nhà thờ xây cất cách đây nửa thế kỷ vẫn nguyên như cũ, chỉ có gian thánh được xây tường gạch, phần còn lại là tre nứa, mái lợp lá, chung quanh được quây bằng những tấm cót và những tấm mành. Gió, mưa và khí lạnh cứ tự do xâm nhập. Nhìn ngôi thánh đường này, tôi nghĩ đến một số thánh đường vùng Sài Gòn và những nơi khác với mái lợp ngói tây, sàn bằng granite, bàn thờ bằng cẩm thạch, mà thầm ước phải chi qũy xây những thánh đường lộng lẫy này được san sẻ một phần rất nhỏ cho những nhà thờ tre nứa ở vùng quê và vùng rừng núi thì những anh chị em đồng đạo nghèo sẽ được sung sướng biết bao nhiêu! Chúng ta hiểu lời dậy "phải chia sẻ với anh em" như thế nào? Chẳng lẽ chỉ thích chia sẻ và chơi với nhà giầu và những người có quyền thế?

        Tôi không dám mong vị giám mục VN nào cũng giống như Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh. Mong vậy là chạm tự ái của qúy vị và làm cho Đức Cha Oanh buồn phiền vì phạm tới đức khiêm nhường của ngài. Nhưng thực tình tôi mến phục vị mục tử nghèo, chăn và nuôi một đoàn chiên nghèo, theo cả nghiã bóng lẫn nghiã đen, trong khi vẫn hiên ngang bầy tỏ lòng yêu công lý và sự thật, không chịu qụy lụy để tìm cách giảm bớt cái nghèo của cha con mình. Mục tử này, đoàn chiên này cần được hỗ trợ ưu tiên. Nhất là trong mùa Giáng Sinh đang đến.

Địa chỉ Tòa Giám Mục Kontum:
56 Trần Hưng Đạo
Kontum
Việt Nam
E-mail: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it

http://diendangiaodan.us/